Monday, 10 October 2016

(Hùng Nguyễn) CÓ và KHÔNG


Hơn 40 năm trước chúng tôi có cơ duyên được đọc Bát Nhã Tâm Kinh, tên đầy đủ là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, và cũng qua các bài giảng của HT Thích Thiện Hoa, cư sỹ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, HT Thích Thanh Từ và quan trọng nhứt là thời gian thể nghiệm về cuộc đời Tu tập của Lục Tổ Huệ Năng qua Pháp Bảo Đàn Kinh và Kinh Kim Cang để từ đó có thể Tu tập bản thân.
Năm 2001, được một Giáo Thọ của Làng Mai tặng quyển sách nói về phương pháp Tu tập và những bài Kinh Nhựt tụng, trong đó có Tâm Kinh Bát Nhã hoàn toàn bằng tiếng Việt cũng như bản dịch Anh văn. Nhờ vậy mà chúng tôi hiểu thêm về công đức của Thiền sư Nhất Hạnh trong sự nghiệp truyền bá Đạo Phật đến những xứ Âu, Mỹ.
Tuy nhiên đó là Công Hạnh của các vị đó, vấn đề của chúng ta là phải tìm thấy con đường đi cho chính mình. Các vị Tổ, Bồ Tát và ngay chính Đức Bổn Sư cũng luôn bảo "Hãy tự thắp Đuốc soi đường mà đi". Điều này cũng hàm ý là chúng ta phải dùng Trí tuệ để tìm con đường của chính mình, không theo đuôi ai. Phật, Bồ Tát, 28 vị Tổ bên Tây Thiên và 6 vị Tổ tại Đông Độ cũng đều có riêng mỗi vị một con đường, không con đường nào giống con đường nào nhưng cùng đến chung một nơi, một cửa. Đó là GIÁC NGỘ, là CỬA KHÔNG.
Chúng ta muốn đến chùa Vô Môn đâu nhứt thiết phải theo gót chân ai. Vấn đề là phải biết, thấy chùa Vô Môn ở đâu. Khi đã thấy con đường (Ngộ Đạo) đến chùa Vô Môn rồi thì đi đến đó bằng cách nào, bằng phương tiện gì và lúc nào là do mình tự quyết định.
Nếu gặp người dẫn có kinh nghiệm, đã biết đường (tức Ngộ Đạo) chỉ dẫn thì là phước duyên của mình. Nếu chẳng may gặp kẻ chưa biết đường (chưa Ngộ Đạo), như mọi người, mà làm ra vẻ biết rành lắm để ta tin, và theo thì cả đời không bao giờ đến chùa Vô Môn, vì bản thân người dẫn đường còn không biết chùa ở đâu thì mình theo cũng chỉ là đi lạc mà thôi. Rốt cuộc tiền (lộ phí, ăn, ở, hay cúng dường cho người dẫn đường) mất, lại phí cả thời gian, cả cuộc đời.
Tìm được người hướng dẫn biết đường, tức là tìm được vị Minh Sư, là cái Duyên của mình. Bằng không thì, theo lời Phật dạy, tự thắp Đuốc Trí Tuệ, hành trì Phật pháp:
* Niệm "Nam mô A Di Đà Phật" hoặc "Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu ni Phật". Miệng niệm, Ý niệm, Tâm niệm cho đến khi Nhứt Tâm. Khi đó Tâm Thanh Tịnh không còn Tạp Niệm, Có và Không cũng không còn. Đây là Thể Tánh "KHÔNG" của Chánh Pháp, của vạn Pháp.
* Quán chiếu. Dùng công án Thiền (vỗ tay với một bàn tay), hoặc lấy một chữ (Duyên, Nghiệp, Có, Không, Nhân Quả,...) mà quán xét. Khó và mất nhiều công phu nhưng đã tới thì tức thì.
*****
Trở lại Bát Nhã Tâm Kinh, về những nhận xét của Thiền Sư Nhất Hạnh. Vấn đề là chữ VÔ hay chữ KHÔNG trong Bát Nhã được hiểu như thế nào.
* Khi Đức Phật Ngộ Đạo lý nhiệm màu, lúc đầu Phật cũng không muốn truyền bá cũng chỉ vì sợ chúng sanh hiểu sai, hiểu không hết ý những điều không thể nghĩ, bàn. Nhưng vì lòng Từ Bi nên Phật mới thuyết Pháp, mong cứu khổ được chúng sanh nào, tốt chúng sanh nấy. Phật luôn nhắc nhở là những gì Phật giảng chỉ là nắm lá trong tay và trước khi nhập diệt "Ta không nói một lời nào trong suốt 45 năm thuyết pháp" để phật tử sau này không bị Vướng, Chấp vào Pháp. Đúng như Lão Tử nói : Đạo mà thuyết giảng được không phải là Đạo THƯỜNG".
* Đa số, 99,99% người đời chấp CÓ. Phật nhập thế giảng Pháp CÓ (có Thân, có Tâm, có Pháp, có Tướng, có Chúng sanh,...) để thể nhập chúng sanh mà giảng dạy. Sau đó Phật dạy Bát Nhã trong suốt 22 năm, khuyên chúng sanh dùng Trí Huệ thấu suốt để phá Chấp, để không bị Tri thức ràng buộc. Theo lý Bát Nhã vạn vật là KHÔNG, VÔ NGÃ, VÔ PHÁP, VÔ TƯỚNG,...không thể bị coi là bỏ chấp CÓ để rơi vào chấp KHÔNG.
Chú Sa di bị Thầy nhéo mũi vì chú tin và chấp KHÔNG (bỏ chấp CÓ). Vậy đâu có mũi để biết đau khi bị nhéo.
Còn cho là Tổ Huệ Năng kẹt vào ý niệm VÔ, tức chấp KHÔNG khi nói "Bổn lai VÔ nhứt vật" là không hiểu ý chử KHÔNG của Tổ.
* Vậy Phật Pháp chấp CÓ hay chấp KHÔNG? Haykhông CÓ cũng không KHÔNG? Hay có CÓ cũng có KHÔNG?
Trong Tâm Kinh có câu:
Có chẳng khác Không, Không chẳng khác Có.
Có chính là Không, Không chính là Có

