Sunday, 14 May 2017

(Huệ Lộc) Những Mẫu Chuyện Phật & Đệ Tử Không Nhận Cúng Dường


1. Đại Đức MaHa Kassapa (Maha Ca Diếp)- Cha của Chư Tăng
            Trong Kinh Tạng Phật Giáo Nguyên Thuỷ (Theravada) còn ghi chép những đoạn mà Đức Phật nói ngài Maha Kassapa giống như một cái gương cho sự liên quan giữa các bậc tu hành và tín đồ thế tục.   Ngài Maha Kassapa là đệ tử lớn nhất của Đức Phật cũng là vị sơ tổ đầu tiên của Thiền Tông, được đức Phật truyền lại chánh pháp Nhãn Tạng trong pháp hội Kim Sơn, khi đức Phật cầm một cành hoa sen do một Phạm Thiên Vương dâng cúng, đưa lên nhìn đại chúng. Lúc bấy giờ chỉ có một mình ngài Maha Kassapa lãnh hội, chủm chỉm cười.  Đức Phật nói :" Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, pháp môn mầu nhiệm chẳng lập văn tự, ngoài  giáo lý truyền riêng, nay giao phó cho ông.  Ông khéo gìn giữ Chánh Pháp truyền mãi đừng cho dứt." Trong Thiền Tông còn ghi lại điều nầy một công án cho đời sau là :"Thế Tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu." 
            Cuộc đời hoá duyên trong tu hành Khổ Hạnh Đầu Đà của ngài Maha Kassapa cũng như chư Tăng trong Tăng Đoàn, khi đi bát ngang qua từng gia đình Ngài không nghĩ mọi người cho nhiều các đồ vật giá trị.  Ngài không nghĩ như thế, nhưng lại vô tư như trăng toả ra ánh sáng chiếu khắp các nơi không phân biệt chổ cao, thấp hay dơ, sạch như vị đã nhập vào viên mãn tự tại trụ tánh Đại Viên Cảnh Trí.   Tuy nhiên không phải luôn  trụ trong trí Đại Viên,  Ngài còn phải hướng tâm về chúng sanh nghèo khó tật nguyền vì do nghiệp lực từ quá khứ, nên có những lúc phải bước qua Diệu Quan Sát Trí  phân biệt tuỳ duyên nhận sự cúng dường hoá độ chúng sanh.
            Một hôm có một vị Thiên Nữ tên là Laja đang sống hưởng đầy đủ năm món Thiên Dục trong cảnh trời Đao Lợi, bổng nhớ lại kiếp trước của mình   là một người đàn bà nghèo khổ, có một lần dâng lên món cơm khô cúng dường ngài MaHa  Kassapa với tấm lòng thành kính và nguyện rằng :"Với phần ăn nầy tôi xin cúng dường lòng thành kính đến Ngài và xin cầu mong cho tôi được chia xẻ chân lý mà Đại Đức đã thấy."  Trên đường về nhà, trong lúc đang suy nghĩ về sự dâng cúng vừa rồi, nàng bị một con rắn độc cắn chết tức thì.  Tức liền sau đó nàng được tái sinh vào cảnh trời Ba Mươi Ba, nơi thiên thân toả hào quang chói rực. 

