Sunday 10 April 2016

(Thục Vũ) Đối thoại với Nguyễn Văn Trung, Định Nguyên, Trần Kiêm Đoàn, về sự trạng GHPGVNTN và ý nghĩa TÂM VÀ SỞ.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Thưa quý Cựu Huynh trưởng  Huynh trưởng GĐPTVN .
Thưa quý vị,
 
Xin được trả lời quý ông Nguyễn Văn Trung, Định Nguyên, Trần Kiêm Đoàn,
 
Có lẽ lời nói của quý ông quá kiêu mạn vì ông không còn tôn trọng Giáo Hội Tăng Già.  Ông nói  " Từ những "thứ" giáo chỉ số 9, số 10 nhằm truất phế nhóm Tăng Ni nầy lập ra nhóm Tăng Ni khác đã phá nát tinh thần lục hòa của cộng đồng Phật giáo Hải ngoại."  là ông khinh thường đệ tử Phật và luật Phật, không tôn trọng kẻ tu hành.  Ông há biết rằng "mục hạ vô nhân" là dành cho những kẻ si mê, xem thường mọi người.  Khinh thường giáo chỉ số 9 số 10 là khinh thường  Ngài Huyền Quang, Ngài Quảng Độ,  và Hội Đồng Lưỡng Viện.  
 
Ông nên biết từ xưa đến nay, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chưa hề truất phế nhóm tăng ni nào cả và cũng chẳng thành lập nhóm tăng ni nào để phá nát tinh thần lục hoà.  Những tăng ni tách ra theo Giáo Chỉ  số 9 và số 10  là do họ tự nguyện tách ra vì không muốn theo tinh thần hiến chương Phật Giáo,  hoặc là những vị  đã vi phạm những trọng tội trong luật Phật như tà dâm hay trộm đạo như trường hợp Chánh L hay Giác Đ.  Vì thế Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chưa hề truất phế ai cả, và cũng chưa hề thành lập một nhóm tăng ni nào để phá nát tinh thần lục hoà.  Nếu có ai phá nát tinh thần lục hoà trong Phật giáo, thì người đầu tiên phá nát chính là ông.  Vì  cớ sao? Vì ông thốt lời khinh khi Tăng bảo như ông vừa nói. Chẳng biết trí tuệ của ông thuộc loại nào trong 11 loại trí Đại Thừa Phá Tướng?  Hay chỉ là loại phàm phu tục tử như bọn thế gian giành giựt hơn thua danh lợi mà nhà Phật gọi là Biện Minh Thế Trí?
 
Nhìn vào câu nói của ông:
Trích: "Còn nói chuyện mua chùa và bán chùa thì ông TVYD hình như quanh đi quẩn lại trong cái tầm nhìn hạn hẹp “chùa là Phật” nên lại càng rơi vào vọng tưởng và biên kiến hý luận. Này nhé, xin ông TVYD nhín chút thì giờ lật ra những trang kinh về Phương Tiện Môn và quan tâm hơn về lý thuyết nhà Phật nói đến Tâm là gì, Sở là gì. Phật dạy: “Nhìn cái chùa không phải là cái chùa, đấy mới thật là cái chùa.” Vì sao? Vì chùa là giả tướng. Nay lui tới, tới lui ông cứ bám cứng vào “mái chùa che chở hồn dân tộc”. Đấy là thơ, là cảm xúc ông ơi, tuyệt nhiên không phải là Phật học để ông tựa vào đó mà lý luận chống hay theo đâu. Ông cần tìm hiểu thêm những gì mới thật là Phật pháp. Cái chùa là Phật pháp chăng,  thưa ông?"
Ngưng trích:
 
         Ông đã lầm rồi ông ơi!  Phật không dạy: " Nhìn vào cái chùa không phải là cái chùa, đấy mới thật là cái chùa".  Không có kinh nào mà Đức Phật dạy như thế.  Ngài dạy:  "Vô tướng là thật tướng".  Như thế thì làm gì có cái chùa ở đâu mà ông bảo rằng "đấy mới thật là cái chùa"?  Nếu ông bảo rằng ông muốn nói " cái chùa chỉ là vật giả tạm hay giả tướng" thì tại sao ông quá lời khen tặng rối rít : "Chỉ có chùa chiền có vị trí thánh tích độc đáo lâu đời như Một Cột, chùa Hương, Trúc Lâm Yên Tử, Linh Mụ, Xá Lợi… là không thể di dời hay đổi thay vì tính cách biểu tượng quá đậm đà và mạnh mẽ trong văn hóa Phật giáo mà thôi"???   Hay quá nhỉ? Đoạn trên ông  dẫn chứng kinh Phật có vẽ như "trí thức cao siêu" nào là giả tướng, nào là không thật, nào là "nhìn chùa  mà không phải chùa..."  mà đoạn dưới ông lại quá khen tặng, tán thưởng, mê muội trước cái vật giả tướng đó!  Ông nói một đường rồi lại làm một nẻo.  Nói khác, làm khác.  Thế thì ai tin lời ông được?  Như thế là ông tự chứng tỏ tâm ông bị mê hoặc còn nặng hơn Phật tử sơ cơ.  Sao mà quá tự mình mâu thuẩn thế! 
 
