Friday 9 October 2015

(Huệ Lộc) Mượn Mũi Người Để Thở


Xin các quí vị ĐạoTâm lưu ý đến những văn kiện của GHPGVNTN như sau:

A.        Ai là kẻ phạm giới?
1.         Ngày 9 tháng 8, 2015:   Thư từ chức của vị quyền chủ tịch VP2 VHĐ
2.         Ngày 10 tháng 8, 2015:  Giáo Chỉ 13 và Quyết Định 20-   Chấp nhận cho vị quyền chủ tịch VP2 VHĐ  từ chức - Thu hồi toan bộ Giáo Chỉ số 12 và những liên      quan tới Giáo Chỉ số 12.
3.         Ngày 2 tháng 10, 2015: Quyết Định số 21-  Vô hiệu hoá vĩnh viễn tư cách 6 thành viên của GHPGVNTN (Khai trừ vĩnh viễn)

                        Ba văn bản trên đã xác quyết 6 người bị khai trừ ra khỏi GHPGVNTN, họ không còn là người của GHPGVNTN một cách vĩnh viễn.   Như thế 6 nhân vật này đã chính thức ra khỏi GHPGVNTN bằng văn kiện và biên bản.  Trong ba văn kiện trên, đặc biệt Giáo Chỉ số 13 ngày 10 tháng 8, 2015 đã vô hiệu hoá  toàn bộ Giáo Chỉ số 12  và  những liên hệ với Giáo Chỉ số 12 này.  Điều đó dẫn đến mọi thư từ văn kiện hay tất cả những ghi âm có liên hệ đến Giáo Chỉ số 12 đều bị thu hồi hay huỷ bỏ bởi Giáo Chỉ số 13.  Vậy tất cả những đoạn ghi âm được công bố trong quần chúng nếu hư truyền (chuyện không nói có, chuyện có nói không, cắt xén, thêm bớt) việc VHĐ "di dời khỏi Việt Nam" thì phạm tội vọng ngữ và vi phạm Tự Do Tín Ngưỡng Tôn Giáo.  Những tu sĩ nào cố tình phát biểu những điều sai trật với Giáo Chỉ số 13 và hai Quyết Định là những kẻ phạm trong tội Vọng Ngữ và phạm trọng tội phá hoại sự Hoà Hợp Tăng Đoàn. Hai tội danh trên là những tội Ba La Di và tội Ngũ Nghịch.  Vọng ngữ là tội Ba La Di; phá hoại Hoà Hợp Tăng Đoàn là tội Ngũ Nghịch.   Chỉ cần phạm một trong hai tội danh này, tu sĩ bị đuổi khỏi Tăng Đoàn và tư cách xuất gia bị thủ tiêu.   Một điều đáng để ý là những tu sĩ này đã  bị khai trừ trong Quyết Định 21, là những ngoại nhân nên họ không thể phát biểu một cách bừa bãi những việc nội bộ GHPGVNTN như vậy, vì như thế họ chẳng những  phạm tội Ba La Di và Ngũ Nghịch mà còn xen vào nội bộ tôn giáo không phải của họ.  Đây là lối "mượn mũi người khác để thở".  Xin qúi Đạo Tâm lưu ý tránh xa những loại người này.   Vì sao?
             Trong Kinh Đại Niết Bàn, Phẩm Tứ Y, Đức Phật có nói với Ngài Ca Diếp Bồ Tát:

