Thursday 6 March 2014

Thượng Tọa Thích Giác Đẳng – Phật Pháp soi sáng cho chúng ta những gì và cái gì chúng ta có thể làm được khi chúng ta đến tuổi về già?”.

 photo Untitled_zps531f6dfb.jpg

Hỏi: Đối diện với sự già nua, khi tóc trên đầu đã điểm sương, chúng ta là những người không thể nào tránh khỏi sự cằn cổi của cuộc sống và trong giai đoạn cuối đời của mình, Phật Pháp soi sáng cho chúng ta những gì và cái gì chúng ta có thể làm được khi chúng ta đến tuổi về già?”.
(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Tuổi già là một hiện tượng suy thoái và hiện tượng suy thoái này là cơn ám ảnh cho tất cả mọi người. Ở những quốc gia kỹ nghệ người ta nói nhiều đến quỹ hưu vọng, quỹ an sinh xã hội cho tuổi già. Ngày hôm nay, dân chúng trên địa cầu tại các quốc gia kỹ nghệ lớn như Đức quốc, Nhật Bản đã bắt đầu lên tiếng báo động dân chúng càng lúc càng già nua. Ngày xưa, có thể năm bảy người trẻ tuổi đi làm để đóng thuế để chu cấp cho một người lớn tuổi, bây giờ chỉ còn một người rưỡi, và trong tương lai một người trẻ đi làm có thể phải chu cấp cho ngân quỹ an sinh của hai hoặc ba người già. Tại Đức quốc kể cả Nhật Bản ngày hôm nay đã có tình trạng báo động người phụ nữ không còn muốn sanh con nữa và số người đang sống 50, 60 tuổi thì nhờ vào kỹ thuật y khoa càng lúc càng tiến bộ, người ta càng sống lâu hơn. Vì vậy thành phần chiếm đại đa số trong xã hội là những người lớn tuổi.
Cho dù thích hay không thích đôi lúc mình nghe người khác nói rằng “ bạn đã già đi rồi”, chúng ta nghe không vui, không hài lòng, nhưng rồi, dù có thích hay không thích chúng ta cũng phải đối diện với tuổi già. Chúng tôi nhớ có một bài viết của Dorothy Curtis, bà có đề nghị rằng chúng ta hãy  trưởng thành chứ đừng già nua. Trưởng thành ở đây có nghĩa là thể xác thì già dặn nhưng tâm hồn đừng già nua. Đây là một điều tuy là dễ nói, rất là hay nhưng không phải dễ dàng thực hiện trong đời sống này. Đối với đạo Phật bất cứ vấn đề gì của kiếp nhân sinh cho dù chuyện đó chúng ta có hài lòng hay không hài lòng, hoan hỷ hay không hoan hỷ chúng ta cũng phải đối diện với những thứ này. Trong nền văn hoá cổ truyền Đông phương của chúng ta, tuổi già cũng giống như ở bất cứ nơi nào khác, con người đến thời kỳ suy thoái của thể xác, lưng cong má hóp, răng long tóc bạc lại có thêm một thứ mà ngày hôm nay ở tại các nước phương Tây lại không có được: đó là tuổi già được kính trọng. Niên trưởng của một người cuối cuộc đời thường được kính trọng ít nhất là trong gia đình, và những người ở chung quanh. Đặc biệt trong đạo Phật điều này cũng được nhắc đến.
Tuy nhiên. Tuổi già được nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Có lúc tuổi già được nhìn thấy như là một hiện tượng thiên nhiên, hiện tượng đó có mãnh lực tuyệt đối, mãnh lực đó đưa tất cả chúng sanh đến chỗ tử vong. Một chỗ khác Đức Phật Ngài nhìn tuổi già, như một người lớn tuổi lớn xác mà không lớn trí tuệ, giống như một con trâu già. Một chỗ khác chúng ta nghe Đức Phật dùng tuổi già để làm một điểm tựa nhắc nhở rằng thời còn trẻ còn khoẻ phải làm những gì nên làm cần làm đừng chờ đến tuổi già. Khi tuổi già đến, sức khoẻ đã cùn kiệt, tay chân không còn làm theo ý của mình nữa, lúc bấy giờ chúng ta mới thấy rằng tuổi trẻ đã bị phung phí quá nhiều, không làm những việc thật sự cần thiết.
Nếu chúng ta hiểu Phật Pháp, đọc với tinh thần của một người Phật tử hiểu đạo chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng, có một sự việc không phải là điều vui trong cuộc sống, có một sự việc con người vốn tránh né nói tới thì đạo Phật lại nói tới một cách thật sảng khoái, hết sức rõ nét. Không phải nói đến như vậy để chúng ta bi quan, buồn bã mà nói đến để đánh động tỉnh thức trong người của chúng ta.
Quả thật đề tài tuổi già là đề tài lớn, lớn trong Tứ đế, trong giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên. Trong nhiều bài kinh khác nhau, ví dụ kinh Thiên Sứ, tuổi già cũng được xem là một vị Thiên Sứ mang thông điệp đến cho trần gian này.
Nói chung chúng ta có thể đọc được nhiều giai thoại rất thú vị trong kinh Phật kể cả một giai thoại “Năm đó Đức Thế Tôn đang ở một thị trấn nhỏ tại nước Kosala, vua Ba-Tư-Nặc lúc bấy giờ tự nhiên khao khát mong muốn được gặp Đức Phật. Vua Ba-Tư-nặc đến gặp Đức Thế Tôn, để xe ngựa tận ngoài cửa và đi vào với đôi chân không của mình. Gặp Đức Phật vua quỳ xuống đãnh lễ, lấy trán của mình đụng vào bàn chân của Đức Phật. Đức Phật hỏi vua Ba-Tư-Nặc một câu nghe rất thấm thía, “ Này Đại vương tại sao Đại vương lại đem thân của một vì Quốc vương quỳ trước thân thể già nua này?” Vua Ba-Tư-Nặc đã nói lên những cảm khái của mình, tại thương và quý Đức Phật, trong đó có một câu rất thú vị, nhà vua nói rằng, “ Bạch Đức Thế Tôn, Ngài cũng 80 tuổi và con cũng 80 tuổi”. Ở một tuổi nào đó người ta tìm những người tri kỷ,  người đồng điệu. Nhà vua ở ngôi vị Tôn chủ của thế gian, Đức Phật ở ngôi vị Tôn chủ của Chánh Pháp, một vị Pháp vương. Có lẽ nhà vua nghĩ rằng ngoài lòng cung kính còn một thứ giao tình, còn có một cái gì rất gần nhà vua tìm thấy nơi Đức Phật. Dĩ nhiên đây là sự cảm nhận rất phàm phu của một vị vua nhưng cũng là một giai thoại thú vị  về tuổi già.

No comments:

Post a Comment