Sunday, 6 August 2017

(Huệ Lộc) Thiện Ác Quả Báo Theo Người Như Bóng với Hình


Trong Kinh "A Nan Hỏi Phật Sự Cát Hung", trang 103, đức Phật có nói với ông A Nan:
            "Nầy A Nan!  Thiện ác quả báo theo người như bóng với hình không có xa lìa nhau.  Việc tội phước đối với chúng sanh cũng như vậy, chớ nên ôm lòng nghi ngờ mà tự đoạ vào đường ác.  Tội phước nhân quả phân minh, phải nên tin chắc chớ đừng lầm lạc, thì chổ ở thường an lạc.  Lời Ta hết sức chân thật trọn không dối người."
            Đoạn kinh văn nầy tóm tắt lòng tin cho những Phật tử chân chính về nhân quả báo ứng của thiện và ác.  Trong Luận Đại Trí Độ cũng có nói ""Có tin mới vào được biển Pháp."  Vì sao? Vì như thế giới của A Lại Da Thức mà ngành tâm lý học gọi là phần Vô Ý thức hay Tiềm thức, biển Pháp rộng mênh mông không ngằn mé lại chứa nhiều báu vật tâm linh.  Biển pháp rộng lớn như thế mà kẻ không có lòng tin nhân quả nghiệp báo dù có tu tập cố gắng đi vào mà cũng không góp nhặt một vật gì vì họ như kẻ không có tay.  Như thế thì tin điều gì?  Đoạn kinh nầy đức Phật chỉ chổ tin  là "Thiện ác báo ứng theo sát người như bóng theo hình không thể nào xa lìa trốn tránh được." Thí dụ kẻ thường hay nói láo hoặc hay nói điều ác độc thì sẽ bị mất uy tín, bị người khinh khi, miệng mồm hôi thúi, ai ai đều kinh sợ, xa lánh, không dám đến gần.  Kinh Sa Di Luật Giải cũng có nói đến:" Lời nói ác như búa từ miệng ra, xong bổ lại miệng mình."  Điều nầy có nghĩa là gì?  Mình không nói điều dối gian hay ác ngữ thì dù ai có chê trách chưởi mắng, bất quá cũng như gãi ngứa ngoài da; còn ngươc lại kẻ hay nói điều dối gian hay ác ngữ thì tất nhiên là tự mình chỉ chỗ cho người vung búa đập lại mình.    Như thế lời nói vọng ngôn chính là cây búa từ trong đi ra xong trở lại chém lại mình. Điều thiện, ác cũng như vậy; khi nhân đã gieo thì quả trở lại không sai lạc.   Kinh sách có câu :" Nghiệp quả sở khiên thành nan đào tỵ" có nghĩa là "Một khi nghiệp đến  như quả chín mùi thì tạo thành một sức mạnh lôi kéo không ai có thể thoát được."  Người Phật Tử chân chánh cần nên suy nghĩ đến hậu quả hiểm nguy của nghiệp mà tự quyết định tư tưởng, lời nói, và hành vi của mình.  Cổ đức tiên hiền nói: "Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu."  có nghĩa là "Lưới  trời lồng lộng, mảy may không sót lọt."  Câu nói nầy rất thâm thuý, nếu hiểu được câu nầy thì hiểu được hết những hoạt động của mọi nguyên lý thiên nhiên.  Trước nhất trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật có nói:
            "Nếu ai muốn biết rõ ba đời đức Phật từ đâu mà được thành Phật thì nên quán thật tánh của các Pháp trong vũ trụ nầy thảy đều do tâm tạo." 
            Nói về Pháp giới vũ trụ chính là nói về Ba Cõi Sáu Đường.  Ba cõi là Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc giới.  Sáu đường là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A Tu La, Nhân, và Thiên.  Lưới trời là nói Pháp giới vũ trụ. Tất cả mọi nơi mọi chổ mọi tướng hình của chúng sanh trong Pháp giới vũ trụ là đều do tâm tạo ra.  Điều đó có thể hiểu rõ qua sự phân tách từ niệm của tâm như sau:

            - Một niệm sân hận, tà dâm là nghiệp địa ngục.  Vì sao?  Vì sân hận tạo ra hành vi ác cho khẩu  và thân cho nên đi vào phá hoại và sát sanh nên rơi vào địa ngục.  Còn tà dâm dẫn đến sự phạm hạnh và tán loạn tâm thần, trở thành nhu nhược yếu đuối, dễ dàng bị người sai khiến và phạm vào tội lỗi nhanh chóng. 
            - Một niệm tham lam là nhân ngạ quỷ.  Niệm tham lam khiến trở thành kẻ trộm cướp, bỏn sẻn ích kỷ là nghiệp ngạ quỷ.  Vì sao?  Vì tham lam là nhân tạo ra hành vi ác cho thân, khẩu, và ý phá hoại mọi phạm hạnh của bản thân mình, tâm ý trở nên nhỏ nhoi, ti tiện, bỏn sẻn, thường hay che dấu sự thật, thích đổ oan cho người để che dấu tội lỗi của mình, do đó mà kết quả trở nên loài quỷ đói trong nhiều kiếp.
