Monday, 5 October 2015

(Huệ Lộc Tôn Thắng Đạo Tràng) Tôi Sẽ Theo Ai?


Nhân đọc một bài viết mới đây của TSBHL, tôi có một số suy tư như sau. Ông dựa trên căn bản nào để viết ra những điều như thế?
         Ông có biết câu nói của Đức Phật:  “Giới Luật còn thì đạo Phật còn” không?  Xưa kia trong ba lần kiết tập tại ba chổ khác nhau Ngài Đại A La Hán Ca Diếp và các chư đại Tổ sư trí huệ xuất thế còn chưa dám bỏ qua một tiểu giới hay tiểu oai nghi tế hạnh của một tỳ kheo, hà huống chi thay đổi hết những hiến chương quy định của GHPGVNTN.  Hiến chương Giáo Hội cũng như sự hành xử của đức Tăng Thống Thích Quảng Độ  khuôn rập theo các vị Tiền Tổ  khai sáng, bao gồm hành chánh và Phật luật dựa theo tinh thần chấn chỉnh giáo tôn như  bản  luật Cổ Thanh Quy hay Bách Trượng Thanh Quy nói lên quy tắc hộ giới, quản lý tăng đoàn.  Khi thấy một vị tăng phạm lỗi liền đem ra khiển trách, còn hơn là chẳng biết để Chúng coi thường, làm hại giáo pháp, gây tổn thương cho Đạo không nhỏ vậy.  Xuất hành tác đạo của Ngài Quảng Độ phẫm lẫn lượng rất phi thường hàm chứa vu vi giữa hai mặt thật và quyền, như loại trừ dâm sư gian đảng thì cũng chỉ là Y Pháp Phụng Hành, duy trì Luật Tạng, chấn chỉnh tông môn, phát huy ý Đạo làm cho mọi người xa lánh tà sư, tin tưởng chánh pháp, quy ngưỡng minh sư, phấn chấn tu hành, vun bồi đạo hạnh, thì mới có cơ thăng hoa, chuyển đổi phàm phu, dự vào thánh đạo.

