Sunday, 22 January 2017

(Huệ Lộc) Hư Vân Hoà Thượng và Con Gà


 Khoảng năm 1903, lúc ngài Hư Vân Hoà Thượng đã được 64 tuổi, đang ngồi tu dưỡng trong tư thất, ở Hồng Kông, có một vị tăng từ chùa Nghinh Tường đến trao cho ngài một con gà trống lớn.  Vị tăng nói:
       -Con gà nầy rất hung hăng ưa đánh đá những con gà chung quanh làm cho chúng lớp chết, lớp tả tơi mào, cánh.   Nay xin Hoà Thượng khai thị cho nó?
       Ngài Hư Vân nhận lời, liền vì con gà nầy mà quy y và trao giới cho nó.  Sau đó Ngài lại dạy nó niệm Phật. 
       Ngày nào Ngài cũng dẫn con gà tới trước chánh điện mà bảo nó niệm Phật, rồi cho nó ăn uống đầy đủ.  Chẳng bao lâu, nó không còn hung hăng, và thường nhảy lên nhánh cây đứng một mình, không còn đào sới tìm ăn sâu bọ nữa.  Ngay cả đồ ăn của người ta cho, nó cũng không ăn, mà chỉ chờ ăn đồ chay từ chùa.   Cứ hể mỗi lần có tiếng chuông hay tiếng khánh từ chùa vọng ra, thì nó theo về nơi chánh điện mà đứng nhìn các tượng Phật, xong rồi trở về cội cây mà ở.  Các Phật tử đi ngang nói đùa với nó: A Di Đà Phật, thì nó trả lời: Phật... Phật... Phật....
       Con gà cứ sống như thế từ ngày đến chùa đã được hai năm.  Một hôm sau khoá lễ buổi tối, nó đứng yên, ngẩng đầu niệm Phật rồi đứng mà chết dưới sự chứng kiến của tăng chúng và ngài Hư Vân Hoà Thượng.   Tăng chúng thấy việc lạ lùng, nên cứ để cho con gà đứng yên trong chánh điện đến mấy ngày mà thân xác của nó cũng không thay đổi, sau cho họ mới để con gà vào một hộp gỗ mà chôn.   Bấy giờ ngài Hư Vân Hoà Thượng vì con gà mà làm một bài thơ lưu chứng cho hậu thế như sau:
                       
            Hiếu đấu thành tánh thử kê hùng,
            Thương quan bạt vũ, huyết lưu hồng.
            Tri uý, phụng giới cuồng tâm hết,
            Tố thực cô thê, bất hại trùng.
            Lưỡng mục chiêm ngưỡng hoàng kim tướng,
            Niệm Phật ác ác hà thung dung.
            Toàn nhiễu tam phác yêm nhiên hoá,
            Chúng sanh dữ Phật tướng vô đồng.
                                                                                    Hư Vân Hoà Thượng, Quang Tự Thứ 9, Quí Mão
Sau có người dịch bài kệ nầy như sau:

            Hung hăng thành tánh chú gà hùng,
            Dập mào, rách cánh máu ròng ròng.
            Biết lo trì giới cuồng tâm hết,
            Ăn lạt, ngủ riêng chẳng hại trùng.
            Mắt trừng chiêm ngưỡng hoàng kim tướng
            Ó o niệm Phật thật thung dung.
            Đi vòng vỗ cánh an nhiên mất,
            Chúng sanh cùng Phật sao chẳng đồng?
           