            - Một niệm si mê là nhân nghiệp súc sinh.   Kẻ ngu mù không thấu hiểu nguyên nhân của quả báo là do hành vi trong quá khứ đã tạo nghiệp nhân, dẫn đến báo ứng nghiệp quả.  Đời người chẳng thông hiểu chân tướng sự lý nghiệp duyên nhân quả báo ứng, nên oán trời trách người, mặc tình phóng túng ác tâm ác ngữ buông lời ác độc mắng nhiếc người thiện lành cho thoả ý hả dạ mà mắc tội lỗi về sau.   Kẻ ngu muội ở đời thường rơi vào năm phạm trù:
            1. Đắm chìm trong hưởng thụ ngũ dục: Sắc dục, tiền của, danh vọng tăm tiếng, ăn uống, và tham ngủ.  Vì thế thần thức lu mờ hay làm chuyện ác gian trái đạo.
            2. Tin tưởng cuồng tín vào các tà thuyết
            3. Thích làm điều ác như tham, sân, si, nói dối , hành sự dâm dục, trộm cắp... ghét những điều thiện lành như ngũ giới, thập thiện.
            4. Nghe Phật pháp thì không hiểu, không tin nhân quả, nên thường quy theo tổn hữu ác đảng.
            5. Kẻ mới từ trong ba đường ác trở lại nên tánh thường nghiêng về ác. 
            Si mê là không tin những chân lý hiện hữu như pháp duyên hợp, lý nhân quả. Trong Kinh Tạp A hàm có kể lại một câu chuyện về nghiệp ngu si như sau:
            Một hôm đức Phật và các đệ tử vào thành Xá Vệ khất thực, khi đi ngang qua một hầm rác rất bẩn ở ngoài thành, Ngài thấy có một con heo nái cùng với bầy con đang nằm trên đống rác.  Đức Phật mỉm cười để lộ ra một hàm răng đẹp trắng như ngọc, từ bốn răng cửa phóng ra bốn đạo hào quang rực rỡ chiếu khắp mười phương thế giới, rồi bốn ánh hào quang ấy trở lại quấn quanh thân đức Như Lai ba vòng rồi từ ngực đi vào miệng của Ngài.  
            Tôn Giả A Nan thấy hào quang từ ngực của đức Phật đi vào miệng Ngài nên biết đức Phật muốn thuyết pháp độ thoát chư Thiên, liền quỳ xuống bạch với Phật để xin biết ý nghĩa của việc nầy.  Đức Phật mới nói với Tôn Giả A Nan:
            - Vô số kiếp trước có một gia đình trưởng giả rất giàu có sinh ra chỉ có một người con gái vừa đẹp vừa thông minh, được cha mẹ nâng chiều.  Khi đến tuổi trưởng thành, người con gái ấy nói một bài kệ để hỏi cha mẹ rằng:  "Tất cả những sự khổ, vui trong thế gian từ đâu mà có, và có đến bao giờ mới chấm dứt?"
            Cha mẹ cô ta nghe con mình đặt ra một câu hỏi cao siêu lạ lùng như thế nên lấy làm mừng, nhưng không trả lời được.  Riêng cô gái ấy, từ ngày đặt ra câu hỏi mà không ai trả lời được nên đêm ngày biếng ăn, biếng ngủ.  Cha mẹ cô ta thấy thế lấy làm lo sợ, liền mở đại hội mời các vị Bà La Môn và các vị đa mưu túc trí giàu có thế lực tới để trưng cầu đáp án cho con mình.  Mọi người tề tựu, đại hội khai mạc, cô gái liền đọc bài kệ có ý nghĩa trên để xin giải đáp.  Cả hội trường đều im lặng, không ai trả lời được cả.  Bấy giờ ông trưởng giả đem ra một mâm châu báu và tuyên bố:
            - Ai trả lời được câu hỏi của con tôi, thì tôi xin biếu mâm châu báu nầy.
            Lúc đó có chàng Bà La Môn tham lam lại ngu dốt, vỗ ngực nói rằng: tôi trả lời được. Kỳ thực anh ta chẳng hiểu ý nghĩa của bài kệ muốn nói gì, chỉ nghĩ đến mâm châu báu mà thôi, rồi buộc miệng nói đại:
            - Không có hạnh phúc gì của ai cả (vô sở hữu)
            Cô gái suy tư theo lời nói đó và cuối cùng chứng được Định Vô Sở Hữu, có nghĩa là phủ nhận tất cả mọi hạnh phúc, ngay cả phủ nhận luôn hạnh phúc chân thật của sự tu hành Phật pháp giải thoát, tức cảnh vô lậu Niết Bàn.  Cô ta lại tôn xưng Bà La Môn "nói đại" là đại sư của mình.
