Saturday, 15 March 2014

Thượng Toạ Tuệ Siêu - Tại sao Tâm gọi là khó thấy, rất tế nhị !

 photo 1c3db84a-f7b7-4520-b41e-c061d1c1b5fe.jpg
 
Hỏi: Tại sao Tâm gọi là khó thấy, rất tế nhị?
(Thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên
TT Tuệ Siêu: Là bởi vì tâm này thuộc về danh pháp, là vô hình không có hình thể, không có hình tướng, cho nên không thể thấy được bằng mắt thường, không thể nhìn cái tâm được bằng nhục nhãn. Tế nhị là bởi vì tâm này sanh diệt nhanh lẹ vô cùng , một khảy móng tay tâm sanh diệt triệu triệu sát-na tâm, rất tinh tế. Tâm này luôn luôn bắt cảnh, hướng về cảnh chỗ này chỗ kia, cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc và cảnh pháp. Lúc nào tâm của chúng ta cũng  bay nhảy tìm đến đối tượng. Chúng ta khó có thể gìn giữ được nó cũng giống như một con ngựa chứng thường chạy nhảy chỗ này chỗ kia, không chịu cho người cỡi lên nó, điều phục nó. Hoặc ví như con khỉ ở trong rừng, nó luôn luôn chuyền từ cành này đến cành khác không bao giờ nó chịu nằm yên một chỗ.
Người trí là những bậc sáng suốt, những người có tuệ căn mạnh, những người có sự ý thức, hiểu được điều lợi và điều bất lợi. gọi là bậc trí tuệ. Những điều nên làm và những điều không nên làm, vị đó cân nhắc, đắn đo bằng trí tuệ của mình. Người trí  khi biết được rằng tâm này một khi đã loạn động chạy theo dục vọng quay cuồng thì sẽ mang đến sự tác hại to lớn. Người trí hiểu được như vậy cho nên trong việc tu tập người trí chỉ cần phòng hộ  gìn giữ  tâm citta.m rakkhetha.
Gìn giữ cái tâm là như thế nào? Gìn giữ cái tâm có hai cách, một là chế ngự nội tâm, hai là giáo hóa nội tâm.
-Chế ngự nội tâm gọi là saññama(Cittassa saññamo)
-Giáo hóa nội tâm gọi là dama (Cittassa damo)
Chữ saññama ở đây tức là gìn giữ bằng cách phòng hộ ngăn ngừa. Khi mắt thấy cảnh sắc không nắm tướng chung tướng riêng, không thấy rằng đó là tốt đó là xấu, không thấy rằng cái này thuộc về ta, cái này không phải của ta. Vị ấy biết rõ nguyên nhân nào làm cho tham ái ưu bi sanh khởi, do mắt thấy cảnh sắc. Vị này liền nhiếp phục nội tâm và khử trừ nguyên nhân đó, Đây được gọi là sự thu thúc, sự chế ngự về nhãn căn. Về nhĩ căn tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn cũng vậy. Khi mắt thấy cảnh sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý suy nghĩ, vị đó đều gìn giữ canh chừng không để cho tâm bay nhảy theo sự ham muốn hay sự bất mãn. Vì rằng sự ham muốn là tham, sự bất mãn đối với cảnh là sân. Vị ấy biết rõ như vậy cho nên cố gắng gìn giữ bằng cách là chế ngự. Một khi tham, sân đã sanh vị ấy đoạn trừ. Khi mắt, tai, mũi,lưỡi, thân, ý thấy các cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc vị ấy liền nhiếp phục không để cho tham ái, ưu bi sanh khởi.
Một lẽ thứ hai, vị hành gia phòng hộ tâm bằng cách luôn luôn giáo hóa, dạy dỗ tâm đừng để cho nó sanh khởi, đừng để cho nó hư hỏng vì sự dốt nát thiếu hiểu biết. Cũng giống như người mẹ giáo dục đứa con bằng hai cách. Một là dạy ngon dỗ ngọt cho con nghe những điều hay lẽ phải, khi con phạm vào những lỗi lầm thì người mẹ sẽ quở trách đánh đòn, sẽ hình phạt. Nhờ vậy mà đứa con được ngoan ngoãn thành người. Cũng như thế, người trí khi phòng hộ tâm bằng hai cách. Chế ngự tâm, khi tâm tiếp xúc với cảnh sắc sẽ là nguyên nhân để phát sanh lên tham ái và ưu bi (tham và sân), người trí chế ngự khắc phục. Khi bình thường tâm chưa có nguy hiểm khởi lên tham ái ưu bi, người trí luôn luôn kiểm soát tâm dạy dỗ tâm.