            Vì nhớ như vậy nên vị Thiên Nữ vội vàng hoá hiện về cõi Ta Bà để phục vụ đền đáp công ơn của vị cao tăng nầy. Lúc đó Ngài MaHa Kassapa đang nhập thiền định.  Vị Thiên Nữ Laja quét dọn cái cốc của Ngài sạch sẽ, đổ nước đầy thùng, chuẩn bị các món ăn thượng vị... Sau ba ngày Ngài mới xả thiền và thấy hình ánh sáng chói của vị Thiên Nữ nầy trong cốc. Sau khi hỏi han cặn kẽ, Ngài cám ơn vị Thiên Nữ nhưng yêu cầu nàng từ giã ra đi vì Ngài không muốn đời sau chư Tăng lấy làm thông lệ.  Vị Thiên Nữ dùng đủ lý lẽ khẩn cầu để xin Ngài chấp nhận cho ở lại để tiếp tục sự cúng dường như đều vô hiệu quả. Cuối cùng vị Thiên Nữ Laja bay lên hư không ra đi đầy sự buồn rầu. 
            Lúc đó Đức Phật biết rõ được điều đang xảy ra nơi cốc ngài Maha Kassapa, Ngài liền đến nơi vị Thiên Nữ đó để an ủi nàng bằng những lời có giá trị về hành động xứng đáng của nàng.  Và cho nàng biết mặc dù không cúng dường được nữa đến vị cao tăng nầy , nhưng nàng vẫn hái được những quả công đức lớn.   Rồi Đức Phật giải thích cho nàng nghe đó là bổn phận của Ngài Maha Kassapa để thực hành sự thu thúc lục căn, thiểu dục và tri túc.
            Trong một đoạn khác, một hôm Đại Đức Maha Kassapa đang trong nhập thiền định trong hang động Pipphali bảy ngày liên tiếp .  Sau khi xả định, Ngài ôm bát đi khất thực về thị trấn Rajagaha.  Lúc bấy giờ có năm trăm chư Thiên Nữ tại cung trời Sakka (Đao Lợi)muốn dâng vật thực cúng dường đến cho Ngài.  Năm trăm Thiên Nữ nầy chuẩn bị tất cả những món cúng dường cần thiết xong biến hiện đến gần Ngài và xin Ngài chấp nhận cho sự cúng dường nầy.    Nhưng Ngài yêu cầu các vị Thiên nữ nầy nên mang tất cả trở về Thiên giới vì Ngài muốn dành đặc ân nầy cho người nghèo để họ có thể được lợi ích. Năm trăm vị Thiên Nữ đồng khẩn cầu xin cúng dường nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng Ngài vẫn không chấp nhận, nên cuối cùng họ phải ra đi. 
            Khi nghe được về sự cố gắng cúng dường vô hiệu quả của năm trăm vị Thiên Nữ, vua trời Sakka phát sinh lòng ham muốn lớn để được dâng cúng thực phẩm đến Ngài MaHa Kassapa.  Vị vua Trời nầy rất thông minh có nhiều phép thần thông chú lực biến hiện, nên tự hoá thành một người thợ dệt già nua khổ sở khi đáp cõi Diêm Phù Đề nơi Ngài đang đi bát.  Khi bậc thánh Tăng MaHa Kassapa đi đến gần, ông thợ dệt già nua khốn khổ nầy liền lụm khụm sớt thức ăn vào bát của Ngài để cúng dường cho một buổi ngọ trai.  Nhưng mùi thơm của hạt cơm cộng vào màu sắc óng ánh của chúng làm Ngài biết ngay rằng té ra Thiên Đế đang giả hình để cúng dường mình.  Ngài đóng nắp bát ngăn lại, và nói với vị vua trời rằng :
            -Thiên Đế! Ông đã làm một việc sai lầm, đáng thương xót!  Ông đã lấy mất dịp may mắn cho người nghèo để tạo công đức.  Thôi, Ông đừng làm như thế nữa!
            Vị vua trời Sakka, bấy giờ mới hoá hiện lại thân trời, thân tướng trang nghiêm, quang minh chiếu sáng toàn vùng, chấp tay lại nói với Ngài:
            - Bạch Đại Đức, Chúng tôi cũng cần công đức lắm.  Thưa Đại Đức!  Như vậy hôm nay tôi có công đức gì không, bằng cách dâng thực phẩm cúng dường lên Ngài qua sự lừa dối?
            Ngài đáp:
            - Thiên Đế!  Hôm nay ông có được công đức rồi đó.
            Vị Thiên Đế  vui mừng ra đi và trong hào quang phát ra âm thanh phạm âm như sau:
            - Ô, cho của bố thí!  Cho của bố thí cao thượng hơn hết .  Xứng đáng dâng lên Đại Đức Maha Kassapa!
(Trích  lược trong quyển Anh dịch: Cuộc Đời của Đại Đức Maha Kassapa, Dịch Giả Truong Upakara, trang 24-27)

2. Phật Không Nhận Cúng Dường của Thiên Thần
            Trong Tứ Thập Nhị Chương Kinh có ghi lại một câu chuyện Phật không nhận sự cúng dường của một vị Thiên Thần.
            Chương 26: Thiên Ma Quấy Phật.
            "Thiên Thần dâng cho Đức Phật một ngọc nữ với ý đồ phá hoại tâm ý Phật.  Phật bảo :"Túi da ô uế, người đến đây làm gì?  Đi đi , ta không dùng đâu."  Thiên thần càng thêm kính trọng, do đó mà hỏi ý  của Đạo.  Đức Phật vì ông giảng Pháp.  Ông nghe xong đắc quả Tu Đà Hoàn."