            Cuộc đời của ngài Hư Vân Hoà Thượng rất kỳ dị, ít người rõ biết, là bậc thầy trước Ấn Quang Đại Sư và Thái Hư Đại Sư.  Ngài sanh ra năm 1840 tại Tuyền Châu.  Khi sinh ra đời, mẹ mất sớm, cha giao ông lại cho người mẹ kế nuôi dưỡng. Năm 1851, khi được 12 tuổi, ngài theo cha đi Đài Loan trên một chiếc thuyền có vài chục người.  Giữa biển cả mênh mông, mọi người đồng nhìn thấy có một con thuỷ quái rất lớn như một ngọn đồi từ nước nhô lên, cách thuyền chừng vài chục mét.  Bấy giờ mọi người kinh hãi đồng chấp tay niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát.  Thuyền đi nửa giờ mới thấy được cái đuôi con thuỷ quái nầy có hình đuôi cá, chiều dài rất xa không biết là bao nhiêu mét.   Từ đó Ngài chú ý về danh hiệu Đức Quán Thế Âm, và thường sưu tầm kinh sách Phật pháp. 
            Đến lúc năm Ngài được 14 tuổi, người cha của Ngài, thầm đoán con mình có ý xuất gia, nên muốn lưu Ngài lại để nối dòng vì Ngài là đứa con duy nhất.  Ông ta liền cho thỉnh một vị thầy họ Vương nổi tiếng trong nhóm Đạo Gia, chuyên dạy Tiên Thiên Đại Đạo, luyện khí công, dạy pháp dưỡng thần tại gia.  Nhưng Ngài không bằng lòng mà không dám nói ra vì sợ cha buồn.  Một hôm người bận việc quan chức, nên giao Ngài lại cho người chú trông coi.
            Ngài ở với chú ba năm được 17 tuổi.  Tuy ở nhà đọc sách Đạo Gia hơn ba năm, nhưng Ngài nhận thấy kinh Tiên không phải là việc rốt ráo, ngồi vận công luyện khí bất quá là chuyện giới hạn trăm năm.  Nhân lúc người chú có việc đi xa, Ngài bỏ nhà đi Nam Nhạc, nhưng đến nửa đường gặp người thân khác dẫn Ngài trở về nhà lại. 

            Không bao lâu sau, cha của Ngài mới cưới cho Ngài hai vị tiểu thơ họ Điền và họ Đàm.  Trong ngày cử hành hôn lễ, Ngài và hai vị phu nhân mới chẳng những không chung đụng thân xác, mà Ngài còn giảng thuyết Phật Pháp cho hai vị phu nhân này nghe.  Nghe xong ba người đều thề nguyện gìn giữ thân trong sạch, quyết chí tu hành.   Từ đó Ngài quyết tâm lìa tục.  Lúc đó Ngài được 19 tuổi.
            Năm 1862, lúc 23 tuổi Ngài cùng người em họ là Phú Quốc, con của chú, từ giã hai tiểu thơ họ Điền và họ Đàm nầy, để lên đường đi tới chùa Dũng Tuyền, núi Cổ Sơn ở Phúc Châu, đảnh lễ Hoà Thượng Thường Khai xin xuống tóc.   Hoà Thượng Diệu Liên ở chùa nầy quy y và trao giới Cụ Túc cho Ngài, đặt pháp danh là Cổ Nham, hiệu là Điển Triệt, tự là Đức Thanh.  Còn riêng người em họ Phú Quốc, sau khi quy y thọ giới, liền đi du phương hành cước biệt tích luôn (có lẽ sự tái sanh của Phú Quốc làm vị trợ nhân duyên cuối cùng cho Ngài được hoàn tất xuất gia?)
            Năm 1866, Ngài đang làm việc tăng sự cho chùa Cổ Sơn hơn 4 năm, đảm đang các việc như gánh nước, làm vườn, đến hành đường, điển toạ, trai thực ăn uống... đều là những việc khó khăn khổ hạnh.  Trong Chúng có chia phần cúng dường, nhưng riêng Ngài không nhận.  Mỗi ngày chỉ ăn một bát cháo mà sức lực vẫn mạnh mẽ.  Lúc ấy trong Chúng có thiền sư Cổ Nguyệt là người khổ hạnh đệ nhất trong Chúng.  Ngài thường đàm đạo với Cổ Nguyệt thiền sư.  Sau Ngài tự nghĩ:
            - Mình làm chức sự tại chùa đã nhiều năm, việc tu hành không phải là không có trở ngại.  Thuở xưa pháp sư Huyền Trang muốn đi Ấn Độ thỉnh kinh nên trong suốt 10 năm Ngài học tập ngoại ngữ, mỗi ngày đi hàng chục kilomet, lại tập tuyệt thực, ban đầu một ngày, sau nhịn nhiều ngày, để phòng khi qua sa mạc mênh mông không có nước hay cây cỏ.  Người xưa khổ hạnh như thế đó, còn mình là hạng người nào mà không noi gương Ngài?  Nghĩ thế Ngài liền từ chức ban điều hành tại chùa ở núi Cổ Sơn, trả lại hết áo quần và các món phụ tùng, mà chỉ giữ lại một cái áo vá bên trong (trung y), một cái quần (hạ y), một đôi dép, một cái áo tơi cũ bên ngoài (thượng y), một cái bồ đoàn rồi đi vào trong núi, tìm động đá mà ở.