Kiểu lập luận của ông, quên mất điều đạo hạnh là căn cứ sống còn của Phật Giáo, chỉ hướng về nghiệp đoàn thế tục thì làm sao có khả năng hướng đạo tu hành, độ người thoát tục?  Loại lý luận này trong Phật pháp gọi là “biện minh thế trí”, là điều kiêng kỵ của thiền tông, vì nó không có một chút ích lợi gì cho sự mở mang trí tuệ cho các người tu, mà ngược lại chỉ gây thêm những hí luận chướng đạo.  Ông đừng nên đem mớ kiến thức “quá vụn vặt” chế vào mối đạo ắt sẽ lầm to.   Còn nếu ông muốn tìm hiểu chủ nghĩa nhân sinh quan và vũ trụ quan của Phật Giáo thì nên nghiên cứu thêm nhiều Kinh Điển như bộ Phật Học Phổ Thông cuốn 1 của Ngài Thích Thiện Hoa trong đó Chương Tu Tâm Dưỡng Tánh sẽ giúp ông ích lợi vô cùng.   Còn nếu ông muốn nghiên cứu thêm nhiều luật tạng thì trước tiên ông nên xem bộ Thiện Ác Nghiệp Báo của Pháp Sư Đạo Thế ắt sẽ tường tận nhân quả luân hồi sanh tử.  Còn ông muốn lóng lại tâm mình nương nhập vào đạo lý Thế Tôn thì bắt đầu xem quyển Kinh Ưu Bà Tắc Ngũ Giới Tướng để dùng mắt pháp quán tội lỗi của thân, khẩu, ý nghiệp.  
         Mời Ngài Quảng Độ gia nhập thành viên của một tổ chức giấy tờ nào đó, ai nghe nói cũng phì cười.   Đang làm thuyền trưởng Tuần Dương Hạm lại hạ người ta xuống thành ngư dân nghèo chèo xuồng lá, mà lại gọi là mời.  Mời thỉnh kiểu gì vậy?  Đó là “phản chủ vi khách” rồi.  Ngài Thích Quảng Độ tuy chưa phải là Phật sống, nhưng trí tuệ và đạo hạnh khó ai sánh được kể cả thế ngoại cao nhơn.  Làm người, thì Ngài là một nhân tài trí thức hiếm có; làm Tăng, thì Ngài có trí tuệ và đạo hạnh siêu quần cở bậc tứ thánh trở lên.  Dù ông có đem hết người của ông đến cầu ngài làm bậc Thượng Thủ trong hội của ông, Ngài còn chẳng thèm ngó tới, huống chi một mình ông chỉ tay đề nghị Ngài gia nhập thành viên, thì là chuyện không tưởng rồi. Ông cũng chớ nên “vẽ rắn thêm chân”, tâm ý lung lăng bày biện đủ cách làm hoa mắt người chỉ mắc công, vì người ta đã có hệ thống Phật Pháp và hiến chương thu nhiếp hết các loại “biện minh thế trí” rồi.  Ông rốt cuộc tốn thời giờ múa máy vô ích.  Xem văn phong tôi nghĩ ông không hiểu về Phật pháp nhiệm mầu. Một cách chân thành, buổi chiều xế bóng, tôi khuyên ông quy y cửa Phật, thọ trì tam quy ngũ giới.  Đức Thế Tôn của chúng tôi đã từng dạy rằng tất cả những ai nếu thực lòng quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới, tinh tấn xét mình, tất sẽ được khỏi cảnh tam đồ, an vui hạnh phúc trong những đời sau.  Và Ngài cũng dạy: 
         Chư Pháp nhân duyên sanh
         Pháp diệc nhân duyên diệt
         Thị chư Pháp nhân duyên
         Phật Đại Sa Môn Thuyết
dịch: 
         Mọi pháp do nhân duyên sanh
         Khi nhân duyên đã hết thì pháp đó cũng không còn
         Đó gọi là Lý Duyên Khởi
         Điều này do Phật là Đại Sa Môn nói ra
         Chỉ do 4 câu kệ này mà cứu độ biết bao nhiêu ngoại đạo, ma vương.  Mười phương chư Phật, hằng sa thế giới,  dị khẫu đồng âm ngợi khen Thế Tôn chúng tôi  chuyển đạo mầu vô thượng cứu độ chúng sanh.  Ông là người trí thức sao không tìm hiễu để rõ thật hư, chạy rong chi theo ảnh phù trần cho uổng sức, cả đời lao nhọc mà không thấy đâu là chân lý, đâu là giải thoát?  Lời Phật nói là lời bậc thầy trong tam giới, là chơn thật ngữ quyết không sai trật đâu cả.  Ông nên quyết định kẻo khi hối lại thì quá muộn màng.  
 
