Kinh Thủ Lăng Nghiêm là một bộ kinh căn bản cho Duy Thức Tông vì chỉ thẳng Tam Giới Duy Thức có nghĩa là ba cõi Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới sở dĩ tồn tại đều là do sự biến hiện của Thức hay Tâm thức, cũng là bộ kinh nòng cốt cho Thiền Tông chỉ thẳng Chơn Tâm vì ba cõi chín loại trong toàn thể pháp giới đều do vọng tưởng mà thành, do đó mà thế giới vạn hữu được thành lập. Tuy là một bộ kinh chí thông mười pháp giới, khảo sát cội nguồn vũ trụ vạn tượng, quí báu vô song, có khả năng đưa hành giả nhảy vào Đất Tỳ Lô tức khắc, người xưa gọi là “Tu Nhất Kiếp Ngộ Nhất Thời” như câu giới thiệu của Thiền Tông: “Kiến Tánh Thành Phật”, nhưng bộ kinh Lăng Nghiêm này đặt sâu nặng giới luật làm đầu vì Giới là mảnh đất phát sanh ra thiền định và trí tuệ Phật Đạo. Trong Kinh văn, Đức Phật có bảo: “Muốn tu nhập Tam Ma Địa Lăng Nghiêm thì hành giả trước tiên phải giữ gìn giới luật: Dâm, Sát, Đạo, Vọng như băng như giá.” Đó là Tứ Trọng giới đứng đầu trong mọi giới pháp Nhà Phật. Vi phạm một trong 4 trọng giới này tức là vi phạm nghiêm trọng lỗi lầm trong bộ giới Ba-la-đề-mộc-xoa gồm có 250 giới của Tỳ-Kheo và 348 giới của Tỳ-Kheo-Ni, tức cũng không đắc được một pháp nào, nói chi là chứng được Thánh quả.
Ba-la-đề-mộc-xoa quan trọng như thế nào cho người tu?
Theo quyển Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, tập 1, quyển 1, trang 81, phần Kinh Giới Nhân Duyên nói:
“- Nêu lên một pháp (Giới Pháp) mà gồm thâu cả ba môn Vô lậu học. Nếu không có giới thiện, thì định tuệ không phát khởi. Giới pháp này có ba loại:
– Luật nghi giới, cũng gọi là Ba-La-Đề-Mộc-Xoa giới
– Định Cộng giới, cũng gọi là Thiền giới.
– Đạo Cộng giới, cũng gọi là Vô lậu giới.
1) Luật nghi giới (Ba-la-đề-mộc-xoa): Luật dùng để ngăn ngừa và đình chỉ; Nghi là hình nghi, nó có khả năng đình chỉ các việc ác, thể hiện nơi thân gọi là giới, cũng gọi là oai nghi. Oai là thanh bạch, trang nghiêm khả kính. Nghi là phép tắc đáng làm mô phạm, cũng gọi là Điều Ngự, tức là hướng dẫn tâm làm điều lành. Ba-La-Đề-Mộc-Xoa, tiếng Hoa dịch là Bảo Giải Thoát, cũng dịch là Biệt Giải Thoát, vì nó có khả năng bảo đảm hành giả ra khỏi biển sanh tử. Hơn nữa, tuỳ theo sự giữ gìn, không phạm giới nào đó, thì ở nơi đó có sự giải thoát, tức chỉ cho 250 giới học xứ, và tuỳ luật oai nghi.
2) Định Cộng giới: Định là vắng lặng, khi vào Định tự nhiên điều phục tâm thiện, chận đứng các điều ác.
3) Đạo Cộng giới: Đạo có khả năng thông suốt, sau khi chơn tâm được phát khởi, tự nó không huỷ phạm, như người chứng được Sơ Quả, khi cày cấy thì loài trùng chun sâu vào lòng đất, đó là cái sức của Đạo Cộng Giới.
Luận Tát Bà Đa nói: “Giới Ba-La-Đề-Mộc-Xoa này, nếu Phật xuất thế thì có; Phật không xuất thế thì không có (vì chỉ có Phật lập ra), nhưng Thiền giới và Vô lậu giới lúc nào cũng có. Giới Ba-La-Đề-Mộc-Xoa từ nơi lời dạy mà có được, còn Thiền Giới và Vô lậu Giới không từ nơi lời dạy mà có được. Cho nên nói: Giới Ba-La Đề-Mộc-Xoa, chỉ có đệ tử Phật mới có, còn Thiền Giới thì ngoại đạo cũng có. Vì thế khả năng duy trì Phật pháp, gồm cả bảy chúng ở thế gian, đạo quả ba Thừa nối tiếp nhau không dứt đoạn đều dùng Ba-La-Đề-Mộc-Xoa giới làm căn bản. Thiền và Vô Lậu giới thì không vậy. Do đó trong ba loại giới, Ba-La-Đề-Mộc-Xoa là hơn hết… Điều đặc biệt là 250 giới tướng này không thể thêm hay bớt được. Một tu sĩ bắt đầu thọ giới, khi trải qua pháp Yết Ma lần thứ ba xong liền được giới còn gọi là Vô Tác Giới Thể, có nghĩa là diệu thiện giới pháp trong 10 phương thế giới lưu chảy xuống đảnh môn người thọ giới, từ đảnh môn trôi chảy vào thân tâm, sung mãn chánh báo, bao trùm cả đời vị lai, luôn luôn là hạt giống Phật, kinh sách gọi là: “Yết Ma thành tựu đắc xứ sở”… (Do đó mà thấy thọ giới là sự quý báu ngần nào!)