Và Tất cả là đều như vậy, như câu nói của Lục Tổ : "Phiền não tức Bồ đề"

Chúng ta, ai đã đọc qua Pháp bảo đàn Kinh đều hiểu rằng khi Lục Tổ nghe bài kệ chấp CÓ (Thân và Tâm) của Thần Tú:

THÂN thị Bồ đề thọ
TÂM như minh kính đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai
Nên Lục Tổ mới ứng bài kệ đối đãi như sau:
Bồ Đề bổn Vô thọ
Minh Kính diệc phi đài
Bản lai  nhứt vật
Hà xứ nhạ trần ai.

Mục đích của Lục Tổ là muốn phá cái chấp CÓ của Thần Tú chớ Tổ không hề chấp KHÔNG như chúng ta đã nghĩ sai. Lục Tổ là một vị Phật thị hiện nên trong lòng Tổ An Nhiên Tự Tại, Thanh Tịnh Trống Vắng, không có tạp niệm CÓ hoặc KHÔNG.
Chử KHÔNG trong "Bổn lai VÔ nhứt vật" thì KHÔNG không phải là trái nghĩa với chử CÓ, màKHÔNG của Lục Tổ là Bản thể của vạn Pháp (vạn Pháp giai KHÔNG). Chính vì thấy Lục Tổ lãnh NGỘ tính KHÔNG của vạn Pháp, nên Ngũ Tổ mới truyền Y Bát. Do đó nghĩ rằng Lục Tổ dùng chữ KHÔNG để phá chấp CÓ rồi rơi vào chấp KHÔNG là chưa thấy được cái thấy (NGỘ) của Ngũ Tổ và Lục Tổ vậy. Nếu hiểu VÔ của Lục Tổ là chấp KHÔNG thì có khác gì chấp CÓ của Thần Tú, vì chấp CÓ hay chấp KHÔNG đều là Biên kiến, là Tà Kiến. Vậy sao Ngũ Tổ trao Y, Bát cho Huệ Năng? Bởi vì, như đã thưa ở trên, Ngũ Tổ không hiểu chử KHÔNG của Lục Tổ như phàm phu chúng ta.

