Sunday 26 March 2017

(Huệ Lộc) Tứ Vô Lượng Tâm trong Phật Giáo


 Trong đạo Phật có một pháp tu tích trữ đại công đức đồng thời thăng tiến lên cõi Sắc Giới Tứ Thiền nơi đây gồm những trời Đại Phạm. Pháp tu nầy gọi là pháp tu Tứ Vô Lượng Tâm.  
            Tứ Vô Lượng Tâm là Từ, Bi, Hỷ, Xả.  Từ là ái niệm chúng sanh có nghĩa là luôn nghĩ nhớ về chúng sanh; thường tìm việc vui thích an ổn làm lợi ích cho chúng sanh.  Bi là mẫn niệm chúng sanh tức là lòng luôn muốn gần gũi thông cảm chúng sanh phải chịu mọi thân khổ tâm khổ trong năm đường luân hồi sanh tử như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A Tu La (ác thần, ác vương), và nhân loại. Hỷ là tâm vui mừng khi chúng sanh được vui, như bậc mẹ cha nhìn con được vui mà lòng tự an vui theo, không hề có tâm tật đố hay sân hận với con mình.  Xả là tâm xả bỏ ba thứ tâm trên nghĩa là xả bỏ tâm Từ, xả bỏ tâm Bi, xả bỏ tâm Hỷ.   Tu xả tâm là để trừ sự yêu ghét đối với chúng sanh. Tại sao người tu tâm Xả phải bỏ đi ba tâm trên?  Bởi vì những ai muốn tu pháp Tứ Vô Lượng tâm nầy thì phải cần thông đạt lý Vô Ngã.  Nơi lý Vô Ngã, không có mình và của mình (ngã và ngã sở) mọi sắc và không chỉ là sự duyên hợp.  Trong Vô Ngã không có tác giả làm và không có pháp để đắc, tuy vậy Tâm Đại Từ Bi hay còn gọi là Bồ Đề tâm luôn luôn thường trụ nơi hành giả.  Vì thế tuy có xả bỏ mọi pháp mà lòng Đại từ không hề mất mát hay hao hụt.  Bấy giờ hành giả chỉ nghĩ về chúng sanh một cách bình đẳng, không ghét không thương.   Như vậy tu Từ tâm chính là để tiêu trừ  giác tưởng sân hận đối với chúng sanh.  Tu Bi tâm để trừ giác tưởng não hại chúng sanh.  Tu Hỷ tâm để trừ sự không vui vẽ với chúng sanh.  Tu Xả tâm để trừ sự yêu ghét đối với chúng sanh.
            Tứ Vô Lượng Tâm trong Phật giáo không có giới hạn nên gọi là vô lượng.  Có nghĩa là vô tận, vô biên giới.  Người thực hành bốn tâm vô lượng nầy thì tâm họ lan từ gia đình, xã hội, chủng tộc, nhân loại ra đến toàn thể chúng sanh, đến mọi loài cây cỏ thảo mộc.   Bốn tâm vô lượng nầy bình đẳng đi khắp nơi khắp cõi,  chúng không có thân sơ, bạn thù, xa gần, mạnh yếu; chúng lan tràn như nước chảy, chổ nào thấp thì chảy tới trước, chổ nào cao thì chảy tới sau.  Kẻ nào đau khổ nhiều thì được cứu nhiều, kẻ nào đau khổ ít thì được cứu ít, nhưng mục đích bao giờ cũng làm cho mọi người mọi vật thoát khổ và yên vui bằng nhau.

            Trong Phật pháp, lòng Từ Bi Hỷ Xả không những bao la mà lại còn sáng suốt vô cùng.  Tình yêu thương thế gian có nhiều khi rất mù quáng, như khi thương thì chuyện gì cũng bao che dấu lấp; còn khi ghét thì chuyện gì cũng moi móc trách cứ.  Thương thì xấu hoá thành tốt; còn ghét thì tốt cũng thành xấu.  Tình yêu thương sở dĩ mù quáng như thế là vì nó dựa lên ngũ dục.  Ngũ dục là sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, và xúc dục nghĩa là 5 loại cám dỗ của sắc đẹp, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm.  Chúng có khả năng che lấp tánh sáng suốt của chúng sanh. Vì vậy  Bốn Vô Lượng Tâm tự chứa trí tuệ sáng suốt vô ngại. Trí tuệ của Phật đã phá tan cái ngã, do đó đạo Từ Bi của Phật Giáo không dựa trên cái ngã hẹp hòi như nhiều người đã lầm tưởng.  Vì vậy mà Tâm Đại Bi rất ư sáng suốt thể hiện tánh Không một cách viên mãn.  Ứng dụng Tâm Đại Bi nầy vào Lục Độ Ba La Mật thì soi chiếu được tam luân vô tướng nghĩa là khi ứng dụng vào Bố Thí Ba La Mật thì thấy không có tướng người cho, không thấy tướng người nhận, không thấy vật cho.  Tương tự khi áp dụng Tâm Đại Bi nầy vào Nhẫn Nhục Ba La Mật, Trì Giới Ba La Mật, Tinh Tấn Ba La Mật, Thiền Ba La Mật, và Trí Ba La mật thì không thấy có tướng tam luân như trên.
            Kinh nói: Suối Từ hay nói Từ Bi là nguồn gốc của muôn hạnh lành.  Những kết quả tốt đẹp cho cuộc sống nhân loại ngày nay đều do tâm Từ Bi mà ra.  Cũng như nói vì từ bi mà ta bố thí, do bố thí mà dứt lần lòng tham lam, bỏn xẻn mà thân tâm trở nên ngay thẳng, trí tuệ trong sáng.  Vì Từ Bi mà ta trì giới, nhờ trì giới mà không sát sanh hại mạng cướp của giết người do đó mà thọ mạng lâu dài, giảm bớt oán thù, nạn tai, và phiền não.   Vì Từ Bi mà ta nhẫn nhục, nhờ nhẫn nhục mà tâm ta dập tắt được sự nóng giận, thù hằn, nên trí huệ phát sanh nhanh chóng.  Vì Từ Bi mà ta tinh tấn tu mọi tập hạnh lành, do tích trữ nhiều hạnh lành mà ta không chây lười, có nhiều phương tiện giáo hoá chúng sanh nên mau chóng phát sanh thần thông và trí  huệ.  Vì Từ Bi nên tâm nhu thuận trong sạch định tĩnh như dòng nước đứng. Do tâm định nên trí huệ hiện tiền sáng tỏ.  Vì Từ Bi mà ta khoan dung sáng suốt  và mau giác ngộ, chính do mau giác ngộ mà si mê không che đặng.