Chú thích 1: Vô Tác. Ngài Thiên Thai đại sư nói: “Giới thể không phát thì thôi, phát khởi thì thuộc về tánh”. Vô tác giới thể là do tánh và tu kết hợp với nhau mà thành giới thể. Vô tác có nghĩa là sau khi Giới phát khởi rồi thì không phát khởi nữa, nó luôn theo người thọ giới mãi mãi cho đến khi người đó tự phá giới. Vô tác giới này khi đã phát khởi rồi không hề phát khởi lại. Do đó Tiểu Thừa khi mất giới rồi, dứt khoát không cho thọ giới lại. (Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, tập 1 quyển 1, trang 94)
Luận nói: “Được giới thân này (xứ sở), liền đồng với Tăng bảo, thường khiến cho Thiên Long tôn phụng, quỷ thần khâm phục tuân theo. Nếu tâm không vui sống với Đạo thì gọi là Giới Lụy tức là giới yếu kém. Nếu hướng đến vị không phạm giới để xả giới tức gọi là Hoàn giới. Nếu không có cái Vô Tác Giới Thể này (250 giới hay Ba-La-Đề-Mộc-Xoa giới), thì thiện thần dựa vào đâu để mà quý kính? (chúng sanh dựa vào đâu để mà quy ngưỡng hay thọ giới tu học?)” (Kinh Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, tập 1 quyển 1, trang 81)
Bốn trọng giới trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm đề cập là Dâm, Sát, Đạo, Vọng giải thích tóm lược như sau:
- a) Dâm: Tu sĩ phạm giới dâm dục nam nữ. Đã thọ giới xuất gia, phải tuyệt dục nam nữ trong thân, khẩu, và ý, dù đó là người vợ của mình trước đây.
- b) Sát: Tu sĩ phạm giới sát sanh. Đã thọ giới xuất gia, phải tuyệt đối không được sân hận sát hại các loài sanh mạng trong thân, khẩu, và ý.
- c) Đạo: Tu sĩ phạm giới Trộm Đạo. Đã thọ giới xuất gia, phải tuyệt đối không được Trộm cắp qua thân, khẩu, hay ý. Vật không cho, không được tự ý thu lấy.
- d) Vọng: Tu sĩ phạm giới Vọng ngữ: Đã thọ giới xuất gia, phải tuyệt đối không Vọng ngữ qua thân, khẩu, hay ý. Vọng ngữ có bốn loại:
– Lời nói dối, chuyện có nói không, chuyện không nói có.
– Lời nói đâm thọt hai bên cho gây sự tranh đấu đôi bên.
– Lời nói ác- hung dữ chưởi rủa trù yếm
– Lời nói hống hách khoe khoang, không khiêm cung lễ độ.
Đó là bốn Giới Ba La Di còn gọi là Tứ Trọng.
Luật Ngũ Phần nói: “Ba La Di còn gọi là “Pháp đoạ” hay “Pháp đoạn đầu” là không phải pháp của bậc Sa môn. Như cây kim bị sứt đít, không còn dùng được. Như người mạng tận, không thể sống lâu. Như đá bị vở hai, không thể hiệp lại được. Như chặt ngọn của cây đa la (loại cây có lá dùng để ghi chép, nhưng khi bị cắt tim ngọn thì chết), không thể sống được.” (Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, tập 1 quyển 2, trang 155)
Luật Căn Bản Tát Bà Đa Bộ Luật Nhiếp nói:” Ba La Di là Cực Ác lại có nghĩa là Tha Thắng (kẻ khác thắng mình rồi). Khi vừa phạm giới liền bị người tịnh hạnh khinh khi vì họ hơn; lại bị phiền não xô ngã vì nó đã thắng. Xuất gia có mục đích hướng về Niết Bàn, là để trừ phiền não, nay phá giới cấm, ngược lại bị nó hàng phục. Nó cũng hay làm hại thiện phẩm khiến cho phẩm hạnh bị tiêu diệt, và cũng hay sanh ra tội, rơi vào đường ác… ” (Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, tập 1 quyển 2 trang 156)
Kinh nói: ” Thế nào gọi là Ba La Di?
