Tuesday, 18 March 2014

Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Á hình thành cơ cấu quốc tế bảo vệ Tự do ngôn luận và Tự do tín ngưỡng trên thế giới

 photo Toiaccongsan-danlambao.jpg

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 18.3.2014

Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Á hình thành cơ cấu quốc tế bảo vệ Tự do ngôn luận và Tự do tín ngưỡng trên thế giới

 PARIS, ngày 18.3.2014 (QUÊ MẸ) - Song song với cuộc họp Khoá 25 của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève từ ngày 3 đến 28.3.2014, toà Đại sứ Hoa Kỳ ở Genève, chính phủ Hoa Kỳ cùng với Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ đã họp hội nghị hôm thứ ba tuần trước (11.3.14) để thành lập Nhóm Hành động Thăng tiến Tự do ngôn luận và Tự do tư tưởng.
 
Cuộc họp đặt dưới quyền chủ toạ của ông Scott Busby, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, và bà Maria Leissner, Tổng thư ký Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, bà cũng là cựu Đại sứ Thuỵ Điển cho Dân chủ.
 
Tham dự hội nghị còn có Tiến sĩ Tomicah Tillerman, Cố vấn tối cao về xã hội dân sự và các quốc gia dân chủ đang lên của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, đại diện các chính phủ Canada, Thuỵ Điển, Nhật bản, Ý Đại Lợi, Ba Lan, Uruguay, Mongolia và Moldovia, cùng đại diện các Xã hội dân sự, như đại diện Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam đồng thời cũng là Uỷ viên Ban Thường vụ Quốc tế các tổ chức Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ.
 
Các đại diện Xã hội dân sự tham dự Hội nghị Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ họp tại Krakow, Ba Lan, năm 2010. Hàng đầu bên trái là ông Võ Văn Ái, bên phải là Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton
Các đại diện Xã hội dân sự tham dự Hội nghị Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ họp tại Krakow, Ba Lan, năm 2010. Hàng đầu bên trái là ông Võ Văn Ái, bên phải là Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton
(Hình Quê Mẹ)
 
Tại cuộc hội nghị quan trọng này, Nhóm Hành động Thăng tiến Tự do ngôn luận và Tự do tư tưởng chính thức ra đời. Đồng chủ tịch Nhóm Hành động là Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Uruguay. Các thành viên gồm có chính phủ các quốc gia Canada, Ý Đại Lợi, Moldova, Ba Lan, Thuỵ Điển, và một số đại diện các Xã hội dân sự.
 
“Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ” ra đời năm 2000 tại Warsaw, Ba Lan, do sáng kiến của hai vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ba Lan, bà Madeleine Albright và ông Bronislav Geremek, là con đẻ của Thế chiến thứ hai, với sự trải nghiệm cá nhân qua những đàn áp, độc tài toàn trị, và những ý thức hệ diệt chủng. Họ nhận thức rằng để ngăn ngừa cơn ác mộng khủng bố cho thế hệ tương lai, các nhà dân chủ cần phải cùng nhau cộng tác, tương trợ lẫn nhau và trao đổi ý kiến để tiếp tục cuộc đấu tranh. Đây là lý do “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ” (Community of Democracies) ra đời, giúp cho thiên kỷ mới học bài học quá khứ để soi sáng tương lai, đồng thời thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa toàn cầu mà cương lĩnh ghi rõ trong “Tuyên Ngôn Warsaw” năm 2000.
 
Năm năm sau, 2005, các quốc gia thành viên thuộc “Cộng đồng các quốc gia dân chủ” thành lập Cơ cấu Dân chủ LHQ (UN Democracy Caucus) để điều hợp quan điểm chung trên lĩnh vực dân chủ và nhân quyền tại LHQ, và cùng với Qũy Dân chủ LHQ (UN Democracy Fund) hậu thuẫn cho các dự án của các xã hội dân sự nhằm dân chủ hóa toàn cầu.
 
Cuộc họp của Ban Thường vụ Quốc tế Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ tại New York, Ông Võ Văn Ái đứng hàng đầu, thứ 3 từ phải sang (Hình Quê Mẹ)
Cuộc họp của Ban Thường vụ Quốc tế Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ tại New York, Ông Võ Văn Ái đứng hàng đầu, thứ 3 từ phải sang (Hình Quê Mẹ).

Hợp tác với các quốc gia dân chủ, còn có các Xã hội dân sự hay các tổ chức Phi Chính phủ, với một “Ban Thường vụ Quốc tế Phi Chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ” (The Nongovernmental International Steering Committee of the Community of Democracies). Là mạng lưới toàn cầu của các nhà lãnh đạo các Xã hội dân sự để thăng tiến dân chủ và nhân quyền. Đây chính là tiếng nói của Xã hội dân sự nằm trong khuôn khổ của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, cố vấn cho các chính phủ về những hành động cần thiết giúp các xã hội dân sự được hoạt động tự do để bảo vệ dân chủ, pháp quyền, và bảo vệ các quyền cơ bản theo Tuyên ngôn Warsaw.
 
Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ cho ra đời Ban Thường vụ nói trên tại Hội nghị lần thứ 3, năm 2005, tổ chức tại Nam Mỹ ở thủ đô Santiago nước Chí Lợi.
 
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam được bầu làm Ủy viên đại biểu cho Việt Nam trong Ban Thường vụ này.
 
Phóng viên Ỷ Lan của Đài Á châu Tự do đã có cuộc phỏng vấn ông Scott Bubsby, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động. Xin mời bạn dọc theo dõi để hiểu thêm cơ cấu quốc tế mới này, mà mục tiêu nhằm bảo vệ tự do ngôn luận và tín ngưỡng trên thế giới :
 

Phỏng vấn ông Scott Busby, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, về vấn đề Tự do ngôn luận trong thế giới

 
Ỷ Lan : Thưa ông Scott Busby, là Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông đến Genève tham dự Hội đồng Nhân quyền LHQ. Hôm thứ ba vừa qua ông lại chủ toạ Hội nghị với Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ để thành lập Nhóm Hành động Thăng tiến Tự do ngôn luận và Tự do tư tưởng. Xin ông cho biết rõ về sáng kiến này ?
 
Scott Busby : Vâng, hôm thứ ba, thông qua Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, chúng tôi thành lập Nhóm Hành động nhắm vào việc thăng tiến Tự do ngôn luận và Tự do tư tưởng. Đây là kết quả mà Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ lấy quyết định hồi tháng sáu năm ngoái, để thực hiện việc này một cách đồng bộ. Cuộc hội nghị tại Genève là cú “kích bật” cho việc thành lập Nhóm Hành động Thăng tiến Tự do ngôn luận và Tự do tư tưởng.
 
Ỷ Lan : Xin ông vui lòng giải thích ngắn gọn Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ là gì ? và Nhóm Hành động Thăng tiến Tự do ngôn luận và Tự do tư tưởng sẽ làm gì, thưa ông ?
 
Scott Busby : Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ là một nhóm quốc gia có trên 100 chính phủ họp nhau hơn một thập kỷ vừa qua để thăng tiến các giá trị dân chủ và nhân quyền trên toàn cầu. Trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ đã có một số Nhóm Hành động trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ, Nhóm Hành động thăng tiến Xã hội dân sự, một nhóm khác cho vấn đề quản lý tốt quốc gia, và nhiều nhóm cho những vấn đề khác. Nhưng cho đến nay, chưa có Nhóm Hành động cho Tự do ngôn luận và Tự do tư tưởng, nên chúng tôi đồng ý là phải cho ra đời nhóm mới quan trọng này.
 
Ỷ Lan : Vì sao Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ quan tâm tới vấn đề tự do ngôn luận và tư tưởng, thưa ông ?
 
Scott Busby : Tôi nghĩ rằng đã có một số chính phủ nhận ra rằng đang có sự đe doạ khủng khiếp đối với hoặc thông qua những điều luật hạn chế tự do ngôn luận, ví dụ như điều luật về báng bổ khiến cho việc thảo luận về tôn giáo trở thành bất hợp pháp, và các cuộc đàn áp chống đối khả năng phát biểu ý kiến của nhân dân trên trực tuyến hay ngoài luồng.
 
Ỷ Lan : Liệu Nhóm Hành động Thăng tiến Tự do ngôn luận và Tự do tư tưởng chỉ hoạt động trong các quốc gia dân chủ mà thôi, hay cũng quan tâm tới vấn nạn của những nước chưa có dân chủ ?
 
Scott Busby : Nhóm Hành động quan tâm tới mọi vấn nạn trong bất cứ quốc gia nào. Bất cứ ở đâu có sự đe doạ cho tự do ngôn luận, không chỉ riêng tại các quốc gia dân chủ, mà kể cả các quốc gia chưa có dân chủ. Bất cứ quốc gia nào áp dụng những bộ luật nhằm hạn chế tự do ngôn luận, hoặc tiếp diễn chính sách hạn chế tự do ngôn luận, hay quốc gia nào đang có số đông những vụ bắt bớ hay hành xử chống lại tự do ngôn luận. Mục đích của Nhóm Hành động là trực tiếp nói thẳng với chính phủ của các quốc gia nào đang có sự đe doạ cho tự do ngôn luận.
 
Ỷ Lan : Hoa Kỳ chủ trì Nhóm Hành động này phải không thưa ông ? Còn có quốc gia nào khác tham dự vào Nhóm Hành động hay không ?
 