3. Bồ Tát Trì Thế không nhận sự cúng dường của Thiên Ma
            Trong Kinh Duy Ma Cật Bất Tư Nghị Giải Thoát, Phẩm Bồ Tát, trang 44
            Một hôm Ngài Bồ Tát Trì Thế đang ở nơi tịnh thất, bấy giờ Thiên Ma Ba Tuần (vua trời Hoá Lạc Thiên) đem mười hai ngàn Thiên Nữ thân tướng xinh đẹp như vua trời Đế Thích, trổi nhạc đàn ca đi đến chổ Ngài Bồ Tát Trì Thế đang ở.  Thiên Ma cùng quyến thuộc các Thiên Nữ  cuối đầu lễ dưới chân Bồ Tát Trì Thế, chấp tay  cung kính đứng sang một bên.  Ngài Bồ Tát Trì Thế thấy hình tướng Thiên Ma (trời Hoá Lạc Thiên) thì ngỡ rằng là trời Đế Thích, nên mới bảo rằng:
            - Lành thay, chào ông mới đến, Kiều Thi Ca!  Dù là ông có phước nhưng chớ nên buông lung. Ông nên quán sát ngũ dục là vô thường để cầu cội lành, ở nơi thân mạng, tài sản mà tu pháp bền chắc (Pháp bền chắc là pháp ở nơi thân mạng và của cải đều quên bỏ, mà tu hành theo chánh đạo sẽ được thân kim cang bất hoại, mạng vô cùng vô tận, dù cho trời đất cháy tan, thì Ba Thân vẫn còn đó.)
            Bấy giờ Thiên Ma mới nói với ngài Bồ Tát Trì Thế:
            - Thưa Chánh Sĩ!  Xin Ngài nhận mười hai ngàn Thiên Nữ nầy để dùng vào việc hầu hạ quét tước.
            Bồ Tát Trì Thế nói:
            - Nầy Kiều Thi Ca!  Ông đừng cho vật phi pháp nầy!  Tôi là kẻ Sa Môn Thích Tử, việc ấy không phải là việc của tôi.
            Lúc bấy giờ, cư sĩ Duy Ma Cật vừa đến và nói với Bồ Tát Trì Thế:
            - Thưa Đại Sĩ!  Đây không phải là Đế Thích, mà là Thiên Ma đến khuấy nhiểu ông đấy! 
            Nói xong, ông Duy Ma Cật quay lại nói với trời Hoá Lạc Thiên (Thiên Ma):
            - Các vị Thiên Nữ nầy ông nên đem cho ta, như ta đây mới nên thọ.
            Thiên Ma nghe xong sợ hãi nghĩ rằng :"Có lẽ ông Duy Ma Cật đến khuấy rối ta chăng?"  Rồi dùng hết thần lực, cũng không đi được.  Lúc ấy trên hư không có tiếng  rằng:
            - Nầy Ba Tuần! Hãy đem các Thiên Nữ cho ông Duy Ma Cật thì mới đi được.  Thiên Ma vì sợ hãi nên miễn cưỡng giao hết mười hai ngàn Thiên Nữ lại cho ông Duy Ma Cật...."
            Do những câu chuyện trên ta thấy Phật Pháp rất mực linh động và biến hoá.  Phật giảng các pháp Vô Tướng nhưng không phải là không có.  Vì tánh Duyên Khởi  nên mọi pháp đều có tánh Chân Không Diệu Hữu.  Tánh của Pháp vốn Bất Biến Tuỳ Duyên, Tuỳ Duyên Bất Biến.  Như trong Kinh Kim Cang Phật nói vô tướng hữu tướng.  Phật pháp đó tức không phải là Phật Pháp mới gọi là Phật pháp.  Bố Thí Ba La Mật đó không phải là Bố Thí Ba La Mật mới tạm gọi là Bố Thí Ba La Mật.  Vì thế trăm văn ngàn luận về Bố Thí Ba La Mật đều không phải là Bố Thí Ba La Mật!

Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
05/07/2017

No comments:

Post a Comment