Chứng Tiền Thiên Nhãn Thông:
            Cuộc đời của Ngài Hư Vân trải qua nhiều sự lạ lùng kỳ dị, có rất nhiều câu chuyện liên hệ tới sự bí mật tu hành cũng như nhân quả chuyển xoay mà Ngài đã âm thầm lưu bút sau khi từ giã cõi đời thế gian đầy tội lỗi.  Sau đây là một đoạn kể lại lúc Ngài chứng đắc Thiên Nhãn Thông.   Nói về Thiên Nhãn Thông,  một trong sáu thần thông, đây là sở trường chứng đắc của bốn bậc Thánh trong Phật Giáo là Tư Đà Hoàn, Tu Đà Hàm, A Na Hàm, và A La Hán.  Thông thường sự chứng đắc thần thông là do quá trình giữ giới và thiền định, khi tuệ lực khai mở thì thần thông cũng tự phát, mà không cần phải cầu đắc, vì cầu đắc chính là lúc ngã tướng phát sanh, tức thì tà tuệ liền che lấp. Người tu hành cần phải giữ giới, thường chuyên tu Định thì mới đạt được chân Tuệ.  Làm sao biết được đâu là chân Tuệ, đâu là tà Tuệ?  Có nhiều cách để phân biệt chánh Tuệ và tà Tuệ, nhất là bộ đại kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa.  Tuy nhiên ở đây để giản lược nhanh gọn, nên dùng lý lẽ cũa kinh Mi Tiên Vấn Đáp mà luận giải. 
            -  Nếu là Chánh Tuệ thì nó có hai thứ chức năng:  Thứ nhất là cắt lìa hay đốn bỏ, tiêu diệt được phiền não kiết sử. Còn chức năng thứ hai là hằng soi sáng bên ngoài các pháp và tự soi chiếu lại bên trong tâm thức.  Khi Tuệ phát sanh thì nó có công năng soi tỏ cho ta thấy rõ đâu là si mê, đâu là vô minh, đâu là khổ, đâu là nguyên nhân sự khổ, đâu là vô thường, đâu là vô ngã, đâu là phương pháp thực hành thoát khổ một cách rõ ràng và minh bạch.  Khi đã thấy rõ khổ, rõ nguyên nhân sự khổ, kết quả tiêu sự khổ, và phương cách tiêu diệt khổ, người quán sát như thế sẽ chán chường liền sanh tâm yểm ly. Do tánh chán chường cái khổ nên quyết tâm chấm dứt không muốn trở lại.  Có hành tướng như thế mới gọi là chánh Tuệ.
                                    Dựa theo kinh Mi Tiên Vấn Đáp, Hành Tướng của Tuệ, trang 140

