Sunday, 18 June 2017

(Minh Phúc Trần Quốc Hưng) ĐỨC TÍNH VÔ ÚY


Ngày 6 tháng Giêng năm 1941, trong bài diễn văn trước Quốc Hội, Tổng Thống Mỹ Franklin D. Roosevelt nêu ra Bốn Quyền Tự Do được xem là căn bản của người dân, đó là:


  1. Tự do tín ngưỡng tôn giáo (Freedom of religious belief)
Một người có thể lựa chọn theo một tín ngưỡng hoặc không theo tín ngưỡng. Bất cứ tôn giáo tín ngưỡng nào cũng không thể vì niềm tin của mình mà cấm cản quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của người khác.
  1. Tự do biểu đạt (Freedom of expression)
Tín ngưỡng phải nhờ biểu đạt để thực hiện. Tự do biểu đạt bao gồm các quyền tự do: ngôn luận, xuất bản, lập hội, lập đảng, biểu tình, bãi công, sáng tạo, thảo luận.
  1. Tự do khỏi khốn cùng(Freedom from Want)
Tương tự như quyền phát triển đời sống, quyền tự do này liên quan đến các phương diện lao động, đi lại, giáo dục, thương mại, văn hóa, nghỉ ngơi.
  1. Tự do khỏi nỗi khiếp sợ (Freedom From Fear)
Tương tự như quyền sống, quốc gia không được để cuộc sống của công dân chìm trong nỗi khiếp sợ. Ở đây hàm nghĩa không được phép xâm phạm bất hợp pháp thân thể và tài sản người khác, không được khám xét vô bằng cớ, không được phỉ báng làm nhục người khác.
Tự do tôn giáo tín ngưỡng và tự do biểu đạt là hai quyền lợi đã được bảo vệ trong Tu Chính Thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ, dưới tên gọi tự do tôn giáo và tự do ngôn luận. Hai cái tự do tiếp theo nói lên hai nhu cầu an ninh của người dân, an ninh kinh tế và đặc biệt là an ninh khỏi sự đe dọa của chính quyền nơi quốc gia mà họ đang sống. TT. Roosevelt nói về tự do khỏi nỗi khiếp sợ trong bối cảnh thế giới đang bị bao trùm bởi màn đêm của Thế Chiến Thứ Hai và sự khủng bố của Đức Quốc Xã. Cùng năm đó, Hoa Kỳ tuyên chiến với Đế Quốc Nhật đang bành trướng ở Á Châu. Tự do khỏi nỗi khiếp sợ trở thành mục tiêu cao thượng của Hoa Kỳ, lúc đó đang chuyển mình từ thế cô lập để sang đối đầu với các nguy cơ trên thế giới, mặc dầu mục tiêu trực tiếp đưa đến chiến tranh Mỹ-Nhật vẫn là Nhật ném bom Trân Châu Cảng.
Tự do khỏi nỗi khiếp sợ là một nguyên tắc căn bản mà chính phủ Roosevelt thúc đẩy trong việc hình thành Liên Hiệp Quốc. Bốn quyền tự do, trong đó có tự do khỏi nỗi khiếp sợ, đã được đưa vào Lời Tựa của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền:
Whereas disregard and contempt for human rights have resulted in barbarous acts which have outraged the conscience of mankind, and the advent of a world in which human beings shall enjoy freedom of speech and belief and freedom from fear and want has been proclaimed the highest aspiration of the common people.”
(Xét rằng việc coi thường và khinh miệt nhân quyền đã đưa tới những hành động dã man làm phẫn nộ lương tâm nhân loại, và việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, cùng tự do khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người).
Gandhi cũng đã nói: “The greatest gift for an individual or a nation … was abhaya, fearlessness, not merely bodily courage but absence of fear from the mind.” (Món quà lớn nhất cho một cá nhân hay một quốc gia … là abhaya, bản chất vô úy, không phải chỉ cái dũng của thân mà còn là sự vô hiện hữu của nỗi sợ hãi từ tâm.” Gandhi trích dẫn lời của Chanakya và Yagnavalka, hai triết gia lỗi lạc của Ấn Độ từ thời cổ đại: “Trách nhiệm của những người lãnh đạo quần chúng là làm cho quần chúng không còn sơ hãi.”2 Bà Aung San Suu Kyi đã dùng câu nói của Gandhi trong diễn văn của bà, Tự Do Khỏi Sợ Hãi. Theo bà, “không phải quyền lực dẫn đến thối nát (corruption) mà chính là nỗi khiếp sợ.”3
