Friday 20 May 2016

(Huệ Lộc) Phật Pháp - Ba Pháp Lành Của Bồ Tát Tại Gia


Trong Kinh Đại Bảo Tích, phẩm  “Pháp Hội Tam Tụ Luật Nghi”, Phật bảo với ngài Đại Ca Diếp rằng:
     –  Này Đại Ca Diếp!  Bồ tát tại gia có ba pháp tu tập thời lợi ích đạo Bồ Đề: 
A. Ba pháp tu tập có thể lợi ích đạo Bồ Đề:
            1. Vì Nhất Thiết Trí nên tin sâu phát nguyện
            2. Chẳng đắm trước nghiệp tại gia.
            3. Giữ chắc năm giới. 
     Bồ tát tại gia có đủ ba điều trên thời có thể thành tựu được 6 pháp:
            1. Được quả báo hiền thánh
            2. Chẳng câm, chẳng ngọng, chẳng điếc.
            3. Đi đứng trang nghiêm.
            4. Lòng tin sâu chắc
            5. Nơi pháp thậm thâm chẳng kinh chẳng sợ
            6. Khi nghe pháp dễ hiểu dễ ngộ.
Đối với 6 pháp trên (khi đang tu tập), phải biết khéo có 5 điều chướng:
            1. Lời ly gián   2. Vọng ngữ  3. Không có chí nguyện  4. Tật đố (ghen tỵ) 
            5. Đắm trước ngũ dục.
B. Bồ Tát Tại Gia Có Ba Pháp Cần Hành:
            1. Thường có lòng muốn xuất gia
            2. Thường luôn cung kính tôn trọng các bực Sa Môn.
            3. Nếu người thuyết pháp chẳng thuyết chánh Phật pháp thời nên lánh xa, vì chẳng nên học tập những tà ngoại chẳng phải Phật đạo.
C. Bồ Tát Tại Gia Có Ba Pháp Cần Học:
            1. Thường tuỳ thuận Chư Phật
            2. Vì giảng dạy người khác nên tự mình siêng tu hành
            3. Tập rèn lòng từ đối với chúng sanh
 
                                                            *********************************
Lời bàn:
A. Ba pháp tu tập có thể lợi ích đạo Bồ Đề:
Tổng quát: 
            Ngài Đại Ca Diếp hay Ma Ha Ca Diếp là một trong 10 đệ tử lớn của Phật, chuyên tu hạnh đầu đà, là vị tổ thứ nhất được Đức Phật truyền trao chánh pháp.  Ngài sinh ra trong gia đình Bà La Môn ở vùng ngoại ô thành Vương Xá.  Sau khi đức Phật thành đạo ba năm, thì ngài đến quy y với Phật.  Sau 8 ngày tu học pháp Phật, ngài liền chứng quả  Đại A La Hán ngang hàng Thất Địa hay Viễn Hành Địa Bồ Tát.  Ngoài ra còn hai vị  đệ tử Phật  cũng có tên là Ca Diếp, là hai ngài Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp và Già Da Ca Diếp.  Kinh này nói ngài Ma Ha Ca Diếp mà thôi.
            Trong Bồ Tát đạo có hai hạng Bồ Tát: Bồ Tát Xuất Gia và Bồ Tát Tại Gia. 
            Bồ tát xuất gia là những hàng tu sĩ không vợ con hay đã từ giã gia đình thế tục, quy y Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng, thọ Ba La Đề Mộc Xoa giới hay Tam Tụ luật Nghi giới gồm 250 giới cho tăng và 348 giới cho ni.   Họ là những người tự nguyện nhận lấy đời sống ly gia cắt ái, xa lìa ngũ dục, nương theo Tăng Đoàn, chuyên tu phạm hạnh, thiểu dục tri túc. 
            Còn Bồ Tát tại gia là những nam nữ cư sĩ đã quy y Phật, Pháp, Tăng, ngoài việc thọ trì ngũ giới còn phát nguyện thực hành Bồ Tát Đạo thọ trì thêm 43 giới khác tổng cộng 48 giới điều.  Gọi là 48 Bồ Tát Giới.  Họ là những tân học Bồ Tát vì đã phát tâm Bồ Đề và hành Bồ Tát Đạo.   Với nguyện thiết, hạnh sâu nên khi vừa phát Tâm Bồ Đề, những Tại Gia Bồ Tát  hay Xuất Gia Bồ Tát này đã vào sơ địa Bồ Tát vì nhận chân được trí tuệ Bát Nhã  hay Pháp Không.  Trong Kinh Đại Bảo Tích nói trí tuệ và phước đức của một sơ phát tâm Bồ Tát nhiều trăm vạn lần hơn trí tuệ phước đức của hàng Thanh Văn.  Điều này được phân tích rất ư chi tiết, nhưng không nằm trong phạm vi lời bàn ở đây.
Ba Pháp Tu:  
            1. Vì Nhất Thiết Trí nên tin sâu phát nguyện:  Trong Luận Trí Độ có phân ra ba loại trí tuệ là Nhất Thiết Trí, Đạo Tướng Trí, và Nhất Thiết chủng trí (có chổ gọi là Nhất Thiết Tướng trí).   Nhất Thiết Trí là trí tuệ hiểu biết pháp giới hay tánh Không của Thanh Văn, Duyên Giác.  Đạo Tướng Trí là trí tuệ hiểu biết pháp giới hay tánh Không của Bồ Tát.  Nhất Thiết Chủng Trí hay Nhất Thiết Tướng Trí là trí tuệ của Phật.  Ở đây, Phật giảng Kinh Đại Thừa, quả Đại Thừa nên Nhất Thiết Trí được nói ở đây chính là Nhất Thiết Chủng Trí.  Tức nói cách tu hành tiến lên quả Phật.
            Tin sâu phát nguyện:  Biết chắc chỉ có trí tuệ Nhất Thiết Chủng Trí sáng suốt mới phá vở được mọi vô minh.  Nên phát tâm tu học để thành tựu Nhất Thiết Chủng Trí.