            Sau khi chết, do sự tin tưởng cảnh giới Vô Sở Hữu, cô gái được sanh về cõi trời "Vô Sở Hữu" trải qua 40 kiếp, sau đó lại sinh vào thế gian như ngày hôm nay.  Con heo nái trên đống rác chính là con gái của ông trưởng giả kiếp trước, sau khi đã hưởng hết phước báo cõi trời Vô Sở Hữu.
            Lại một đoạn văn kinh khác:
            Một thời gian đức Phật ở nước Ma Kiệt Đà, vườn Trúc (Trúc Lâm).  Một hôm đức Thế Tôn và các vị Tỳ Khưu sang nước Tỳ Xá Ly, ngồi nghỉ mát bên bờ sông Lê Việt.  Trên bờ có năm trăm người chăn trâu và năm trăm người đánh cá.  Những người đánh cá này có ba thứ lưới:  Một thứ lưới hai trăm người kéo, một thứ ba trăm người kéo, và một thứ năm trăm người kéo.
            Khi đó đức Như Lai và các Tỳ Khưu ngồi cách họ cũng không xa, một lát thấy năm trăm người đánh cá kéo hết sức cũng không nổi, sau họ gọi bọn năm trăm người chăn trâu đến phụ kéo lưới.  Một lúc sau lôi lên một con cá rất lớn.  Trên mình cá có đủ một trăm đầu thú:  đầu ngựa, đầu lạc đà, đầu cọp, đầu chó, đầu heo...vân  vân.  Mọi người thấy lạ xúm nhau chạy lại xem.
            Thấy thế, đức Phật sai tôi (Anan) đến quan sát.  Tôi vâng lời, đến đó nhìn thấy có một con cá rất lớn trên mình có đủ trăm đầu thú khác nhau, tôi lại trở về bạch Ngài, và xin cho biết rõ nhân duyên.
            Ngài cùng đại chúng đi lại xem, khi đến nơi, Ngài mới hỏi cá rằng:
            - Cá, ngươi có phải là Ca Tỳ Lê không?
            Cá đáp:
            - Thưa phải
            Ngài hỏi tiếp:
            - Kiếp này làm cá, kiếp sau ngươi biết về đâu không?
            Cá đáp;
            - Thưa ngài, kiếp sau tôi về địa ngục A Tỳ
            Tôi và đại chúng không rõ tại sao, bèn hỏi Phật:
            _ Bạch Thế Tôn!  Ngài gọi con cá này là Ca Tỳ Lê là do nhân duyên nào?
            Phật dạy:
            - Các ông hảy lắng nghe ta nói nhân duyên của con cá này.  Trước đây lâu lắm, vào thời Phật Ca Diếp có một người Bà La Môn sinh được cậu con trai, đặt tên là Ca Tỳ Lê.  Cậu này rất thông minh tài trí, đối với hàng văn khoa trí thức thời đó thì anh ta giỏi nhất.  Tuy thế nhưng khi đối với trí tuệ học vấn của các đệ tử Phật, nhất là các vị Sa Môn có tu học thì anh ta kém đặc.
            Khi cha anh chết có dặn anh rằng:
            - Con chớ đàm luận với các đệ tử Phật Ca Diếp nhất là các vị Sa Môn có tu học vì các vị này có trí tuệ sâu rộng, con không thể bì kịp. 
            Sau khi cha chết, anh vẫn tiếp tục đi học khắp nước, và anh được tiếng khen trong nước là người có tài biện luận, nhưng không bao giờ anh ngồi đàm luận tranh thua với các đệ tử Phật hay vị Sa Môn có tu học.  Thấy sự biện luận của con mình có chổ chưa hoàn toàn, mẹ anh một hôm mới hỏi anh ta rằng:
            - Con vốn là người cao minh học vấn, vậy đời nay có ai hơn được con không?
            Anh ta đáp:
            - Thưa mẹ, có các đệ tử Phật và các vị Sa Môn tu học hơn con nhiều lắm.
            Người mẹ nói:
            - Họ hơn con như thế nào?
            Anh trả lời:
            - Thưa mẹ!  Nếu con có chổ nào không biết đến hỏi thì họ giải đáp rõ ràng dễ hiểu.  Còn nếu các vị hỏi lại thì con không đáp nổi, bởi vậy con mới biết mình kém hơn họ.
            Người mẹ mới nói:
            - Nếu vậy thì tại sao con không học pháp biện luận của Sa Môn đệ tử Phật?
            Anh đáp:
            - Thưa mẹ!  Nếu học pháp biện luận của Sa Môn thì phải làm Sa Môn mới có thầy truyền dạy.  Con là kẻ thế tục thì làm sao học được?
            Bấy giờ người mẹ mới bài kế:
            -  Vậy con sẽ giả làm Sa Môn, len lỏi  vào Tăng đoàn, học tập cho giỏi, rồi lại trở về với mẹ có hại gì!