Như đối với bậc xuất gia Đức Phật Ngài thường nhắc nhở, Bậc xuất gia hằng ngày phải có sự tâm niệm gọi là Abhinhapaccavekkhana, tức là phải thường xuyên tâm niệm rằng, “Ta là vị có tướng mạo khác hơn kẻ thế, mạng sống của ta phải nương nhờ vào kẻ khác, hành vi thân khẩu của ta phải khác hơn kẻ thế, ta có thể tự mình khiển trách được mình hay không, sau khi suy xét giới hạnh hay không. Ngày đêm qua mau ta đã làm được gì, các pháp thượng nhân ta đã chứng đạt chưa, ta có thích nơi thanh vắng chăng. Và nếu trong giờ phút lâm chung các bạn đồng phạm hạnh có trí hỏi ta về những pháp thượng nhân thì lúc bấy giờ ta có hổ thẹn chăng v.v…”
Hằng ngày vị Tỳ kheo cần phải giáo hóa nội tâm bằng những điều tâm niệm như vậy. Hoặc suy xét rằng,
Jarādhammomhi Jaram anatīto
Ta phải có sự già, không thể thoát khỏi sự già
Byādhidhammomhi  byādhim anatīto
Ta phải có sự bệnh, không thoát khỏi sự bệnh
Maranadhammomhi maranam anatīto
Ta phải có sự chết, không thoát khỏi sự chết
Sabbehi me piyehi  manāpehi  nānābhāvo  vinābhāvo
Ta phải xa lìa nhân vật thương yêu quý mến
kammassakomhi kammadāyādo  kammayoni kammabandhu kammapatisarano yam kammam karissāmi kalyānam vāpāpakam vātassa  dāyādo  bhavissāmi
Ta là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng là quyến thuộc là chổ y cứ. Khi ta làm việc lành hay việc ác ta phải cảm thọ hậu quả của nghiệp lành hay nghiệp ác ấy.
Đó là năm điều quán tưởng Đức Phật đã dạy cho hàng xuất gia và  tại gia để giáo hóa nội tâm như vậy.
Quả thật, khi chúng ta tu tập, nếu chúng ta kềm giữ và phòng hộ được nội tâm, như vậy chúng ta không cần phải tu pháp môn khác nữa, vì tất cả những phiền não đều phát sanh từ nơi nội tâm này, do nội tâm loạn động quay cuồng chi phối các cảnh và bị những điều kiện chủ quan và khách quan chi phối cho nên phát sanh lên những thứ phiền não và khi tâm đã bị phiến não chi phối sai xử thì lúc bấy giờ nó mới tạo nên những hành động ác hoặc lời nói ác hoặc ý nghĩ ác. Nếu như tâm ác sai xử cho hành động lời nói và tư tưởng bất thiện pháp như vậy, sẽ dẫn đến những hậu quả cay đắng, những cảm thọ khổ đau đời này và đời sau.
Bởi vậy khi chúng ta gìn giữ, phòng hộ được tâm sẽ có nhiều sự an lạc. Sụ an lạc ở đây, khi chúng ta gìn giữ được nội tâm này bằng cách chế ngự và giáo hóa nội tâm. Hay nói một cách khác nếu như muốn chế ngự nội tâm thì chúng ta phải có chánh niệm, phải có sự ghi nhớ biết mình luôn luôn. Muốn giáo hóa nội tâm chúng ta phải dùng trí tuệ gọi là pháp tỉnh giác. Khi thực hành được những pháp đó, ngay trong hiện tại chúng ta cảm thọ an lạc gọi là hiện tại lạc trú. Theo trong A-tỳ-đàm mỗi khi tâm thiện sanh khởi, tâm thiện đó sẽ tạo nên sắc tâm  gọi là cittaca rupa. Một sắc tâm thuần thiện tốt đẹp và khinh an nhẹ nhàng. Như vậy người tu tập và phòng hộ nội tâm, không cho nội tâm phang duyên theo trần cảnh,lúc bấy giờ chúng ta được hoan hỷ được thoải mái, nên gọi là hiện tại lạc trú.
Khi chúng ta tạo những thiện pháp, phòng hộ được tâm không để cho phiền não sanh khởi. Như vậy được an lạc do nhờ không bị phiền não thiêu đốt, không bị nhiệt não bởi những bản chất bất thiện. Quả thật vậy khi một người làm điều bất thiện, họ sẽ bị đau khổ. Sự đau khổ đó không phải do ai mang đến cho họ, chưa nói đến quả báo trong tương lai, chỉ nói trong hiên tại khi nhìn thấy nghiệp bất tịnh mình đã làm, người đó khởi lên sự đau khổ thì đã muộn rồi. Bởi vậy khi tu tập chúng ta giữ được nội tâm tốt đẹp, chúng ta sẽ có sự an lạc. Hai điều an lạc ngay trong hiện tại như thế một là hiện tại lạc trú, hai là chúng ta không bị nhiệt não bởi những mặc cảm tội lỗi.