            2. Chẳng đắm trước nghiệp tại gia: Nghiệp tại gia tức tâm lưu luyến ái nhiễm ngũ dục.  Người đã xuất gia theo phương diện hình thức như thọ cụ túc giới, cạo đầu, mặc áo người tu sĩ, tuy nhiên còn tâm ái nhiễm ngũ dục, thì vẫn gọi là: Đắm trước nghiệp tại gia.  Điều này có nghĩa là thân tuy xuất gia, mà tâm còn ở tại gia, họ không phải là Sa môn hay tu sĩ đúng nghĩa. 
            3. Giữ chắc năm giới:  Năm giới là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, và uống rượu.  Đây là 5 giới bắt buộc phải có của một cư sĩ vì khi thọ tam quy là quy y Phật, quy y pháp , và quy y  tăng, người cư sĩ bắt buộc phải thọ ngũ giới.   Nếu quy y Tam Bảo mà không thọ 5 giới thì chưa phải là đệ tử Phật, hay nói nôm na chưa phải là một Phật tử hay chưa phải là một cư sĩ.  Thọ giới có nghĩa là tự nguyện giữ giới, nếu có phạm tức phải sám hối không phạm nữa, thì mới đắc giới.  Nếu đã phạm giới mà không sám hối trong thời gian nửa tháng tức phá giới hay mất giới.  Đối với người đã thọ Cụ Túc giới, tức Ba la Đề Mộc Xoa Giới thì 5 giới này trở thành 5 trọng giới vì những tăng hay ni nào phạm vào 1 trong 5 giới này nếu không thành kính sám hối theo pháp Yết Ma thì bị loại ra khỏi hàng ngũ chư tăng và bị gởi trả về hoàn tục
Sáu pháp được thành tựu: 
            1. Được quả báo hiền thánh:  Hiền Thánh là Tam Hiền và Thập Thánh.
            Trong Bồ Tát đạo có 42 vị quả, 40 vị quả đầu chia ra Tam Hiền và Thập Thánh.  Hai vị quả còn lại là Đẳng Giác Bồ Tát và Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát.
            Tam hiền có ba nhóm (không kể Thập Tín), mỗi nhóm có 10 bậc từ thấp đến cao.  Đó là Thập Trụ, Thập Hạnh, và Thập Hồi Hướng. Còn Thập thánh hay Thập địa còn gọi là Bồ Tát Địa cũng có 10 bậc, từ thấp đến cao có Sơ Địa đến Thập Địa.  Sở dĩ Thập Thánh phân ra 10 địa vì do trí tuệ quán chiếu Tánh Không Bát nhã sâu cạn khác nhau.  Vì trình độ trí Bát nhã cạn sâu khác nhau, nên phương pháp thực hành tự độ và tha độ có sai biệt nặng nhẹ khác nhau.  Thí dụ như ở cấp Sơ Địa, tự độ quá nhiều hơn tha độ, dần dần đến hàng Thập Địa thì trí tuệ Bát nhã phát triển tột độ và công hạnh Ba La Mật viên mãn nên không cần tự độ mà phương tiện giáo hoá nghiêng hoàn toàn về tha độ.   Tuy nhiên, dù ở bậc Sơ địa, tâm của Bồ Tát Sơ địa giống như Tâm Phật không khác.    Do ba pháp lành trên mà Bồ Tát Tại Gia tu hành lần lượt chứng đắc trải qua các quả Tam Hiền Thập Thánh.
            2.  Chẳng câm, chẳng ngọng, chẳng điếc:  Theo Luận Đại Trí Độ có bốn loại tăng.  Trong bốn loại tăng này có một loại tăng ngu si gọi là Á Dương tăng.  Giống như loài dê khi bị cọp, sói cắn xé ăn thịt, bị đau đớn nên mở miệng kêu lên tiếng be be như bị câm ngọng.  Người tu hành không thông kinh, luật, tâm chí nhu nhược nên bị ngũ dục cắn xé chẳng có đạo lực chống chọi, chỉ cất tiếng rên than như loài dê câm.  Vì vậy mà gọi là tăng Á dương nghĩa là ông tăng như dê câm.   Tu hành ba pháp trên sẽ làm cho hành giả có trí tuệ nghe thấy sáng suốt có khả năng cắt đứt sự cám dỗ ngũ dục, xa lìa vô minh, phiền não. 
            3. Đi đứng trang nghiêm:  Có ba nghĩa đi đứng trang nghiêm:
            a.  Về mặt sự, do hành trì và giữ gìn giới luật mà oai nghi đi đứng được trang nghiêm, như trong Luật tạng Phật thường hay nói do Giới mà được Định; do Định mà sanh Huệ.
            b.  Cũng về mặt sự, do bố thí giữ tâm kiên cố mà đi đứng trang nghiêm.  Như trong Luận Đại Trí Độ có nói: “Bố thí là nhân duyên của ba mươi hai tướng tốt, vì cớ sao?  Vì khi bố thí giữ tâm kiên cố nên được dưới bàn chân bằng thẳng đứng vững.  Khi bố thí, có 5 sự vây quanh người thọ nhận, như được tri ân, được thương mến, được mong muốn gần gũi, được muốn nghe lời dạy bảo, và muốn được trả ơn, là nghiệp nhân duyên về quyến thuộc, nên được tướng bánh xe dưới bàn chân.  Do sức đại dõng mãnh, thắng được lòng bỏn xẻn, mà bố thí, nên được tướng gót chân rộng phẳng.  Do bố thí nhiếp phục người keo kiệt ích kỷ nên được tướng mạng lưới giữa các ngón tay chân.  Bố thí thức ăn uống ngon thơm nên được tay chân mềm mại, bảy chổ nơi thân đầy đặn…. Cho đến bố thí cúng dường người thọ nhận do tâm thanh tịnh nên được tướng răng trắng đều nhau; bố thí nói thật, nói lời hoà hợp nên được tướng răng khít nhau và đầy đủ.  Khi bố thí, không giận, không đắm trước pháp bố thí, tâm bình đẳng với mọi người thọ nhận nên được tướng mắt trong xanh, mí mắt xinh đẹp như mắt trâu chúa.   Do đó nói rằng bố thí gieo trồng nhân duyên 32 tướng tốt như Phật, nên gọi là đi đứng trang nghiêm.
            c. Về mặt lý, đi đứng trang nghiêm chỉ cho tâm thanh tịnh xa rời ô nhiễm thế gian cho nên sự đi đứng của tâm không có chổ đến hay chổ đi, xa lìa pháp có pháp không.  Ngộ được bản tánh bổn lai Không tức là đi đứng trang nghiêm vì tâm không điên đảo do vô minh che đậy nữa.