            Trong kinh Phật, thông thường thần thông phát ra khi tu hành thiền định qua nhiều kiếp để chứng quả thánh đầu tiên, tức phải trải qua Tam Hiền Thất vị như trong kinh Tiểu Thừa hay Câu Xá Luận thường nói. Tuy nhiên trong Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận có đề cập đến Tứ Cú Kệ, người thông suốt và y theo câu kệ đầu tiên mà tu hành thì có thể chứng vị quả thánh thứ Nhất  mà không cần trải qua nhiều kiếp.  Câu kệ đầu tiên tức là câu kệ Không Thân.  Điều nầy được minh chứng qua một giai đoạn thử thách của Ngài Hư Vân Hoà Thượng.
            Lúc Ngài Hư Vân được 56 tuổi (1895), do lời mời của một thí chủ xin lập pháp sự "đả thất" tại chùa Cao Mân, Ngài nhận lời, đi đến bến đò ở tỉnh Đại Thông,  đi dọc theo bờ sông gặp phải lúc nước lớn, Ngài muốn qua sông, nhưng người lái đò đòi phải trả 6 đồng mà Ngài lại không có, nên Ngài phải đi dọc theo bờ sông tìm nơi eo hẹp mà lội qua.   Đi một lúc, nhằm nơi đất trơn, Ngài trợt chân ngã xuống dòng sông bị nước cuốn, chìm nổi suốt một ngày đêm.  Rạng ngày trôi đến Mể Thạch Cơ thì gặp người chài lưới vớt lên, xong gọi tăng chúng chùa Bảo Tích đến nhận.   Có một vài vị tăng ở chùa Bảo Tích vốn có tu chung với Ngài tại Xích Sơn trước đây, kinh hãi kêu lên:" Ô! Ông Đức Thanh mà!"  bèn liền mang Ngài về chùa cứu giúp. Đây là ngày 28 tháng 6, 1895.    Lúc bấy giờ miệng mũi của Ngài và các đường đại tiện và tiểu tiện đều ra máu.  Tuy nhiên sau vài ngày nhờ sự giúp đỡ chữa trị của các sư chùa Bảo Tích, bệnh tình được thuyên giảm.  Ở được vài ngày, Ngài tiếp tục đến chùa Cao Mân. 
            Đến chùa Cao Mân, vị tri sự thấy hình sắc Ngài tiều tuỵ nên hỏi có bệnh gì chăng?  Ngài đáp là không, rồi lên yết kiến Hoà Thượng Nguyệt Lãng.  Sau khi hỏi việc trong chùa xong, ban điều hành chùa liền cử Ngài làm chức sự tức là người lo mọi việc đảm đang trong chùa từ vệ sinh đến ăn uống như trước kia Ngài đã làm.  Nhưng vì sức khoẻ yếu kém, nên Ngài không nhận, lại cũng không kể lại chuyện mình té sông, chỉ yêu cầu xin được ở lại thiền đường "đả thất".
            Thiền quy ở chùa Cao Mân rất nghiêm nhặt, nếu ai được mời làm chức sự mà không tuân thì bị kết tội khinh mạn đại chúng, phải ra biểu đường chịu đánh hương bản.  Ngài tuân theo thiền quy chịu phạt mà không nói gì.  Sau đó, bệnh tình Ngài thêm trầm trọng, máu chảy không ngừng, tiểu tiện ra tinh, chỉ nằm chờ chết. 
            Ngài nằm ở thiền đường, ngày đêm tinh cần định tâm vắng lặng chờ chết, không còn ý thức về thân thể nữa.