Như người bị chặt đầu không thể sống lại được. Tỳ-kheo phạm pháp này, không trở lại thành Tỳ-kheo, cho nên gọi là Ba La Di.” (Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, Tập 1 quyển 2 trang 165)
Duyệt lại chuyện đã xảy ra gần đây:
Từ ngày 24 tháng 7, 2015 đến nay, VHĐ đã gởi tất cả là 5 lá thư đến VP2. Lá thư thứ năm ngày 4 tháng 11, 2015 do Viện Hoá Đạo GHPGVNTN làm tại Tu viện Long Quang, Huế, Việt Nam là Bức Tâm Thư số 42/VHĐ/QVT/TT phủ nhận Đại hội tháng 10 tại San Jose, California, và Uỷ ban Thanh lý Tài sản chùa Phật Quang, một quyết định rất quan trọng cho cuộc đời tu hành của một số tu sĩ phạm giới, là vì đây chính là sự quyết định của toàn thể Giáo Hội đại diện Tam Bảo luận định tội trạng của một Tỳ kheo đã thọ 250 giới Ba-la-đề-mộc-xoa. Theo như bức Tâm Thư số 42/VHĐ/QVT/TT thì vị Tỳ kheo này chẳng những phạm Tội Tứ Trọng “sát, ĐẠO, dâm, vọng” mà còn phạm luôn tội Ngũ Nghịch là “Phá Hoại Sự Hoà Hợp Tăng Đoàn”. Như thế theo Luật Ma Ha Tăng Kỳ và Luật Tứ Phần, kể từ ngày 4 tháng 11 năm 2015, người này không còn là một Tỳ Kheo hay Sa Môn gì cả bởi vì tất cả những giới luật của ông đã bị rút mất, và ngay chiếc cà sa cũng không còn! Vậy trong bất cứ Tăng Đoàn nhà Phật dù là Tiểu Thừa hay Đại Thừa, người này không còn có tư cách danh xưng là Tỳ Kheo hay Sa Môn. Tại sao? Vì có hai điều xác định như sau:
- Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa tập yếu, Tập 1 quyển 2, trang 165.
” Thế nào gọi là Ba La Di?
Như người bị chặt đầu không thể sống lại được. Tỳ-Kheo phạm pháp này không trở lại thành Tỳ -kheo, cho nên gọi là Ba La Di.”
- Quyển Con Đường Thành Phật, Pháp Sư Ấn Thuận, Chương V, Đại Thừa Bất Cộng Pháp, trang 221
“Trong quy chế Tăng đoàn do Phật quy định, nếu có người phạm trọng giới thì bị trục xuất khỏi Tăng đoàn, thủ tiêu tư cách xuất gia của người ấy. Không những không xứng đáng là Tỳ Kheo, ngay đến Sa Di cũng không đáng. Phạm các trọng giới tất sẽ bị đoạ lạc.”
Trong lá thư “Đại Lễ Dâng Y” có người phạm giới đã bị rút mất hết giới luật của tu sĩ mà vẫn tự xưng là “Tỳ Kheo” thì rõ ràng không hiểu gì về những điều Phật dạy! Có ai đó hiểu biết lẽ tu hành nên giúp người này bằng cách ngồi lại giải thích, và khuyên ông ta chớ dùng danh xưng là Tỳ Kheo nữa trong các thư mời Phật sự, thí dụ nói rằng: ” Ông ơi! Ông đã không còn là Tỳ Kheo nữa vì ông đã phạm trọng giới và bị Giáo Hội kết tội Ba la Di và Ngũ Nghịch rồi, vậy ông chớ tự xưng mình là Tỳ Kheo nữa, vì làm thế là phạm thêm tội khinh khi Tam Bảo, thêm tội Trộm Pháp, sau này kết quả tội trạng càng thêm sâu nặng.”
Hơn nữa theo luật Tứ Phần cũng như Luật Ma Ha Tăng Kỳ, bất kỳ là những tu sĩ nào sinh hoạt Phật sự chung với kẻ phạm giới Ba La Di thì phạm giới Tăng Tàn. Tuy giới Tăng Tàn không nặng như tội Ba La Di, nhưng vẫn huỷ hoại giới thể và cuối đời vẫn rơi vào địa ngục, không thoát được. Còn nếu là thiện nam tín nữ mà tiếp tục thân cận hay cúng dường cho Tăng phạm giới thì đó là làm trái lời Phật dạy, cũng gọi là phá giới, như trong Kinh Đại Niết Bàn, Phẩm Tứ Y, Đức Phật có nói với Ngài Ca Diếp Bồ Tát:
“Này Ca Diếp! Nếu Ưu Bà Tắc biết rõ là Tỳ kheo phá giới thời chẳng nên cung cấp lễ bái cúng dường. Nếu trong chư Tăng có người phá giới chẳng nên vì họ mặc áo cà sa mà cung kính lễ bái”
Như thế thì biết, những Phật tử chân chính chớ nên gần gũi cúng dường các Tỳ-kheo phá giới vì họ là những tà sư phá đạo, mà cũng không vì thấy họ mặc áo cà sa mà mang lòng sợ hãi hay cung kính vì họ không còn tư cách của người tu sĩ nữa.
