Tuesday, 18 March 2014

TT Thích Giác Đẳng - Sống với đạo là sống với tự nhiên.

 photo 6e617368-6248-4b1c-affa-5c7eda3dcae0.jpg

Hỏi: Sống với đạo là sống với tự nhiên
(Bài giảng tại khóa tu bên Thụy Sĩ, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Nói cho cùng ba thứ là: tài sản, người thân, và xác thân này, dầu tài sản có nhiều, dầu người thân có thương yêu cách mấy và xác thân này có tô hồng chuốt lục thì cuối cùng cũng đi vào lòng đất lạnh, xa nhất là đi đến đó, không ai đi xa hơn nữa. Nhưng phước đức mà Đức Phật gọi là Thánh Sản là tài sản bậc thánh thì đi từ đời này qua đời khác. Nhưng bao nhiêu người nghĩ tới.
Tại sao chúng ta không lo phước đức của mình, không phải là vì chúng ta ngu, chúng ta thiếu trí, không phải  vì chúng ta không có đức tin, nhưng tại vì chúng ta quá bận để đầu tư vào mắt, vào tai, vào mũi, vào lưỡi, vào thân, và vào ý. Tại sao chúng ta đầu tư vào nó, tại vì chúng ta nghĩ rằng nó vĩnh viễn phải không? nó lâu dài đúng không? Mình mua một bộ ghế đắc tiền mình mua một cách dễ dàng. Còn đi chùa làm công quả hai ngày thì chúng ta thấy khó. Đó là chuyện phước đức của mình, nhưng mua cái gì đó để thoả mãn thôi thì mình có thể dùng đồng lương của mười ngày để mua mà không tiếc tiền.
Thì như vậy có nhiều khi đầu tư vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, quả thật nó không phải là một đầu tư tốt, nếu chúng ta nghĩ cho kỹ, tuy nhiên chúng ta không thấy được là bởi vì hai điều Đức Phật dạy là : “Không thấy được nguy hiểm và không biết được lợi ích.
“Không thấy được nguy hiểm và không biết được lợi ích.
- “Không thấy được nguy hiểm là gì? Sự nguy hiểm đó là khi chúng ta nghĩ rằng chuyện này thoả mãn con mắt thì chúng ta sẽ không cần gì hết, nghĩa là 100% vừa ý, nhưng khi đạt được nó thì không như chúng ta nghĩ,. Có rất nhiều thứ trong đời sống mình nghĩ rằng mình mua nó, mình có nó, mình được nó thì mình sẽ không đòi hỏi gì nữa, nó là nhất ở trên đời rồi, nhưng rốt cuộc không phải như vậy. Thì  đầu tiên là thất vọng, thất vọng đi đến chỗ nhàm chán và nhàm chán rồi đi tìm một thứ khác nữa và cuộc đời của chúng ta là luôn luôn là sự săn đuổi như vậy. Nhưng rồi không thấy được nguy hiểm chưa đủ.
- Và không biết được lợi ích. Nếu chúng ta biết được người vợ nào là người vợ sẽ theo chúng ta mãi mãi trong kiếp luân hồi thì chúng ta phải lo cho người vợ đó nhiều, người vợ mà ngày xưa HT Hộ Giác hay nhắc câu ca dao là:
“Đi đâu cho thiếp theo cùng, gian nan thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”.
Thậm chí còn câu nói bi đát hơn nữa có người vợ nào đó ngày xưa than rằng:
“Chàng ơi phụ thiếp làm chi, thiếp như cơm nguội phòng khi đói lòng.”
Nghe bi đát phải không? Nhưng nếu âm đức của chúng ta mà nói được với chúng ta thì nói với chúng ta câu nói:
“Chàng ơi phụ thiếp làm chi, thiếp như cơm nguội phòng khi đói lòng.” Lúc nào hữu sự đến chúng ta cần phước đức lắm. Kinh hạnh phúc Đức Phật Ngài nói rằng:
“Ở xứ nên ở mà công đức trước đã làm thì quả là phước lành cao thượng.”
Trong kinh Pháp Cú Đức Phật Ngài dạy:
“Người trước đã tạo phước bây giờ phước nghiệp trổ giống như người đi xa mới về được thân nhân đón tiếp.” Không có thân nhân nào đón tiếp mà nồng ấm hơn là phước đức của mình. Có người sống ở đời chỉ mơ ướt có một tình thương thôi mà không có được tình thương, cô đơn đến như vậy là vì họ thiếu phước đức. Có một đại văn hào của Nga, ông sống vào thế kỷ thứ 18, ông đã có một câu nói rất chua xót phước phần của ông, ông nói rằng:
“Tôi sẵn sàng bỏ tất cả danh vọng, tất cả sự việc, tất cả tiền tài mà tôi có để đổi lấy người đàn bà mà mỗi ngày khi tôi trở về nhà người đó ân cần lo lắng cho tôi một chút cơm nước và lời thăm hỏi.”
Cô đơn đến mức đó và chúng ta có rất nhiều người cô đơn như vậy. Chúng tôi đã gặp những người lớn tuổi già sống tại Hoa Kỳ chỉ cần có một chút tình thương thôi, họ cần đến đỗi mà họ đi chùa chúng tôi hỏi rằng:
“Bác Bảy, hôm nay ai đưa bác đến chùa, bác khoẻ không.”
Thì bà nói với người Phật tử khác: “Bữa nay tôi đi chùa Thầy hỏi tôi một tiếng tôi mừng quá.” Tại sao  vậy? tại vì bà rất là cô đơn.