Scott Busby : Chính phủ Hoa Kỳ là Đồng chủ tịch của Nhóm Hành động với chính phủ Uruguay, và như thế chúng tôi cộng tác chung để thực hiện sự uỷ thác của Nhóm Hành động. Hiện nay các quốc gia có chân trong Nhóm Hành động là Canada, Ý Đại Lợi, Moldova, Ba Lan, và Thuỵ Điển. Và chúng tôi cũng có sự góp mặt của một số đại diện của xã hội dân sự là những chuyên gia về vấn đề tự do ngôn luận và tư tưởng.
 
Ỷ Lan : Xin hỏi ông một câu hỏi chót. Cuộc phỏng vấn này sẽ phát về Việt Nam, là quốc gia mà ông đã có dịp đến thăm nhiều lần. Ông có quan tâm gì tới vấn đề tự do ngôn luận và tư tưởng tại Việt Nam không ?
 
Scott Busby : Đương nhiên, vấn đề tự do ngôn luận và tự do tư tưởng là mối quan tâm của chính phủ Hoa Kỳ. Chúng tôi đã ghi nhận với sự quan ngại những cuộc bắt bớ và đàn áp các bloggers và những nhà hoạt động khác khi họ phát biểu những lời phê phán chính quyền. Chúng tôi đã nói thẳng các mối quan ngại này với chính phủ Việt Nam. Chúng tôi cũng quan tâm tới các điều luật hay các quy định được sử dụng để hạn chế tự do ngôn luận. Như sự kiện chính quyền Việt Nam thông qua Nghị định 72 hạn chế thông tin trên Internet, là điều chúng tôi quan ngại, hay các điều luật xử phạt những ai bị xem “xâm phạm an ninh quốc gia”. Chúng tôi quan ngại cho những điều luật như thế được sử dụng rộng rãi, mà kết quả là sự hạn chế tự do ngôn luận tại Việt Nam.
 
Ỷ Lan : Như vậy thì ông nghĩ rằng Nhóm Hành động mới sẽ quan tâm tới những vấn nạn như thế trong nhiệm kỳ của mình ?
 
Scott Busby : Vâng. Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia mà Nhóm Hành động sẽ phải hoạt động.
 
Ỷ Lan : Xin cám ơn ông Scott Busby.
 
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại LHQ Genève
 
Logo VCHRỦy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR, Vietnam Committee on Human Rights) ra đời từ lúc nào, và đã làm gì ?
Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam, là tổ chức ra đời tại Paris cuối năm 1975 để tập hợp sự đấu tranh bảo vệ Văn hóa Việt Nam và Nhân quyền, Dân chủ, mà Tạp chí Quê Mẹ, phát hành tại Paris tháng 2 năm 1976, là ngọn cờ đầu cho cuộc vận động quốc tế và liên kết năm châu của Người Việt hải ngoại. Hai tổ chức thuộc cơ sở Quê Mẹ là Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam,Ủy ban Cứu Sống Người Vượt Biển. Ủy ban Cứu Sống Người Vượt Biển xướng xuất chiến dịch “Một Chiếc Tàu cho Việt Nam” tại Paris vào tháng 11 năm 1978, mà Tàu Đảo Ánh Sáng đã ra Biển Đông vớt người và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào tị nạn trên Đảo Poulo Bidong, dẫn đầu cho một loạt những con tàu khác ở Đức, Ý Đại Lợi, Na Uy… đi vớt Người Vượt Biển. Đồng thời, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR, Vietnam Committee on Human Rights) cũng mở cuộc họp báo quốc tế đầu tiên tại Paris ngày 29 tháng 5 năm 1978 tố cáo chế độ Trại Tập trung Cải tạo và đàn áp nhân quyền, tôn giáo tại Việt Nam. Ủy ban đưa chế độ Cộng sản Hà Nội ra khiếu kiện trước LHQ ở New York ngày 30.4.1985 với một hồ sơ 500 trang tập họp lần đầu những chứng liệu đàn áp nhân quyền hung bạo của cộng sản trên các lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, và tôn giáo, gây chấn động thế giới ; hoạt động phá án tử hình cho nhiều nhà hoạt động tôn giáo, nhân quyền, và việc trả tự do đông đảo tù nhân Trại cải tạo ; bênh vực cho giới lao động tại các nước Đông Âu và Liên xô cũ ; cũng như có mặt thường niên tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để cập nhật hồ sơ nhân quyền Việt Nam ; tham dự nhiều cuộc Điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ, Quốc hội Âu chấu ; cũng như tham gia đa số các Hội nghị Nhân quyền, Dân chủ trên khắp năm châu.

No comments:

Post a Comment