            Trải hơn 20 ngày, bệnh khỏi dần dần.  Có vị sư Đức Ngạn trụ trì ở chùa Thạch Cơ mang  y vật đến cúng dường, thấy dung nhan của Ngài hồi phục, liền mừng rỡ an ủi và thuật lại chuyện của Ngài té sông cho đại chúng chùa Cao Mân rõ.  Mọi người nghe xong sửng sốt, khen phục và không còn bắt Ngài làm việc Chức Sự nữa.
            Ngài được cơ hôi thuận tiện để tu hành, từ đây muôn niệm đều dứt, thường hay niệm Phật và thiền định ngày đêm như một, công phu, ý niệm rất nhanh như bay.
            Một đêm đang lúc xả định, trời tối Ngài mở mắt nhìn, bổng thấy sáng như lúc ban ngày, trong ngoài rỗng rang, nhìn xuyên qua tấm vách, Ngài thấy có sư Hương Đăng đi tiểu, lại thấy có vị sư ở Tây Đơn bước vào nhà cầu, phía xa thấy thuyền qua lại trên sông, hai bên bờ cây cối màu sắc... thảy đều thấy rõ.  Lúc ấy vừa nghe tiếng bảng báo hiệu canh ba.
            Sáng ngày, Ngài hỏi thăm sư Hương Đăng cùng sư ở Tây Đơn thì mọi việc quả nhiên như thế.  Ngài biết đó là cảnh, nên không lấy làm lạ.  Thực ra lúc đó Ngài đã có được tiền Thiên Nhãn Thông, nhưng tâm không mừng lạ.
            Đến tháng 12 năm cùng năm (1895), tuần thất thứ tám vào buổi tối thứ ba, lúc Ngài đã ngồi định đến nén hương thứ sáu, vị hộ thất đang lúc rót nước sôi pha trà, bị nước nóng văng đến trúng tay vị hộ thất, nên chén trà rơi xuống đất vang lên một tiếng.  Bấy giờ các nghi căn trong lòng Ngài liền dứt sạch, tâm Ngài rất là khoan khoái!  Giống như người tỉnh mộng, bao nhiêu nghi tình thảy đều giải sạch.  Ngài nhân đó làm một bài kệ:
                        Bôi tử phốc lạc địa,
                        Hương thinh minh lịch lịch
                        Hư không phấn toái dã
                        Cuồng tâm đương hạ tức.
Sau có người dịch:
                        Chén trà rơi xuống đất
                        Vang thành tiếng rõ ràng
                        Hư không bổng tan nát
                        Cuồng tâm dứt sạch liền
Rồi Ngài làm thêm một bài kệ:
                        Đãng trước thủ, đả toái bôi
                        Gia phá, nhân vong, ngữ nan khai.
                        Xuân đáo hoa hương xứ xứ tú
                        Sơn hà đại địa thị Như Lai.
Sau có người dịch:
                        Phỏng tay rơi chén vỡ tan rồi
                        Nhà nát người tan khó mở lời
                        Xuân đến chốn nào hoa cũng đẹp
                        Núi non trời đất là Như Lai.
                                                            Phỏng theo Tự Truyện Hư Vân Hoà Thượng, trang 82