            Vậy do Từ Bi mà lòng sát hại biến ra sự giúp đỡ, sự đau đớn của muôn vật thế gian vì đó mà trở nên yên vui, nhân loại bớt đi chiến tranh, và loài người bớt đi thù oán. 
Những chứng minh về diệu lực của Tâm Từ:
            1. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phẩm Phạm Hạnh, đức Phật có kể lại với ngài Ca Diếp Bồ Tát về một lần Ngài đã dùng Tâm Từ để hàng phục đàn voi say rượu như sau:
            Phật nói:
            - Nầy Thiện nam tử!  Như Đề Bà Đạt Đa xưa kia bảo vua A Xà Thế làm hại đức Như Lai.  Lúc đó ta cùng chúng Tăng vào thành Vương Xá thứ đệ khất thực.
            Vua A Xà Thế liền thả một đàn voi say để hại ta cùng chư Tăng.  Lúc đó đàn voi say đạp chết số ngàn chúng sanh.   Đàn voi ấy ngửi hơi máu, nên hung tợn càng thêm hung tợn nhắm ngay đoàn của ta mà chạy thẳng đến.  Các đệ tử chưa ly dục sợ hãi chạy tứ tán chỉ còn một mình A Nan ở lại.  Lúc đó nhơn dân trong thành Vương Xá đều lên tiếng kêu khóc rằng hôm nay đức Như Lai có thể bị hại, cớ sao đấng Chánh Giác lại vội diệt mất như thế.  Còn Đề Ba Đạt Đa thì trong lòng hớn hở nghĩ rằng Sa Môn Cù Đàm nầy bị hại chết hôm nay thì rất tốt, kế của ta rất hay, ta sắp toại nguyện lãnh đạo Giáo Hội rồi.
            Đức Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát:
            - Nầy thiện nam tử!  Lúc đó ta vì muốn hàng phục bầy voi say liền nhập Từ Tam Muội, xoè bàn tay chỉ đàn voi kia, đầu ngón tay ta hiện ra năm con sư tử vương to lớn.  Đàn voi say thấy năm sư tử vương, lòng chúng nó quá sợ hãi , phẩn tiểu vảy ra, gieo mình mọp xuống kính lễ dưới chân ta.
            Nầy Thiện nam tử!  Lúc đó năm đầu ngón tay của ta thiệt không có sư tử nào cả, đó là do sức thiện căn tu tâm từ làm cho đàn voi say được điều phục.
            2. Tâm từ hoá độ năm trăm lực sĩ cao mạn:
            Đức Phật tiếp tục nói với ngài Ca Diếp Bồ Tát:
            - Nầy Thiện nam tử!  Vừa rồi lúc ta muốn nhập Niết Bàn, mới khởi sự đi đến thành Câu Thi Na.  Giữa đường có năm trăm lực sĩ dọn sạch đường sá vì có một hòn đá to chắn bít một khúc đường, họ muốn khiêng bỏ nhưng sức bọn họ chẳng khiêng nổi.  Lúc đó ta xót thương liền khởi tâm Từ.  Bọn lực sĩ kia liền thấy ta lấy ngón chân cái hất hòn đá văng lên hư không, rồi lấy tay bắt hứng để hòn đá trên bàn tay mặt, thổi nát ra rồi ráp liền lại làm cho nhóm lực sĩ hết tâm cao mạn.  Ta liền vì họ nói pháp yếu, làm cho họ đồng phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.
            Nầy thiện nam tử! Lúc đó Như Lai thiệt chẳng dùng ngón chân hất văng hòn đá, cho đến chẳng thổi nát hòn đá và ráp lại.
            Nầy thiện nam tử!  Nên biết chính là sức thiện căn của tâm từ làm cho bọn lực sĩ thấy như vậy.
            3. Tâm từ làm cây cối sống lại.  Nước sông, giếng nhơ đục trở lại sạch sẽ:
            Đức Phật nói tiếp với Ca Diếp Bồ Tát:
            - Nầy Thiện nam tử!  Xứ Nam Thiên Trúc (Ấn Độ) nầy có một thành lớn tên là Thủ Ba La.  Trong thành đó có người trưởng giả (người nhà giàu) tên là Lưu Chí, được đại chúng kính trọng.  Ông nầy đã vun trồng cội lành công đức từ vô lượng đức Phật thuở quá khứ.  Nhơn dân trong thành đó tin theo tà giáo, phụng sự phái Ni Kiền Tử (Đạo Loả Thể  sau cộng thêm Bạch Y).  Ta muốn độ ông trưởng giả Lưu Chí, liền từ thành Vương Xá đi sang thành Thủ Ba La.  Phái Ni Kiền Tử nghe ta sắp đến thành liền bàn với nhau:  Sa Môn Cù Đàm nếu đến thành nầy, nhơn dân chắc sẽ bỏ chúng ta, chẳng còn cung cấp thì chúng ta lấy gì mà sanh sống.
            Bàn xong, chúng Ni Kiền Tử chia ra loan báo với người trong thành: Sa Môn Cù Đàm sắp đến thành nầy, nhưng Sa Môn đó lìa bỏ cha mẹ du phương các xứ, ông nầy đi đến đâu thời làm cho xứ đó mất mùa, đói khát, nhơn dân bị bịnh trời, bịnh dịch không thể cứu chữa.  Cù Đàm là hạng vô lại dắt theo toàn những quỉ La Sát hung ác, là kẻ cô cùng không cha không mẹ đi theo làm môn đệ.  Giáo thuyết của ông toàn là hư vọng.  Ông đến nơi nào thời xứ đó không an vui.
            Nhơn dân trong thành nghe những lời đó kinh sợ quá lạy mọp dưới chơn bọn Ni Kiền Tử thưa rằng:  Đại Sư!  Nay chúng tôi phải thiết kế gì?
            Bọn Ni Kiền Tử đáp: Tánh của Sa Môn Cù Đàm ưa lùm rừng, suối chảy nước trong.  Các ngươi nên ra ngoài thành, chỗ nào có rừng suối phải đốn hết cây cối, xong đem phân dơ rảy xuống giếng ao, khe hồ.  Rồi đóng chặt cửa thành, võ trang phòng vệ.  Ông ấy đến thời đừng cho vào.  Ông ấy không vào thành được thời các ngươi sẽ được an ổn.  Chúng ta cũng sẽ dùng pháp thuật làm cho ông Cù Đàm phải rút lui.
            Nhơn dân trong thành liền thật hành theo: Đốn hết cây cối, làm nhơ đục các dòng suối, võ trang phòng vệ.
