Saturday, 26 April 2014

PTTPGQT - Tưởng nhớ Ngày 30 Tháng Tư qua phát biểu của các nhân sĩ quốc tế : Hôm nay là Nhà văn Lỗ Mã Ni Paul Goma

 
 photo HetThoi444-1.jpg

 photo logophongttpg.gif
 

PARIS, ngày 26.4.2014 (QUÊ MẸ) - Để Tưởng nhớ Ngày đất trời đảo lộn : Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cho đăng lại một số bài viết những năm sau 1975 trên Tạp chí Quê Mẹ, phát hành tại Paris, của các nhà văn, nhà báo, triết gia, nhân sĩ quốc tế như
Eugène Ionesco, Paul Goma, Ilios Yannakakis, André Glucksmann, Leonid Plyushch, Vladimir Bukoovsky, Joan Baez, Natalya Gorbanevskaya, Jean-Marie Benoist, Brigitte Friand, Edith Lenart, Denise Dumolin, Pierre Daix, Françoise Giroud, Edward Behr,v.v…

Hôm nay là bài viết của Nhà văn Lỗ Mã Ni Paul Goma có tựa đề “Chúng tôi… những Kẻ Đau Xương” đăng trên Tạp chí Quê Mẹ số Quốc Kháng phát hành ngày 30.4.1979. Nhà văn Paul Goma sinh tại Bessarabie ở Lỗ Mã Ni (Roumanie). Tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết « La Cellule des Libérales », « Gherla », « Dans le Cercle ». Hồi còn là sinh viên ở Bucarest, năm 21 tuổi ông bị kết án 2 năm tù ở và 4 năm phát lưu, vì tội đọc trước công chúng sáng tác đầu tay của ông « Les Douleurs de laccouchement ». Năm 1965 ông được phép đi học lại. Năm 1968, cuốn truyện « La chambre dà côté » được xuất bản, những cuốn khác đều bị kiểm duyệt.
Bị khai trừ khỏi Đảng cộng sản, ngày cuốn sách « Cellule des Libérales »
được phát hành tai Đức và Pháp năm 1971. Đầu năm 1977 vì dẫn đầu phong trào Nhân quyền tại Lỗ Mã Ni, ông bị bắt. Nhờ áp lực quốc tế, nên được trả tự do, và cùng gia đình sang Paris sinh sống.
Quê Mẹ


Chúng tôi... những Kẻ đau xương
Paul Goma

Tôi đã từng nói nhiều lần : bên các nước chúng tôi, những quốc gia thuộc « chủ nghĩa xã hội », ngay mấy người quét đường còn có ý thức chính trị hơn các chính trị gia chuyên nghiệp ở Tây-phương.

Tôi xin nhắc lại : ở nước chúng tôi, Lỗ-Ma-Ni, một công dân hạ đẳng cũng đều dư biết ai là kẻ mưu lợi qua chính sách « hòa hoãn » ; họ dư biết vận số dành cho xứ Angola (như họ đang biết những chi xẩy tới cho Nam Phi Châu, cho Tây Âu, v.v...)

Nhưng làm sao những kẻ khốn khổ đang ở trong « Trại Xã Hội Chủ Nghĩa » kia biết được điều này, trong khi nhiều « chiến lược gia » Tây phương lại mù tịt ?

Lời đáp thật đơn giản : chúng tôi, những kẻ cam chịu dưới thể chế Xã hội chủ nghĩa theo lối Nga, chúng tôi đều nhiễm chứng đau xương : những đốt xương bệ rạc nơi lao tù nước chúng tôi báo hiệu cho sự xê dịch của thời gian, chúng tôi cảm thấy những việc đó qua da thịt đau đớn vì những đòn roi vọt ; chẳng ai trong chúng tôi cần tới lối dự trắc theo kiểu « quan sát một cách khoa học ».

Xương chúng tôi dự cảm cơn giông bão đang tới.
Những kẻ đau xương như chúng tôi, học sử bằng thân xác mình. Nhờ vậy, chúng tôi biết rằng không do vũ lực mà người Nga thắng như họ đã thắng, mà chính bởi Tây phương đã phô trương mọi nỗ lực cho người ta thấy cái nhu nhược của mình ; chúng tôi biết người Nga đã thắng không vì họ có lý, mà bởi vì Tây phương từ khước quan điểm mình một cách dễ dãi và vô trách nhiệm.