            4. Lòng tin sâu chắc:  Trong Luận Đại Trí Độ nói: “Phật Pháp rộng như biển cả, có tin thì mới vào được.” Vậy phải tin như thế nào mà gọi là lòng tin chính xác và sâu chắc?  Đầu tiên nên hiểu “tin” tức là tác dụng tinh thần khiến cho tâm và tác dụng của tâm sanh ra sự thanh tịnh đối với một đối tượng nào đó.  Trong Luận Thành Duy Thức có nói “tin” có 9 tánh chất như sau:
                        1. Thật:  Tin đối với điều có thật
                        2. Đức: Tin đối với điều mang tới công đức
                        3. Năng: Khả năng chứng đắc và thành tựu của đối tượng
                        4. Nhẫn: Trong tin chứa nhẫn lực.
                        5. Lạc: Trong tin có sự vui mừng
                        6. Dục: Trong tin có sự mong muốn được thành tựu
                        7. Sâu xa:  Lòng tin sâu xa không thể bị lung lạc thay đổi
                        8. Tịnh: Lòng tin lấy tâm thanh tịnh làm tánh, đối trị bất tin.
                        9.  Thiện: Lòng tin lấy việc ưa thích thiện pháp làm nghiệp.
            Như thế thì đối chiếu 9 tánh chất của lòng tin vào trong Phật Pháp tức thấy tin sâu xa là tin vào ba việc sau đây:
                        a.  Tin nhận sâu xa vào sự lý chân thật của các Pháp.
                        b.  Tin thích sâu xa và đức tánh chân tịnh của Tam Bảo- Phật, Pháp, và Tăng trì giới thanh tịnh.
                        c.   Tin sâu vào khả năng chứng đắc và thành tựu tất cả thiện pháp thế gian, xuất thế gian. 
            Tin là bước đầu nhập đạo, vì thế mà Đại Trí Độ có nói “lòng tin” giống như cánh tay.  Người có cánh tay khi đi vào trong núi báu, tự tại lấy báu.  Nếu người không có tay thì dù có vào núi báu cũng không lấy được cái gì.  Người có lòng tin Tam Bảo cũng vậy, vào trong núi báu Phật pháp có đủ các thứ Vô lậu căn, Vô lậu lực, Tứ niệm trụ, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo, Tứ thiền, Tứ định cho đến mọi Tam ma địa, mọi Đà La ni, Bồ tát ma ha tát, Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề mà tự tại thu lấy.  Người không có lòng tin cũng vậy, vào trong núi báu Phật pháp mà rốt cuộc không lấy được gì.  Khi còn tại thế, đức Phật có lần suy nghĩ: “Nếu người có tin, người ấy có thể vào trong biển pháp rộng lớn của ta; có thể chứng bốn quả Sa môn, không uổng công cạo đầu mặc áo cà-sa.  Nếu không tin, thì người ấy không thể vào trong biển pháp của Ta, cũng như cây khô không thể sanh hoa quả.   Họ không chứng được quả Sa môn, tuy có cạo đầu và mặc áo cà-sa, tụng nhiều thứ kinh, giỏi vấn nạn, khéo giải đáp đi nữa, thì ở trong Phật pháp chỉ uổng công vô ích.” 
            5. Nơi pháp thậm thâm chẳng kinh chẳng sợ:  Kinh điển trong Phật pháp chia làm hai loại kinh Bất Liễu nghĩa và kinh Liễu nghĩa.  Các kinh Liễu nghĩa là các kinh Đại Thừa hiển bày trực tiếp rõ ràng tường tận về chân như pháp giới nghĩa là nhân quan và vũ trụ quan, như nói sanh tử Niết Bàn không khác, hay nói về Tánh Không Bát Nhã thâm sâu, như kinh Kim Cang, kinh Pháp Hoa, kinh Đại Bát Nhã, Kinh Đại Bảo Tích, Kinh Hoa Nghiêm hay tất cả kinh Đại Thừa.   Còn kinh Bất Liễu nghĩa là các kinh văn thuận theo trình độ chúng sanh mà dùng phương tiện, giáo tướng dẫn dắt gồm các kinh Tiểu Thừa, Khế kinh, Ứng tụng, Ký biệt…
            “Nơi pháp thậm thâm chẳng kinh chẳng sợ” là nghe kinh hiểu biết ý Phật muốn nói về thật tướng vạn hữu, và biết phương tiện Tiểu Thừa như thuyền nhỏ không thể đưa được nhiều loại chúng sanh vượt qua biển sanh tử về cõi Niết Bàn an lạc tịch tịnh. Chỉ có Đại Thừa mới có khả năng cứu độ tất cả chúng sanh qua biển khổ.  Vì thế mà đức Phật trong thời gian giáo hoá, ngài ân cần khuyên dạy tất cả các Tỳ Kheo chớ nên thuyết giảng kinh Tiểu Thừa, mà chỉ giảng Đại Thừa mà thôi.                     
            6. Khi nghe pháp dễ hiểu dễ ngộ:  Pháp ở đây là pháp Tam Thừa.  Thông thường, pháp Tiểu Thừa dễ nghe dễ hiểu vì nặng về phương tiện dẫn dắt.  Tuy nhiên  pháp Đại Thừa là phương tiện hiển bày trực tiếp rõ ràng tánh Không Bát Nhã hay tánh chân như Pháp giới, do đó  khó hiểu khó ngộ vì người nghe chưa quên được thân tâm vô ngã tướng.   Nhưng vì tu tập ba pháp trên mà Bồ Tát Tại Gia không còn khó khăn khi nghe thấy pháp Đại Thừa Viên giáo.