Chính vì sự mầu nhiệm giải thoát của các bộ kinh Đại Niết Bàn và Kinh Thủ Lăng Nghiêm, nên Đức Phật cho biết rằng trong thời mạt pháp các tà sư và sư phạm giới không ưa thích, không tán thán, không phổ biến vì các bộ kinh này là gương sáng soi được tâm ảnh của tà sư trong đó. Vì thế mà Bộ Kinh Lăng Nghiêm và Kinh Đại Niết Bàn sẽ bị ma sư chôn vùi đầu tiên trong 12 bộ Kinh do Phật dạy, chúng thường hay bảo nhau rằng: “Phật chỉ giảng Tứ Diệu Đế mà thôi! Làm gì mà có các bộ kinh kia… Các Kinh khác với Tứ Diệu Đế là do người tạo, chớ Phật nào có giảng ra bao giờ…” Nghe những luận điệu như thế thì biết đó là lời của Ma. Tại sao? Vì tu học không phải chỉ cố cầu cho được giải thoát mà còn phải phá tan các vọng chấp về Pháp mới chính là Đại Bát Niết Bàn. Vì vậy mà Kinh Đại Bát Nhã thường nói: “Ngã và ngã sở mà còn chẳng có, huống chi là các pháp khác.” Nói rằng Phật chỉ giảng Tứ Diệu Đế mà thôi, còn những Kinh khác không do Phật nói, là một điều sai lầm, điên đảo nghiêm trọng. Trong quyển Con Đường Thành Phật, Pháp sư Ấn Thuận nói:
“Điều đặc biệt muốn nói đến ở đây là quả vị Phật quyết không thể chỉ một hạnh, một pháp môn mà có thể viên thành được. Trong Kinh, có lúc Phật nói về trọng điểm tu hành pháp gì thì có thể mau chóng đạt được Vô Thượng Bồ Đề, đôi khi lại khái quát dung hoà mà nói: khi tu bố thí hoặc tu Bát Nhã Ba La Mật là đầy đủ cả 6 Ba La Mật. Nhưng nếu dựa vào vọng chấp, cho rằng chỉ tu một pháp, một hạnh nào đó cũng có thể thành Phật mà không cần tu các công đức khác, như vậy là hiểu sai lầm, điên đảo.” (Con Đường Thành Phật, Chương V, Đại Thừa Bất Cộng Pháp, trang 327)
Gần đây thấy có những điều xảy ra giống như những điều mà Kinh Lăng Nghiêm đã nói. Xin lược lại một vài điều trong Ngũ Ấm Ma trong quyển Đại Cương Kinh Thủ Lăng Nghiêm, dịch giả là cố Hoà Thượng Thích Thiện Hoa:
- Bài Thứ 15: Mười Món Ma Thọ Ấm
- Chấp Không
“Người tu thiền định, khi sắc ấm tiêu, thọ ấm hiện bài, trong tâm rỗng sáng, rồi sanh ra chấp đoạn diệt, bác không nhân quả, không tội phước, tất cả đều không. Nếu hành giả hiểu biết (đó là những tà kiến để tránh) thì không hại; còn nếu mê lầm không biết, chấp mình chứng Thánh thì bị ma nhập tâm, rồi chê bai người trì giới cho là tu hạnh Tiểu Thừa, rồi xưng mình là Bồ Tát ngộ lý chơn không, rồi không còn trì giới mà còn phạm giới nữa, vẫn ăn thịt, uống rượu, và làm những việc tà dục. Do thần lực của ma, nó làm cho tín đồ say mê, thương yêu cung phụng, luôn luôn trung thành, chẳng sanh lòng nghi ngờ, huỷ báng. Vì ma nhập lâu ngày làm cho phải điên, đến đổi ăn uống những đồ nhơ-uế, mà cho cũng như là uống rượu, ăn thịt, phá các giới cấm của Phật, hoàn toàn chấp không, làm mất chánh kiến của mình, sau khi chết rồi, đoạ vào đường tà.”
- Bài Thứ 15: Mười Món Ma Thọ Ấm
- Vì Quá Tham Ái Nên Sinh Ra Cuồng
“Người tu thiền định, khi sắc ấm tiêu, thọ ấm hiện bài, sanh ra vô cùng ái dục, đến đỗi phát cuồng. Nếu hành giả giác ngộ (cảnh ma này) thì cảnh đó hết dần; nhưng nếu còn mê lầm không biết, cho là chứng Thánh thì bị ma nhập tâm, rồi khuyến hoá người đời làm việc dâm dục. Bảo họ rằng: “Hành dục là đạo Bồ Đề, người hành dục là kẻ duy trì chánh pháp”. Do thần lực của ma làm cho người cuồng kia chinh phục được nhiều người, đến chừng ma không còn lợi dụng được nữa, nhàm chán bỏ vị tu sĩ kia rồi, lúc bấy giờ hành giả không còn oai đức gì nữa, bị luật nước giam cầm, đến khi lâm chung đoạ vào địa ngục vô gián.”
Hai phần trích trên chỉ là hai đoạn nhỏ trong 50 cảnh Ngũ Ấm Ma dựa vào người tu hành để phá hoại hành giả rơi cảnh tù tội và cuồng loạn. Đức Phật ân cần phó chúc lại ông A- Nan rằng: “Sau khi Ta nhập diệt, các ông nên đem lời Ta dạy đây mà truyền dạy cho chúng sanh đời sau, bảo hộ người tu hành được thành đạo Bồ Đề, chớ để cho họ gặp các loài ma chướng làm hại mà phải đoạ vào ác đạo.”