            "Này Ca Diếp! Nếu Ưu Bà Tắc biết rõ là Tỳ kheo phá giới thời chẳng nên cung cấp lễ bái cúng dường.  Nếu trong chư Tăng có người phá giới chẳng nên vì họ mặc áo cà sa mà cung kính lễ bái"
             Như thế thì biết, những Phật tử chân chính chớ nên gần gũi cúng dường các tỳ kheo phá giới vì họ là những tà sư phá đạo, mà cũng không vì thấy họ mặc áo cà sa mà mang lòng sợ hãi hay cung kính vì họ không còn tư cách của người tu sĩ nữa. 
             Trong quyển Con Đường Thành Phật, trang 221, Pháp Sư Ấn Thuận có một di bút quan trọng để làm khuôn mẫu cho các Tăng Ni như sau: "Trong quy chế Tăng Đoàn, do Phật quy định, nếu có người phạm trọng giới thì bị trục xuất khỏi Tăng Đoàn, thủ tiêu tư cách xuất gia của người ấy.  Không những không xứng đáng là Tỳ Kheo, ngay đến Sa Di cũng không xứng đáng.  Vì những Tỳ kheo này sẽ đoạ ác đạo."  

B. Ai là kẻ có quyền nghiêm trị các ác Tỳ Kheo phạm giới?
           1. Tu sĩ phạm giới thì xem như cư sĩ trọc:
                     Kinh Đại Niết Bàn, phẩm Kim Cang Thân, Đức Phật có nói:
                     "Nầy Ca Diếp! Người phá giới chẳng hộ trì chánh pháp, gọi là cư sĩ trọc.  Chẳng phải người trì giới mang phải danh từ ấy."
                      Tại sao Đức Phật cho phép gọi các Tỳ Kheo xuất gia, cạo đầu, đắp y mà phá giới là "cư sĩ trọc"?  Là vì các người nầy không giữ được 5 giới của hàng cư sĩ tại gia, như vậy thì chỉ khác cư sĩ tại gia do chổ cạo đầu mà thôi.
                        Trong kinh Đại Niết Bàn, phẩm Kim Cang Thân, Đức Phật đã huyền ký sự việc các Tăng phá giới và phá hoại chánh pháp sau nầy như sau:
                        "Nầy Ca Diếp! Sau khi ta nhập Niết Bàn, đời trược ác, cõi nước hoạn  loạn, đánh cướp lẫn nhau, nhơn dân đói khổ.  Bấy giờ vì có người đói khổ nên phát tâm xuất gia, người như vậy gọi là người trọc.  Hạng trọc ấy thấy thầy Tỳ Kheo thanh tịnh giữ giới oai nghi đầy đủ, hộ trì chánh pháp, bèn xua đuổi hoặc giết hại"
                        Những gì Phật nói đều đã xảy ra và sẽ xảy ra, hiện nay có nhiều vị tự mình âm thầm phạm giới, hoặc dấu diếm, hoặc bị người thấy được hành động hư hèn của mình mà cũng không biết xấu hổ thẹn thùng, vẫn tiếp tục lên diễn đàn bôi nhọ người hộ trì chánh pháp, giống như kẻ trần truồng lỏa lồ nhảy múa trước công chúng mà vẫn không biết xấu hổ vì vi phạm thuần phong mỹ tục, như vậy thì có khác gì loài vật không cần y phục áo quần? 
                        Trong Kinh Đại Niết Bàn, phẩm Thuần Đà, Ngài Thuần Đà có  nói với Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát : "Có người đi xa giữa đường mỏi mệt, nghỉ nhờ nhà người.  Giữa lúc ngủ, nhà ấy bổng bốc lửa to.  Người ấy choàng dậy, biết chắc phải chết, lòng hổ thẹn sợ thân thể loả lồ bèn lấy y áo vấn thân mà chết liền được sanh lên cõi Trời Đao Lợi!  Sau đó 80 đời làm Đại Phạm Vương, trăm ngàn đời làm Chuyển Luân Vương , người ấy mãi hưởng phước lành như vậy, hẳn không bị đoạ vào ác đạo."