            Nầy Thiện nam tử!  Lúc ta đến ngoài thành kia chẳng thấy rừng cây, chỉ thấy trên mặt thành võ trang gìn giữ chặt chẽ, ta liền thương xót khởi tâm từ.  Những cây cối mọc lên như cũ mà còn có phần tươi tốt hơn.  Nước trong sông, ao, giếng, suối đều trở nên sạch sẽ, đầy tràn trong như lưu ly, nhiều thứ hoa đẹp thơm tho mọc lan tràn trên mặt đất.  Vách thành biến thành lưu ly xanh.  Nhơn dân trong thành đều thấy đặng ta và đại chúng.  Cửa thành tự mở toan, không ai kềm ngăn được.  Võ khí của nhân dân biến thành cành hoa đẹp.  Lúc đó trưởng giả Lưu Chí dẫn nhân dân hiệp đoàn đến chổ ta và Đại chúng.  Ta liền vì họ nói các pháp yếu làm cho mọi người đều phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.
            Nầy Thiện nam tử!  Lúc đó ta thiệt chẳng hoá hiện ra những lùm cây, cũng chẳng làm cho nước trong ao giếng suối được trong sạch và tràn đầy, cũng chẳng biến thành quách trong thành ngọc lưu ly xanh để nhân dân kia thấy suốt ta và đại chúng, cũng chẳng mở cửa thành biến võ khí làm cành hoa.  Nên biết những việc ấy đều do sức căn lành của lòng từ làm cho nhơn dân trong thành Thủ Ba La thấy việc như thế.
            4. Tâm Từ chữa bịnh điên cho một người mẹ:
            Đức Phật nói tiếp với ngài Ca Diếp Bồ Tát:
            - Nầy Thiện nam tử!  Thành Xá Vệ có nàng Ba-Tư-Tra, giòng Bà La Môn (Hindulism), chỉ sanh một trai, nên nàng yêu quí lắm.  Một hôm đứa trẻ bị bịnh chết , nàng quá thương tiếc, buồn rầu đến mất trí, như điên như cuồng, xé nát áo quần, thân thể loã lồ, đi rong khắp nơi thành ấp tìm con, miệng luôn kêu khóc: Ôi! Con ơi! Con bỏ mẹ đi đâu?
            Nàng Ba-Tư-Tra nầy đời trước đã từng gieo trồng căn lành ở nơi chư Phật quá khứ.
            Nầy Thiện nam tử!  Ta nghe việc như vậy động lòng xót thương.  Ba-Tư-Tra khi thấy được ta, nàng ngỡ là con trai của nàng, chạy lại đến ôm như cách yêu con, tâm trí tỉnh lại.  Ta liền bảo A Nan mang y phục đến cho nàng mặc, rồi vì nàng mà giảng pháp yếu. Được nghe pháp, nàng Ba-Tư-Tra vui mừng hớn hở phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.
            Nầy Thiện nam tử!  Lúc đó thiệt ra ta không phải là con của nàng ấy, nàng ấy không phải là mẹ của ta, cũng không có việc ôm ẵm.  Nên biết đều do sức căn lành của tâm Từ làm cho nàng Ba-Tư-Tra thấy việc như vậy.
            5. Tâm Từ làm lành vết thương bị cắt, thịt lành như cũ:
             Đức Phật nói tiếp với ngài Ca Diếp Bồ Tát:
            - Nầy Thiện nam tử!  Có một Ưu Bà Di (tín nữ giữ năm giới) tên là Ma-Ha-Tư Na-Đạt-Đa ở tại thành Ba La Nại.  Cô nầy đã từng gieo trồng căn lành từ vô lượng đức Phật thuở quá khứ. 
            Một mùa hạ kia, cô nguyện dâng thuốc cho chư Tăng.  Trong chư Tăng, bỗng có một Tỳ Kheo mang bịnh nặng. Y sĩ điều trị bảo phải dùng thịt tươi làm thuốc.  Ngoài thịt tươi ra không gì trị được, và sẽ lâm nguy đến tánh mạng.  Nhằm ngày quốc pháp cấm giết thịt, nên không tìm đâu ra thịt tươi để mua, mặc dầu cô đã muốn đem vàng ròng trọng lượng bằng thịt để đổi. Cô Ưu bà di Ma Ha Tư Na Đạt Đa bèn tự cắt thịt bắp vế, chế nấu theo lời y sĩ, rồi đem dâng cho Tỳ Kheo bịnh dùng.  Nhờ đó Tỳ Kheo được lành mạnh.
            Vết thương nơi bắp vế hành quá đau nhức, cô rên rỉ niệm Phật:  Nam mô Phật! Nam mô Phật!
            Bấy giờ ta đang ở tại thành Xá Vệ, nghe tiếng niệm Phật của cô, động lòng đại Từ.  Liền đó, cô thấy ta đem thuốc đến đắp lên vết thương, hết đau nhức, thịt lành như cũ.  Rồi ta vì cô mà giảng giải pháp yếu.  Cô được nghe pháp vui mừng hớn hở phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.
            Nầy Thiện nam tử!  Lúc đó thiệt ra ta không đem thuốc đến thành Ba La Nại đắp cho cô Ma Ha Tư Na Đạt Đa, nên biết đó là do sức căn lành của lòng Từ khiến cô Ưu ba di ấy thấy những việc như vậy. 
            6. Tâm Từ trị bịnh cho Đề Bà Đạt Đa:
            Đức Phật nói tiếp với ngài Ca Diếp Bồ Tát:
            - Nầy Thiện nam tử!  Ông Đề Bà Đạt Đa tham ăn uống nhiều chất tô (bơ), nên nhức đầu và đau bụng. Quá khốn khổ chịu không nổi, ông ta liền niệm Phật:  Nam mô Phật! Nam mô Phật!
            Bấy giờ ta đang ở tại thành Ưu Thiền Ni, nghe tiếng niệm động lòng đại từ.
            Đề Bà Đạt Đa liền thấy ta đem thuốc đến cho uống, cũng dùng tay xoa đầu xoa bụng của ông, do đó ông được hết bịnh.
            Nầy Thiện nam tử!  Thiệt ra ta không có đến chỗ của Đề Bà Đạt Đa để xoa đầu xoa bụng và cho ông uống thuốc.  Đó là do sức căn lành của lòng Từ khiến ông Đề Bà Đạt Đa thấy việc như thế.