          Ông có nghe cổ nhân thường nói không? :
         "Đầu mồm nói suốt trăm phần diệu,
         Dưới gót không ly một điểm trần." 
 
          Hai câu thơ này chỉ cho những kẻ hay nói ba hoa, xách mé mà không làm được chuyện gì hết. Loại  người như thế tôi thấy rất nhiều,  dù tính đếm cũng không hết.  Lại nữa, thế giới này có biết bao chùa có công trình mỹ thuật xây cất, ông lại không khen ngợi, mà nay lại chỉ khen ngợi chùa chiền ở Việt Nam, như thế có lẽ ông quá chấp nhất về hình tướng rồi.
 
         Lại nữa, ông bảo: "Còn ở Mỹ nầy, chùa thât sự là cái nhà tạm thời dùng làm phương tiện tu học cho Phật tử."  Như thế ông quá tự cao, có lẽ ông nói chỉ có xứ ông mới có "chùa thật", còn ở Hoa Kỳ thì chùa như cái nhà chớ gì? Ông không nên có thái độ "mục hạ vô nhân",
như thế vì hai lý do sau đây:
 
         1. Ông đã từng nói Phật dạy: "Nhìn vào cái chùa không phải là cái chùa, đấy mới thật là cái chùa", vậy tại sao cái chùa bây giờ ông lại phân biệt là phải khác với cái nhà mới được? Như thế thì cái mô hình chùa mà ông đang nghĩ tới, đó là cái nhà hay là cái chùa?
         Nếu ông trả lời là cái chùa thì ông tự rơi vào mâu thuẫn do câu nói của ông, bởi vì ngôi chùa vốn không thật có. Còn ông trả lời là cái nhà, thì nhà với chùa có gì khác đâu mà ông chê là chùa ở Hoa Kỳ như cái nhà?  Vậy ông cũng lý luận giống như mọi người thôi, có gì mà tự cao, chê trách người này, chỉ trích người kia, khoe khoang kiến thức kinh điển vậy?
 
         2. Nói về Phương Tiện Đạo, tức là nói pháp phương tiện.  Có phương tiện tất có cứu cánh, nghĩa là quyền có thực, có nhiếp phục có hàng phục mà không ra ngoài Phật đạo.   Đạo có tiểu đạo có Đại đạo.   Ở xứ Mỹ này có vô vô số Bồ Tát thánh nhân, nên có rất nhiều chùa chiền thắng tích oai nghiêm, "con kiến trong hang còn thấy biết, chỉ có ông là chưa biết mà thôi".  Khi nào nào có dịp ông cũng nên dừng bước ở Hoa Kỳ để đi thăm nhiều thắng tích cho biết, thí dụ như chùa Hương Tích, chùa Bảo Quang, chùa Vườn Lộc Uyển, chùa Huệ Quang, chùa Vạn Phật Thành, chùa Việt Nam, Phật Học Viện Quốc Tế, chùa Tây Lai...  Ông hãy đi xa thành phố thì mới có chùa lớn oai nghiêm lộng lẩy, còn ông đi trong thành phố thì chỉ thấy những căn chùa nhỏ tuy từ nhà làm lại nhưng chẳng kém phần Phật tín. 
          Ca dao tục ngữ Việt Nam thường nói:
                  "Tu đâu cho bằng tu nhà,
                  Thờ cha kính mẹ, hơn là đi tu"
        
          Cần gì học hỏi nhiều kinh điển mà không biết tự thực hành Phật pháp.  Chi bằng biết điều ngay lẽ phải, giữ gìn 5 giới, thảo kính hiếu để cha mẹ còn hơn công đức tu hành của tu sĩ phá giới, buôn bán tôn giáo chùa chiền.
 
         Bây giờ trở lại vấn đề Niệm Phật Đường Huyền Quang tại Sacramento. Niệm Phật Đường này được tạo ra là do công sức gian khổ  cũng như số tịnh tài  dành dụm qua nhiều năm tháng từ  các thiện nam tử và thiện nữ nhơn cúng dường vào Tam Bảo để gây nhân duyên lành cho chúng hữu duyên, thật là công đức lớn vô lượng vô biên.   Nay lại có kẻ sanh lòng phản trắc, tham lam, lợi dụng lòng tin Phật tử, gian xảo dùng luật pháp Hoa Kỳ để bán ngôi Niệm Phật Đường Huyền Quang, đó là phá hoại Tam Bảo,  đương nhiên phạm vào năm điều tội ác như trong Kinh Nhơn Quả Nghiệp Báo nói:
 
         1. Ngăn chận cũng như phá hoại sự tu hành của Phật Tử.
         2. Tham lam sang đoạt tài sản của tứ chúng.
         3. Vi phạm 5 giới nhà Phật răn cấm là mở ra ba cửa ác đạo kiếp kiếp đời đời không biết lúc nào ra khỏi: địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh.
         4. Vi phạm luật pháp địa phương khi bị thưa kiện về tội lường gạt.
         5. Đời này bị người khinh khi, bệnh tật nạn tai liên miên.  Những đời sau này, khi ra khỏi ba ác thú, nếu làm người phải chịu cảnh tật nguyền, các căn khiếm khuyết, hình tướng dung mạo đen đúa xấu xa, nghèo khổ ngu si thường bị người sai khiến. 
 