            Đứa con nghe nói hay lắm, bèn vâng lời mẹ mình mà giả ra Sa Môn đệ tử Phật.          Qua một thời gian, anh mang áo cà sa cầm bát, giả làm Sa Môn, lẫn lộn trong tăng chúng để được truyền dạy và nghiên cứu pháp Phật.  Vì anh có sẳn trí thông minh sẳn, chỉ một thời gian ngắn, anh đã quán thông tam tạng.  Một hôm về nhà chơi, mẹ anh mới hỏi:
            - Con đã giỏi hơn các đệ tử Phật hay các vị Sa Môn chưa?
            Anh đáp:
            - Thưa mẹ!  Về học vấn con giỏi ngang, nhưng về mặt toạ thiền thì con còn kém lắm.
            Mẹ anh hỏi:
            - Tại sao con biết kém?
            Anh nói:
            - Thưa mẹ!  Vì phép toạ thiền rất khó, lý thú  cao xa, khác hẳn đạo mình, con tập mãi cũng không nhập thiền được, vì thế dù có đàm luận cách nào cũng bị thua các thầy Sa Môn chân chính.
            Người mẹ tức giận mới nói:
            - Vậy thì từ nay trở đi, có đàm luận nếu thua, thì con cứ la mắng sỉ nhục thậm tệ họ là xong!
            Người con mới nói:
            - Thưa mẹ!  Các đệ tử Phật và các Sa Môn tu đạo Từ Bi, họ có tội gì mà mẹ bảo con la mắng sỉ nhục họ thậm tệ đến như thế?
            Người mẹ trả lời:
            - Vì con có mắng nhiếc họ thì con mới thắng được!
            Ca Tỳ Lê nghe lời người mẹ dạy nghiệp bất lành, cứ mỗi khi đàm luận với các đệ tử Phật  hay các bậc Sa Môn khi bị thua, liền lớn tiếng quát mắng sỉ nhục: Ngươi là kẻ ngu.  Ngươi là súc sanh chẳng hiểu biết gì.  Rồi lại cứ thế chưởi mắng đệ tử Phật nào đầu chó, đầu trâu, đầu heo, đầu bò..,vân vân , tổng cộng cả trăm thứ đầu được đưa ra để chưởi bới mắng nhiếc đệ tử Phật.
            Nói tới đây, đức Phật nhắc lại rằng:
            - Anan!  Ông nên biết Ca Tỳ Lê vì ác tâm mắng các vị đệ tử Phật tu hành thuở đó,  nay phải chịu quả báo làm con cá trăm đầu.
            Tôi (Anan) mới hỏi:
            - Bạch Thế Tôn!  Ca Tỳ Lê bao giờ được thoát khỏi thân cá?
            Phật nói:
            - Anan!  Ta lấy Phật nhãn mà quan sát, hãy còn lâu lắm, trong đời hiền kiếp, một ngàn đức Phật đã qua rồi mà kiếp cá cũng chưa xong.
            Khi đó tôi (Anan) và các vị Tỳ Khưu nghe Phật nói xong, ai nấy đều rùng mình rởn gáy, bi thương xúc động!  Đồng thanh nói:
            - Tất cả chúng sanh thân, miệng, ý phải nên cẩn thận!
            Thấy Phật và đại chúng hỏi đáp như thế, năm trăm người đánh cá và năm trăm người chăn trâu đều chấp tay bái Phật, đồng xin Phật cho xuất gia tu hành giải thoát.
            Phật khen họ tốt và nói:
            - Thiện Lai Tỳ Khưu !
            Ngài nói vừa dứt lời, râu tóc của một ngàn người này rụng hết, thân tướng biến thành các Sa Môn phạm hạnh.  Cả nhóm theo Phật tu học hành thiền không bao lâu đồng chứng quả A La Hán.
            Qua hai đoạn văn kinh trên chúng ta thấy quả báo của hành vi tâm niệm thật đáng ghê sợ, ba cõi sáu đường tuy thênh thang rộng mở, tuy nhiên mỗi một tư tưởng một lời nói, một việc làm đều kết ra nghiệp báo lại cho mình sau nầy.  Cho nên tâm ta chính là lưới trời, mọi việc nhân quả thiện ác đều không ngoài tâm niệm của ta, cho nên quả báo cũng từ đó mà báo ứng.  Người biết đường nhân quả thiện ác lẽ nào nhắm mắt đưa chân bước vào?  Kẻ gây ác nhân tất phải lãnh ác quả, bậc hiền minh quyết chẳng dự hùa vào.  Kẻ xúi dục mình tạo ác khẩu ác tâm; mình không làm thì kẻ xúi dục đó ắt phải đau khổ lắm.  Tại sao vậy?  Ấy vì do tâm niệm ác mà mang tội, vì tâm niệm ác như bệnh ung thư phá hoại toàn thể phục phủ ngũ tạng của người bệnh, cũng vậy nếu còn giữ tâm ác trong người, thì nó phá hoại tất cả những thiện căn, do đó phá hoại tất cả phước đức và trí tuệ.  Vì mất hết phước đức và trí tuệ nên tự mình đi vào thế giới của địa ngục.  
            Có một vị thiên thần đến hỏi Phật:
            - Bạch Thế Tôn!  Đêm nào tối tăm hơn hết?
