Bình luận của Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)
Trong vài năm qua, đã có hàng trăm người đấu tranh khác nhau bị sách nhiễu, câu lưu và giam tù vì đã có hành động chống độc tài, tham ô và bất công. Đàn áp đối lập là một tình trạng phổ thông trong bối cảnh chính trị Việt Nam. Nhưng vụ án mang tội danh "Trốn thuế theo Điều 161 Bộ Luật Hình sự" mà CSVN áp đặt cho Ls. Quân có một số điểm đáng chú ý. Nó gợi lên câu hỏi: Có phải đây là một biểu hiện ngầm tái khẳng định chủ trương "chống Mỹ" của CSVN?
Gần hai mươi năm qua kể từ ngày thiết lập bang giao (12.7.1995) đến nay, CSVN và Hoa Kỳ chưa bao giờ thực sự xem nhau là đồng minh đúng nghĩa. Vì nhu cầu quyền lợi của cả hai phía, các quan hệ ngoại giao, kinh tế và kể cả quân sự đã được thành hình, nâng lên tầm chiến lược. Nhưng trong sâu xa, mỗi bên đều có những dè dặt riêng để tự giới hạn quan hệ ở mức "đối tác chiến lược", thay vì là "đồng minh chiến lược" đúng nghĩa của nhau. Điều này có thể nhìn thấy dễ dàng qua ngôn ngữ, thái độ, phản ứng và những hợp tác lớn giữa hai phía trong suốt quá trình gần 20 năm bang giao. Có thể nói, tình trạng "bằng mặt mà không bằng lòng" này không dấu được công luận, cụ thể nhất là qua các tuyên bố, ngôn ngữ của những người lãnh đạo hai chính phủ mỗi khi có "vấn đề khác biệt" lớn về mặt nhân quyền, mà thực chất là từ quan điểm về cơ chế chính trị. Tuy nhiên cả hai phía vẫn phải tiếp tục kềm chế để duy trì sự hợp tác vì các quyền lợi thực tiễn đang có.
Tình trạng này không có gì đáng ngạc nhiên khi bản chất của hai chế độ chính trị là hoàn toàn khác biệt nhau, và khi những mâu thuẫn từ quá khứ chỉ mới được giải tỏa trên bề mặt. Nhưng vấn đề là cũng vì vậy, nó gây ảnh hưởng không tốt một cách trực tiếp đối với những người, tổ chức không may bị CSVN nghi ngờ là "tay sai" hay có "quan hệ đáng chú ý" với Hoa Kỳ.
Trong quá khứ, nhà cầm quyền CSVN luôn gắn liền các hoạt động kháng chiến, phục quốc sau 1975 với cơ quan tình báo "CIA", đặc biệt là đối với các tổ chức có xuất phát từ Mỹ. Trong hai thập niên qua, sự nghi ngờ đó vẫn không thay đổi đối với những người từ Mỹ trở lại Việt Nam đấu tranh; hay những người Việt Nam có cơ hội sang Mỹ và tiếp cận với các cơ quan công quyền, hiệp hội phi chính phủ có chủ trương vận động phát triển dân chủ ở các nước độc tài. Một tổ chức điển hình là Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy) -- nơi mà Ls. Lê Quốc Quân đã có dịp tham dự một khóa học về vận động phát triển dân chủ. CSVN biết điều này và đã chuẩn bị hành động sách nhiễu.
Vào tháng 3/2007, ông bị nhà cầm quyền bắt giữ và cáo buộc đã có những hành động "nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", ngay sau khi vừa về nước. Trong sự kiện này, CSVN đã không nhượng bộ ngay lời kêu gọi của ứng cử viên Tổng thống Mỹ John McCain, phản đối của nguyên ngoại trưởng Mỹ Madeline Albright, cũng như biểu hiện ủng hộ của Đại sứ Michael Marine đối với Ls. Quân. Ông bị tạm giam 3 tháng, và sau khi được phóng thích, đã tiếp tục bị nhiều sự sách nhiễu nặng nề một cách liên tục cho đến khi bị bắt vào ngày 28/12/2013 với tội danh mới là "Trốn thuế theo Điều 161 Bộ Luật Hình sự".
Trước phiên tòa phúc thẩm ngày 18/2/2014, một lần nữa, CSVN không nhượng bộ trước những kêu gọi, đòi hỏi phải trả tự do cho Ls. Lê Quốc Quân của hàng chục tổ chức nhân quyền quốc tế, đặc biệt là của Bộ Ngoại giao cùng nhiều vị dân cử Hoa Kỳ. Sự kiện điển hình vừa xảy ra, một lần nữa, chứng tỏ rằng CSVN rất cứng rắn trong lãnh vực chính trị, dù luôn cố gắng phát triển quan hệ kinh tế và quốc phòng với Hoa Kỳ. Họ chỉ thỉnh thoảng nhân nhượng khi có nhu cầu bắt buộc phải tạm thời nới lỏng thái độ để tìm giải pháp chung trong các ký kết có tầm vóc quốc gia. Một khi nhu cầu giai đoạn đã đạt được, họ trở lại thái độ chính trị độc đoán cố hữu.