         Ông là người có kiến thức Phật pháp, đáng lẽ ông nên kêu gọi những kẻ tham lam bán chùa này nên hồi tâm cảnh tỉnh dừng lại ác nghiệp kia, thì mới không uổng công tu học của ông.  Ấy thế,  chẳng những ông không làm vậy mà còn xúi dục họ tăng thượng thêm việc ác.  Há chẳng  phải thừa dịp gió mạnh bèn nổi lửa cho cháy nhà thiên hạ thì ông mới vui sao?  Nói đâm thọc cho hai bên chém giết lẫn nhau thì ông mới vừa lòng sao? Như thế thì cái học Phật pháp của ông dùng để làm gì? 
 
         Ông Thanh Sĩ thường nói:
         " Học có hành giá danh châu báo,
         Học không hành tiếng nhạo đá chai,
         Tu hành cần được cả hai,
         Trong hai thiếu một có xài vào đâu..."
 
         Còn vấn đề Tâm và Tâm sở (Ta và thuộc của Ta) là thuộc về Duy Thức Tông hay gọi là Duy Thức Pháp Tướng Giáo nói về  mọi bản chất và sự biến hiện của 100 tâm pháp để dẫn tới pháp thiền định Duy Thức trải qua 52 quả vị Hiền Thánh, cuối cùng ngộ tâm thành Phật.  Điều này áp dụng cho kẻ xuất gia cũng như cho cư sĩ nếu muốn tu định Duy Thức sanh vào cảnh trời Đâu Suất có ngài Di Lạc Đại Bồ Tát đang là bậc Nhất Sanh Bổ Xứ.    Như thế ông có biết tu là nghĩa như thế nào không?  Ông nên quán lại tâm mình, bao năm nay tự mình đã sống với loại tâm thức nào, tâm ác hay tâm thiện, tâm nhiễm ô hay tâm không nhiễm ô, tâm tham lam hay tâm vô tham... Trong 52 tâm sở ông bị tâm sở nào lôi kéo; trong tám tâm vương, thì tâm vương nào của ông bị trói cột? Thì mới đúng là biết áp dụng Phật pháp vào đời sống, chớ không phải học vài định nghĩa hay đếm chút đỉnh pháp trong Phật giáo mà gọi là tu.
       
           Ông chớ nên hỏi tôi có biết gì về Tâm hay Sở, mà hãy nên tự hỏi lấy mình về chuyện đối nhân xử thế có biết điều gì đúng là đúng, còn sai là sai hay không?  Tôn trọng, hầu hạ sư trưởng đã phải đạo chưa?  Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử có nói: "Biết mình không biết mới gọi là biết."  Ông có hiểu tại sao không?  Vì chúng sanh mê muội, không biết mà cứ cho mình đã biết, hoặc biết chút ít lại cho là đủ, không hạ mình tìm cầu học hỏi ở Thiện tri thức, lại thêm thói ngã mạn tự cao, cho nên suốt đời làm kẻ ngu si.   Muốn biết tôi có biết tâm và sở hay không, thì hãy nghe bài cổ kệ như sau:
 
         Phát khởi sơ tâm Hoan Hỉ Địa
         Cu-sanh du tự hiện triền miên
         Viễn hành địa hậu thuần vô lậu
         Quán sát viên minh chiếu đại thiên.
 
         Thuốc đắng đở tật, nói thật mất lòng.  Lời ít ý nhiều mong ông suy xét tự cứu lấy mình, đừng để cho đến khi trễ nải già khụ như bị rách, như Tổ Qui Sơn nói:
 
         " Đến lúc tuổi đời đã cao, tuổi hạ cũng lớn mà bụng rỗng tâm cao chẳng chịu nương gần bạn lành chỉ biết một bề kiêu ngạo.  Chưa thông kinh luật, sự thúc liễm trọn không, hoặc lớn tiếng to lời nói năng vô độ.  Chẳng kính thượng trung hạ toạ.  Khi tụ họp giống ngoại đạo không khác.  Khua bát ồn ào, ăn rồi dậy trước. Đi đứng ngang càn, Tăng thể trọn không, ngồi đứng lăng xăng khiến người động niệm. Chẳng gìn mảy may phép tắc, chút chút oai nghi.  Lấy gì thúc liễm hậu sanh, tân học nương đâu bắt chước?"
 
6 tháng 4.2016
Đầu Xuân.

No comments:

Post a Comment