         Vấn đề hiện thời là quần chúng Phật tử cần nên phân biệt tự mình là:  Hộ Pháp cho ngài Quảng Độ hay theo tập đoàn ly khai?    Ngài Quảng Độ có hỏi một cư sĩ rằng:  “Cư sĩ theo GH hay theo T GĐ ?” Lời nói quá rõ ràng của một Bồ Tát Thánh Tăng.  Vậy mọi người tự hỏi lại lòng mình một cách rõ ràng mà quyết định:  Theo hộ pháp cho Ngài Quảng Độ hay theo một tập  đoàn ly khai?   Ai theo ngài Quảng Độ thì đứng bên này.  Còn ai theo tập đoàn ly khai thì đứng bên kia rõ ràng thì công đức hay nghiệp tội mới ứng hiện trong tâm.  Kinh nói ” Vạn pháp qui tâm”  tức là nói ” Thiên Đường  và Địa Ngục do tâm hiện”  Tổ Qui Sơn có nói: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu” cũng là lẽ đó. 
         Ngày xưa khi Đạt-Ma Tổ Sư sang Trung Quốc, vua Lương Võ Đế có hỏi :
         – Trẫm xây Phật tự hơn 3000 cảnh, còn số lượng chùa chiền thì vô số kể.  Vậy trẫm có công đức gì không? 
         Đạt-Ma Tổ Sư chỉ trả lời là:
          -Không có chút công đức nào cả! 
         Nhà vua bực mình hỏi lại:
         – Làm sao có công đức:
Đạt-Ma sư tổ mới nói:
         – Công đức sở dĩ có là tự tâm sanh!
         Thưa quý vị chổ gây tạo công đức còn gọi là âm đức của mình để hưởng phước báu ngàn kiếp muôn đời, chính là cái quyết định:  Theo hộ pháp cho Ngài Quảng Độ hay theo tập đoàn ly khai.  Điều đó rất quan trọng!  Một ý niệm quyết định chính là lúc công đức hay tội nghiệp phát sanh ra mãi mãi ngàn vạn ức kiếp không dứt, cho đến khi tu chứng Phật Quả thì các loại chướng nghiệp này mới chịu tiêu tan.  Nghĩ coi, vua Lương Võ Đế xây cất vô số chùa chiền cơ sở mà không được tí nào công đức; trong khi một người vận dụng trí tuệ phân rõ chánh tà rồi quyết lòng “tồi tà phụ chánh” tuy chưa làm mà đã có công đức vô lượng vô biên. 
         Trong Kinh sách còn ghi lại một câu chuyện ông Vệ Trọng Đạt.  Xưa kia có người tên là Vệ Trọng Đạt làm quan tại Hàn Lâm Viện.  Có một lần nọ bị âm ty bắt hồn xuống âm phủ.  Quan Diêm Vương bảo thuộc hạ mang hồ sơ việc làm ở nhân gian của ông Vệ ra xem.  Khi sổ sách dâng đến, biết được việc xấu tại nhân gian của ông Vệ chồng chất như núi, còn việc lành thiện thì ít không đáng kể.  Diêm Vương bảo mang cân thử hai chồng sách ấy xem, nào ngờ đống sách ghi việc xấu lại nhẹ hơn đống sách ghi việc tốt. 
         Ông Vệ khó hiểu quá, nên hỏi Diêm Vương: ” Tuổi của tôi chưa tới bốn mươi, làm gì nhiều tội lỗi như thế?”
         Diêm Vương đáp: “Chỉ cần có một ý nghĩ bất chánh là tội ác rồi, đâu phải đợi đến hành động.  Ví như trông thấy con gái có nhan sắc mà nẩy sinh một ý nghĩ xấu, là đã phạm phải luật Thiên Đình (Nhân Quả) rồi”.
         Ông Vệ hỏi thêm: “Như thế, xin hỏi trong quyển làm lành ghi những gì?”
         Diêm Vương nói: “Có một lần nhà vua muốn xây cất cung Đại Phủ ở Phúc Châu, bắt nhiều dân đi làm khổ công, ông dâng sớ thượng tấu Vua không nên làm.  Quyển sách ghi việc lành của ông đây chính là bản nháp tấu chương của ông.”  Diêm Vương nói tiếp:” Lần ấy kiến nghị của ông không được vua chấp thuận, nhưng tâm niệm tốt nầy của ông, vì nghĩ đến đại chúng, muốn đại chúng khỏi khổ cực, do đó mà việc thiện rất lớn.  Nếu đương thời Vua làm theo kiến nghị của ông, thì sức mạnh của việc thiện này còn sẽ lớn hơn hiện tại rất nhiều.”    Thưa quý vị lực thiện tâm là Công Đức to lớn mà tội lỗi không thể vượt qua, do đó người có thiện tâm lực tránh biết bao điều ác báo!   Vậy ý niệm thiện tâm để hộ pháp cho Ngài Quảng Độ thì quý báu và to lớn biết ngần nào!
 