            Đức Phật trả lời:
            - Thiện nam tử!  Không tin nhân quả luân hồi là ngu muội tối tăm hơn hết.
            Vị thiên thần không hiểu xin Ngài giải thích.  Ngài nói:
            - Muốn biết đời trước mình đã tạo nhân gì, thì cứ xem đời nầy mình đang thọ nhận điều gì.  Muốn biết đời sau mình sẽ chịu quả báo như thế nào, thì cứ xem đời nầy mình đang tạo cái nhân gì.
            Như thế đủ biết tất cả sự việc trên đời không tách rời nhân quả nghiệp báo.  Nhân quả báo ứng đều có nguồn gốc căn cội, chứ không phải tự nhiên mà thành.  Khi biết nhân quả báo ứng như bóng theo hình, như mây theo gió, như bánh xe sau lăn theo dấu bánh xe trước, thì tại sao chúng ta không thắng lại kẻ thù thật sự của mình , đó chính là cái tâm độc ác, tâm dối trá, tâm vu khống, tâm hại người của chính mình.  Trên đời không ai hại mình nhiều như mình hại chính mình.  Chính vì thế mà đức Phật có dạy 14 Điều gọi là Kinh 14 Điều Răn Của Phật:
            1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là Chính Mình.
            2. Ngu dốt lớn nhất của đời người là Dối Trá Lừa Đảo.
            3. Thất bại lớn nhất của đời người là Tự Cao Tự Đại.
            4. Bi Ai (khổ sở) lớn nhất của đời người là Ganh Tị Ganh Ghét.
            5. Sai lầm lớn nhất của đời người là Tự Đánh Mất Mình.
            6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là Bất Hiếu.
            7. Đáng thương lớn nhất của đời người là Tự Ti.
            8. Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là Vươn Lên Sau Khi Ngã.
            9. Phá sản lớn nhất của đời người là sự Tuyệt Vọng.
            10. Tài sản lớn nhất của đời người là Trí Tuệ
            11. Món nợ lớn nhất của đời người là Tình Cảm
            12. Lễ vật lớn nhất của đời người là Khoan Dung
            13. Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là Si Mê
            14. Giàu có lớn nhất của đời người là Bố Thí Cúng Dường.
           
            Mười bốn điều răn trên đây chính là những hệ luận trong nguyên lý Nhân Quả Báo Ứng, nói lên những ý nghĩa thâm thuý, sâu xa, và chính xác trong cuộc sống.  Để bài viết được ngắn gọn và tập trung vào những ý chánh, tác giả chỉ trình bày tóm lược hai điều số một và số hai mà thôi:
            1. Kẻ thù lớn nhất của đời mình là Chính Mình:  Chính mình sao gọi là kẻ thù của mình?  Nghe thoáng qua thì thấy kỳ lạ, nhưng nếu quán xét lại ý nghĩa ngôn từ thì mới thấy là đúng.  Kinh nói nếu tư tưởng bất thiện có hình tướng thì số tư tưởng bất thiện của một người sẽ không có chổ chứa trên thế gian nầy.  Kinh Địa Tạng có nói:  Người thế gian mỗi động chân cất bước đều tạo ra muôn ngàn tội lỗi.  Tội lỗi ở đâu mà nhiều thế?  Đó chính là những tác động của tham, sân, si trong tư tưởng liên tục không ngừng.  Tất cả những tư tưởng tham sân si dâm dục nổi dậy không ngừng trong ta,  thì tham sân si dâm dục đó là của ai? Có phải là của Chính Mình không?  Nếu chúng không phải là của người khác thì chúng là Chính Mình rồi!   Bởi vì ngoài mình ra thì không thể nói là của người khác được.  Chính mình là tham sân si nên kẻ thù của mình là Chính Mình chớ còn ai nữa.  Trong Đạo Đức Kinh, ông Lão Tử có nói:  "Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường" nghĩa là  " Thắng người thì được gọi là là kẻ có sức; nhưng tự thắng mình thì mới gọi là kẻ có sức mạnh." 
            Một hôm có một vị Thần đến mắng nhiếc vua trời Đế Thích rất ư thậm tệ, mà vua trời Đế Thích vẫn ngồi yên lặng trên thiên ngai sáng chói.  Chư quần tiên mới hỏi trời Đế Thích:
            - Ngài có nghe vị thần kia mắng nhiếc chưởi bới Ngài một cách thậm tệ chăng?
            Trời Đế Thích trả lời:
            - Có!  Ta có nghe tất cả.
            Các chư quần tiên hỏi tiếp:
            - Nếu đã nghe rồi, tại sao Ngài không phản ứng? 
            Trời Đế Thích trả lời:
            - Ta có khả năng đánh gục ngã và đày vị thiên thần nầy vào thiên ngục, nhưng ta vì thương hại cho sự ngu si của ông ta mà không làm.
            Chư quần tiên đồng khen hay lắm:
            - Ngài thật xứng đáng là tu hạnh Đệ Nhất Nhẫn Nhục Ba La Mật. 