Chúng sanh mê lầm luôn chấp CÓ (Có Thân, có Tâm nên thường chúc nhau Thân, Tâm thường An lạc là thế). Chúng ta quán xét đều thấy hầu hết các chùa đều dạy phật tử chấp CÓ để Tu và Hành ( vì nếu bảo là Không có gì thì chúng sanh do mê, quen chấp CÓ, sẽ không tin KHÔNG và không chịu đến chùa để Tu). Tức là tu theo chấp CÓ của Thần Tú.

Cũng vì đa số chấp Có, nên Ngũ Tổ miệng thì chê bài Kệ của Lục Tổ và bảo xóa, chỉ khuyên đệ tử theo bài Kệ chấp CÓ của Thần Tú mà Tu, nhưng lại truyền Y Bát, Chánh Pháp cho Lục Tổ Huệ Năng, còn khuyên phải bỏ trốn về phương Nam ẩn thân đến 16 năm sau mới xuất hiện.

Cũng cần lưu ý là Lục Tổ khi được Ngũ Tổ truyền Y Bát lúc còn trẻ và chưa cạo đầu xuất gia, mà lại thể nhập Tri kiến Phật, làm Tổ, nên rất dễ bị hại bởi những người Vô minh.

Để kết luận, Đạo Phật là Đạo Thường, chư Phật, Bồ Tát, Tổ tuỳ Duyên mà giảng Pháp, "lúc CÓ, lúc KHÔNG", lúc "CÓ chính là KHÔNG", lúc "không CÓ không KHÔNG", mục đích là đem lại sự AN LẠCcho chúng sanh, giải thoát khỏi phiền não do Vọng Tâm sinh phân biệt. Mọi sự tranh luận CÓ, KHÔNG nếu không thấu lý Đạo sẽ chỉ đem lại phiền não, là sai với niềm mong ước của chư Phật, Bồ Tát và Tổ.

Luận về việc không thể Luận, Bàn thì không tránh khỏi sự thiếu sót. Chỉ mong những ý sơ khai trên đây về CÓ, KHÔNG góp chút kiến giải trong sự TU học. Mong được quý Thiện Tri thức chỉ dạy.

Hùng Nguyễn (Oct 08,2016)

Đạo Thường: Đạo thường còn, đạo vĩnh hằng, chân lý vĩnh cữu.

Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ là tên và kinh văn mới của kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa thường gọi là Bát Nhã Tâm Kinh, hoặc đơn giản hai chữ Tâm Kinh vừa được Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch lại và hoàn tất mà theo Ngài là vào khoảng ba giờ khuya ngày 21.08.2014 tại Viện Vô Ưu - Đức quốc. Trong một lá thư gửi cho học trò, và đệ tử 4 chúng khắp nơi trên thế giới Ngài đã lý giải rất tường tận về Lý do tại sao phải dịch lại kinh văn này.
Thiền Sư nói với đệ tử của ngài rằng :  ... Sở dĩ Thầy phải dịch lại Tâm kinh, vì vị tổ sư biên tập Tâm kinh đã không đủ khéo léo trong khi sử dụng ngôn từ; do đó, đã gây ra nhiều hiểu lầm qua các thời đại. (...) Thầy chỉ hơi tiếc là vị tổ sư biên tập Tâm kinh đã không thêm vào bốn chữ không có, không không ngay sau bốn chữ không sinh, không diệt mà thôi. Bởi vì bốn chữ ấy có thể giúp người thoát khỏi ý niệm có và không, và người ta sẽ không còn dễ bị kẹt vào những cái như “không mắt, không tai, không mũi, không lưỡi…”
 
Kinh văn mới cùng với lá thư lý giải tại sao phải dịch lại Kinh này đã phổ biến lần đầu tiên trên trang nhà Làng Mai ngay tức khắc đã có hơn 2200 thành viên facebook ưa tích. Sau đây là Minh giải của Thiền Sư về Lý do tại sao phải dịch lại Tâm Kinh. Tiếp theo là kinh văn trường hàng, kế đến là kinh văn theo kệ tụng 5 chữ. Và sau cùng là kinh văn tiếng Anh.
 