 
B. Bồ Tát Tại Gia Có Ba Pháp Cần Hành:
     1. Thường có lòng muốn xuất gia:  Có hai nghĩa xuất gia: 
            a. Xuất gia là ly thân cắt ái với người thân, sống hoà hợp chung với tăng đoàn, chấp hành thiền qui, tăng luật không được trái phạm.  Do sự chấp nhận Giới Luật quí báu trong nhà Phật, nên người xuất gia có 25 công đức.  Tuy nhiên có rất nhiều người chỉ muốn được cạo đầu, mặc áo vàng, không thọ Giới nên không giữ giới, không tu học giáo pháp của Phật, không hành trì thiền định giải thoát, vậy mà vẫn tự xưng mình là tu sĩ.  Đây là loại tu sĩ giả mạo.  Bên ngoài trông giống như người tu hành, tuy nhiên bên trong không có lòng tu học giải thoát mà lại ham thích thọ nhận sự cúng dường của bá tánh, hôm nay kêu gọi cúng dường cất chùa, hôm nọ kêu gọi cúng dường xây cất parking, bữa khác lại kêu gọi cúng dường xây dựng phòng ốc… Những loại giả sư này có túi tham không đáy, bên ngoài trông như làm pháp sự, nhưng thật sự bên trong là một tổ chức kinh vụ.  Loại hạng Tăng này không phải là người tu chân thật.  Trong Kinh Mi Tiên Vấn Đáp liệt kê trong hành Tăng lữ có bảy hạng người xuất gia vì lý do khác nhau:
                        1.  Có người xuất gia vì muốn trốn luật vua, phép nước. Thí dụ như kẻ giết người, kẻ trốn quân dịch…  Đây là hạng xuất gia giả dối thứ nhất.
                        2.  Có người xuất gia là để được thân cận giới quyền quí cao sang.  Thí dụ như hạng người xuất gia tiếp xúc thân cận, gần gũi vua quan, được gắn huy chương, được cho phép xây cất chùa chiền công khai, được tham gia chánh trị.  Họ đồng ý cho vua quan xen vào lãnh đạo tôn giáo …Đây là hạng xuất gia giả dối thứ hai, rất nguy hiểm cho tự do tôn giáo và tự do tín ngưỡng.
                        3. Có người xuất gia mong được quyền hành trong một ngôi chùa hay lãnh đạo Tăng lữ, đồ chúng.   Thí dụ có kẻ thích làm hoà thượng có chức lớn, chùa lớn để được Phật tử kính nể, mà thật sự chẳng có chút đạo hạnh tu hành hay hiểu biết thâm sâu Phật Pháp.   Đây là loại xuất gia giả dối thứ ba.
                        4. Có kẻ xuất gia vì thất nghiệp, muốn kiếm miếng cơm manh áo.  Thí dụ như kẻ không có tâm tu hành nhưng nương nơi chốn thiền môn, dùng sắc áo Phật kêu gọi đóng tiền cúng dường hết xây chùa đến xây giảng đường, hết xây giảng đường đến xây parking, hết xây parking  thì tới đòi tiền xây phòng ốc, phương xá… Họ kêu gọi cúng dường mà làm như rên xiết như kẻ ăn mày, mất đi tánh chất gieo  duyên ruộng phước cho chúng sanh.  Họ nhìn Phật tử như “con bò vắt sửa”, và “làm tiền” Phật tử đủ mọi cách để đưa vào tài sản riêng của họ.  Loại xuất gia này chính là loại người thất nghiệp, đói kém vì muốn kiếm miếng ăn mà tu.  Đây là hạng xuất gia giả dối thứ tư.
                        5.  Có kẻ xuất gia vì cô thế, cô thân trốn kẻ thù nghịch.  Thí dụ như có kẻ cô thân không người che chở, chạy trốn thù nghịch.  Hoặc những kẻ quan quyền lúc còn quyền lực chuyên làm những chuyện ác, sau khi mất chức hay về hưu sợ bị trả thù nên chui vào chùa chiền, am tự, cạo đầu mặc áo nhà tu hy vọng được yên thân.  Thì đây cũng là một hạng xuất gia giả dối thứ năm.
                        6.  Có người xuất gia vì mang công mắc nợ.  Loại này khi sống trong xã hội bị nợ nần lút đầu, vô phương trả nổi, cho nên tìm phương trốn tránh bằng cách lẻn chui vào chùa chiền, cạo đầu xuất gia hy vọng các chủ nợ nể Phật mà bỏ qua.  Đây là hạng xuất gia giả dối thứ sáu.
                        7. Có người xuất gia vì sợ sanh tử luân hồi, muốn chấm dứt khổ đau phiền não.  Hành tướng loại hạng người này là trì giới cẩn thận, thiểu dục tri túc, thường không thọ lãnh nhiều vật cúng dường.  Tâm họ giàu lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả. Thường hay thực hành các pháp thiền định giải thoát.  Đây mới thật sự là hạng người xuất gia vì muốn diệt khổ.
            Bảy hạng xuất gia trên chỉ có hạng xuất gia thứ bảy là đáng nhận sự cúng dường của Phật tử, còn 6 hạng còn lại là những kẻ mang sắc áo của Phật ra để dối gạt chúng sanh.  Họ không phải là những người tu, mà là những kẻ lợi dụng những ai nhẹ dạ mà lường gạt.  Phật tử cần nên phân biệt, chớ nên cúng dường hay gần gũi các hạng giả tu này.
            b.  Nghĩa thứ hai của xuất gia là ra khỏi nhà “tam giới”.  Tam giới là Dục Giới, Sắc Giới, và Vô sắc giới.  Trong Tam giới, có Vô sắc giới là cõi trời các vị trời Đại Phạm Thiên, tuổi thọ lâu đến 84000 kiếp, nhưng vẫn còn trong tam giới vì vẫn phải chịu luật sanh tử luân hồi.  Ra khỏi tam giới là chứng quả Nhị Thừa, phá vỡ vòng thập nhị nhân duyên, chấm dứt cảnh sinh tử luân hồi, vĩnh viễn không còn khổ đau tái diễn.   Đó là trạng thái Niết Bàn.  Có hai loại Niết Bàn là Niết Bàn của Tiểu Thừa và Niết Bàn của Đại Thừa.
