Sunday 14 May 2017

(Nhật Liên Dũng) Có đạo lý nào bắt buộc hay không bắt buộc ''cho phép'' hay không cho phép ! Chỉ một chữ TÂM .


Kính thưa các bậc Cao Minh Trưởng Thượng, các giới Văn Chương Uyên Bác Chữ Nghĩa, các bậc Thiện Trí Thức,
Thiết nghĩ mình chỉ là hàng hậu học, chỉ được lắng nghe mà không nên có ý kiến. Nhưng thấy vấn đề khá nghiêm trọng, nên xin mạn phép có chút lời bàn.
Số là, mấy lần Giáo Hội bị chao đảo biến động là những lúc GH ban hành các giáo chỉ, nhưng đặc biệt đáng chú ý nhất là GC số 9, số 10, và rồi số 12. Sao vậy? Vì qua các lần GC nầy, đã phát sinh ra các hiện tượng và tổ chức Về Nguồn, Điều Ngự (Tăng Đoàn GHPGVNTN) và UBCV (Sư Bán Chùa). Qua các lần như thế, điều đáng nói là sau khi đã bị GH tống xuất, khai trừ mà hai chữ “Thống Nhất” họ vẫn xách theo, cố giữ, cố bám cho bằng được. Sao lạ vậy? Chi vậy? Thưa, đơn giản, chỉ vì miếng cơm manh áo và nồi gạo thôi ạ, chấm hết.
Hai chữ “Thống Nhất” là gì mà có sức ảnh hưởng lớn đến thế? Thưa, tuy chưa là một thương hiệu, (nhãn hiệu, trademark) được cầu chứng, nhưng đã là một danh hiệu phổ cập trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam, trong và ngoài nước. Hai chữ “Thống Nhất” là chỉ cho một Giáo Hội Truyền Thừa duy nhất của hơn hai nghìn năm Phật Việt, là biểu trưng của Kim Cang Bất Hoại, hun đúc bằng đức tính hy sinh vô úy, hy sinh thân mạng của bao Thánh Tử Đạo, bao Đức Tăng Thống tiền nhiệm, máu xương và nước mắt của hằng hà sa số Phật Tử đã nằm xuống. Vì thế, mà khi cố ý lạm dụng hay lợi dụng danh xưng “Thống Nhất” để làm của riêng, lợi dưỡng cho riêng mình là một xúc phạm trên phương diện tâm linh đã đành, chưa kể đến việc vi phạm hành chánh pháp luật (legal copyright infringements). Người Phật Tử biết tàm quý phải thấy đây là danh xưng, danh hiệu rất tôn quý, phải hết sức tế nhị, cẩn trọng trước khi sử dụng cho riêng mình.
Cùng với ý nghĩa trên, danh xưng của Đức Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh và Đức Cố Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Thích Như Đạt cũng thế, phải mang một ý nghĩa trang trọng, cẩn trọng, tế nhị, cân nhắc và giữ gìn trước khi sử dụng cho một việc gì riêng tư. Đấy là vấn đề bàn cãi hôm nay. Thực sự nó không dính dấp chi đến việc “cho phép” hay “không cho phép”, có đạo lý nào bắt buộc hay không bắt buộc.
Xưa nay, tất cả những nghĩa cử cao quý của người Phật tử muốn dâng lên cúng dường Tam Bảo, để thể hiện đúng vai trò hộ Pháp của mình là điều đáng khích lệ và trân trọng. Thiết nghĩ làm gì có chuyện ai đó đặt vấn đề là phải xin phép hay cho phép. Điều muốn nói ở đây, là việc sử dụng danh xưng của Giáo Hội cũng như danh hiệu của các bậc Đạo Cao Đức Trọng trong Giáo Hội có là việc làm được cân nhắc kỹ lưỡng và đã được sự đồng ý và khích lệ của Giáo Hội mà mình trân quý tôn thờ hay chưa? Đây chính là câu hỏi thiết thực.
Vài lời thô thiển góp ý, kính mong chư vị lượng thứ nếu có chi phật ý.
Trân trọng,
Nhật Liên Dũng

No comments:

Post a Comment