            7. Tâm Từ cứu lành năm trăm người bị khoét mắt
            Đức Phật nói tiếp với ngài Ca Diếp Bồ Tát:
            - Nầy Thiện nam tử!  Nước Kiều Tát La có đảng cướp năm trăm người, lộng hành làm hại dân chúng.  Vua Ba Tư Nặc sai binh vây đánh bắt sống được trọn đảng cướp.  Vua truyền khoét mắt cả năm trăm tên cướp, rồi thả vào rừng sâu. 
            Đảng cướp nầy đã từng gieo trồng căn lành nơi chư Phật thuở quá khứ, nên khi đau đớn khốn khổ quá liền đồng xướng rằng: "Nam mô Phật!  Nam mô Phật! Chúng con nay không người cứu hộ."  Cùng nhau khóc than thê thảm.
            Bấy giờ ta đang ở tại tịnh xá Kỳ Hoàn, nghe tiếng kêu cầu, động lòng đại Từ.  Lúc đó có gió mát thổi chất thuốc từ núi Hương Sơn đến tụ đầy lỗ mắt của năm trăm người, biến thành tròng mắt, bọn họ đều được thấy tỏ như xưa.  Mở mắt ra, bọn họ thấy đức Như Lai  đứng trước mặt họ giảng pháp yếu.  Sau khi nghe pháp, cả bọn đều phát tâm Vô Thượng Bồ Đề. 
            Nầy Thiện nam tử!  Lúc đó thiệt ra ta không làm gió thổi thuốc đến cứu mắt họ, cũng không có đến thuyết pháp cho họ.  Đó là do sức căn lành của lòng Từ, khiến họ thấy những việc như vậy.
            8. Tâm Từ trị lành hai ngàn người đã bị chặt đứt tay chân:
            Đức Phật nói tiếp với ngài Ca Diếp Bồ Tát:
            - Nầy Thiện nam tử!  Vì ngu si, Thái tử Lưu Ly phế phụ vương lập mình làm vua. Lại nhớ đến sự hiềm oán ngày trước, vua Lưu Ly bắt hai ngàn cung nữ họ Thích cắt tai thẻo mũi, chặt đứt tay chân, rồi bỏ xuống hầm.  Các cung nữ họ Thích quá đau khổ bèn niệm rằng: "Nam mô Phật! Nam mô Phật!  Chúng tôi ngày nay không ai cứu vớt." Rồi cùng nhau khóc thê thảm.
            Các phụ nữ nầy đã từng trồng căn lành nơi chư Phật thuở quá khứ.
            Lúc đó ta ở tại tịnh xá Trúc Lâm nghe tiếng than của họ liền sanh lòng từ.  Các phụ nữ khốn nạn kia bèn thấy ta đến thành Ca Tỳ La, lấy nước rửa vết thương cho họ, rồi dùng thuốc đắp lên vết thương.  Họ không còn đau nhức. Lỗ tai lỗ mũi và tay chân lành lại như cũ.  Ta liền vì họ giảng nói pháp yếu.  Vừa hết đau khổ lại được nghe pháp, các phụ nữ ấy đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.  Sau đó các phụ nữ ấy đến nơi bà Đại Ái Đạo Tỳ Kheo Ni xuất gia thọ cụ túc giới đến ngày nay như ngươi đã thấy.
            Nầy Thiện nam tử!  Thật ra lúc đó đức Phật không có đến thành Ca Tỳ La, cũng không có lấy nước và đắp thuốc nơi vết thương.  Phải biết đều là do sức căn lành của lòng từ làm cho các phụ nữ kia thấy những việc như vậy.
            Như căn lành của lòng từ, lòng bi, lòng hỷ cũng như vậy.
            Nầy Thiện nam tử!  Do nghĩa nầy nên đại Bồ Tát tu tập lòng từ là chân thật chẳng phải hư vọng.
            9. Nhập Từ Tam Muội, mũi tên bắn ra quay trở lại
            Trong Kinh Đại Bảo Tích, quyển sáu, Pháp Hội thứ hai mươi chín, Ưu -Đà-Diên Vương, trang 91. Ngài A nan có thuật lại một câu chuyện vua Ưu-Đà-Diên dùng cung bắn bà phu nhân Xá-Ma:
            "Như vầy tôi nghe một lúc nọ đức Phật ở nước Câu Viêm Di tại vườn Cù Sư La cùng đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi người câu hội.
            Bấy giờ đệ nhất phu nhân của vua Ưu Đà Diên tên là Xá Ma đối với đức Như Lai và hàng thánh chúng thân tín cung kính thân cận cúng dường, và thường ca ngợi công đức của Như Lai.
            Đệ nhị phu nhân tên là Đế Nữ có lòng ganh siễm đến vua nói dối là đức Như Lai và hàng đệ tử có chổ phi pháp (làm việc tà dâm) đối với đại phu nhân.
            Vua nghe xong giận lắm lấy cung tên nhắm bắn bà phu nhân Xá Ma khi bà ta từ tịnh xá trở về, dừng kiệu trước cổng thành, vừa bước ra khỏi kiệu.   Vì xót thương vua, phu nhân Xá Ma nhập từ tam muội, mũi tên bắn ra liền quay trở lại dừng tại trên không ngay đỉnh đầu vua, mũi tên ấy cháy đỏ như khối lửa rất đáng sợ.  Vua bắn ba phát tên cũng đều như vậy. 
            Vua Ưu Đà Diên thấy sự việc toàn thân lông tóc đều dựng lên, kinh sợ hối hận nói với phu nhân Xá Ma rằng: "Bà có phải là Thiên Nữ hay Long Nữ chăng?  Hay bà là Doạ Xoa nữ, Càn Thát Bà nữ, Tì Xá Giá nữ, La Sát nữ?"(những loại quỷ thần ở theo ven biển, thành quách xưa, loại quỷ thần  ở rừng sâu, hay loại quỷ thần ở cồn đảo)
            Phu nhân Xá Ma nói: " Tôi chẳng phải Thiên Nữ, cũng chẳng phải La Sát Nữ.  Đại Vương nên biết tôi đến nghe đức Phật thuyết pháp thọ trì ngũ giới làm Ưu bà di là đệ tử Phật.  Vì thương vua nên tôi nhập từ tam muội.  Dầu vua đối với tôi sanh lòng bất thiện, nhưng do sức nguyện tâm từ nên tôi không bị thương tổn.  Lành thay!  Đại Vương nên đối với đức Như Lai qui mạng đảnh lễ chắc chắn sẽ được an vui."
            Vua nghĩ rằng phu nhân nghe pháp, làm Ưu Bà Di còn có sức oai thần dường ấy huống là đức Như Lai Đẳng Chánh Giác.