            Theo Câu Xá Tông, Tiểu Thừa có hai loại Niết Bàn.  Ấy là Hữu Dư Y Niết Bàn và Vô Dư Y Niết Bàn.
            Hữu Dư Y Niết Bàn còn gọi là Dư Y Niết Bàn, tức cho cho người đã tu chứng thánh quả Vô Học, nhưng còn có túc nghiệp sở cảm nên còn nương vào thân mà duy trì mạng căn.  Các bậc thánh giả này đã thành tựu được Tam minh, Lục thông, Tứ vô ngại giải thoát và các pháp vô ngại khác…  nên có nhiều phương tiện giáo hoá chúng sanh. 
            Vô Dư Y Niết Bàn còn gọi là Vô Dư Niết Bàn, nghĩa là diệt hết thân tâm, sống trong cảnh giới Không Tịch.  Trạng thái Không Tịch này gọi là “Hôi thân diệt trí”, có nghĩa là thân như tro bụi, trí diệt không còn.  Đây là cảnh giới cứu cánh lý tưởng cao tuyệt của Phật Giáo Tiểu Thừa.  Tuy nhiên Niết Bàn của Tiểu Thừa ví như là nơi an nghĩ của một chiến sĩ sau khi chiến thắng giặc phiền não, không có công dụng giúp lớn cho chúng sanh.
            Theo Đại Thừa Duy Thức, có bốn loại Niết Bàn:
                                    b1. Bản Lai Tự Tánh Thanh Tịnh Niết Bàn:  Chỉ cho Chân Như nghĩa là tướng bản lai của tất cả vạn vật là lý thể của chân như tịch diệt. Tức lý Bát Nhã thanh tịnh chân như.
                                    b2. Hữu Dư Y Niết Bàn: Tức là Bát Niết Bàn hay Đại Bát Niết Bàn vì có 8 pháp vị: Thường trụ, tịch diệt, bất lão, bất tử, thanh tịnh, hư không, bất động, và khoái lạc. Hữu Dư Y Niết Bàn chỉ cho lúc Hoá thân Phật đang giáo hoá chúng sanh.
                                    b3. Vô Dư Y Niết Bàn:  Là Hoá thân Phật nhập Bát Niết Bàn, trở về Pháp thân thường trụ cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ, nơi đây cũng có đủ 8 vị giải thoát như trong Hữu Dư Y Niết Bàn.
                                    b4. Vô Trụ Xứ Niết Bàn:  Nương nơi trí tuệ mà xa lìa phiền não chướng và sở tri chướng, không trệ vào cõi mê của sanh tử.  Bồ Tát trụ trong cảnh Niết Bàn này lấy sanh tử làm nhà mà lui tới không ngại.  Nghĩa là nguyện vào biển sanh tử này mãi mãi để cứu vớt chúng sanh.
            “Thường có lòng thường muốn xuất gia” là nói Bồ Tát Tại Gia chưa viên mãn Bồ Tát Đạo, thường hay mong muốn xuất gia, tu hạnh Bồ Tát, nguyện vào biển sanh tử như đi chợ, cứu độ chúng sanh không nhàm chán. Ấy gọi là Bồ Tát nhập Vô Trụ Xứ Niết Bàn, vì biết mọi sanh tử hay mọi khổ đau trong Tam giới tánh chất như huyễn. 
            2. Thường luôn cung kính tôn trọng các bực Sa Môn: 
            Sa môn là các vị xuất gia thọ Cụ túc giới, đại diện cho Phật pháp mà tự độ và giáo hoá chúng sanh.  Cung kính Sa môn có nhiều lợi ích vì vị Sa môn chân thật sẽ thuyết những pháp vi diệu như nhân quả, thập nhị nhân duyên, Bố Thí Ba La Mật Đa cho đến Bát Nhã Ba La Mật Đa thâm sâu khiến người nghe tin hiểu ý của Phật, nghe xong tin tưởng thực hành nên được kết quả phước đức to lớn.  Trong kinh Đại Phật Đảnh Tôn Thắng, có một đứa bé chăn trâu, một hôm đang chuẩn bị ăn trưa, thấy có một vị Bích Chi Phật đi tới.  Đứa trẻ liền cung kính cúng dường nửa phần ăn của mình cho vị Bích Chi Phật đó.  Vị Bích Chi Phật hoan hỷ thọ nhận, ăn xong Ngài trải chiếu ngồi rồi thuyết pháp  Nhân Duyên cho đứa trẻ chăn trâu kia nghe.  Đứa trẻ chăn trâu nghe pháp xong vui mừng nhớ mãi.  Đến kiếp sau đứa trẻ này được sanh về làm một vị thiên tử trong cảnh trời Ba Mươi Ba.
            3. Nếu người thuyết pháp chẳng thuyết chánh Phật pháp thời nên lánh xa, vì chẳng nên học tập những tà ngoại chẳng phải Phật đạo: 
            Phật pháp là những lời Phật dạy nay còn lưu lại trong tam tạng kinh điển gồm có Kinh, Luật, và Luận.  Kinh là lời Phật thuyết.  Luật  là giới Phật chế ra.  Luận là lời của chư Tổ Sư.   Hành giả y theo Kinh, Luật, Luận mà tu hành thì sẽ đắc được các đạo quả Hiền, Thánh.  Còn nếu theo những lý thuyết ngoại đạo, tất là đi vào con đường khác, dĩ nhiên không thể chứng đắc được các quả Hiền, Thánh, như Phật đã từng nói với một vị đệ tử được nhận cuối cùng là:” Nơi đâu có Bát Thánh Đạo, nơi ấy có quả Sa Môn.”