Đạo Phật dạy người con Phật tránh bốn thiên vị, hay là cách xử sự thiếu trung thực, agatiChandagati là thiên vị do tham lam, dục vọng. Dosagati là thiên vị do sân hận. Bhayagati là thiên vị do lo lắng, khiếp sợ. Mohagati là thiên vị do vô minh, lầm lạc, nghi ngờ. Theo Aung San Suu Kyi, trong bốn thiên vị mà bà gọi là bốn thối nát, bhayagati là nguy hiểm nhất vì “sự khiếp sợ không những kiềm chế và dần dần tiêu hủy tất cả các nhận thức chánh và tà, nó còn là nguồn gốc của những thối nát kia.”
Khi một dân tộc không có được cái quyền tự do khỏi khiếp sợ thì người dân phải hun đúc cái đức tính vô úy. Trong Thông Điệp Xuân Đinh Dậu 2017, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ lên tiếng “kêu gọi đức tính Vô Uý của người Phật tử để thánh hoá cái sống của Chánh pháp, làm nền tảng phục vụ dân tộc và nhân loại.” Ngài viết, “Đức tính Vô Uý chính là sức mạnh bất bạo động dẹp tan mọi cuồng vọng làm khổ đau, ly tán và chết chóc nhân sinh. Đức tính Vô Uý đã thể hiện qua hàng trăm cuộc kháng chiến vệ quốc mười thế kỷ đầu Tây lịch để gìn giữ chiếc nôi văn hiến Việt trên đất Giao Châu, khiến cho người Việt không bị vong quốc, nước Việt không bị nô lệ Bắc phương. Chính đức tính Vô Uý ấy đã sinh thành ra quốc gia Đại Việt sáng chói dưới các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, đương đầu với mọi sức mạnh bạo động, làm nên lịch sử dân tộc mà cũng là lịch sử của Phật giáo Việt Nam.”
Trong khi các nhà lãnh đạo khác kêu gọi vô úy làm mục tiêu để tranh đấu, Đức Tăng Thống hướng dẫn cho chúng ta sử dụng vô úy trong phương thức bất bạo đông để phục vụ dân tộc và nhân loại. Thể theo lời kêu gọi của Ngài để thánh hóa cái sống của chánh pháp, chúng ta phải giải thoát tư tưởng của mỗi chúng ta khỏi hai trạng thái, vô cảm và khiếp sợ, có cùng một mẫu số chung là sự từ chối trách nhiệm trước nguy cơ diệt vong của đất nước, của dân tộc, và của đạo pháp. Đạo Phật Việt là đạo gắn liền với đất nước và dân tộc, là đạo của Trúc Lâm Cư Sĩ Trần Nhân Tông, tuy đã xuất gia nhưng vẫn tham gia điều hành chính sự, đánh dẹp quân Ai Lao xâm phạm biên giới. Đạo Phật Việt là đạo của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, tháng sáu năm nay là tròn 40 năm trong lao tù cộng sản cũng chỉ vì yêu nước, thương dân, và hết lòng vì đạo pháp.
Ve Hue39
Trung thành với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là chấp hành lời kêu gọi của Đức Tăng Thống. Phật Tử trong nước phải từ bỏ vô cảm và khiếp sợ để đứng dậy tranh đấu cho chánh pháp, cho dân tộc và cho đất nước, bằng mọi hình thức bất bạo động. Phật Tử ở nước ngoài phải thể hiện đức tính vô úy, từ bỏ dị hiềm, gầy dựng thực lực để yểm trợ quốc nội. Vô úy cũng là vượt qua cái sợ hãi vô minh là bản ngã bị xúc phạm. Trung thành với Đức Tăng Thống không phải là treo hình ảnh Ngài, mà là noi theo tấm gương sáng vô úy của Ngài, lấy vô úy là phương châm cho đạo hạnh, sử dụng vô úy làm hành trang vượt qua chướng ngại thân tâm, đem vô úy làm đức tính cần thiết để chinh phục dị biệt và kết hợp lại. Chúng ta phải chuẩn bị cho cơn bão sắp đến.
Minh Phúc Trần Quốc Hưng
(với sự cố vấn Phật Pháp bởi TT. Thích Trí Tịnh)
  1. Roosevelt, Franklin Delano, The Four Freedom, American Rhetoric
  2. Rachel Fell McDermott, et al. Sources of Indian Traditions: Modern India, Pakistan and Bangladesh. P. 379.
  3. Suu Kyi, Aung San, Freedom From Fear: And Other Writings. PP. 204 – 209.

No comments:

Post a Comment