            Vua Ưu Đà Diên liền đến chỗ Phật lễ ở nơi chân, xong nhiểu ba vòng, xong trình bày sự việc hiểu lầm Phật và bắn tên bà chánh hậu như trên rồi bạch rằng:
            - Ngưỡng mong Như Lai và hàng Thánh chúng hoan hỉ cho tôi sám hối khiến tội lỗi ấy sớm tiêu diệt.
            Đức Phật nói:
            - Đại Vương!  Như lời Đại Vương tự thuật vì lầm cho Như Lai và hàng Thánh chúng như phàm nhơn ngu si có lỗi nên vua sanh lòng giận oán.  Nay vua nếu có thể y Phật pháp luật tự ăn năn tội lỗi chẳng có lòng che dấu cùng tận đời vị lai chẳng tái phạm thì ta sẽ nhiếp thọ cho vua tăng trưởng thiện pháp.
            Vua bạch rằng:
            - Bạch đức Thế Tôn!  Vì tôi bị nữ nhân mê hoặc, cuồng loạn điên đảo, không hiểu biết nên phát sanh ra sự giận dữ, tội nghiệp nầy sẽ đoạ địa ngục.  Ngưỡng mong đức Như Lai vì an lạc chúng sanh mà xót thương khai thị lỗi hoạ siễm khúc hư dối của nữ nhơn, cho chúng tôi khi thân cận nữ nhơn hầu sẽ được mãi mãi thoát các sự khổ lụy.
            Đức Phật mới nói với vua Ưu Đà Diên:
            - Đại Vương!  Hãy để sự ấy lại, sao Đại Vương cần hỏi sự ấy mà chẳng hỏi sự khác? 
            Vua Ưu Đà Diên trả lời:
            - Bạch Thế Tôn!  Tôi không hỏi sự khác.  Vì nữ nhơn khiến tôi tạo tội địa ngục, nay tôi chỉ muốn biết lỗi hoạ nữ nhơn siễm khúc hư cuống tà mị.   Mong đức Thế Tôn khai thị cho.
            Vua Ưu Đà Diên ba lần thỉnh hỏi như vậy.
            Đức Phật nói:
            - Đại Vương!  Trước phải biết lỗi hoạ của trượng phu (người đàn ông) rồi sau mới quan sát lỗi hoạ của nữ nhân (người đàn bà).
            Vua bạch:
            - Bạch đức Thế Tôn!  Tôi xin thích muốn được nghe.
            Đức Phật nói:
            - Tất cả trượng phu đều do bốn thứ lỗi lầm bất thiện nên bị nữ nhân làm mê loạn.
            1. Một là ở nơi dục nhiễm, không chán ưa thích nữ nhân mà phóng dật, chẳng biết gần gũi Sa Môn đủ tịnh giới tu phước nghiệp.  Vì chẳng thân cận những bậc như vậy nên những tịnh tín, thi la (giới), đa văn (biện giải), bố thí, trí huệ đều thối thất.  Do vì không có tín, giới, văn, thí huệ nên người ấy chẳng phải thiện trượng phu, làm nghiệp đạo ác, không có trí huệ, say mê dục lạc, bị dục bắt, bị dục trói, lấy dục làm mạng sống, gần kẻ ngu xa người trí, làm bạn với kẻ ác tạo tội lỗi, tham ưa cảnh bất tịnh của nữ nhơn bèn bị nữ nhơn chế phục như tôi tớ, hệ thuộc sa ngã ở nữ nhơn, không biết hổ thẹn.  Đến nổi trái bỏ cha mẹ chẳng biết ơn dưỡng dục. Bỏ lìa Sa Môn, chẳng có lòng tôn trọng cung kính cúng dường.  Với Phật, Pháp, và Tăng chẳng kính tín sẽ mất hẳn Niết Bàn giới.  Hạng trượng phu nầy sẽ đoạ vào địa ngục Chúng Hiệp và địa ngục A Tì, cũng sẽ phải đoạ vào loài ngạ quỉ và súc sanh không ai cứu được. Dầu có nghe lời Phật dạy, nhưng vẫn mãi nhớ tưởng nữ nhơn ca vũ đùa cười chẳng biết chán lìa.  Người nầy quen thói ngu ác chẳng thích tu hành sự việc của thiện trượng phu.  Đại Vương nên biết lúc trượng phu thân cận nữ nhơn chính là lúc thân cận nghiệp ác đạo.  Đây là hoạ thứ nhất của trượng phu vậy.
            Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:
                        "Cảnh dục đều khổ,
                        Hạ liệt dơ xấu,
                        Máu mủ tanh hôi,
                        Rất đáng chán sợ
                        ...
                        Ác pháp chứa hợp,
                        Thiện hữu xa lìa,
                        Đều do gốc nơi,
                        Tham cầu người nữ,
                        Nếu người được nghe,
                        Lời Phật răn dạy,
                        Hay sanh chán lìa,
                        Thì là trang nghiêm,
                        Báo trời thanh tịnh,
                        Cũng sẽ mau chứng,
                        Vô Thượng Bồ Đề."
            2. Hai là, lại nữa Đại Vương! Luận về cha mẹ đều muốn cho con mình được lợi lạc nên hay làm việc khó khăn hay nhẫn sự khó nhẫn, dầu tất cả thứ bất tịnh dơ uế đều chịu được cả, lại muốn thân thể sắc lực của con mình mau tăng trưởng nên khiến nó thấy những sự thắng diệu trong cõi Diêm Phù Đề  bú móm nuôi nấng, không có lòng mỏi nhàm.  Lại vì muốn con mình được vui sướng, nên kinh doanh cầu tìm tài vật để cung cấp đầy đủ cho con và đến nhà người cầu hôn lấy vợ cho con.  Hôn nhân xong đứa con ái luyến vợ quên mất cha mẹ.  Hoặc nó thấy cha mẹ lần suy yếu già nên khinh khi trái nghịch lãng phí tài vật, hoặc dời cha mẹ sang đi chỗ khác.  Đây đều là do tham dục làm mê hoặc điên đảo, nên với cha mẹ thì vất bỏ, không kính thương nuôi dưỡng, với con gái nhà người thì trân trọng cung cấp không biết mỏi nhàm.  Đây là thành tựu gốc địa ngục, cũng là lỗi hoạ thứ hai của trượng phu vậy.
            Đức Phật liền nói kệ rằng:
                        "Các ông nên biết,
                        Đối với cha mẹ,
                        Tôn trọng cúng dường,
                        Người nầy thường được.