            2. Tu sĩ  phạm giới thì bị quả báo như thế nào?
                        Kinh, Luật nhà Phật đã nói rõ ràng về giới Trộm Đạo của Thường Trụ Tam Bảo và của Chúng Tăng, xin trích lại một đôi phần trong Sa Di Luật Giải làm căn cứ cho bài viết hôm nay:
                        2-1. Kinh Tam Muội: "Tội người trộm lấy vật của chúng Tăng, nặng hơn tội người giết tám vạn bốn ngàn cha mẹ"  (Sa Di Luật Giải, trang 55)
                        2-2.  Kinh Đại Luật: "Bằng trộm những vật trong Tháp Phật và vật cúng trong chùa, đều mắc tội nặng, còn trộm quyển kinh người khác, tính giá tiền giấy mực mà phạm tội nặng và nhẹ như luật đã nói." (Sa Di Luật Giải, trang 55)
                        2-3.  Kinh Lương Hoàng:  Thà ăn thịt mình, quyết không lạm dụng Tam Bảo chuốc lấy khổ to, chịu tội một đời hoặc nhiều đời, bởi vì lạm dụng của Tam Bảo vậy.   Lại nữa, của Phật của Pháp, của Tăng phần nào đều thuộc về phần ấy, không được lấy dùng lộn xộn.  Nếu dùng trái phép sẽ tính giá, phạt tội; còn vật của chúng Tăng  hoặc  của Thường Trụ  cũng thế, cũng có phần sở thuộc, không được phép dùng lộn xộn.  Các điều như vậy trong Đại Luật có nói rõ, văn nhiều đây chẳng chép.  Đời Đường, đất Phân Châu, ông chủ chùa Khải Phước, tên là Huệ Trừng nhiễm bịnh, cất tiếng như trâu rống mà chết, chôn cất xong, ông tăng trong chùa đó là Ngài Trường Ninh ban đêm thấy ông Huệ Trừng về hình sắc ốm gầy.  Trừng nói : " Tôi vì lạm dụng của Tam Bảo, chịu khổ khó nói, các tội còn nhẹ , duy có tội lạm dụng của Thường Trụ Tam Bảo rất nặng, xin Ngài làm ơn cứu giúp.  Ngài Trường Ninh bấy giờ vì ông Huệ Trừng tụng kinh sám tội hơn một tháng Trừng trở về nói:  " Nhờ lợi ích sám hối tụng Kinh, nay Tôi riêng ở một chổ và đã đặng bớt khổ, song chưa biết ngày nào mới hẳn là ngày hết tội."  (Sa Di Luật Giải, trang 55)
                        2-4. Kinh Thập Giới: "Có trộm đạo, chẳng phải là thầy Sa di vậy". Kinh chép một thầy Sa di trộm của Thường Trụ 7 trái cây; một thầy Sa di thứ hai trộm của chúng Tăng vài cái bánh, thầy Sa di thứ ba trộm chút đường phèn của chúng Tăng, cả ba chết rồi đoạ Địa Ngục.  (Sa Di Luật Giải, trang 59)
                        2-5.  Cổ Kinh Vân: 
"Ninh tựu đoạn thủ, bất thủ phi tài"
 dịch
"Thà chịu chặt tay, chớ lấy của phi tài" (Sa Di Luật Giải, trang 63)
                        2-6. Bậc Cổ Đức:
"Nhơn phi thiện bất giao, vật phi nghĩa bất thủ"                           
dịch
"Người không tốt không làm bạn, của phi nghĩa không lấy" (Sa Di Luật Giải, trang 63)
                        2-7. Kinh Lục Độ Tập: Đức Phật nói trong một kiếp làm người nghèo:
"Ta thà giữ đạo nghèo hèn mà chết, chớ chẳng làm người vô đạo, giàu sang mà sống" (Sa Di Luật Giải, trang 63)