Trong thời mạt pháp này, có rất nhiều trường hợp tăng ni hư đốn do vì phạm nhiều trọng giới mà vẫn tiếp tục con đường sai lầm, không bao giờ tự kiểm sửa sai hay thực tâm sám hối nên mới xảy ra những chuyện như tự treo cổ hay tự huỷ diệt mạng sống của chính mình khi đi trên con đường sai lầm đã quá xa, không thể quay đầu được nữa. Kết quả là đời nay tu sĩ phạm trọng tội bị luật pháp phạt nặng như bỏ tù hay đền bù tài sản to lớn cho người; đời sau phải chịu cảnh địa ngục thảm khổ chẳng biết lúc nào ra khỏi. Còn những nam nữ theo hổ trợ các tà sư, khi tà sư bị pháp luật trừng trị thì những nam nữ này cũng sẽ gặp 10 nạn sau đây:
- Bị nạn liên hệ đồng bọn.
- Bị nạn tù tội ít nhiều tuỳ theo việc làm nghiêm trọng của tà sư.
- Bị nạn hao tốn tiền của, tài sản vì lo việc kiện tụng.
- Bị nạn bịnh tật vì lo lắng nên ăn uống tiêu hoá không bình thường nên tuổi thọ bị ảnh hưởng.
- Bị nạn giảm sút mất mát tiền dự trữ hưu trí.
- Bị anh em bạn bè cười chê. Mỗi lần ra ngoài tự dị mặt xấu hổ.
- Bị vợ, con, anh em trách móc than oán, dẫn tới gia đình ly tán.
- Mất đi chánh niệm vì lo sợ, thân tâm tán loạn dẫn đến sự tâm trí khủng hoảng.
- Thường hay gặp ác mộng
- Đời này thường hay gặp nạn tai vì không Đức che thân, đời sau sanh vào chổ nghèo khổ bần cùng, các căn khuyết kém, thiếu duyên gặp Phật, nhưng thầy trò tà sư thường gặp lại nhau rồi gây thêm ác duyên hắc nghiệp tiếp tục, nên cả suốt cuộc hành trình sanh tử luôn gặp khổ đau mãi mãi khó mà ra khỏi.
Quý vị đạo tâm cần phải cẩn thận việc chọn Minh Sư để tránh 10 nạn khổ trên, vì thế mà Kinh Đại Niết Bàn, Phẩm Tứ Y, Đức Phật có di huấn lần cuối cùng với Ngài Ca Diếp Bồ Tát:
“Này Ca Diếp! Nếu Ưu Bà Tắc biết rõ là Tỳ kheo phá giới thời chẳng nên cung cấp lễ bái cúng dường. Nếu trong chư Tăng có người phá giới chẳng nên vì họ mặc áo cà sa mà cung kính lễ bái.”
Còn về Trộm của Thường Trụ Tam Bảo là tội rất lớn. Trộm lấy hay cưỡng lấy tài sản của Phật, Pháp, Tăng như chùa chiền, đất đai, tiền bạc cúng dường, danh xưng Giáo hội…. chính là Trộm cắp Tam Bảo Thường Trụ. Theo Luật Phật thì có 6 loại trộm cắp sơ lược như sau:
- Đối diện cưỡng lấy: Có người đem vật hay tài thí đến cúng dường, biết rằng trong đó không có phần của mình mà nói trong đó có phần của mình, nếu nhận phần ấy về mình thì trở thành tội trộm cắp của Thường Trụ Tam Bảo.
- Chùng lén lấy: Vì Bổn sư của mình mà đến chổ khác nhận tài vật cho Bổn sư. Sau khi nhận tài vật rồi, nếu tự lấy làm của riêng mình mà không báo cáo lại cho Bổn sư hay Giáo hội biết thì là trộm cắp của Thường Trụ Tam Bảo.
- Điều lộng lấy: Móng ý muốn trộm tài vật tài sản của Tam bảo hay danh xưng của Giáo Hội nên tính toán sắp đặt kế hoạch sang đoạt tài sản hay danh xưng này bằng luật lệ địa phương thế gian, mà không báo cáo với Bổn sư hay Giáo Hội tức phạm tội trộm cắp của Thường Trụ Tam Bảo.
- Nhận họ gởi mà lấy: Có người khác trong Giáo Hội hay Phật tử gởi vật gởi tịnh tài hoặc cúng dường làm việc phước thiện cho thiên tai… , sau đó khởi tâm tham san không trả lại hay không trao hết cho nạn nhân, tức phạm tội trộm cắp của Thường Trụ Tam Bảo.