Là những kẻ bị người Nga đô hộ và đày đọa, chúng tôi nhìn xem với nỗi thương hại và kinh hoàng những « chiến lược gia » Tây phương đang xoa tay khoái trá sau mỗi lần kết ước với kẻ thống trị chúng tôi, làm như chính họ đang thu lợi. Bởi vì chúng tôi đã từng cảm thấy cái « lợi ích » của Yalta, và ngay giây phút này chúng tôi còn cảm nhận « lợi ích » của Helsinki.

Tin Miền Nam thất thủ rơi vào tay Bắc Việt (có nghĩa là vào tay Nga) đến một cách buồn thảm trong lòng người dân Lỗ Mã Ni, nhưng họ không mấy ngạc nhiên : thứ « hòa bình » của Kissinger chỉ dẫn tới kiểu không-hòa-bình, không-tự-do, không-nguôi-ngoai.

Phải công nhận lời tiên tri của Soljénitsyne chưa đi hết chu kỳ. Theo ông, phải cần tới 30 năm thì người ta mới bắt đầu biết tới Quần đảo Ngục tù (Goulag) Việt Nam. Nhưng 4 năm đã quá đủ. Than ôi, chỉ 4 năm thôi là đủ cho nền « hòa bình » dựng trên chủ-nghĩa-mác-xít-nga-dầm-trong-nước-xốt-đông-dương kia gây ra biết bao là tổn hại sâu đậm, hơn cả ba mươi năm chiến tranh chống thực dân.

Dân chúng Lỗ-Mã-Ni không ngạc nhiên, nhưng buôn rầu khi nghe tin Saigon thất thủ :
Bọn nó đã can thiệp vào Miền Nam rồi — « phe ta » vừa giàu có thêm vài triệu tù nhân...

Để rồi coi sự « xây dựng xã hội chủ nghĩa » tiến qua ba giai đoạn : trước tiên là thanh toán những « Kẻ thù của dân tộc » — lũ quân quyền, bọn « tư bản », những tên ngụy quyền. Rồi tới việc « giáo dục quần chúng » bằng sự đói cơm, khủng bố và nói láo. Cuối cùng, giai đoạn thứ ba : thanh toán bọn « trệch lối » (déviationnistes) — gồm những đồng chí bạn đường trước kia và ngay cả những « huấn luyện viên trại cải tạo » nữa...

Tiếc thay giới trí thức Tây phương, những kẻ lót đường cho người Nga tới Saigon đã không còn đó để lãnh lấy phần thưởng xứng đáng : « cải tạo » bằng roi vọt và bằng súng đạn...

Thời gian đang chồm tới : hôm nay tới phiên Nam Việt Nam, ngày mai sẽ tới lượt Tây-Âu...

Tuy nhiên, quân Nga chẳng cần chiếm Tây Âu đâu : bon chúng chỉ xua xe tăng đàn áp người « anh em » của chúng mà thôi — như ở Budapest, ở Prague ... — chứ chẳng cần đụng tới những kẻ thù vốn đã có quá nhiều thiện chí rước lấy địch thủ ngay từ bên trong quốc gia mình...

Đúng thế : các chính trị gia Tây phương cư xử như mình đã là những ông phụ tá đắc lực cho Gromyko...

Đã một phần ba thế kỷ chúng ta chờ đợi người Tây phương tới giảí cứu chúng ta khỏi tay người Nga. Cứ chờ xem, rồi họ sẽ tới như những kẻ tỵ nạn. Và lúc bấy giờ, dù nước ta hơi chật chội, cảnh sống cũng khó khăn, nhưng vẫn còn hơn ở lại nước họ để sống với nỗi kinh hoàng của « cách mạng »...

Cấu xin Thượng Đế cho các ông tránh khỏi sự « giải phóng » của người Nga !

Trên đây là những lời dân chúng Lỗ-Mã-Ni kháo với nhau, trong nỗi buồn dằng dặc, thê thiết, với sự hiểu biết tinh thông về mọi nguồn cơn.

Bởi vì dân Lỗ-Mã-Ni là những kẻ đau xương - phong thấp từ ba mươi năm nay.


Paul Goma





No comments:

Post a Comment