                        2-8.  Kinh Tăng Nhứt A Hàm: Phật dạy các Tỳ Kheo:" Nếu ai trộm cắp vật của người ta, bị người chủ bắt được, giao cho Quan trị tội, cầm giam trong lao ngục, hoặc chặt tay chơn, lắt tai, mũi nhẫn đến chặt đầu, tên bắn, đủ cách hành hạ rồi chết, sau khi mạng chung, sanh trong Địa Ngục lửa dữ thiêu thân, nước đồng sôi rót vào miệng, hoặc trong chảo dầu, quăng vào lò lửa, gươm đao đâm lụi, hấp nóng, bỏ chổ dơ, cối xay nghiền nát, cối giã đâm nhừ, chua chát nhức đau đủ cách, nào hay kể xiết, cả trăm ngàn năm không ngày nào ra khỏi. Tội Địa Ngục vừa mãn, kế sanh trong loại súc sanh làm voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà, lừa, chó... , trải trăm ngàn năm, ra sức đền bù nợ người.  Tội Súc Sinh vừa mãn lại sanh trong loài ngạ quỉ đói khát khổ ngặt không thể nói đủ, trải trăm ngàn năm chịu khổ như thế.  Hết đời Ngạ Quỉ mới được làm người lại, lại mắc hai món quả báo:
                                    1.  Nghèo cùng, áo chẳng kín thân, cơm không no miệng
                                    2. Thường bị nạn nước trôi lửa cháy, hoặc bị vua bắt,      quan đòi, giặc dữ cướp đoạt ...   (Sa Di Luật Giải, trang 64)                     
                        2-9. Kinh Chánh Pháp Niệm: Thà ăn trùng rắn độc và uống nước đồng sôi chớ không phá giới cấm mà ăn đồ ăn của chúng Tăng. 
(Sa Di Luật Giải, trang 73)    
                        2-10.  Luận Đại Trí Độ: Những người phá giới, bằng mặc đồ pháp phục tức là tấm sắt đồng buộc vấn nơi thân; bằng bưng bình bát tức là bưng chén nước đồng sôi;  bằng có uống ăn tức là nuốt hoàn sắt nóng, uống nước đồng sôi;  bằng thọ dụng người ta cúng dường tức là quỉ ngục tốt, quỉ ngưu đầu trong địa ngục;  bằng vào nhà Tịnh Xá, tức là vào địa ngục lớn; bằng ngồi giường chúng Tăng tức là ngồi trên giường sắt nóng.  Như trong các Kinh, Luận, Phật đã nói:"Khá chẳng răn sợ sao? !"    (Sa Di Luật Giải, trang 73)   
                        2-11. Trong Kinh Phương Đẳng:  Ngài Hoa Tụ Bồ Tát nói: "Tội Ngũ Nghịch và tội Tứ trọng ta có thể cứu đặng, còn tội trộm lấy vật của chúng Tăng, thì ta không thể cứu đặng." (Sa Di Luật Giải, trang 55)                                
        3.  Bốn Bộ Chúng được quyền nghiêm trị Tỳ Kheo phạm giới:
                        " Đức Phật nói:  Nầy Ca Diếp!  Tăng chúng có 3 hạng: một là Phạm Giới Tạp Tăng, hai là Ngu Si Tăng, ba là Thanh Tịnh Tăng.  Hạng Phá Giới Tạp Tăng thời dễ phá hoại.  Hạng thanh tịnh trì giới thời lợi danh không làm hư hoại được.
                        Thế nào là loại Phá Giới Tạp Tăng?  Nếu thầy Tỳ Kheo dầu là giữ gìn giới cấm, mà vì cầu lợi nên cùng với người phá giới ở chung, ngồi chung, sự nghiệp chung, ở đây gọi là phá giới Tạp Tăng. (Phạm tội Tăng Tàn)