- Cho rồi đoạt lấy lại: Nếu đã dâng tặng hay cúng dường hay hứa khả cho tịnh tài và tài sản cho người khác tức là vật của mình đã có chủ khác, nếu lấy lại vật ấy mà không cho phép tức phạm tội trộm cắp của Thường Trụ Tam bảo. (Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, tập 1, quyển 3, trang 186)
- Dùng của cúng dường Phật, Pháp, Tăng lẫn lộn:
- Của cúng dường cho chùa, tháp thì dùng cho Tăng là mang tội Ba La Di:
Trường hợp có vị chủ chùa, tháp có tài vật nhưng chúng Tăng không có tài vật , bèn nghĩ rằng: Cúng dường Tăng thì Phật cũng có trong đó, liền đem vật của chùa, tháp mà cúng dường cho Tăng. Vị chủ chùa, tháp nầy tức thời phạm tội Ba La Di.
- Trường hợp chùa, tháp không có tài vật mà Tăng có tài vật, mượn tạm để dùng thì được, nhưng cần phải ghi chép phân minh rằng: “Khi nào mượn dùng, khi nào trả lại.” Nếu Tăng không có tài vật mà chùa, tháp có tài vật, nếu muốn mượn dùng thì cũng làm như vậy. Khi giao nhận để mượn dùng, phải tuyên đọc văn kiện rõ ràng trước chúng, giao nhận phân minh. Nếu không tuyên đọc văn kiện thì phạm tội Việt-Tỳ -Ni. (Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, Tập 1, quyển 3, trang 183)
Như thế tiền cứu trợ động đất Nepal mà mang đi làm lễ Phật Đản ở Nepal là lấy của cúng dường Phật làm cung cấp cho Tăng. Tức phạm tội Ba La Di vậy. Rồi lại không được cho phép mà bán chùa tức trộm lấy của cúng dường Giáo Hội (Tăng), tức phạm tội trộm lấy của Thường Trụ Tam Bảo và cũng phạm thêm tội Việt-Tỳ-Ni.
Đó là tả sơ lược về tội Trộm Cắp của Thường Trụ Tam Bảo. Về mặt hậu quả thì tội này lớn hơn cả tội Ngũ Nghịch vì nó có tánh cách phá hoại Tăng Đoàn, cho nên trong Kinh Phương Đẳng, Ngài Hoa Tụ Bồ Tát nói: “Tội Ngũ Nghịch và tội Tứ trọng ta có thể cứu đặng, còn tội trộm lấy vật của chúng Tăng, thì ta không thể cứu đặng.” (Sa Di Luật Giải, trang 55)
Đời Đường, đất Phân Châu, ông chủ chùa Khải Phước, tên là Huệ Trừng nhiễm bịnh, cất tiếng như trâu rống mà chết, chôn cất xong, ông tăng trong chùa đó là Ngài Trường Ninh ban đêm thấy ông Huệ Trừng về hình sắc ốm gầy. Trừng nói: “Tôi vì lạm dụng của Tam Bảo, chịu khổ khó nói, các tội còn nhẹ, duy có tội lạm dụng của Thường Trụ Tam Bảo rất nặng, xin Ngài làm ơn cứu giúp. Ngài Trường Ninh bấy giờ vì ông Huệ Trừng tụng kinh sám tội hơn một tháng Trừng trở về nói: “Nhờ lợi ích sám hối tụng Kinh, nay Tôi riêng ở một chổ và đã đặng bớt khổ, song chưa biết ngày nào mới hẳn là ngày hết tội.” (Sa Di Luật Giải, trang 55).
Quý vị Đạo tâm! Giới luật là con đường Niết Bàn, tu sĩ không giữ gìn giới luật như người què chân, không thể đi đâu được; cũng như xe đi vào đường hiểm, nếu bị hư máy gãy trục thì bị nạn giữa chừng. Người tu phá giới cũng vậy, khi chết lòng sợ hãi vì biết sẽ rơi vào địa ngục như một bài kệ do Phật nói ra sau đây:
Ví như người què chân,
Không thể đi đâu được.
Người phá giới cũng vậy,
Không thể sanh trời, người.
Muốn được sanh lên trời,
Hoặc sanh vào cõi người,
Thường phải giữ chân giới,
Đừng để bị thương tổn.
Như xe vào đường hiểm,
Lo hư chốt gãy trục,
Phá giới cũng như vậy,
Khi chết lòng sợ hãi.
Giới pháp dụ như chốt trục của xe. Huỷ giới thì khi chết, tướng của đường ác hiện ra, như trong đường hiểm, xe bị hư chốt gãy trục. Trước sau không nhầm lẫn, sợ sệt khủng khiếp. Vì thế mà nói nếu không phá giới, dầu tuy chưa có định huệ, quyết định cũng không mất thọ thân nơi cõi nhân, thiên. Lại nữa nên biết, người trì giới như kẻ có đôi chân tốt, muốn đi đến nơi nào lại không được. Muốn siêu thoát lên thượng phẩm đài sen, hay muốn thừa sự mười phương các Đức Phật, hoặc muốn nghiêm tịnh vô biên cõi Phật, hay muốn nhập vào huyền môn của pháp giới, đâu không dùng Giới này làm phương tiện đầu tiên.