                        Thích Phạm Hộ Thế,
                        Hộ vệ phò trì,
                        Hay khiến ở nhà,
                        An ổn khoái lạc,
                        Hoặc nhơn buôn bán,
                        Đi biển phương xa,
                        Qua lại an ổn,
                        Được những tài lợi,
                        Chính đây gọi là,
                        Đại bửu vô giá,
                        Hay cho hiện quả,
                        Tên tối thượng điền,
                        Như vậy hiện đời,
                        Quả báo trân bửu,
                        Đều do cúng dường,
                        Cha mẹ mà được,
                        Còn ở đời sau,
                        Sẽ được xa rời,
                        Thân hình lừa, ngựa,
                        Mang nặng sai khiến,
                        Cũng chẳng sa đoạ,
                        Ngục phẩn, sông tro,
                        Núi dao mũi nhọn,
                        Đồng sôi, sắt đỏ
                        Lại ở đời kế
                        Sanh trong loài người,
                        Giàu có của báu,
                        Thóc lụa dư thừa,
                        Vợ con quyến thuộc,
                        Thảy đều hoà mục,
                        Hoặc đến tương lai,
                        Được sanh lên trời,
                        Cung điện vườn tược,
                        Âm nhạc tự nhiên,
                        Tha hồ vui chơi,
                        Hưởng thọ diệu lạc,
                        Đâu có người trí
                        Nghe pháp âm nầy,
                        Với ruộng cha mẹ
                        Chẳng siêng cúng dường.

            3. Thứ ba, lại nầy Đại Vương! Nếu là trượng phu do nơi tà kiến, chẳng biết tự thân mau diệt mau hoại, nên gây tạo nghiệp ác mà tự khi dối.  Người ngu si nầy luống bỏ qua thì giờ, như gỗ đá trạm chổ làm thành, dầu hình giống người mà không hiểu biết, quen làm tham dục, thế là thành tựu nghiệp nhơn ác đạo.  Đây là lỗi thứ ba của trượng phu ấy.
            Đức Thế Tôn liền nói rằng:
                        "Trượng phu vì dục,
                        Làm cho mê loạn,
                        Nên thường gây tạo,
                        Các thứ tội ác,
                        Điên đảo tối tăm,
                        Che chướng tâm họ,
                        Nhơn đó sẽ sanh,
                        Ngục tù ác đạo,
                        Những kẻ tà hạnh,
                        Sẽ còn xa lìa,
                        Tất cả thánh hiền,
                        Cũng chẳng cung kính,
                        Các hàng Sa Môn
                        Do điên đảo kiến,
                        Nhẫn đến qui mạng,
                        Núi sông tà mị,
                        Do vì tham dục,
                        Hoặc lại giết hại ,
                        Các loài cầm thú,
                        Thờ tế thần kỳ,
                        Nhơn vì đảo kiến
                        Phi pháp cầu phước.
                        Do đây lìa hẳn
                        Tất cả an lạc,
                        Nếu ở trong hàng ,
                        Người tạo ác nầy,
                        Chẳng biết tịnh tín,
                        Hung hiểm không thẹn
                        Những người như vậy,
                        Lìa hẳn Hiền Thánh,
                        Họ chắc sẽ đoạ,
                        Địa ngục Kêu La
                        Hoặc vì tham dục,
                        Bức khổ người khác,
                        Sẽ đoạ địa ngục
                        Đốt cháy tột đốt cháy,
                        Lại vì đảo kiến,
                        Với Phật, Pháp, Tăng
                        Chẳng thể thân cận,
                        Cung kính cúng dường
                        Pháp bửu chánh giáo
                        Mà chẳng lắng nghe
                        Xa lìa Hiền Thánh
                        Sa đoạ ác thú.
                        Đã được thân người,
                        Chớ nên lầm lẫn,
                        Điên đảo vọng kiến,
                        Nên tu bố thí
                        Và giữ tịnh giới (của người Phật tử)
                        Sẽ được sanh thiên,
                        Chứng đạo Bồ Đề.

            4. Thứ tư, lại nầy Đại Vương!  Hoặc có trượng phu vì thân mạng mình mà quá lao nhọc chứa họp tài vật, rồi bị nữ nhân ràng buộc phải cung phụng như tôi đòi nên lại càng tham cầu của báu, chẳng bố thí cho Sa Môn.  Họ cũng cam chịu luật vua trì phạt.  Thấy nữ nhơn buồn rầu, họ tự nghĩ nay tôi phải làm sao cho nàng vui vẻ?  Những trượng phu nầy là tôi tớ của tham dục ấy lại tưởng là tịnh mà sanh lòng ái nhiễm.  Lúc gần kề nữ nhơn như vậy chính là tạo nghiệp ác đạo.  Đây là lỗi thứ tư của trượng phu.
            Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:
                        "Người tham dục say mê,
                        Họ thiệt không an lạc,
                        Vì gần kề ác pháp,
                        Chẳng gọi thiện trượng phu,
                        Nếu người tự phóng dật (không kiềm chế thân khẩu ý)
                        Không biết gìn cấm giới
                        Hư mất những phước lợi
                        Người không trí huệ kia,
                        Hành các pháp súc sanh,
                        Chạy đuổi theo nữ sắc,
                        Như heo thích phẩn dơ,
                        Người ngu chẳng biết xem,
                        Lỗi hoạ của dục nhiễm,
                        Vọng tưởng là ân trọng,
                        Như người mù loà kia,
                        Bị sắc dục trói buộc,
                        Thêm lớn lòng ái dục,
                        Dường như loài dã can (giống chó rừng)
                        Chẳng rời cõi tha ma
                        Nơi thanh, hương, vị, xúc
                        Mà sanh lòng ái nhiễm,
                        Luân chuyển trong sanh tử
                        Như con khỉ bị cột,
                        Vì vô minh bao che,
                        Bị nữ nhơn mê hoặc,
                        Như kẻ chợ cầu lợi
                        Dối phỉnh đến thân nhân
                        Người ngu thân cận dục,
                        Là vào cảnh giới ma
                        Dường như quỉ Ế Đồ Ca
                        Thèm ưa mùi phẩn dơ
                        Cũng như trận mưa đá
                        Hay tổn hại lúa mạ
                        Thợ gốm thường gần lửa
                        Phần nhiều bị phỏng nóng
                        Những người chưa kiến Đế
                        Bị dục mất pháp lành
                        Như gió thổi cám nhuyễn
                        Nghĩa ấy cũng như vậy
                        Giả như thiện trượng phu
                        Kẻ bị sát nhơn bắt
                        Thà chịu khổ nạn nầy
                        Chẳng nên gần nữ sắc
                        ...............