 
C. Bồ Tát Tại Gia Có Ba Pháp Cần Học: 
            1. Thường tuỳ thuận chư Phật:  Chư Phật có nghĩa có nhiều Phật, không phải chỉ có một Thích Ca Mâu Ni Phật như có nhiều vị trong Tiểu thừa lầm tưởng.  Trong Kinh Pháp Hoa, đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật có nói: “Ta là Phật đã thành; chúng sanh là Phật sẽ thành.” Như thế trong mọi loài chúng sanh đều có Phật tánh, và mọi loài chúng sanh đều có cơ hội thành Phật.  Vậy trong 10 phương thế giới đang có vô lượng vô số Phật trong quá khứ, hiện tại, và tương lai nói chung lại là Chư Phật.   Trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền, nguyện thứ chín trong mười nguyện là Hằng Thuận Chúng Sanh.  Ở đây Phật dạy Hằng Thuận Chư Phật.  Vậy Hằng Thuận Chúng  Sanh và Hằng Thuận Chư Phật có gì khác nhau? 
            Thế nào là Hằng Thuận Chư Phật?  Hằng Thuận Chư Phật chính là có bao nhiêu  vị Phật trong khắp10 phương pháp giới,  tôi tuân hành theo mọi giáo pháp của các Ngài mà tu hành, không có tâm chống báng hay chây lười. Tôi nguyện siêng năng tinh tấn tu học cho đến khi chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.  Đó là Hằng Thuận Chư Phật. 
            Thế nào là Hằng Thuận Chúng Sanh?    Căn cứ trên Kinh Hoa Nghiêm, có bao nhiêu chúng sanh sai khác trong tất cả 10 phương pháp giới, các loài như noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hoá sanh; các loài nương nơi tứ đại mà sanh; có giống nương nơi hư không hay cây cỏ mà sanh; các loài có hình sắc; các loài không hình sắc; các loài có tâm tưởng; các loài không có tâm tưởng… Tất cả các loài như vậy,  tôi đều tuỳ thuận tất cả mà thực hành các sự vâng thờ, cúng dường như kính cha mẹ, như thờ bậc thầy cùng A La Hán, nhẫn đến đức Như Lai không khác.  Điều đó có nghĩa là đối với mọi loài chúng sanh thì phải sanh lòng Đại Bi đầy đủ hoàn toàn.  Dùng tâm Đại Bi mà tuỳ thuận chúng sanh nghĩa là trí tuệ khéo léo dẫn dắt chúng sanh, làm như thế có thể thành tựu pháp cúng dường Như Lai.  Bồ Tát tuỳ thuận chúng sanh là như thế.   Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện)
            Bồ Tát Tại Gia khi mở lòng Đại Bi đầy đủ hoàn toàn tức đã có trí tuệ tương xứng và phương tiện khéo léo để tuỳ thuận dẫn dắt chúng sanh vượt qua biển sanh tử.   Đó cũng là đi theo chí nguyện của các đức Như Lai.  Thì bây giờ Tuỳ Thuận Chúng sanh là Tuỳ Thuận Chư Phật.  Tuỳ Thuận Chư Phật là Tuỳ Thuận Chúng sanh.
            2. Vì giảng dạy người khác nên tự mình siêng tu hành: 
            Vì giảng dạy người khác mà tự mình siêng tu hành, tức là vì chúng sanh mà mình chịu cực khổ, hay gọi là chịu khổ cho chúng sanh.   Trong thiền tông có một câu chuyện về điều này.  Một hôm, có một bà cụ già đến ra mắt ngài Mã Tổ.  Bà cụ nói: 
            – Thưa hoà thượng!  Tôi là người chịu quá nhiều khổ sở từ lúc sanh ra đời đến giờ.  Ông nội tôi làm nghề ở đợ cho một nông gia, làm việc vất vả không đủ nuôi hai bữa ăn, lại còn mắc nợ chủ nhân.  Đến cha tôi cũng tiếp tục nghề ở đợ, làm việc vất vả cũng không đủ nuôi hai bửa ăn cho mẹ con tôi, cũng lại mắc nợ.  Đến đời tôi, cũng lại tiếp tục làm công trả nợ dùm cho ông và cha tôi, mà cũng không trả nỗi.   Giờ đây chồng tôi chết, rồi đứa con duy nhất tôi cũng chết.  Tôi nghĩ rằng tôi sống cũng không ích gì bởi vì tôi đã quá khổ.  Ngài có cách gì giúp tôi không?  Bấy giờ, ngài Mã Tổ mới bảo bà lão rằng: 
            – Tôi có một cách có thể giúp bà hết khổ. 
            Bà lão mới hỏi: 
            – Hoà thượng có cách nào, xin nói cho tôi biết?
     Ngài Mã Tổ mới nói:
            – Vậy bà nguyện xin nhận chịu mọi sự đau khổ của mọi chúng sanh đi.
     Bà mới ngạc nhiên hỏi lại:
            – Tôi là người khổ cực vô cùng và đang muốn hết cái khổ đó.  Sao hoà thượng lại bảo tôi nguyện để nhận thêm mọi cái khổ của chúng sanh nữa, vậy là sao?
            Ngài Mã Tổ bây giờ mới giải thích:
            –  Này bà lão!  Bà có thấy đức Phật Thích Ca không?  Ngài vì muốn cứu khổ chúng sanh, nên ngài mới từ bỏ sự sung sướng nơi cung vàng điện ngọc, vào rừng sâu, dốc chí tu hành cho đến khi thành chánh giác.  Vì thế mà bây giờ Ngài không còn khổ nữa, chớ là gì?   Bà  phát tâm vì chúng sanh chịu mọi cực khổ để  tu hành thành chánh giác tức là nhận chịu mọi sự khổ cho chúng sanh đó, chớ còn gì nữa!
            Thật đúng với sự mong muốn của bà cụ.  Một con đường thoát khổ đã mở ra sẵn sàng.  Cuối cùng bà xin thọ giới xuất gia, và tu hành tinh tấn. 