                        Thế nào là Ngu Si Tăng ? Nếu có Tỳ Kheo ở nơi  A Lan Nhả (thanh vắng yên ổn), tâm trí tối khờ đần độn, thiểu dục đi khất thực.  Đến ngày thuyết giới (nửa tháng một lần) ngày tự tứ (một năm một lần) bảo các đệ tử thanh tịnh sám hối.  Thấy người không phải đệ tử, phạm giới, không có thể bảo thanh tịnh sám hối, mà bèn chung thuyết giới tự tứ.  Đây gọi là hạng Ngu Si Tăng." (Kinh Đại Niết Bàn, Phẩm Kim Cang Thân) (Phạm tội Tăng Tàn)
                        Lại nữa, cũng trong kinh Đại Niết Bàn, Phẩm Trường Thọ, Đức Phật nói với Ngài Ca Diếp Bồ Tát rằng:
                        "... Nếu người (Tỳ kheo và Tỳ Kheo Ni) nào không tu học ba phẩm Pháp nầy (Giới, Định, Huệ) lười biếng phá giới, huỷ hoại Chánh Pháp, thời vua, quan, Bốn bộ chúng phải nên nghiêm trị.
                        -Nầy Ca Diếp! Như vậy các vua, quan, Bốn bộ chúng có mắc tội chăng?
Ca Diếp Bồ Tát thưa rằng:
                        - Bạch Thế Tôn, Không!
Phật nói:
                        - Các vua, quan, và Bốn bộ chúng ấy còn không có tội, huống là Như Lai."
                        Đó là lời Phật thuyết, trừng trị tăng phá giới, huỷ hoại Chánh Pháp là bổn phận của mọi người Phật tử.
      4. Bất cứ vị Tỳ Kheo nào nếu có trì giới, oai nghi đầy đủ, hộ trì chánh pháp đều có quyền nghiêm trị hoà thượng, thượng toạ hay các tu sĩ phạm giới:
                     Trong Bộ Trừng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu Tập II, một Tạng Luật Kỷ Cương mạch sống của Tăng già, do Sa Môn Trí Húc tức Ngẫu Ích Đại Sư soạn, căn cứ trên Kinh Đại Niết Bàn, trang 181 Ngài có viết:
                        "Nếu có vị Tỳ Kheo nào trì giới, oai nghi đầy đủ, hộ trì Chánh Pháp, thấy người phá hoại Chánh Pháp (huỷ hoại giới luật) liền xua đuổi, khiển trách, trị phạt.  Nên biết, vị Tỳ kheo ấy được phước đức vô lượng không thể kể xiết.  Nếu có vị Tỳ kheo gọi là "tốt" mà thấy người phá hoại Chánh Pháp mà không xua đuổi, khiển trách, cử tội thì nên biết đó là kẻ oán cừu trong Phật Pháp.
                        Vì những lời di huấn của Đức Phật để lại, các Phật tử cần nên hiểu biết quyền hạn, trách nhiệm cũng như bổn phận hộ trì Chánh Pháp:  Đối với những tu sĩ nào đã phạm giới luật  trong hàng ngũ "ly khai " này như Vọng Ngữ, Trộm Cắp, Dâm Dục, trộm của Thường Trụ, phá hoại sự Hoà Hợp Tăng Đoàn thì nên lên tiếng nghiêm trị, không gần gũi, không cúng dường, không sinh hoạt chung trong những ngày lễ hội, không bàn bạc việc Phật sự  với tăng phạm giới thì đó là người biết hộ trì chánh pháp, xiển dương Phật pháp "y giáo phụng hành" hay thực hành Tứ Y Pháp trong đó có "Y pháp bất y nhân"  và "Y nghĩa bất y ngữ".   Có như thế tức quí vị thực sự bước vào Bồ Tát Đạo hay Con Đường Lý Tưởng trong Đạo Phật. 
                        Vài hàng kết nhặt để làm sáng tỏ ánh sáng Đạo mầu của Đức Thế Tôn.   Trên đường tu hành, mong quí vị kết nhiều thiện duyên với Phật Đạo trong hạnh tinh tấn "Phụ Chánh Tồi Tà" bảo vệ Chánh Pháp,  ắt sự nghiệp trí tuệ sớm được thành tựu.

Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
10/9/2015

No comments:

Post a Comment