            Trời Đế Thích bảo:
            - Ta cũng chẳng tu Đệ Nhất Nhẫn Nhục Ba La Mật.
            Chư quần tiên đồng khen hay quá:
            - Hay quá!  hay quá! Đệ Nhất Nhẫn Nhục Ba La Mật chẳng phải Đệ Nhất Nhẫn Nhục Ba La Mật nên mới gọi là Đệ Nhất Nhẩn Nhục Ba La Mật. 
            Mọi người nói xong đồng yên lặng không đá động gì về những câu chưởi mắng vô nghĩa của vị thần kia.  Vị thần chưởi mắng mãi mà không làm được gì nên tâm sân hận bùng lên đốt cháy thiên thân hoá thành một luồng khói xám bay về A Tỳ Địa Ngục chịu cảnh lửa cháy hàng trăm triệu kiếp.
           
            2. Ngu dốt lớn nhất của đời người là sự dối trá, lừa đảo: 
            Sự dối trá và lừa đảo luôn luôn đi kèm theo sự phản bội, có nghĩa là người bất tín.  Lời xưa có nói "Nhân vô tín bất lập" nghĩa là người hay phản bội lại lời nói của mình thì không thành công được một chuyện gì đáng kể.  Không ai tin cần hay muốn làm việc chung với kẻ dối trá lừa đảo.  Nếu có làm việc chung nhau thì người ta cũng luôn nghĩ cách trừng trị hay giới hạn lại những kẻ chuyên hay dối trá lừa đảo.   Bọn người dối trá lừa đảo luôn luôn tự khoe khoang cho mình khôn ngoan, nhưng thực ra đây là một sự ngu dốt lớn nhất trong đời họ vì tánh lừa đảo của họ làm họ mất tất cả những bạn bè thân thiết và những người thân, và mất luôn những tài sản tinh thần như thất thánh tài, và nhất là mất luôn cả tương lai tươi sáng.  Trong kinh Vị Tằng Hữu có kể một câu chuyện như sau:
            " Sau khi vua Ba Tư Nặc và hoàng hậu nghe Phật thuyết pháp xong, lòng hoan hỷ, thiên long bát bộ cùng đại chúng hơn năm ngàn người đều phát tâm tu Thập Thiện.  Vua Ba Tư Nặc và hoàng hậu đảnh lễ Phật cảm tạ và lui ra về.  Các quan thái giám ra trước chuẩn bị kiệu sẵn sàng cho hoàng hậu, không ngờ thấy các món ngọc vàng quí báu trang sức trên kiệu đã bị kẻ trộm gỡ lấy mất.  Kiệu trước đây lộng lẩy, bây giờ trơ trọi tả tơi hoang tàn.  Quan thái giám thất kinh liền gọi bốn kẻ thạch nữ lực lưỡng (thạch nữ là những người khi mới sanh ra đời không có chứng cớ rõ ràng chứng tỏ là nam hay nữ) khiêng kiệu đang say ngủ dậy tra hỏi đánh đập không tiếc tay.  Bị đòn quá đau đớn hết chịu nỗi, một trong bốn kẻ vụt chạy vào tịnh xá la khóc ầm lên, quỳ lạy trước Phật nức nở thảm thiết, thưa trình sự oan ức.  Đức Phật liền sai tôn giả A Nan ra bảo đừng đánh họ nữa.  Ngài A Nan nói với quan xử lý rằng những người thạch nữ khiêng kiệu nầy chính là thầy của hoàng hậu lúc quá khứ, họ say ngủ nên không biết ai lén cắp đi những châu ngọc trang sức ở kiệu.  Vua Ba Tư Nặc và hoàng hậu kinh ngạc, liền đến trước Phật quỳ lạy cầu xin giảng giải về sự việc kỳ lạ nầy.  Phật bảo rằng:
            - Hoàng hậu và Đại Vương!  Những thạch nữ khiêng kiệu đó, tiền kiếp vốn là năm vị Sa Môn.  Họ tuy xuất gia thọ giới nhưng có tà tâm kết bè nhóm với nhau ở chung một chổ  trên núi mưu đồ tính kế lợi dưỡng không lo tu hành.  Họ sai một người trong bọn khéo ăn nói đi vào làng mạc phố phường truyền rao với mọi người rằng :" Trên núi kia có bốn vị Sa Môn đang ngày đêm chuyên tâm tu hành tinh tấn rất là giới hạnh đạo đức.  Các Ngài ấy sắp chứng thánh quả.  Bà con nên mau mau đến đó cúng dường kiếm phước, ai được thấy dung mạo các Ngài thì gia đình con cái sẽ bình an, cầu gì được nấy.  Nghe tin truyền rao đồn đãi như vậy, ai nấy ùn ùn kéo nhau đem lễ vật đến cúng bái.  Trong số những người đi đến cúng dường có một vị nhà giàu ngày đêm thành tâm đem đủ các thức ăn uống và đồ cần dùng đến dâng cúng và tôn kính bọn họ như bậc sư phụ.  Năm Sa Môn nầy được của cúng dường ăn xài thoả dạ, lợi dưỡng hưởng thụ, thiếu tâm tu hành nên sau khi phước tận mạng chung, rơi vào địa ngục rất nhiều kiếp, xong tội địa ngục phải rơi vào loài ngạ quỷ rất lâu, khi hết làm ngạ quỷ thì làm qua loài súc sanh cũng rất lâu.  Khi trả hết nợ súc sanh mới sanh lại làm người mà thiếu mất căn phần nam nữ. Thật đáng thương xót.  Người nhà giàu cúng dường tôn kính năm vị Sa Môn kia chính là hoàng hậu ngày nay.  Còn năm Sa Môn kia bây giờ chính là bốn thạch nữ khiêng kiệu."