            Qua hai bài kệ nầy ta thấy được tâm trạng giác ngộ và chứng đạo của Ngài. 

Trong bài kệ thứ nhất:
Chén trà rơi xuống đất:  Nước nóng pha trà là chuyện thông thường, tuy nhiên nước quá nóng làm tay không giữ được đến nỗi chén trà phải rơi xuống mà vỡ tan. Kiếp con người cũng vậy, thân thể tạo thành bởi tứ đại là đất nước lửa và gió.  Nước nóng bên ngoài tác dụng vào chén trà để tạo nên hương vị trà để hưởng thụ, tuy nhiên nếu nước quá nóng thì chén trà không chịu nỗi phải vỡ tan.  Cũng vậy thân tứ đại bị tác động do các nghiệp thiện và bất thiện mà sanh ra các thọ tưởng.  Nếu các nghiệp nầy đến lúc cường thạnh quá mức thì thân tứ đại cũng phải bị hư hoại như chén trà vỡ bể.  Đây là nghiệp sanh tử của chúng sanh.

Vang thành tiếng rõ ràng: Chén trà vỡ tạo tiếng vang, nghe một cách rõ ràng.  Tiếng vang là nói về âm thanh.  Âm thanh từ đâu mà có?   Ở trong chén trà hay trong nền nhà, hay trong sự rớt xuống?  Rõ ràng nếu thiếu một trong ba nguyên nhân kia thì âm thanh vỡ tách trà không sao có được.  Vậy âm thanh chính là sự duyên họp  của nhiều nhân, có rồi tan, tan rồi có, như mộng như huyễn.   Tuy âm thanh là nhân duyên họp lại nhưng cái nghe không phải từ nhân duyên họp.  Hiểu được cái tánh nghe tách rời khỏi âm thanh thì mới thấy được chơn tánh.  Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, có một đoạn đức Phật chỉ Tánh Nghe là hằng thường vô sanh vô diệt như sau:
            "Vì ông Anan nghĩ rằng sau khi xác thân tiêu diệt mọi cái đều tiêu diệt, cho nên mới thưa với Phật rằng:
            - Bạch Đức Thế Tôn, như lời Phật dạy muốn cầu quả Phật thường còn thì dùng cái nhân chân thật mà phát tâm tu hành thì mới chứng được vị quả chân thật.  Nay cái thấy, cái biết, cái nghe, cái cảm giác ... của chúng con đây đến khi rời các trần cảnh hiện tiền như tối, sáng, động, tịnh... thì không còn thấy, nghe, hay, biết gì nữa.  Quanh quẩn tới lui, chính chắn suy tìm thì chúng con không thấy có cái tâm nào là hoàn toàn chân thật, không biến hoại cả.  Như vậy thì tại sao Phật dạy lấy tâm hư vọng đoạn diệt này mà làm nhân tu hành để cầu quả Phật thường còn không sanh diệt?  Vậy thì lời nói của Phật trước sau trái nhau.  Xin Ngài từ bi chỉ dạy.
            Đức Phật dạy:
            - Anan!  Ông tuy học rộng nghe nhiều, nhưng các phiền não mê lầm chưa hết, nên ông chỉ biết suông cái tên "điên đảo".  Đến lúc "điên đảo" thật hiện tiền thì ông lại không biết.  Như thế thì sự tin hiểu của ông chưa chắc chắn.  Ta nay đem những việc thường dùng trong đời để trừ các nghi lầm cho các ông.
            Đức Phật liền bảo ông La Hầu La đánh một tiếng chuông, rồi hỏi ông Anan:
            - Ông có nghe không?
            Ông Anan thưa:
            - Bạch Thế Tôn! Nghe
            Đến lúc tiếng chuông ngân vừa dứt, đức Phật lại hỏi:
            - Ông có nghe không?
            Ông Anan thưa:
            - Bạch Thế Tôn! Không nghe
            Phật lại bảo ông La Hầu La đánh một tiếng chuông lần thứ hai, rồi hỏi:
            - Ông có nghe không?
            Ông Anan đáp:
            - Bạch Thế Tôn! Có nghe
            Bấy giờ Phật mới hỏi:
            - Thế nào là nghe và thế nào là không nghe?                   
            Ông Anan thưa:
            - Bạch Thế Tôn!  Vì đánh chuông có tiếng ngân nên con nghe, đến khi chuông hết tiếng ngân thì con không nghe.
            Phật dạy:
            - Anan!  Khi tiếng chuông hết ngân, ông nói rằng:"Không nghe". Nếu như ông thật không có cái nghe, thì ông đồng như cây đá, tại sao lại khi đánh tiếng chuông thứ hai ông lại có cái nghe?
            Vậy cho biết: cái "tiếng" thì khi có khi không, chớ cái nghe của ông lúc nào cũng có.  Nếu cái nghe của ông không thường có, thì cái gì nghe được "cái không âm thanh"?
            Thế ông phải biết: cái tiếng đối với cái nghe, thì cái tiếng tức âm thanh, nó tự sanh tự diệt, chớ cái nghe của ông không phải do âm thanh có mà nó có, hay trong khi không có âm thanh mà nó không có. Tại ông điên đảo hôn mê nhận lấy cái "chơn thường" (tánh nghe) làm cái "đoạn diệt" (âm thanh).  Như thế thì đâu phải khi thân xác của ông, khi rời khỏi sáu trần cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà các cảm giác thấy, nghe, hay, biết của ông đều mất hết? "
            Vậy âm thanh tuy lúc có lúc không, theo nhân duyên tan họp, nhưng tánh nghe của mỗi cá nhân nào có hoại suy.   Thấu hiểu được tánh nghe thường còn, nên Ngài Hư Vân mới nói: Vang thành tiếng rõ ràng có nghĩa là tánh nghe thường trụ, nay đã thấy biết rõ ràng.

