Saturday, 5 April 2014

THƯỢNG TỌA Thích Giác Đẳng - Khi sân hận nổi lên chúng ta nên quán tưởng để nhàm chán sanh tử

 photo e8bb70b9-2f81-486a-bcf5-43e273fd5798.jpg

Hỏi: Khi sân hận nổi lên chúng ta nên quán tưởng để nhàm chán sanh tử
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 16-3-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TTGiác Đẳng: chúng tôi đi làm việc thường thì đôi khi thấy có trường hợp như vầy, mình không  muốn tạo nên oan trái trong cuộc sống và mình không gây hấn với ai và cũng không muốn cột oan trái với ai nhưng người ta cố tình gây oan trái với mình và những lúc đó thì chúng tôi thường nghĩ đến một chuyện đó là mình nên lấy cái đó để làm cái đề mục quán tưởng để mà nhàm chán sanh tử.
Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng ưa thích sanh tử đó là chuyện bình thường nhưng có một điều như vầy là Đức Phật Ngài dạy bản chất tự nhiên của dục lạc, Ngài nói do ngũ dục mà cha tranh chấp với con, bạn bè tranh chấp với nhau, anh chị em tranh chấp với nhau. Nhiều khi mình sống ở trong đạo mình thấy chuyện vai trò chức vụ nó không là cái gì hết, thật sự nó chỉ là hư danh, nó phù du, nhưng người ta có thể sống chết với điều đó thì nói gì với chuyện ở ngoài đời.
Chúng ta thỉnh thoảng đọc hồi ký của những người làm chính trị hay là trong giới có quyền nhiều khi họ đạt được chức vụ đó thì  nào là bao nhiêu cái oan trái nó trùng trùng điệp điệp. Ở trong đời sống hàng ngày, chúng ta làm cái gì cũng vậy, hễ mình không làm thì thôi mà khi mình làm thì nó lại lớn chuyện. Đức Phật dạy mắt tai mũi lưỡi, chỗ nào cũng là lửa, lửa đốt cháy cả thế gian này. Trong truyền thống Phật Giáo chữ Hán có câu “Tam giới như hoả trạch – ba cõi như nhà lửa”. Rồi chúng ta cũng nghĩ đến chuyện là ở trong cuộc sống này khổ nạn trùng trùng nó đi tới chỗ này nó đi đến chỗ kia, mình sống thì cứ sống làm thì cứ làm nhưng mình không ý thức được thực tại đó thì thật sự mình khó có thoát khỏi sanh tử.
Trong kinh có một câu chuyện rất thú vị:  Có một vị vua, buổi sáng đi vào rừng săn bắn, Ngài bất chợt khám phá có cây xoài trĩu nặng trái loại xoài rừng ăn trái rất ngon nhà vua rất thưởng thức cây đó rồi nhà vua tiếp tục đi. Chiều hôm đó Ngài trở về Hoàng cung thì nhà vua nhìn lại cây xoài đó thì bây  giờ lá sơ sát bởi vì có một đoàn thương buôn hồi trưa đi ngang qua đây họ thấy cây xoài họ thích quá họ hái và cách hái của người đi đường thì không nương tay, họ giựt, họ kéo họ chỉ hái trái mà làm cành lá bị gãy tơi tả, nói theo nghĩa ngoài đời là bị te tua, tơi tả không còn có hình ảnh một cây xoài đẹp nữa. Thì nhà vua chợt nhận ra một điều, điều nhà vua nhận ra đó là; quả thật tất cả những gì mà mình có trong đời này là chức quyền, địa vị, lợi dưỡng những điều đó là chỗ tương tranh của thiên hạ, người dân thì có tranh chấp người dân, quan có tranh chấp của quan, các vì vua có tranh chấp của các vì vua, bao nhiêu là tranh dành từng tất đất ở biên thùy. Thì nhà vua nhìn cây xoài và nhìn thân phận của chính mình nhà vua giác ngộ và nhà vua trở về hoàng cung truyền ngôi lại cho vị tân vương mà nhà vua thấy có khả năng và nhà vua đi xuất gia làm đạo sĩ .
Có những câu chuyện, đôi khi cha mẹ già  bị con cái tranh chấp tài sản rồi đứa này nói cha mẹ không thương nó, rồi tủi thân nghĩ rằng; mình già nó không nhìn mình nó không nghĩ đến mình mà nó chỉ nghĩ đến tài sản thừa kế thôi thì cuộc sống rất phũ phàng. Cái phũ phàng đó thì phải nói rằng nó đến từ bản chất cố hữu của đời sống, bản chất tự nhiên của đời sống, mình cứ than phiền mình trách móc mình chê cuộc đời.
Nhưng cuộc đời là như vậy. Có một nhà thơ viết câu “Đời là thế thiên thu sầu bất diệt” cuộc đời là như vậy. Thì khi chúng ta nói về oan trái, chúng ta nói về đụng chạm, thì chúng ta cũng phải nói rằng cuộc sống vốn là như vậy. Những cái điều trái ý nghịch lòng, những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Nó không phải là chuyện mình nên trách người này, trách người hay trách mình mà cách tự nhiên của cuộc sống nó là như vậy. Ở đâu có danh có lợi thì ở đó có tranh chấp, ở đâu có cuộc sống có dục lạc thì ở đó có hệ lụy của cuộc sống.
Nên nếu chúng ta tỉnh táo thấy được điều đó thì chúng ta mới hiểu được rằng thay vì buồn khổ vì chuyện đó, giận dữ về chuyện đó thì chúng ta nhìn nó như những bài học rất đẹp cho đời sống, những bài học làm cho chúng ta được tỉnh táo an lạc và rồi từ bài học này xin cho tất cả chúng ta đến gần Phật Pháp hơn, đến gần với lời dạy của Đức Phật hơn và có những khi mình không nhìn thấy điều này mình cảm thấy thấy như là những điều Đức Phật dạy có cái gì xa cách với chúng ta lắm, nhưng mà sống chiêm nghiệm thật kỹ đem vào lòng những điều đó thì chúng ta thấy rằng mình không có khôn hơn Đức Phật. Ngài Hộ Giác thường nhắc với chúng tôi rằng; mình nói thì nói chứ mình không khôn hơn Đức Phật. Bây giờ mỗi lần nhắc điều đó thì chúng tôi nhớ Ngài vì Ngài hay nói điều đó, những điều thật sự thấm thía trong cuộc sống.

No comments:

Post a Comment