Saturday, 30 January 2016

THÔNG CÁO BÁO CHÍ (ngày 28.01.2016) Tâm Thư của Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ Viện Hoá Đạo gửi Đoàn CựuHuynh Trưởng và Đoàn sinh Niệm Phật Đường Huyền Quang — Câu Chuyện Cuối Tuần về Tam Pháp Ấn.


PARIS, ngày 28.1.2016 (PTTPGQT) – Viện Hoá Đạo vừa chuyển đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến bức Tâm Thư do Huynh trưởng Lê Công Cầu, Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ Viện Hoá Đạo, lên tiếng về âm mưu của ông Mai Xuân Châu (người đã bị khai trừ khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) đóng cửa hoặc bán Niệm Phật Đường Huyền Quang tại thủ phủ tiểu bang California, thành phố Sacrmento, Hoa Kỳ, mặc sự phản đối của các đoàn viên (xin xem Thông cáo báo chí phát hành ngày 20-1-2016). Đây là sự kiện thứ hai xẩy ra cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ, sau vụ Sư Giác Đẳng bán tài sản chung của Giáo hội, là Chùa Phật Quang, toạ lạc tại thành phố Hungtington Beach, California, ngày 16-9-2015.
 
Sau đây là toàn văn bức Tâm Thư :
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
TỔNG VỤ THANH NIÊN
logo
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM
BI TRÍ DŨNG
——————————————————————————————————
  PL. 2559                                                                              Số 03.16/BHD/TR.Ư
 

TÂM THƯ

KÍNH GỞI QUÍ ĐẠO HỮU, QUÝ ANH CHỊ EM
ĐOÀN CỰU HUYNH TRƯỞNG VÀ ĐOÀN SINH
NIỆM PHẬT ĐƯỜNG HUYỀN QUANG
VÀ ANH MAI XUÂN CHÂU
____________
 Kính thưa Quý Đạo Hữu và Quý Anh Chị Em
          Đông Ất Mùi đã tàn, Xuân Bính Thân lại đến.
          Mong ước một mùa Xuân thái hòa cho Dân Tộc và Đạo Pháp vẫn còn khắc
khoải bên lòng. Mùa Xuân mong ước ấy sao chưa đến với Phật tử chúng ta ?
         Tại Quốc nội, sau năm 1975, hầu hết chùa chiền, cơ sở của Giáo Hội Phật
Giáo Việt Nam Thống Nhất đều bị tước đoạt để giao cho một tổ chức thừa sai
mang danh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Những cơ sở còn sót lại do sự uy dũng
của Chư Tôn Đức một lòng gìn giữ mạng mạch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Thống Nhất chỉ còn lại trên đầu ngón tay.
        Nỗi đau xót ấy được bù đắp khi quê nhà nhận được tin Quí Đạo Hữu, Quí Anh
Chị đã cố gắng đóng góp tài lực để dần dần kiến tạo các cơ sở Giáo Hội Phật Giáo
Việt Nam Thống Nhất nơi đất khách quê người trong đó có Niệm Phật Đường
Huyền Quang.
Mái Chùa che chở hồn Dân Tộc
Nếp Sống muôn đời của Tổ Tông.
     