            Hoàng hậu mới hỏi Phật:
            - Bạch đức Thế Tôn!  Ngài nói rằng có năm Sa Môn mà sao con chỉ thấy có bốn thạch nữ khiêng kiệu mà thôi?
            Đức Phật mới trả lời:
            - Còn một người nữa chính là một thạch nữ khác đang ở trong cung ngày đêm chuyên dọn quét nhà tiêu nhà tắm cho hoàng hậu đó.
            Hoàng hậu nghe Phật nói bàng hoàng rùng mình xót xa thương tâm cho năm kẻ kia, và hạ lịnh ban cho tiền bạc đồ dùng rồi bảo họ rời đi nơi khác.  Năm thạch nữ nầy nghe vậy buồn rầu lạy lục khóc lóc thảm thiết khẩn cầu xin được ở lại hầu hạ hoàng hậu.  Trước sự nhân quả báo ứng kinh khiếp như thế, hoàng hậu lo sợ phân vân chẳng biết tính như thế nào cho phải đạo, e ngại lại phải mắc quả báo lỗi lầm dùng các người mà tiền kiếp mình từng tôn kính cúng dường để hầu hạ mình.  Đức Phật thấu rõ nổi lòng của hoàng hậu, nên Ngài khởi tâm từ bi dạy rằng:
            - Hoàng hậu!  Vì nghiệp quả chưa dứt, nợ chưa trả xong, quả báo buộc ràng, nên bọn họ không thể ra đi được.  Họ rất vui vẻ làm kẻ hạ tiện hầu hạ để trả quả báo.  Dù Hoàng hậu có tặng họ vàng bạc y phục đầy đủ khuyên họ ra đi, nhưng họ vẫn cảm thấy buồn khổ không chịu đi, vì quả báo trả chưa xong.
            Thưa các đọc giả,  "Nghiệp nhân đã tạo, quả báo tự thọ".  Trong đời sống hằng ngày vì đấu tranh cho lý tưởng hay công lý, có lẽ các bạn bị nhiều người khích bác dùng những lời lẽ hạ tiện hay cộc cằn thô lỗ để sĩ nhục các bạn.  Các bạn nên bình tĩnh, không cần nổi cơn giận dữ đáp trả, thì chính là lúc các bạn thực hành hạnh nhẫn nhục.  Có một người hỏi một vị thiền sư đã đắc được thiên nhãn thông:
            - Trên đời nầy, thầy có sợ bị đói lạnh, thiếu ăn, thiếu chổ ngũ, thiếu dụng cụ cần dùng hằng ngày chăng?
            - Không! Tôi không sợ những thứ đó.
            - Thầy có sợ bị người chưởi mắng hạ nhục hay đánh đập thầy không?
            - Không! Tôi không sợ những điều đó.
            - Vậy thầy có sợ có người đến cướp đoạt sinh mạng thầy không?
            - Không ! Tôi không sợ.
            - Vậy trên đời nầy Thầy sợ nhất là điều gì?
            Bấy giờ vị thiền sư mới trả lời:
            - Nầy cư sĩ!  Trên đời nầy tôi sợ nhất là tội lỗi.   Đối với tất cả những hành vi hiện tại, tôi có thể thấy được kiếp sau nầy của tôi như thế nào.  Nhưng một khi tôi đã phạm tội lỗi thì tôi không còn thấy biết được kiếp sau ra sao nữa.
            Tội lỗi ở đây có nghĩa là tư tưởng bất thiện, lời nói bất thiện, và việc làm bất thiện.  Ba điều bất thiện nầy là ba sự cấm kị của mọi Phật tử đã quy y, vì phạm vào đây là đã phá bỏ mọi Tam Quy và Ngũ Giới, nghĩa là cửa Địa Ngục, Ngạ Quỷ , và Súc sanh đã mở ra trước mặt, lúc sống thì phước đức mất lần, khi hết thọ mạng tức rơi  vào ác cảnh. Chính vì thế mà mọi Phật tử phải đều nên tránh.