Ngài Trí Húc Đại Sư nhắc lại lời Phật dạy rằng: “Tam tạng 12 bộ cũng chỉ có Giới Kinh là hơn hết. Nếu không kiên trì cấm giới, dầu hiện tiền có thiền định đa trí đi nữa cũng thành nghiệp của ma.” Vì vậy mà Luật Căn Bản nói: “Phật dạy ba tạng giáo, pháp Tỳ-nại-da là đứng đầu (Giới)” (Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, tập 1 quyển 2 trang 113)
Có người hỏi rằng:” Đức Như Lai giáng sanh ở Ấn Độ, những giới luật thuộc về giá tội đều chế cấm do sự chê trách của cư sĩ đời đó, song cũng tuỳ theo địa phương mà giới luật có thay đổi. Nay ở xứ ta, nếu không tuân hành theo, chưa chắc cư sĩ chê trách. Giả sử bỏ đi các giới vi tế, có gì sai với luật Phật dạy đâu…?
Chư Tổ Sư đáp: “Đức Như Lai với tri kiến sâu rộng. Ngài vì chúng sanh mà chế ra giới luật… Chính do tính người buông thả, không giữ những giới trọng và giới khinh nên làm cho pháp của Phật suy đồi. Nay muốn hoằng truyền Tông, diễn thuyết Giáo nghĩa đều phải lấy trì giới làm gốc. Vị nào giới luật tinh nghiêm thì chánh nhân bên trong đôn hậu, phụ duyên bên ngoài tự đầy đủ; trong tướng bạch hào một phần sáng rực, quả quyết không phải là lời nói hư cuồng. Nếu cho giới là tiểu tiết, tức huỷ báng Chánh pháp. Người như vậy thì giảng về Tông, thuyết về Giáo đều là chuyện vu vơ vô ích. Nếu có thu hoạch được ảnh hưởng ngoại duyên nào, thì tất cả đều là ma nghiệp không có ích lợi gì cho Chánh Pháp.”
Quí Đạo Tâm, đọc trong phần Ngũ Ấm Ma này, rồi từ nay về sau, trên đường tu hành cần phải cẩn trọng, chớ nên đụng ai tin nấy mà nguy hiểm cho mình về hiện tại cũng như tương lai. Lựa chọn Minh Sư là điều quan trọng. Như trong Qui Sơn Cảnh Sách, quyển số 6, khuyến tấn việc “Tìm Thầy Chọn Bạn” như sau:
- “Đi xa nương bạn lành, thường thường trông nôm tai mắt, ở đâu cũng phải chọn bạn, mỗi giờ nghe được những lời chưa nghe. Cho nên có câu: Sanh, ta nhờ Cha, Mẹ; Nên, ta nhờ bạn lành.”
Ý nói: Đi xa nhờ người bạn có ích. Dù ở đâu, nương theo bạn cũng có lợi. Nhờ có Cha, Mẹ mà có thân ta; bạn lành làm nên sự cho ta. Đi xa cần nương bạn lành vì có ích lợi như tai mắt trông nôm cho ta. Ở đâu cũng nhờ bạn vì có những việc chưa nghe mà được nói cho nghe. Có tai mắt trông nôm thì chỗ thấy biết được chơn chánh. Nghe lời chưa nghe thì sanh thêm trí huệ. Trí huệ sanh thì mau ngộ lý Vô Sanh. Chổ thấy chánh thì không bị người gạt gẫm. Cho nên nói: “Cha mẹ có ơn sanh thân ta, thầy bạn có đức làm nên thân ta.” Như thế nghe nhớ ngộ nhập thêm lớn Pháp Thân, thực ra nhờ ơn lực Thầy, Bạn vậy. (Qui Sơn Cảnh Sách, quyển 6, trang 87)
- Bộ kinh Xả Duyên Minh nói: “Thầy tà bạn ác, sợ như cọp sói. Thầy hay bạn lành như Cha Mẹ, thấp lòng như đất, ngậm miệng như câm, bẻ dẹp thói nhơn ngã, dứt tâm cường ngạnh.”
Chú thích 2: Câu này ý nói nếu gặp tà sư hay bạn ác cũng giống như gặp cọp sói vì cọp sói nguy hiểm có thể giết đi mạng sống của mình. Người tín đồ khi gặp tà sư hay bạn ác cũng như thế, phải nên tránh xa để tìm thầy hay bạn tốt. Khi gặp thầy hay bạn tốt thì cũng như sống với Cha mẹ, phải hạ tâm thấp xuống như đất để nhận lời dạy bảo của bậc Thiện Tri Thức; phải ngậm miệng như kẻ câm để bẻ dẹp thói tự cao ngã mạn, cộc cằn lỗ mãng đối với bậc trí tuệ thời mới nhận được điều lợi ích.
- “Nương gần người bạn lành như đi trong sương mốc; tuy không ướt áo, nhưng mỗi giờ có thấm nhuần”
Chú thích 3: Sống gần bạn lành như người đi trong sương mốc; sương mốc tuy không có nước nhiều nhưng ở lâu giờ thì cơ thể cũng thấm thấu ướt tới trong. Gần gũi bậc Thiện Tri Thức thì được học hỏi về nết na đức độ cũng như trí tuệ biện tài mỗi ngày tuy một ít, nhưng lâu dần cũng thấm thấu bên trong như người bị cảm sương.