Hư Không Bổng Tan Nát:
            Hiểu được tánh nghe thường còn tức hiểu được năm tánh còn lại như: tánh thấy, tánh ngưởi, tánh nếm, tánh chạm xúc, tánh suy nghĩ là thường còn, phá tan được mối si mê chất chứa che lấp sáu giác quan xưa nay, làm cho cảnh tượng duyên họp nhân duyên của sáu trần bị lầm tưởng là một với chân tâm thường hằng không sanh diệt.  Đó là lúc trí tuệ soi chiếu vô minh hay hư không pháp giới tự nhiên sáng tỏ rõ ràng.  Cho nên Ngài nói:  Hư không bổng tan nát.

Cuồng Tâm Dứt Sạch Liền:
            Cuồng tâm tức là tâm sân si, giận hờn, ngã mạn...  Trong kinh Kim Cang gọi là Tứ Tướng, tức tâm chấp tướng Ngã, tướng Nhân, tướng Chúng sanh, và tướng Thọ Giả.   Chính vì nhận cảnh làm tâm. cho nên chúng sanh chìm sâu chấp nặng vào  bốn tướng trên mà chịu cảnh luân hồi vô tận.  Nay từ cái vô thường giả tạm, mà Ngài bổng nhận ra được tánh thường trụ của bản tâm mình, các chấp tưởng đều sạch sẽ, cái vô minh bổng nhiên vụt biến thành trí tuệ mà không phải trải qua bất cứ giai đoạn chuyển tiếp nào, cũng ví người đang ngủ mê liền tỉnh chớ không cần phải có giai đoạn nào giữa tỉnh và mê, nên gọi là Cuồng Tâm Dứt Sạch Liền (đốn ngộ).
            Kiếp người tuy có 100 năm, nhưng thời gian qua rất nhanh, khi đã mất thân người thì rất khó mà tìm lại được.  Cuộc đời của Ngài Hư Vân Hoà Thượng là một tấm gương cho các vị tu hành.  Chỉ gắng công tu hành một đời mà nhiều đời thoát khỏi nghiệp sanh tử luân hồi.  Vật chất danh lợi là điều nhân duyên xum họp, khi mất khi còn như xác thân sanh lão bệnh tử này không ai có thể gìn giữ được thường còn.  Duy chỉ còn nghiệp lực theo ta sau khi mãn kiếp. Thật đáng thương xót cho Bản tâm thường hằng phải chịu cảnh ngục tù mãi mãi.  Đó là ý nghĩa hai câu đầu trong bài kệ thứ hai:
                        Phỏng tay rơi chén vỡ tan rồi
                        Nhà nát người tan khó mở lời
            Tuy nhiên khi đã ngộ được chân tánh thường hằng, thì dù ở nơi đâu ta cũng cùng tương hợp với chân tánh thường hằng ấy không rời.  Đó là ý nghĩa câu kệ thứ ba:
                        Xuân đến chốn nào hoa cũng đẹp
            Ngộ được chân tánh bản lai, và sống với hợp chân tánh ấy tức là Phật Tánh.  Nay mới biết Tâm Tức Phật.  Ngoài Tâm không Phật. Ngoài Phật không Tâm.  Mọi nơi là Không Tánh.  Không Tánh tức Như Lai.  Đó là ý nghĩa của câu thứ tư trong bài kệ thứ hai:
                        Núi non trời đất là Như Lai.
            Cuối cùng xin mượn bốn câu thơ trong quyển Tám Quyển Sách Quí của Hoà Thượng Thích Thiện Hoa để cống hiến ý nghĩa Tâm thường trụ cùng đọc giả:
                        Người đời sớm phải tri cơ,
                        Gương lu vì bụi, trăng mờ vì mây.
                        Chở che nhờ đức cao dầy,
                        Dầu tu cho mấy chẳng tài tu tâm.

Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
01/22/2017

No comments:

Post a Comment