 
Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ
 
Lý do tại sao phải dịch lại Tâm Kinh?
 
Các con của Thầy,
Sở dĩ Thầy phải dịch lại Tâm kinh, vì vị tổ sư biên tập Tâm kinh đã không đủ khéo léo trong khi sử dụng ngôn từ; do đó, đã gây ra nhiều hiểu lầm qua các thời đại.
 
Thầy muốn kể cho các con nghe hai câu chuyện: câu chuyện của một vị sa-di tới tham vấn một thiền sư và câu chuyện một thầy khất sĩ tới tham vấn Tuệ Trung Thượng Sĩ.
 
1. Chuyện của một vị sa-di tới tham vấn một thiền sư
 
Vị thiền sư hỏi chú sa-di:
- Con hiểu Tâm kinh như thế nào, nói cho Thầy nghe đi.
 
Chú sa-di chắp tay đáp:
- Con học được rằng, tất cả năm uẩn đều là không. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp; không có sáu thức, mười tám giới cũng không có, mười hai nhân duyên cũng không có, mà cả tuệ giác và chứng đắc cũng không có.
 
- Con có tin vào lời kinh ấy không? 
- Dạ con rất tin vào lời kinh.
 
Thiền sư bảo:
- Con xích lại gần thầy đây.
Khi chú sa-di xích lại gần, vị thiền sư liền dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ của mình nắm lấy cái mũi của chú sa-di và vặn một cái mạnh. Chú sa-di đau quá la lên:
 
- Thầy ơi, thầy làm con đau quá!
 
Vị thiền sư nhìn chú và hỏi:
- Vừa rồi chú nói rằng không có mũi. Nếu không có mũi thì cái gì đau vậy?
  
2. Chuyện một thầy khất sĩ tới tham vấn Tuệ Trung Thượng Sĩ
 
Tuệ Trung Thượng Sĩ là một vị thiền sư cư sĩ, đã từng làm y chỉ sư cho vua Trần Nhân Tông hồi vua còn nhỏ tuổi. Hôm ấy, có một thầy tỳ-kheo tới hỏi ngài về Tâm kinh:
 
- Bạch Thượng Sĩ, hình hài chính là cái không, cái không chính là hình hài, câu này có nghĩa gì?
 
Ban đầu, Thượng Sĩ im lặng. Sau đó, Thượng Sĩ hỏi:
- Thầy có hình hài không? 
- Dạ có.
- Vậy thì tại sao lại nói hình hài là không? 
Thượng sĩ hỏi tiếp:
- Thầy có thấy trong cái không gian trống rỗng kia, có cái hình hài không? 
- Dạ con không thấy có. 
- Vậy thì tại sao lại nói cái không tức là hình hài? 
Vị khất sĩ đứng lên xá và đi ra. Nhưng thầy bị Thượng Sĩ gọi lại và đọc cho nghe bài kệ sau đây:
 
“Sắc tức thị không, không tức thị sắc,
Chư Bụt ba đời tạm thời bày đặt.
Không chẳng phải sắc, sắc chẳng phải không,
Thể tính sáng trong không hề còn mất.”
 
Căn cứ vào câu chuyện này, ta thấy Tuệ Trung Thượng Sĩ đã nói ngược lại với Tâm kinh và đã động tới cái công thức “sắc tức thị không, không tức thị sắc” linh thiêng, bất khả xâm phạm của nền văn học Bát-nhã.
 
Thầy thấy Thượng Sĩ đã đi quá đà. Thượng sĩ chưa thấy được rằng cái lỗi không nằm ở công thức “sắc tức thị không” mà nằm ở chỗ vụng về nơi câu “Thị cố không trung vô sắc”. Cách dùng chữ của Tâm kinh Bát-nhã ngay từ câu đầu cho đến câu: “không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt”, theo Thầy đã là tuyệt hảo. Thầy chỉ hơi tiếc là vị tổ sư biên tập Tâm kinh đã không thêm vào bốn chữ không có, không không ngay sau bốn chữ không sinh, không diệt mà thôi. Bởi vì bốn chữ ấy có thể giúp người thoát khỏi ý niệm có và không, và người ta sẽ không còn dễ bị kẹt vào những cái như “không mắt, không tai, không mũi, không lưỡi…” Cái mũi của chú sa-di đến bây giờ vẫn còn đỏ, các con thấy không?
 