            3. Tập rèn lòng Từ đối với chúng sanh
            Lòng Từ là một trong bốn vô lượng tâm là Từ, Bi, Hỷ, Xả.  Ở đây Phật chỉ nói riêng rèn lòng Từ, vì khi lòng từ phát mở thì ba vô lượng tâm kia cũng được phát mở theo.   Tâm Từ là gì?  Theo Đại Trí Độ luận thì Từ là sự yêu thương chúng sanh, thường tìm việc vui thích an ổn làm lợi ích cho chúng sanh.  Tu từ Tâm để trừ giác tưởng sân hận đối với chúng sanh.   Con người bình thường khi bị nghịch ý hay nghịch cảnh thường sanh tâm oán hận, hại giết đối tượng.  Tu tâm Từ là đối trị lòng sân hận này.  Công dụng của tâm Từ ngăn chận mọi ác nghiệp, ngoài ra còn có thể hoá giải được oán cừu.  Do tâm Từ mà Bồ Tát Tại Gia nhập vào các thiền cảnh mau lẹ theo thứ lớp.  Nếu người thiếu tâm Từ,  không dằn được tâm sân hận thì tâm họ không điều hoà nhu nhuyển, không thể từ thiền khởi dậy theo thứ lớp nhập thiền.  Vì sao? Vì tâm Từ tương ưng với mọi tâm số pháp, vì Từ có thể trừ được mọi phiền não sân hận xan tham….  Hơn nữa khi ban lòng Từ đến với chúng sanh thì dễ dàng dẫn dắt và cứu độ họ.   Rèn tâm Từ tức tự bảo vệ lấy mình, như trong Kinh Đại Bảo Tích Quyển 6, Pháp Hội Ưu Đà Diên Vương, ngài A Nan có kể lại một câu chuyện về sức mạnh của lòng Từ như sau:
            Khi đức Phật ở nước Câu Di Viêm tại vườn Cù Sư La với 1250 vị đại Tỳ Kheo, bấy giờ bà Xá Ma là hoàng hậu của vua Ưu Đà Diên đến cúng dường đức Phật.  Bà thứ hậu tên là Đế Nữ có lòng ganh siểm nên đến vua nói dối là đức Như Lai và hàng đệ tử có lòng dụ dỗ bà hoàng hậu Xá Ma.
            Nhà vua khi ấy giận lắm, thấy bà hoàng hậu vừa dừng xe ngựa trước cổng thành, ông liền đứng từ trong cổng, lấy cung tên sắt bắn bà hoàng hậu.  Bà hoàng hậu vừa thọ trì ngũ giới với đức Phật tại tịnh xá, nên đủ lòng thương xót vua, liền nhập vào Từ tam muội, mũi tên được bắn ra liền quay trở lại dừng tại trên không ngay đỉnh đầu vua, mũi tên ấy cháy đỏ như khối lửa rất đáng sợ.  Vua bắn ra ba phát tên cũng đều như vậy.
            Vua Ưu Đà Diên thấy sự việc ấy toàn thân lông tóc đều dựng lên kinh sợ, hối hận nói với phu nhân rằng :” Bà có phải là Thiên nữ hay Long nữ chăng?  Hay là Dạ Xoa nữ, Càn Thát Bà nữ, Tì Xá Giá nữ, hay La Sát nữ chăng?”
            Phu nhân Xá Ma nói :” Tôi chẳng phải Thiên nữ cũng chẳng phải La Sát nữ.  Đại Vương nên biết tôi nghe Đức Phật thuyết pháp thọ trì ngũ giới làm Ưu bà di.  Vì thương vua nên tôi nhập Từ tam muội.  Dầu vua đối với tôi sanh lòng bất thiện, nhưng do sức nguyện tâm Từ nên tôi không bị tổn thương.  Lành thay Đại Vương nên đối với đức Như Lai qui mạng đảnh lễ chắc sẽ được an vui. “
            Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phẩm Phạm Hạnh, đức Phật có kể lại một câu chuyện về sự thần biến của tâm Từ cho Bồ Tát Ca Diếp nghe như sau:
            “- Này Ca Diếp!  Như Đề Ba Đạt Đa xưa kia bảo vua A Xà Thế làm hại đức Như Lai.  Lúc đó ta cùng chúng Tăng vào thành Vương Xá thứ đệ khất thực.
            Vua A Xà Thế liền thả voi say để hại ta cùng chư Tăng.  Lúc đó voi say đạp chết rất nhiều người.  Voi ấy ngưởi hơi máu, nên càng thêm hung tợn nhắm ngay đoàn của ta mà chạy thẳng đến.  Các đệ tử chưa ly dục kinh sợ chạy tứ tán chỉ còn một mình A Nan ở lại.  Lúc đó nhơn dân trong thành Vương Xá đều cất tiếng kêu khóc, hôm nay đức Như Lai có thể bị hại, cớ sao đấng Chánh Giác lại vội diệt mất.  Còn Đề Bà Đạt Đa trong lòng hớn hở:  Sa Môn Cù Đàm hôm nay bị hại chết thời là rất tốt, kế của ta rất hay, ta sắp sẽ được toại nguyện.
            Này Thiện nam tử!  Lúc đó ta vì muốn hàng phục voi say, liền nhập Từ tam muội, xoè bàn tay chỉ voi, năm đầu ngón tay ta hiện ra năm con sư tử.  Voi say thấy sư tử, lòng nó quá sợ, phẩn tiểu vảy ra, gieo mình mọp xuống kính lễ dưới chân ta.
            Này Thiện nam tử!  Lúc đó năm đầu ngón tay của ta thiệt không phải sư tử, đó là do sức thiện căn tu tâm Từ làm cho voi say được điều phục.
            Thiện nam tử!  Vừa rồi lúc ta muốn nhập Niết Bàn, mới khởi sự đi đến thành Câu Thi Na.  Giữa đường có 500 lực sĩ rất cao mạn đang dọn quét đường xá có một hòn đá to, bọn họ muốn khiêng bỏ, nhưng sức họ chẳng khiêng nổi.  Lúc đó ta xót thương liền khởi tâm Từ.  Bọn lực sĩ kia thấy ta lấy ngón chân cái hất hòn đá văng lên hư không, rồi lấy tay hứng bắt để hòn đá trên bàn tay, thổi nát ra rồi ráp liền lại làm cho bọn lực sĩ hết tâm cao mạn.  Ta vì họ thuyết các pháp yếu, làm cho họ phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.