Ngày 18/2/2014, Hà Nội đã y án sơ thẩm 30 tháng tù với Ls. Lê Quốc Quân và phản đối lời cảnh cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng như bản lên án của 14 tổ chức nhân quyền nổi tiếng nhất thế giới. Điều này cho thấy Hà Nội vẫn tiếp tục con đường cai trị độc tài đã có và bất chấp quan điểm cũng như những khuyến nghị của thế giới. Như vậy, liệu khi bản án "trốn thuế" này chấm dứt, và chế độ đương quyền này vẫn tồn tại, thì Ls. Lê Quốc Quân sẽ tránh khỏi việc bị truy tố tiếp tục bởi tội danh "chống nhà nước" theo khoản 2 Điều 88 Bộ luật Hình sự, tương tự như trường hợp của Bogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải hay không?
Cho đến nay, CSVN vẫn luôn chứng tỏ là họ "nắm cái cán" trong các vấn đề liên quan đến "nhân quyền", và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chính sách mềm dẻo một cách bị động. Điều Hoa Kỳ có cố gắng là công khai yểm trợ sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam. Tiếc rằng với hoàn cảnh chính trị hiện nay, đa số quần chúng lao động vẫn còn bị giữ ở một khoảng cách khá xa với nỗ lực vận động của một số Bloggers đầy thiện chí. Nói rõ hơn, Xã hội Dân sự không thể phát triển tự nhiên và mạnh mẽ khi hai quyền tự do Ngôn luận và Lập hội vẫn bị nhà cầm quyền phủ nhận và nghiêm cấm. Chính sách của Hoa Kỳ chưa tạo được áp lực đối với CSVN, và cũng chưa thuyết phục được đa số nhân dân Việt Nam.
Tình trạng này cho thấy là chính phủ Hoa Kỳ cần phải có một chính sách hậu thuẫn dân chủ cho Việt Nam một cách thiết thực hơn là đường lối yểm trợ nhân quyền thụ động như đang có: Chỉ lên tiếng can thiệp mỗi khi có một nhà đấu tranh nổi tiếng nào đó bị bắt giam. Thái độ cục bộ này của chính phủ Hoa Kỳ chỉ an ủi cho một vài tù nhân chính trị được can thiệp, song không giúp được gì cho những người đấu tranh bí mật, hay công khai song không có tên tuổi lớn, không có khả năng viết lách, hùng biện... để được thế giới biết đến một cách rộng rãi. Chính sách hậu thuẫn dân chủ thiếu chủ động này cũng không thể giúp cho đại khối những người đang bị thống trị có điều kiện tự giải phóng lấy mình khỏi nạn độc tài. Hơn nữa, cho dù những lời kêu gọi của chính phủ, hiệp hội dân chủ Hoa Kỳ có đạt được kết quả nhờ vào các cơ hội trao đổi hiếm hoi nào đó, nó cũng không giúp giải quyết được nạn độc tài khi cái gốc của vấn đề là chế độ độc đảng vẫn tiếp tục cầm quyền. Tệ hại hơn nữa, những sự kiện "cải thiện nhân quyền" nửa vời như vậy còn giúp cho chế độ độc tài có thể tiếp tục cai trị dễ dàng hơn.
Mặt khác, với vai trò của một cường quốc, Hoa Kỳ cần có nhiều nỗ lực thiết thực hơn nữa để phục hồi uy tín và tái xác định vị trí lãnh đạo khối tự do trước cộng đồng thế giới, đặc biệt là Việt Nam -- nơi mà chính phủ Hoa Kỳ đã từng can thiệp bằng một chính sách thiếu tính tôn trọng quyền tự quyết của người Việt Nam ở nửa thế kỷ trước, và đã hoàn toàn thất hứa trong cam kết chiến lược với chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở 12 năm sau đó.
Đối với CSVN, đúng ra họ nên hiểu rằng, cho dù mỗi nước có chủ quyền, văn hóa và hoàn cảnh xã hội khác nhau song một khi đã tham gia vào sinh hoạt của cộng đồng thế giới, thì mỗi nước cũng phải chấp nhận những định chế chung về mặt tinh thần, cụ thể là ý nghĩa và vai trò của các công ước quốc tế mà nước CHXHCNVN đã chính thức ký kết. Phủ nhận những điều đã ký kết là nhà nước CHXHCNVN đã tự kết án chế độ trước công luận thế giới. Mặt khác, khi cố tình ngụy biện cho các hành động đàn áp đối lập bằng các định nghĩa lập dị về Dân chủ thì đó cũng là hình thức tự tách rời chế độ ra khỏi quan hệ liên lập với các nước có bang giao.
Viết bởi Lê Nguyên Bình (ĐVDVN) ngày 22/2/2014
Nguồn: www.vidan.info
No comments:
Post a Comment