Vấn đề bắt đầu từ câu kinh: “Này Śāriputra, vì thế mà trong cái không, không có hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức” (tiếng Phạn: Tasmāc śāriputra śūnyatayā na rūpa na vedanā na sajñā na saskārā na vijñānam). Ô hay! Vừa nói ở trên là cái không chính là hình hài, và hình hài chính là cái không, mà bây giờ lại nói ngược lại: Chỉ có cái không, không có hình hàiCâu kinh này có thể đưa tới những hiểu lầm tai hại: Nó bốc tất cả các pháp ra khỏi phạm trù hữu và đặt chúng vào trong phạm trù vô (vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức…). Trong khi đó, thực tính của vạn pháp là không hữu cũng không vô, không sinh cũng không diệt. Kiến chấp hữu là một biên kiến. Kiến chấp vô là một biên kiến khác. Cái mũi của sư chú còn đau tới bây giờ là vì sự vụng về này. Cho đếnbài kệ kiến giải tương truyền là của tổ Huệ Năng cũng bị kẹt vào ý niệm vô đó: “bản lai vô nhất vật!”:
 
“Cây bồ đề vốn chưa bao giờ từng có
Đài gương sáng cũng vậy
Từ xưa nay, chưa thực sự có một cái gì
Vậy thử hỏi bụi bặm có chỗ nào để bám?”
 
Thật là:
 
“Một áng mây qua che cửa động
Bao nhiêu chim chóc lạc đường về.”
 
Tuệ giác Bát nhã là thứ tuệ giác siêu việt giúp chúng ta vượt thoát mọi cặp ý niệm đối lập như sinh diệt, có không, nhiễm tịnh, thêm bớt, chủ thể đối tượng, v.v... và tiếp xúc được với thực tại bất sinh bất diệt, phi hữu phi vô, v.v... : thực tại này chính là thực tính của vạn pháp. Đó là trạng thái của sự mát mẻ, lắng dịu, bình an, vô úy, có thể chứng nghiệm được ngay trong đời sống hiện tại với hình thể năm uẩn của mình. Đó là nirvāna. “Chim chóc ưa trời mây, hươu nai ưa đồng quê, các bậc thức giả ưa rong chơi nơi niết bàn.” Đây là một câu rất hay trong phẩm Nê Hoàn của Kinh Pháp Cú trong tạng kinh chữ Hán.
 
Tuệ giác Bát nhã là sự thật tuyệt đối, là thắng nghĩa đế, vượt lên trên mọi sự thật ước lệ. Nó là cái thấy cao nhất của Bụt. Những đoạn kinh nào trong Đại Tạng, dù là trong các bộ Kinh Bát Nhã đồ sộ, nếu không phản chiếu được tinh thần trên, thì đều còn nằm trong bình diện sự thật ước lệ, chưa phải là đệ nhất nghĩa đế. Rủi thay, ngay trong Tâm Kinh, ta cũng thấy có một đoạn khá dài như thế.
 
Cũng vì vậy mà trong bản dịch mới này, Thầy đã đổi luôn cách dùng chữ trong nguyên văn tiếng Phạn và bản dịch chữ Hán của thầy Huyền Trang. Thầy dịch: “Chính vì vậy mà trong cái không, năm uẩn là hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức đều không có mặt như những thực tại riêng biệt”, (They do not exist as separate entities). Các pháp từ duyên khởi mà biểu hiện, không có tự tính riêng biệt, không thể tự riêng mình có mặt; đó là điều kinh Bát-nhã muốn tuyên giải. “Cả tuệ giác và chứng đắc cũng không có mặt như những gì riêng biệt.” Câu kinh này cũng sâu sắc không kém gì câu “sắc tức thị không”. Thầy cũng đã thêm vào bốn chữ không có, không không vào sau bốn chữ không sinh, không diệt“Không có, không không” là tuệ giác siêu việt của Bụt trong kinh Kātyāyana (Ca Chiên Diên), khi Bụt đưa ra một định nghĩa về chánh kiến. Bốn chữ này sẽ giúp cho các thế hệ sa-di tương lai không còn bị đau lỗ mũi.
 