         Vậy quí vị chọn hướng nào trong hiện tại?   Những ai quyết định ủng hộ ngài Quảng Độ thì nên tư duy:  Những phiên họp không phải của GHPGVNTN của Ngài Quảng Độ kêu gọi về chuyện của giáo hội thì chớ nên tham dự. Cái quyết định như thế chính là tâm đức của quí vị. 
         Thứ hai, thí dụ một tổ chức nào đó có âm mưu để bán đi cơ sở Chùa Phật Quang.  Số tiền thâu được sau khi bán xong sẽ được phân chia ra như thế nào?  Có bao nhiêu người không có biên nhận?  Những người cho mượn tiền mà không có biên nhận rồi được trả bao nhiêu?  Như thế người thủ quỹ số bạc thu vào có thể nói:” Người kia không có biên nhận tôi đã trả số lớn rồi, còn ông hay bà cũng không có biên nhận thì tôi còn bao nhiêu đây, có lấy thì lấy, còn nếu phát tâm cúng dường thì cám ơn.”  Lúc đó có bao nhiêu cũng phải bấm bụng mà lấy, nói được gì đâu.  Hồi đưa tay biểu quyết, nghe lời khuyến dụ, thì ai cũng nghĩ mình sẽ được hoàn lại số tiền như trước, đến chừng thu vào thì như nước trên đầu cỏ.   Đó chỉ là ý kiến cá nhân không bắt buộc ai phải nghe theo.  Tuỳ quí vị quyết định.  “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” người ta có “thủ, đoạn” thì mình biết dùng “đoạn, thủ” thì mới an toàn.   Không đi họp hội là “đoạn”, còn biết cách đòi nợ bằng luật pháp ấy gọi là “thủ”.  Làm khác đi thì “tiền mất tật mang” sau này có hối thì cũng muộn rồi.
         Thưa quí vị,  người xuất gia đối với việc nhận của thí xả từ thập phương bá tánh cần nên cân nhắc.  Đồng tiền bát gạo của thập phương bá tánh cúng dường chứa nhiều sự nguyện cầu, kẽ cầu hết bịnh ung thư, người cầu xin tai qua nạn khỏi, hoặc có người bố thí cho kẽ không nhà, kẽ bị tại nạn động đất như ở Nepal… ngàn muôn trăm thứ lời khổ đau cầu nguyện trong tâm linh đều được dồn về của cúng dường.  Đã mặc áo cà sa mà nở lòng nào ăn chận của cúng dường, không đưa hết vật cúng đến tay trăm ngàn nạn nhân đau khổ, không kễ gì đến bao nhiêu gia đình nạn nhân đang ở cảnh tang tóc đau thương.  Tu như vậy có ích gì cho ai chăng?  Mặc áo cà sa mà làm chuyện mất đức như thế, thì có đáng mặc áo cà sa không?  Vì thế các vị cổ đức thường khuyên các tu sĩ:
         “Tham lam vị liễu thuỷ nan tiêu
           Nhất niệm bất sanh kim dị hoá”
dịch
         Người tu hành còn lòng tham thì dù uống nước lã cúng dường cũng không tiêu.   Nhưng nếu tu hành tâm địa thanh tịnh dù ăn vàng cũng tiêu hoá dễ vàng.  
 
         Vì thế tu sĩ nào mà có tâm gian xảo vơ vét thì người ta cũng moi móc lấy lại.  Ngược lại cũng có các thầy tu dùng tiền cúng dường xây tịnh xá bạc chục triệu mà vẩn trôi chảy vì họ không tham.   Lại còn có một bài kệ tương tự như sau:
         “Thí chủ nhất liệp mễ,
         Đại như Tu Di sơn,
         Kim sanh bất liễu đạo,
         Phi mao đới giác hoàn”
nghĩa là:
         ” Một hạt gạo của người thí chủ,
            Lớn như núi Tu Di.
            Đời nay thọ nhận mà không tinh tấn tu hành,
           Thì đời sau sẽ làm thân thú vật để trả nợ”  
                                
Cổ nhân còn có hai bài thơ:
         1. Tâm hành hư thực tự mình biết,
             Phước hoạ do mình chớ hỏi ai,
             Thiện ác rốt cùng đều có báo,
             Chỉ còn đến chậm hoặc cùng mau.
 
         2. Trời xanh trong vắt đâu thể dối,
              Vừa khởi động niệm đã biết rồi
              Khuyên người chớ làm việc gian dối,
              Xưa nay đâu ai qua mặt nổi.
 
         Một lần nữa, vậy quí vị chọn hướng nào trong hiện tại?   Những ai quyết định ủng hộ ngài Quảng Độ thì nên tư duy:  Những phiên họp không phải của GHPGVNTN của Ngài Quảng Độ kêu gọi về chuyện của giáo hội thì chớ nên tham dự. Cái quyết định như thế chính là tâm đức của quí vị. 
 
Kính chúc quý vị thân tâm an lạc. 
 
Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng

No comments:

Post a Comment