- Bổn Hạnh Kinh, Phật nói bài kệ rằng:
Ví như có người
Tay cầm vị trầm thuỷ hương,
Vị xạ hương, vị hoát hương ….
Cầm nắm trong giây lát
Các hương thơm kia
Tự thấm trong tay,
Gần nương bạn lành,
Cũng lại như thế.
Chú thích 4: Như thế nếu người nương gần Thiện tri thức, thuận theo nết na của ông mà tu hành thì cũng hưởng được các nhơn hết khổ; còn nương theo ông thầy ác phải bị huân tập các việc ác, sau này e không tránh khỏi tù tội hay ác nghiệp.
- Ngài Qui Sơn nói: “Quen gần người ác, thêm chổ tri kiến ác, sớm tối làm ác, mắc quả báo trước mặt, chết rồi trầm luân, một phen mất thân người, muôn kiếp không trở lại.”
Đức Phật dạy: “Nếu người nương gần ông ác tri thức, đương thời chẳng đặng danh tiếng tốt, nếu cứ lân la với bạn ác, đời sau cũng đoạ trong địa ngục A Tỳ.” (Qui Sơn Cảnh Sách, quyển 5, trang 90)
Chú thích 5: Sớm tối làm ác là vì chổ thấy không chơn chánh do thầy ác bạn ác dạy bảo điều tà vạy, che lấp, cho nên trọn ngày cứ tạo những nghiệp không lành. Bởi nghiệp nhơn gây tạo chất chứa nên quả báo liền đến, nhơn quả chẳng mất. Trả quả trong lúc hiện tiền, nhưng tội nặng nghiệp sâu khó dứt, nên chết rồi sa đoạ trong ba đường dữ là địa ngục, ngạ quỷ, và súc sinh. Từ đây lui mất đạo làm người, muôn kiếp không trở lại được là bởi tạo nhân ác quá nhiều, nên quả ác khó hết vì thế cơ hội đặng thân người rất ít cũng như đất dính trong móng tay, còn phần đoạ lạc trong ba đường dữ nhiều như đất cả quả địa cầu.
Sự tu hành tuy cần có minh sư và bạn lành, nhưng nếu gặp sư bất minh thì cũng nên từ bỏ mà quy y đúng thầy lành để tránh tội lỗi về sau; còn nếu gặp bạn không lành thì cũng không nên qua lại để tránh hiểm hoạ sau này. Như Phật đã nói trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm: “Trong thời mạt pháp tà ma yêu quái lừng lẫy dẫy đầy thế gian, tung hoành tham dâm, sát sanh, rượu thịt, ẩn núp dối trá nơi tăng xá già lam, tự xưng là thiện tri thức, cho mình là bậc thượng nhơn, đạt vô thượng pháp, chứng quả, mê hoặc kẻ vô thức, khiến cho họ lo sợ mất tâm chánh tín, lầm lẫn vào đường tà, gia đình tiêu tán.”
Đức Phật còn nói: “Thế nào là giặc? Giặc là kẻ mặc y phục của Như Lai mà thiếu giới hạnh, hành vi khinh nhục Như Lai, tạo các thứ ác nghiệp danh lợi dục tình mà nói là phụng sự Phật Pháp, cung cách chẳng phải là bậc xuất gia Tỳ-Kheo cụ túc giới, tâm hạnh Tiểu Thừa, ích kỷ lợi danh, do vậy làm cho vô lượng chúng sanh nhầm lẫn tin theo, đoạ địa ngục vô gián.” (Kinh A-Nan Hỏi Phật Sự Cát Hung, trang 63)
Như các điều dẫn chứng trên, đường tu có nhiều cạm bẩy nguy hiểm, nhất là nhiều vị sơ cơ phát tâm tu học Phật mà không thận trọng trong việc tìm chân tăng quy y để thân gần học hỏi thì khó mà tránh khỏi lầm lạc, hậu quả oan uổng không phải một đời mà có thể kéo dài đến vô tận kiếp! Đã biết có bao người có bằng cấp cao tự cho mình là trí thức tin Phật mà vẫn bị ma thuật hấp dẫn cuốn lôi. Cũng có kẻ chẳng cần thọ giới hoặc đã hoàn tục, đắm chìm trong ái dục rồi cũng ngang nhiên cạo đầu mặc áo tự xưng thầy cũng bày trò truyền giới giảng kinh, mà thật ra chỉ vì muốn tạo danh và kiếm lợi mà thôi. Vì thế dù có tổn hại cho nhiều người mà họ cũng chẳng thương tiếc gì! Đức Phật đã biết trước điều này nên đã huyền ký trong Kinh Đại Niết Bàn rằng: ” Cần phải cầu Minh Sư thì sự học Đạo mới thông lý đạt đạo.” Còn như sư chẳng minh thì cũng nên bái biệt. Cẩn trọng! cẩn trọng!
Kính chúc quý Đạo Tâm thân tâm an lạc.
Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
11/15/2015
No comments:
Post a Comment