                        Người say mê sắc dục
                        Bỏ lành mà làm quấy
                        Rời bỏ chỗ thanh lương
                        Đến hẳn cõi Diêm La
                        Nếu người có trí huệ
                        Nghe Phật nói pháp nầy
                        Phải bỏ tất cả dục
                        Mau cầu đạo xuất ly.
            Khi đức Thế Tôn nói bốn bài kệ rồi, vua Ưu Đà Diên chấp tay bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn!  Những lời nghe đây thật là hi hữu.  Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác khéo nói lỗi hoạ của sắc dục.  Nay tôi thành tâm xin quy y Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo.  Từ nay đến trọn đời tôi quy y Phật Pháp Tăng làm Ưu Bà Tắc, ngưỡng mong đức Thế Tôn nhiếp thọ tôi." Đức Phật nhận lời.
            Đức Thế Tôn nói kinh nầy rồi, vua Ưu Đà Diên và các đại chúng Trời, Người thế gian Thiên Long Bát Bộ nghe lời đức Phật dạy, tất cả đều hoan hỉ phụng hành.
                                                Kinh Đại Bửu Tích, Tập VI, Pháp Hội Ưu Đà Diên Vương.
                       
            Thưa các đọc giả, đây là những bằng chứng xác thực nói lên được rằng Đạo Phật thật sự có Tứ Vô Lượng Tâm và ích lợi của nó xuyên qua những ứng dụng trong đời sống đức Phật và các đệ tử của Ngài.    Chính vì lòng từ bi mà ngài đã bỏ hết tất cả   chức vị thái tử, từ bỏ hết cung vàng điện ngọc lầu son vợ đẹp để tu hành khổ hạnh, cuối cùng tìm ra chân lý thành Phật là bậc Đại Trí (Tứ Trí),Đại Lực (Thập Lực), Đại Từ Bi (Bồ Đề tâm),  và Tứ Vô Ngại...  Chính vì lòng từ bi mà 49 năm Ngài không ngớt thuyết pháp liên tục độ sanh.  Chính vì lòng từ bi mà Ngài đi khắp cõi Ấn Độ rộng lớn.  Chính vì lòng từ bi mà Ngài đã quên già yếu, hoá độ chúng sanh trong lục đạo đến giờ phút cuối cùng về cõi Niết Bàn vắng lặng.   Theo Kinh Lăng Già thì, tâm hạnh cứu độ rộng lớn vô biên của chư Phật ba đời đều như nhau được biểu thị bằng những tên khác nhau nhưng cùng là một nghĩa, đó là:  Phật, Tâm, Bồ Đề, Niết Bàn, Tánh Không, Phật Tánh, và Đại Bi đều cùng là một nghĩa.  Hiểu được ý nghĩa của Đại Bi tức là hiểu về Phật Tánh.
            Tánh từ bi đã có sẵn trong tâm mỗi chúng ta.  Chúng ta không cần phải tạo thêm hay tìm kiếm nơi đâu nữa, hay cầu khẩn xin nơi thần linh hoặc một đức Phật nào cả.  Hạt giống từ bi đã tạo nên thân xác và tâm hồn của chúng ta từ lúc bắt đầu vô thỉ vô chung. Nó đang bị phủ lấp dưới bao lớp thành kiến của sân hận, si mê, và tham ái nên không thể đâm chồi nẩy mầm thêm được nữa.  Vậy công việc đầu tiên của người tu học là phải phanh gỡ lần những lớp chướng ngại, để cho mầm từ bi nẩy lên.  Khi mầm từ bi nhô lên khỏi mặt đất tâm điền, thì chúng ta phải tìm mọi nhân duyên trưởng dưỡng nuôi nấng để nó chóng thành cội Bồ Đề vô tướng.  Đó chính là Phật Quả. Công việc như thế không phải trong năm ba ngày hay vài năm mà thành tựu được, mà đòi hỏi thời gian lâu dài tuỳ theo nhân duyên thuận nghịch của từng cá nhân.  Có người khế nhận được trong một câu nói; có người phải mất nhiều ngày tháng thiền định tư duy, cũng có người phải chờ đến hằng sa số kiếp mới viên thành. Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói, tu học Phật Pháp mà không phát Tâm Bồ Đề thì chính là gieo nghiệp của ma.  Tâm Bồ Đề ở đây chính là tâm Từ Vô Lượng hay còn gọi là Đại Từ Bi.  Chính từ tâm từ nầy mà tất cả mọi pháp tu đều được thành tựu, ngay cả pháp Vô Uý cũng từ tâm từ mà hiện ra như trong câu chuyện thứ chín như trên về bà hoàng hậu Xá Ma.  Vậy làm sao tu Tứ Vô Lượng Tâm hay nói một cách khác Bốn Tâm nầy làm sao thực hành?  Ở đây các đọc giả nên chú ý trong chín câu chuyện trên khi  nói đức Phật "sanh lòng từ".  Sanh Lòng Từ đây không có nghĩa là nghĩ đến là đủ, mà Sanh Lòng Từ chính là lúc tâm thức trong trạng thái thiền quán, ngôn từ nhà Phật gọi là Tam Muội.  Sanh Lòng Từ hay sanh Lòng Đại Từ tức là nhập Từ Tam Muội còn gọi là Từ Ba La Mật.  Lúc bấy giờ hiện tượng  chánh định, lúc nhất tâm nhất cảnh hoà điệu cùng từ bi là một, làm cho diệu lực của Tâm Từ phát huy vô ngại sanh ra những năng lực bất khả tư nghị như những trường hợp trên.   Cũng giống như sự tu tập pháp Bát Nhã trí huệ, muốn có được những phương tiện lực diệu dụng của Tứ Vô Lượng Tâm nầy, hành giả cần phải có thiện tri thức chỉ dạy, chớ ỷ tự riêng mình mà sau nầy rơi vào ma nghiệp.  Như trong Pháp Bảo Đàn Kinh, ngài Lục Tổ Huệ Năng có bảo:
            " Nầy chư Thiện Trí thức, cái trí Bồ Đề Bát Nhã, người thế gian vốn tự có, nhưng bởi tâm mê, nên chẳng tự ngộ được.  Phải cầu bậc đại Thiện Tri thức chỉ dẫn cho, mới thấy tánh.  Phải biết rằng dầu kẻ ngu hay người trí, cũng đồng có một tánh Phật giống nhau không khác.  Nhưng bởi tâm mê ngộ chẳng đồng, sở dĩ mới có kẻ ngu người trí.  Vì đó nên nay ta mới nói pháp Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, khiến cho các ngươi mỗi người đều đặng trí tuệ...."