            Này Thiện nam tử!  Lúc đó Như Lai thiệt chẳng dùng ngón chân hất văng hòn đá, cho đến chẳng thổi nát và ráp lại. 
            Này Thiện nam tử!  Nên biết chính là sức thiện căn của tâm Từ làm cho bọn lực sĩ thấy như vậy.” (Kinh Đại Niết Bàn, phẩm Phạm Hạnh)
           
            Nói tóm lại sự ích lợi của Phật pháp vô cùng to lớn khó thể nghĩ bàn.  Kiếp con người ngắn ngủi và thân người khó được, khi được rồi lại không biết quí, buông trôi lêu lổng, một đời chóng qua, như trong Qui Sơn Cảnh Sách, ngài Qui Sơn có nói:
 
            ” Một mai bịnh nằm giường,
            Các khổ vấn vít ép ngặt,
            Sớm tối lo toan,
            Trong lòng hồi hộp. 
            Đường trước mờ mờ,
            Không biết về đâu.
            Từ đây mới biết,
            Ăn năn tội lỗi.
            Đến khi khát nước,
            Đào giếng sao kịp.”
 
            Hai câu đầu là nói về cái khổ của thân khi già bịnh.  Khi nạn tai bịnh tật, lão suy đến thời bốn đại bất thường. Một đại không hoà, trăm mạch gân rút, đi đứng khó khăn, ăn uống tiêu hoá rối loạn, sức khoẻ mười phần nay chỉ còn một, hai.  Nên gọi là các khổ ép ngặt, không cho tự tại như trước kia nữa.
            Câu ba và câu bốn nói về cái khổ của tâm, bấy giờ lúc khổ đau bức ngặt, không thể vùng vẫy như lúc mạnh thời được nữa, thì mới chịu cúi đầu suy nghĩ lại mới thấy mình không có một điều lành gì đáng ghi lại trong đời,  nên thôi cũng đành bó tay chịu chết, dầu có nghĩ chi nữa, đâu chẳng hồi hộp đó ư?
            Câu năm và câu sáu nói về khi chết không biết ra sao.  Đường sanh tử luân hồi mờ mịt vì không có chánh kiến, nên đã không gây tạo thiện duyên lúc trước kia thì làm sao có thiện quả, đường lành để bước tới?
            Bốn câu cuối nói ăn năn lỗi trước đây gây tạo như sát hại, nói dối ,trộm cắp , tà dâm với người, là sự đã muộn lắm rồi.  Sáu đường gay go, sanh tử thênh thang.  Ngày trước có người khuyên dạy, không lo tu phước, nay đến giờ này ăn năn sao kịp?   Giống như  người sống trong vùng hạn hán, hằng ngày không toan tính lo xa đào giếng lấy nước.  Chừng đến khi khát nước, mới bắt đầu ra công đào đất, giếng đào chưa xong thì đã ngã lăn ra chết vì quá khát rồi.  
            Nếu biết ăn uống đồ ngon thơm thì tại sao không biết nhịn bớt cho thân tâm nhẹ nhàng?  Biết tiêu xài hưởng thụ thì tại sao không biết bố thí tạo gây phước đức?  Biết tạo gây nghiệp ác thì tại sao không làm được việc thiện?  Ngũ uẩn vốn không thật.  Vạn sự tùng tâm khởi.  Ác thiện tự do mình tạo, nói rộng ra là Tam giới do tâm tạo.  Sáu đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A Tu La, Nhân, Thiên  đều do tâm khởi mà hiện tướng, do đó  lời nguyện Chú Đại Bi trong Đại Bi Sám Pháp mới có câu:
 
                        Nếu con đến núi đao,
                        Núi đao liền sụp đổ.
                        Nếu con đến nước, lửa,
                        Nước lửa liền khô tắt.
                        Nếu con đến địa ngục,
                        Địa ngục liền trống không.
                        Nếu con đến ngạ quỷ
                        Ngạ quỷ liền no đủ
                        Nếu con đến A Tu La,
                        Ác tâm liền trừ dẹp.
                        Nếu con đến súc sanh,
                        Họ liền đủ trí huệ.
            Những điều trên có nghĩa là khi một người trì chú Đại Bi thì phải mở tâm Từ, thì chú Đại Bi mới khởi phần tác dụng:  
            Khi tâm Từ đã khai mở, bấy giờ khi đến núi đao tức là đối diện tâm đấu tranh hay chiến đấu của chính mình, nhờ sức thần chú mà tâm ‘núi đao” bị sụp đổ, tức không còn tánh sát hại hay chém giết nữa.
            Khi tâm Từ đã khai mở, bấy giờ đến nơi vùng nước, lửa.   Đây chính là nước ái dục và lửa sân hận của chính mình, nhờ năng lực của chú Đại Bi mà nước ái dục và lửa sân hận cũng bị khô tắt.
            Khi tâm Từ khai mở, bấy giờ đến địa ngục là hậu quả của các trọng tội như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối nên luôn luôn bị giá lạnh hay thiêu nóng hay bị đánh đập khổ đau trong tâm không lúc nào yên… Nhờ vào năng lực của chú Đại Bi mà các tội được tiêu diệt, nên gọi là địa ngục liền trống không.
            Khi tâm Từ khai mở, bấy giờ đến ngạ quỷ tức kết quả tâm bỏn xẻn keo kiệt nên luôn luôn đói khát triền miên, sở cầu không bao giờ được như ý.  Do nhờ sức chú lực Đại Bi mà tâm bỏn xẻn keo kiệt mất đi, nên hưởng sự no đủ.
            Khi tâm Từ khai mở, bấy giờ đi đến loài súc sanh tức sự cố chấp si mê nương vào tà kiến làm bản ngã.  Do nhờ năng lực chú Đại Bi mà sự chấp thủ tà kiến bị phá tan, nên có đủ trí tuệ.
Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
5/17/2016

No comments:

Post a Comment