Lợi ích thứ ba, khi chúng ta tu tập nhiếp phục được tâm, chính điều này sẽ dẫn đến nếu như ngay trong hiện tại chưa đắc được Thánh quả giải thoát còn sự tái sanh thì được thuận lợi trong sự tái sanh đến những cảnh giới an lạc nhất là các cõi trời hay cõi Phạm thiên.
Do đó khi người Phật tử tu tập trong giáo pháp này chúng ta nên biết rằng,
Manopubbaṅgamā dhammā,
manoseṭṭhā manomayā;
manasā ce paduṭṭhena,
bhāsati vā karoti vā;
tato naṃ dukkhamanveti,
cakkaṃva vahato padaṃ.
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư ô nhiễm
Đau khổ sẽ theo sau
Như bánh xe theo vật kéo
Câu Pháp cú số 1
 Chúng ta phải phòng hộ tâm vì ý được tốt, trở thành một tâm thiện, một ý thiện. Như vậy chính tâm này khiến cho hành động hay nói năng bằng thân thiện hạnh, khẩu thiện hạnh. Do vậy hạnh phúc sẽ theo mình như bóng không rời hình. Còn khi không khéo tu tập, không khéo phòng hộ tâm sẽ đưa đến quả đắng cay bởi vì thân nghiệp khẩu nghiệp chúng ta hành động bằng ý bất thiện. Sự đau khổ đó sẽ theo sát bên mình như bánh xe lăn theo chân con bò kéo xe vậy. Người phật tử tu tập, không cần phải tu tập bằng hình thức thái quá. Hình thức những nghi lễ, những phong tục tôn giáo chúng ta vẫn tuân thủ nhưng sự tuân thủ đó là để an lập trật tự trong việc sinh hoạt của một hội chúng toàn thiện để hội chúng trở nên tốt đẹp nhưng không phải chúng ta tu tập suông bằng hình thức. Nếu chỉ tu tập bằng hình thức như thế chúng ta sẽ không đạt được lợi ích gì.
Người Phật tử biết rằng khi chúng ta tu tập, mà tâm còn khởi lên phiền não, còn vọng động chi phối bởi những phiền lụy trong cuộc sống, như vậy mặc dầu kẻ thù, kẻ đối lập hay người bất mãn với mình, những người đó chưa có làm cho mình đau khổ thì chính nội tâm phức tạp này, nội tâm hướng đến bất thiện này cũng đủ làm cho chúng ta phải phiền lụy, phải đau khổ rồi. Vì vậy sự tu tập của chúng ta là phải cố làm sao gìn giữ được tâm. Điều này khó chứ không phải là dễ, nhưng chúng ta nên nhớ rằng, cái gì người ta làm được thì mình làm được. Chúng ta chỉ cần có sự nổ lực cố gắng để thu thúc để kềm chế, lâu ngày chúng ta quen dần gọi là thường cận y duyên, chúng ta sẽ quen dần gìn giữ được tâm.
Một vị Tỳ kheo nọ, Tỳ kheo Anupubla xuất gia vào trong giáo pháp. Vì các vị Thầy của vị tân Tỳ kheo này  không hiểu được tâm trạng của vị ấy nên đã dạy theo cách riêng của mình, dạy những pháp môn mà mình đã thọ trì, mình đã thông  hiểu. Dạy nhiều quá như vậy vị đệ tử không thể tu tập được nhưng đến khi dẫn đến Đức Phật thì Ngài bết rõ vị Tỳ kheo này chỉ mong làm sao được tu tập một cách đơn giản thôi. Chính sự đơn giản đó Đức Phật Ngài dạy cho chỉ cách duy nhất là gìn giữ nội tâm. Nghe nói thì đơn giản, nhưng khi phòng hộ tâm này không đơn giản một chút nào, bởi vì tâm rất khó thấy và rất tế nhị luôn luôn hướng tìm ngoại cảnh từ chỗ này sang chỗ khác.
 Nếu chúng ta biết phòng hộ, gìn giữ nội tâm, đừng để cho nó xu hướng theo ác bất thiện pháp thì như vậy đã đủ rồi. Chúng ta để tâm xu hướng theo thiện pháp sẽ mang đến sự an lạc cho mình.

No comments:

Post a Comment