            Về pháp tu Tứ Vô Lượng Tâm, vốn có nhiều tài liệu chỉ cách thực hành từ Tiểu Thừa  đến Đại Thừa, tuy nhiên ở đây mạt nhân xin đưa ra cách thực hành của ngài Long Thọ Bồ Tát, vốn là phương pháp nhanh chóng dẫn đến nhập quán ở bất cứ nơi đâu.  Còn phần chánh định có giữ được lâu bền hay không là tuỳ theo định lực của mỗi hành giả.
Phương Pháp Thực Hành Tứ Vô Lượng Tâm (Đại Trí Độ Luận, Tập I - Long Thọ Bồ Tát)
            Phương pháp thực hành Tứ Vô Lượng Tâm:
            Hành giả muốn tu Tứ Vô Lượng Tâm thì trước tu Tâm Từ, đầu tiên phát nguyện rằng:
            "Nguyện chúng sanh (nầy) được thọ các thứ vui".  Sau đó quán tướng người thọ vui, nhiếp tâm vào thiền tức không nghĩ chuyện khác, chỉ còn giữ tướng thọ vui, tướng ấy tăng dần dần rộng ra; tức thấy chúng sanh đều thọ vui, ví như cọ lửa, trước tiên lấy cỏ mịn, phân bò khô làm đồ mồi lửa, khi thế lửa càng lớn thì có thể đốt cây tươi lớn.  Từ Tam Muội cũng thế, khi mới sanh tâm nguyện từ thì chỉ đề cập đến người thân như cha, mẹ, anh, em, con, thầy dạy bảo... đến khi tâm từ càng rộng lớn thì kẻ oán người thân đồng đẳng, đều thấy họ được vui.  Ấy là thiền định về tâm Từ được tăng trưởng thành tựu vậy.  Tâm Bi, Tâm Hỷ, và Tâm Xả cũng làm đồng như vậy.
            Lại nữa cũng như Phật nói trong các kinh:  Vị Tỳ Kheo tập Tâm Từ tức tập các tâm tương ứng với tâm Từ.  Đó là các tâm không sân, không hận, không oán, không não, quảng đại vô lượng, khéo tu.            Tâm từ rải từ một người thân gần gũi ta đến khắp phương Đông tận hà sa thế giới, rồi tâm từ nầy lần lượt rải khắp chúng sanh phương Nam vô tận, đến phương tây vô tận, đến phương Bắc vô tận, bốn phương góc  vô tận, và đến hai phương trên, dưới vô tận.  Đó là do sức quán thuần thục của tâm mình.  Tâm tương ứng với Bi, Hỷ, và Xả cũng rải khắp mười phương chúng sanh như thế.
            Tại sao tu tâm từ phải tập các tâm tương ưng với Từ?  Vì tâm tương ưng với tâm Từ là tâm số pháp như tâm không sân hận, tâm không oán trách, tâm không nóng nảy... những tâm này có thể trừ được các kiết sử trong tâm như phiền não sân hận, xan tham... ví như viên ngọc tịnh thuỷ bỏ vào nước làm nước liền trong.
            Thế nào gọi là tâm không sân hận? 
            Trước nhât phải hiểu tâm sân. Tâm sân là đối chúng sanh hoặc có nhân duyên hoặc không có nhân duyên mà nổi sân giận, từ đó sanh ra muốn ác khẩu mắng, nhiếc, sát hại, cướp đoạt ... thì gọi là tâm sân.
            Thứ hai là hiểu tâm hận.  Tâm hận là tâm chờ thời, chờ nơi chốn , có thế lực thì sẽ làm hại, ấy gọi là tâm hận.
            Quán tâm không sân hận là lấy tâm từ trừ hết hai tâm sân và tâm hận, ấy gọi là tâm không sân không hận. Tâm nầy thuộc vào tâm số pháp của mổi người đều có.
            Thế nào là tâm không oán không não?
            Hận mà chưa bỏ để lâu thành oán. Hận tức là oán, khi mới hiềm khích thì gọi là hận, hận lâu thành oán.  Khởi thân ý nghiệp để làm hại thì gọi là não.  Lấy sức của tâm từ trừ bỏ, xa lìa ba việc ấy thì gọi là tâm không oán không não.  Tâm không oán không não thuộc vào tâm số pháp mà mọi người đều có. 
            Phật lấy sự không sân không hận, không oán không não mà tán thán tâm từ.  Mọi chúng sanh đều sợ khổ mà tham vui. Sân là nhân duyên của khổ, từ là nhân duyên của vui.  Chúng sanh nghe được Từ Tam Muội có công năng trừ khổ lại có công năng cho vui, nên nhất tâm siêng năng tinh tấn, thực hành Từ Tam Muội ấy thì lo gì không thành tựu được năng lực mầu nhiệm của nó.  Khi có năng lực Từ Tam Muội thì tự nhiên sẽ có mọi đức năng khác như đức năng chữa lành mọi bệnh tật, đức năng vô uý, đức năng cứu khổ và ban vui cho chúng sanh.  Đó không phải là một niềm vui vô tận trong kiếp làm người hay sao?  Ngoài ra trong Phật đạo còn biết bao pháp môn vi diệu mầu nhiệm như một kho tàng báu vật vô tận như trong Đại Trí Độ. Cần gì phải chạy theo lợi danh thế tục như chó chạy gậm xương khô, càng nhai càng chảy máu miệng mà rốt chẳng được gì.  Đến với Phật đạo cần phải có lòng tin thì mới được lợi ích.  Kinh nói: Tin như cánh tay. Cũng như người có cánh tay, đi vào trong núi chứa báu vật.  Nếu không có cánh tay, họ sẽ không lấy được gì.  Người có tin cũng như vậy, vào trong núi báu Phật pháp có đủ thứ báu vật như Tứ Vô Lượng tâm, Vô lậu căn, Vô lậu lực, Thất giác chi, Bát Chánh Đạo, Tứ thiền, Tứ Định, vô lượng Tam Muội từ các tiểu tam muội như thiền Tiểu Thừa cho đến vô lượng Đại Tam Muội như Đại Thừa Thiền, Bát Chu Tam Muội, Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, Pháp Hoa Tam Muội, Phổ Chu Tam Muội, Hải Ấn Tam Muội, Kim Cang Tam Muội... mặc sức mà lấy.  Phật pháp sâu xa, chỉ có Phật mới biết được.  Người có tin, tuy chưa làm Phật mà do tín lực có thể vào được Phật pháp.

Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
03/26/2017

No comments:

Post a Comment