            Nhắc lại một lần nữa, kinh Hoa Nghiêm có dạy:
            "Muốn biết tất cả đức Phật trong ba đời thì nên quán tánh của pháp giới hết thảy đều do tâm tạo."  Chúng sanh vui khổ, giàu nghèo, đẹp xấu, cao thấp, sang hèn... đều do tâm gây tạo.  Phương tiện tâm dùng để gây tạo nghiệp cho chính mình chính là ba cửa thân khẩu và ý.  Vì vậy tâm ý là kim chỉ nam cho cho hướng đi của đời người.  Tu tâm dưỡng tánh chính là con đường trở về ngôi vị Phật.  Quy y Tam Bảo chính là lúc chọn một con đường đi chánh kiến.  Thọ trì Ngũ Giới, tu tập Thập Thiện chính là lúc từ bỏ những thói hư tật xấu, chuyển hoá thân phàm phu trở lại thánh thân.  Người tu Ngũ Giới Thập Thiện thân tâm trong sạch không buông lời nói ác, không làm việc ác, không suy nghĩ ác tức là lúc tức Tâm tức Phật.  Quên đi cái lợi nhỏ nhặt của mình mà gánh vác việc chung cho chúng sanh tức là lúc tức Tâm thị Phật. 
            Có tu mới có hạnh phúc, kinh Phật dạy phước huệ tròn đầy mới thành chánh giác "Phước huệ lưỡng toàn phương tác Phật."  Sự tu hành khi đã thấu hiểu pháp giới do tâm tạo, tức nhân quả thiện ác tự mình gây tự mình thọ chớ không ai tạo ra  mà mình phải trả, nhân quả báo ứng không sai lạc, thì phải cấp tốc tu sửa.  Có quan niệm cho rằng đời còn trẻ  chưa cần tu sớm, để già rồi tu cũng chẳng muộn gì.  Nếu đó là ý nghĩ đúng thì sao không nói đời còn trẻ nên ăn chơi hưởng lạc, chờ khi già rồi mới vào trường học để lấy bằng cấp nuôi thân?   Tuổi già khí lực suy tàn, ở thế gian đã tạo muôn ngàn tội lỗi, tập khí phiền não sâu dày, thì làm sao còn đủ ý chí và năng lực mà tham thiền nhập định, nghiên cứu kinh điển sâu xa.
            Cuối bài xin trình bày một đoạn kệ của thiền sư Viên Chứng nói với vua Trần Thái Tôn.  Vào giữa thế kỷ thứ 17, khoảng năm 1642, vua Trần Thái Tôn một hôm bỏ hết ngôi vị vua, cùng một tuỳ tùng ngày đêm vượt rừng núi tìm đến thiền sư Viên Chứng để xin xuất gia.  Tuy nhiên hôm sau trong triều quần thần phát hiện sự bỏ đi của vua Trần Thái Tôn, nên họp nhau lại cho người lên núi thiền sư Viên Chứng mà tìm vua.    Bấy giờ thiền sư Viên Chứng mới dạy vua nên trở về lo việc triều chánh cho dân chúng được hạnh phúc thì đó là tu rồi, chớ mựa gì phải cầu Phật nơi núi rừng.  Khoảng vài năm sau, bài giảng của thiền sư Viên Chứng đến với vua Trần Thái Tôn được thiền sư Chân Nguyên, pháp danh Tuệ Đặng diễn thành kệ.  Tác giả bài nầy xin trích một đoạn nhỏ từ quyển Thiền Tông Bản Hạnh, để tóm tắt ý nghĩa trực tánh tu hành của Ngài Viên Chứng:
            Ngài nói:
                        "Sơn vốn vô Phật làm xong,
                        Bụt ở trong lòng, Phật tại hồ tâm.
                        Hiện ra nhãn, nhĩ, thanh âm,
                        Dương mi, thuấn mục, chẳng tâm thì gì?
                        Tâm nguyên không tịch vô vi,
                        Ngộ được tức thì quả chứng Như Lai.
                        Tính ta há phải cầu ai,
                        Gia trung Phật báu muôn đời sáng soi...."
Xin tạm dịch:
                        Phật đâu ở tại núi non,
                        Tìm lại trong lòng, Phật ở hồ tâm
                        Hiện nơi nhãn nhĩ thanh âm
                        Cau mày, trợn mắt chẳng tâm là gì?
                        Xưa nay chẳng đến chẳng đi
                        Ngộ được tâm thời chứng vị Như Lai
                        Tánh Phật sẵn rồi, cầu ai
                        Phật tâm báu vật chẳng sai muôn đời
                       
            Vua Trần Thái Tôn nghe xong đoạn kệ nầy tự nhiên mở huệ nhãn, thông suốt pháp giới do tâm tạo, thấy được cảnh giới thân tâm chuyển động không cái gì mà không phải là Phật.  Từ đó vua yên tâm trở về cất tu viện trong hoàng cung, chỉnh đốn triều đình, giúp đỡ dân chúng có một thời an bình thịnh trị. Riêng Ngài thì tinh tấn khai thị cho nhiều tăng tục, cho đến khi băng hà.  Ngài là vị Sơ Tổ trong dòng Trúc Lâm Yên Tử.

Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
8/5/2017

No comments:

Post a Comment