Tâm kinh Bát-nhã có chủ ý muốn giúp cho Hữu Bộ (Sarvāstivāda) buông bỏ chủ trương ngã không pháp hữu (không có ngã, mà chỉ có pháp). Chủ trương sâu sắc của Bát-nhã thật ra là để xiển dương tuệ giác ngã không (ātma sūnyatā) và pháp không (dharma sūnyatā) chứ không phải là ngã vô và pháp vô. Bụt đã dạy trong kinh Kātyāyana rằng phần lớn người đời đều bị kẹt vào ý niệm hữu hoặc vô. Câu kinh: “Chính vì vậy mà trong cái không, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức…” rõ ràng là đang bị kẹt vào ý niệm vô, cho nên câu kinh ấy không phải là một câu kinh liễu nghĩa. Ngã không (ātma sūnyatā) chỉ có nghĩa là sự trống rỗng của cái ngã, mà không phải là sự vắng mặt của một cái ngã, cũng như chiếc bong bóng trống rỗng bên trong chứ không phải là không có chiếc bong bóng. Pháp không (dharma sūnyatā) cũng thế, nó chỉ có nghĩa là sự trống rỗng của các pháp mà không phải là sự vắng mặt của các pháp, cũng như bông hoa chỉ được làm bằng những yếu tố không phải hoa chứ không phải là bông hoa đang không có mặt.
 
Tâm kinh Bát-nhã ra đời muộn khi tín ngưỡng mật giáo đã bắt đầu thịnh hành. Vị tổ sư biên tập Tâm kinh đã muốn tín đồ Mật giáo đọc tụng Tâm kinh, nên trong đoạn cuối đã trình bày Tâm kinh như một linh chú. Đây cũng là một phương tiện quyền xảo. Thầy sử dụng cụm từ “tuệ giác qua bờ”, vì trong câu linh chú ấy có từ pāragate có nghĩa là qua tới bờ bên kia, bờ của trí tuệ. Pārāyana cũng như Pāramitā đều được dịch là Đáo Bỉ Ngạn. Trong Kinh Tập (Sutta Nipāta), có một kinh gọi là Pārāyana được dịch là đáo bỉ ngạn, qua tới bờ bên kia.
 
Chúc các con tập tụng bản dịch mới cho hay. Mình đã có bản dịch tiếng Anh rồi và thầy Pháp Linh đang phổ nhạc mới. Thế nào trong ấn bản mới của Nhật Tụng Thiền Môn, ta cũng đưa bản dịch mới này vào. Hôm qua dịch xong, có một ánh trăng đi vào trong phòng Thầy. Đó là khoảng ba giờ khuya ngày 21.08.2014.
 
Viết tại Viện Vô Ưu, Waldbrӧl,
Thầy của các con, thương và tin cậy. 
 
Kinh văn Tâm Kinh mới bằng văn trường hàng:
 
Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ
Bồ-tát Avalokiteśvara, trong khi quán chiếu sâu sắc với tuệ giác qua bờ, bỗng khám phá ra rằng tất cả năm uẩn đều trống rỗng, tất cả đều là cái không. Giác ngộ điều ấy xong, bồ-tát vượt qua được mọi khổ đau ách nạn.
 
“Này Śāriputra, hình hài này chính là cái không và cái không cũng chính là hình hài này. Hình hài này không phải là một cái gì khác với cái không và cái không cũng không phải là một cái gì khác với hình hài này. Điều này cũng đúng với các cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức.
 
“Này Śāriputra, tất cả mọi hiện tượng đều mang theo tướng không, không hiện tượng nào thực sự có sinh, có diệt, có có, có không, có dơ, có sạch, có thêm và có bớt.
 