Chúng ta cũng sẽ đi qua những nỗi cô đơn khác trong cuộc đời, tại sao hôm nay những người khác ân cần với chúng ta, tại vì qúi vị đẹp, tại vì qúi vị có thể giúp họ trong lúc họ hữu sự, tại vì qúi vị có thể thù tạc qua lại với người đó, qúi vị có thể nói làm những người đó vui lòng bằng những lời nói của qúi vị, nhưng một lúc nào đó khi mà qúi vị không đáp ứng được những nhu cầu đó thì qúi vị cũng sẽ cô đơn như vậy. Do vậy chúng ta nên hiểu ở trong cuộc đời rằng phúc đức là người bạn tốt nhất.
Người Hoa Kỳ có câu nói như vầy:
“Tiền bạc là người bạn trung thành nhất, tiền không phụ rãy chúng ta bao giờ.”
Nhưng người Phật tử nói một câu nói còn nhiều hơn thứ đó nữa; đó là: “Phúc đức là người bạn trung thành nhất.”
Một người có đức không sức mà ăn, có phần không cần gì lo. Không có phước đức thì tiền vào tay này lọt qua tay kia, sanh ra cũng trong cuộc đời mà bần hàn thiếu thốn, có những người gặp từ may mắn này đến may mắn nọ, gặp từ thành công này đến thành công nọ, nhưng có những người gặp từ bất hạnh này đến bất hạnh khác thì vì thiếu phước.
Do vậy đừng phụ rãy người vợ thứ tư, và biết những điều nào là điều chúng ta nên đặc trọng tâm vào trong cuộc đời.
Thật ra cái gì làm vừa lòng con mắt cũng giai đoạn thôi, con mắt dĩ nhiên một lúc nào đó nó sẽ mờ đi, xác thân này một lúc nào đó sẽ bỏ lại. Nhưng không cần phải chờ lâu đến như vậy, cứ để ý cái thích và cái không thích của chúng ta đối với sắc, đối với thinh, đối với vị, đối với xúc,đối với pháp. Nghe có món ăn nào đó chúng ta phải đi tìm cao lương nào mỹ vị nếu quí vị làm vua. Thậm chí có người phải bỏ mạng vì miếng ăn, nhưng mà rồi ăn được một chút thôi. Cái đẹp đó trở về thoả mãn chút thôi.
Một người có trí để tu tập thì không cần đi đâu xa. Món gì đó mà qúi vị thấy thích mua, làm như Ngài Ajahn Cha là khoan mua đã, hỏi trong lòng mình muốn đến mức độ nào rồi sau đó đi mua không sao, mua về rồi hỏi lại ngày hôm nay chúng ta thích nó đến mức nào, rồi ngày mai hỏi lại mình thích đến mức nào, rồi ngày mốt mình thích đến mức nào, qúi vị thấy nó sẽ xuống xuống và một lúc nào đó có ai xin cho liền, tại vì sao vậy? tại vì tâm ý vô thường.
Đừng trách chính mình đó là chuyện tự nhiên của con người, người tu không trách ai hết, không than trời, không trách đất và không mặc cảm tội lỗi, nhưng người tu hiểu cái tự nhiên của đời sống, cái tự nhiên đó là hoa buổi sáng nở buổi chiều tàn, cái tự nhiên đó là trời ngày rồi đêm, đêm rồi ngày, xuân hạ thu đông, con người vui rồi buồn, thích rồi không thích.
Do vậy có người nào đó thương chúng ta thì chúng ta đừng nghĩ rằng tại mình đẹp quá người ta thương mình, hay mình dễ thương quá người ta thương mình, và có nhiều khi nghĩ rằng mình lạ quá người ta thương mình, nhưng mà rồi mình quen quá người ta hết thương mình.
Và có một vật gì đó chúng ta thấy ngon quá thì đừng nghĩ rằng món này là món cao lương mỹ vị ở trên đời, tại vì chúng ta chưa ăn thôi, ăn lúc rồi ngán. Đó là tự nhiên của con người.
Sống với đạo là sống với tự nhiên đó, chấp nhận cái tự nhiên đó, chấp nhận cái vô thường đó, chấp nhận ở trong cái tự nhiên mình sẽ không buồn đâu. Một người nào đó họ đang thương mình, họ đang ân cần với mình bây giờ họ không thương mình nữa thì chuyện đó bình thường thôi, ngày xưa họ thương họ có lý do của họ và bây giờ họ không thương không ân cần nữa thì họ cũng có lý do của họ.
Ngài A Xà Chí gọi là “Các pháp do duyên sanh thì cũng do duyên mà diệt.” Pháp nào cũng do duyên sanh và do duyên mà diệt, chúng ta không kiểm soát được chuyện đó.
Chúng ta sống với tất cả tự nhiên đó và đem tự nhiên đó đi vào trong lòng của mình để đạt được sự thanh thản bình an thật sự của tâm hồn. Khi nào mình sống gần với đạo và khi nào mình cảm nhận được tự nhiên với đời sống tâm hồn của chúng ta bình thản, rất là bình thản. Bình thản đến độ tại sao trời sáng và trời chiều, trời tối qúi vị không buồn, tại vì tự nhiên như vậy, trời ban ngày và đêm là cái tự nhiên của trời. Có những người ở Việt Nam mới qua thấy tuyết đẹp quá thì mừng và khi tuyết tan dơ quá thì bực mình, mùa đông lạnh quá thì chúng ta nói sao trời lạnh quá, nhưng qúi vị ở đây quen thì sao, trời mưa thì mặc trời mưa, tại vì sao vậy, đó là chuyện tự nhiên của trời đất, nhưng trời đất có tự nhiên của trời đất, chúng ta có tự nhiên của chúng ta, cái thương cái ghét, hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ, thích không thích, gắng bó, chia lìa, tất cả những điều đó là do duyên.

No comments:

Post a Comment