“Chính vì vậy mà trong cái không, năm uẩn là hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức đều không có mặt như những thực tại riêng biệt. Mười tám lĩnh vực hiện tượng là sáu căn, sáu trần và sáu thức cũng đều không có mặt như những thực tại riêng biệt; mười hai khoen nhân duyên cùng sự chấm dứt của chúng, bốn đế là khổ, tập, diệt và đạo cũng không có mặt như những thực tại riêng biệt; tuệ giác và chứng đắc cũng đều như thế.
 
“Vị bồ-tát khi thực tập phép quán tuệ giác qua bờ không thấy có gì cần được chứng đắc, nên không thấy còn có gì chướng ngại trong tâm. Và vì tâm không còn chướng ngại nên vị ấy vượt thắng được mọi sợ hãi, đập tan được mọi tri giác sai lầm và đạt được nirvāa tuyệt hảo.
 
“Tất cả các Bụt trong quá khứ, hiện tại và vị lai nhờ nương vào phép thực tập tuệ giác qua bờ mà đạt tới chánh giác toàn vẹn.
 
“Cho nên, này thầy Śāriputra, ai cũng cần biết rằng tuệ giác qua bờ là một linh chú lớn, là linh chú sáng nhất, là linh chú cao nhất, là linh chú không thể so sánh được. Đó là tuệ giác chân thực có khả năng diệt trừ tất cả mọi khổ nạn. Vì vậy ta nên đọc lên câu linh chú sau đây để tán dương tuệ giác qua bờ:
 
“Gate, gate, pāragate, pārasamgate, bodhi, svaha!” 
 
Kinh văn Tâm Kinh mới bằng kệ tụng 5 chữ:
 
Avalokita
Khi quán chiếu sâu sắc
Với tuệ giác qua bờ,
Bỗng khám phá ra rằng:
Năm uẩn đều trống rỗng.
Giác ngộ được điều đó,
Bồ-tát vượt ra được
Mọi khổ đau ách nạn.(C)
 
“Này Śāriputra,
Hình hài này là không,
Không là hình hài này;
Hình hài chẳng khác không,
Không chẳng khác hình hài.
Điều này cũng đúng với
Cảm thọ và tri giác,
Tâm hành và nhận thức. (C)
 
“Này Śāriputra,
Mọi hiện tượng đều không,
Không sinh cũng không diệt,
Không có cũng không không,
Không dơ cũng không sạch,
Không thêm cũng không bớt. (C)
 
“Cho nên trong cái không,
Năm uẩn đều không thể
Tự riêng mình có mặt.
Mười tám loại hiện tượng
Là sáu căn, sáu trần
Và sáu thức cũng thế;
Mười hai khoen nhân duyên
Và sự chấm dứt chúng
Cũng đều là như thế;
 
Khổ, tập, diệt và đạo
Tuệ giác và chứng đắc
Cũng đều là như thế. (C)
 
“Khi một vị bồ-tát
Nương tuệ giác qua bờ
Không thấy có sở đắc
Nên tâm hết chướng ngại.
Vì tâm hết chướng ngại
Nên không còn sợ hãi,
Đập tan mọi vọng tưởng,
Đạt niết-bàn tuyệt hảo. (C)
 
Chư Bụt trong ba đời
Nương tuệ giác qua bờ
Đều có thể thành tựu
Quả chánh giác toàn vẹn. (C)
 
“Vậy nên phải biết rằng
Phép tuệ giác qua bờ
Là một linh chú lớn,
Là linh chú sáng nhất,
Là linh chú cao tột,
Không có linh chú nào
Có thể so sánh được.
Là tuệ giác chân thực
Có khả năng diệt trừ
Tất cả mọi khổ nạn. (C)
 
Vậy ta hãy tuyên thuyết
Câu linh chú qua bờ:
“Gate, gate,
pāragate,
pārasamgate,
bodhi, svaha!” (CC) 
 
Kinh văn Tâm Kinh mới bằng Anh ngữ:
 
The Insight that Brings Us to the Other Shore
 
Avalokiteshvara
while practicing deeply with
the Insight that Brings Us to the Other Shore,
suddenly discovered that
all of the five Skandhas are equally empty,
and with this realisation
he overcame all Ill­being.
 
“Listen Shariputra,
this Body itself is Emptiness
and Emptiness itself is this Body.
This Body is not other than Emptiness

No comments:

Post a Comment