        Tại Quê Nhà, Hồn Dân Tộc đã bị thay bằng chủ thuyết Vô thần
        Nề Nếp Tổ Tông đã bị thay bằng chủ nghĩa giai cấp hận thù.
      Thì tại Hải Ngoại, Quí Đạo Hữu, Quí Anh Chị đã nhen nhúm lại Hồn thiêng
Sông núi, nhen nhúm lại Tinh túy Phật Việt dưới mái chùa Huyền Quang cũng như
các chùa Từ Bi, Viên Thông, Phật Quang, v.v
      Đau đớn thay, vết thương lòng bán chùa Phật Quang, ngôi chùa Chung của Giáo Hội đang còn rướm máu do tham vọng của Sư Giác Đẳng và nhóm ly khai Giáo hội trong đó có Huynh Trưởng Mai Xuân Châu đang còn chờ sự xét xử của Luật pháp Hoa Kỳ, thì nay lại cũng Mai Xuân Châu đòi đóng cửa và bán Niệm Phật Đường Huyền Quang như có người ví von là “dịch bán chùa” của thầy trò Sư Giác Đẳng. 
       Có thể Anh Mai Xuân Châu cũng hiểu rằng, Ngôi Tam Bảo Huyền Quang ra đời bằng mồ hôi nước mắt của bao nhiêu Huynh trưởng tâm huyết hòa quyện với hào quang Đức Đệ Tứ Tăng Thống mà thành tựu, không phải của tư hữu Mai Xuân Châu. Đáng ra anh Mai Xuân Châu phải tự hào mình là người đã được Quý Đạo Hữu và Anh Chị Em tin tưởng giao cho trách nhiệm cao cả trước luật pháp về Ngôi Tam bảo Huyền Quang. 
       Với niềm tự hào ấy, anh phải sống đúng 5 Điều Luật của Gia Đình Phật Tử, nhất là Điều Thứ ba: Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm Thêm nữa Anh Châu phải hiểu rằng để có được cuộc đời Huynh Trưởng của mình hôm nayít nhất anh đã qua 7 lần Phát Nguyện trước Ngôi Tam Bảo: 
       1/. Phát nguyện Trại Lộc Uyển, 2/. Phát nguyện Trại A Dục, 3/. Phát nguyện Trại Huyền Trang, 4/. Phát nguyện Trại Vạn Hạnh, 5/. Phát nguyện Thọ Cấp Tập, 6/. Phát nguyện Thọ Cấp Tín, 7/. Phát nguyện Thọ Cấp Tấn. 
       7 lần Phát Nguyện, 7 lần Anh đã thề trước Tam Bảo:
                        Luôn giữ Giới Pháp đã lãnh thọ
                              Luôn trung thành với Tổ Chức Gia Đình Phật tử Việt Nam 
                              Luôn trung kiên với GHPGVNTN 
                              Luôn vì đàn em yêu mến. 
         Chúng tôi sửng sờ trước một con người có bề dày trong tổ chức như thế, đã tích lũy một đời công đức như thế, mà nay với sự lừa gạt của Sư Giác Đẳng, anh đã bán đứng Tổ Chức, bán đứng Giáo Hội, và bán luôn Ngôi Chùa Không Phải Của Mình để đàn em bơ vơ không có nơi tu học và sinh hoạt. 
         Hành động của anh Châu không chỉ là tiếp tay với các thế lực vô minh, mà chính Anh muốn phá nát cơ sở Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong mưu đồ triệt tiêu GHPGVNTN tại Hải Ngoại của Sư Giác Đẳng, như Cọng Sản đã cố tình triệt tiêu GHPGVNTN quê nhà suốt 40 năm qua không sai biệt. 
          Anh không hổ thẹn khi nhìn lại ngọn Vô Tận Đăng mà Anh đã 7 lần trân trọng trên tay, Quỳ Trước Ngôi Tam Bảo của 7 lần Phát Nguyện sao anh, mong sao ánh sáng Vô Tận Đăng ấy sẽ soi chiếu lại tâm hồn anh để Anh khỏi rơi vào ác đạo. 
Kính thưa Quý Đạo Hữu 
Kính thưa Quý Anh Chị Em Cựu Huynh Trưởng và Đoàn Sinh Huyền Quang !
          Việc Sư Giác Đẳng bán Chùa Phật Quang đã gây nên một làn sóng phẫn nộ từ Chư Tăng cho đến Phật Tử các giới trong và ngoài nước, một sự phản bội Đức Tăng Thống, Phản bội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, phản bội luôn cả mạng mạch Chánh Pháp. Giáo Hội rất đau buồn khi phải nhờ Pháp Luật can thiệp đến nay đang là một vết thương lòng đau đớn. 
          Niềm đau ấy chưa nguôi, thì tiếp diễn việc bán Niệm Phật Đường Huyền Quangcủa Anh Mai Xuân Châu như một vết cứa vào tâm khảm những người thương nước, thương nòi, thương đạo, thương dân. Một hành động bán đứng lương tâm mà đất không dung trời không tha theo luật nhân quả. 
          Thay mặt tất cả Huynh Trưởng và Đoàn sinh Quốc Nội, xin gởi lời cầu nguyện đến Ngôi Tam Bảo Huyền Quang, đến Quý Đạo Hữu, Quý Anh Chị Em Huynh Trưởng và Đoàn Sinh đang sống dưới hào quang Đức Đệ Tứ Tăng Thống. 
          Gia Đình Phật Tử Quốc nội, nguyện hậu thuẫn Thông Báo của Đoàn Cựu Huynh Trưởng Sacramento và Stockton do Huynh Trưởng Cao Kiến Cơ đại diện ký tên ngày 18 tháng 01 năm 2016. 
          Nguyện cầu một Mùa Xuân Di Lặc 
          Kính mong BỒ ĐỀ TÂM KIÊN CỐ
                                                                                          Phật Lịch 2559, Tu Viện Long Quang
                                                                                                ngày 22 tháng 01 năm 2016
                                                                                                             VỤ TRƯỞNG
                                                                                          Trưởng ban Hướng Dẫn Trung |Ương
                                                                                                  Gia Đình Phật Tử Việt Nam 
                                                                                                 Nguyên Chánh LÊ CÔNG CẦU
  • Bản Sao:
    – Kính thượng trình Đức Đệ Ngũ Tăng Thống kính thẩm tường
    – Hòa Thượng Viện Trưởng VHĐ
       kiêm TVT Tổng Vụ Thanh Niên
    -Hòa Thượng XLTV/VPII Viện Hóa Đạo
      kiêm TVT Tổng Vụ Thanh Niên 
    -GS Giám Đốc PTT Phật Giáo Quốc Tế
    -Lưu./.

     Câu Chuyện Cuối Tuần Về “Tam Pháp Ấn”

    “Câu Chuyện Cuối Tuần” là một đề mục của Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh về trong nước, trình bày vấn đề Phật Pháp & Thời luận phát thanh mỗi thứ sáu hàng tuần, do ký giả Triều Thanh phụ trách.
    Hôm nay xin mời bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn Cư sĩ Võ Văn Ái về “Tam Pháp Ấn” chép lại từ cuộc phỏng vấn trong chương trình Đài thứ sáu 22 tháng giêng dương lịch 2016 :
    Về Tam Pháp Ấn
    Triều Thanh : Thưa ông Võ Văn Ái, Xin ông cho biết Phật giáo là một triết học hay là một tôn giáo ?
    Võ Văn Ái : Phật giáo trước hết là một tri thức luận. Do sự phát triển tri thức luận này vào các quốc gia trong thế giới, hòa quyện với các tín ngưỡng địa phương, ngày nay Phật giáo cũng có phần sinh hoạt quần chúng như một tôn giáo. Tuy nhiên chữ tôn giáo không mang nghĩa Tây phương. Tức không phải sự quan hệ giữa con người với một thượng đế.
    Nói cho đúng hơn hết thì phải bảo rằng Phật giáo là những lời Phật dạy, và Phật tử là những người chấp nhận sống theo lời Phật dạy.
    Trong tiếng Phạn chữ budd có nghĩa là hiểu biết. Buddha là người giác ngộ, hiểu biết thực tại một cách toàn vẹn.
    Hiện nay cuộc sống của nhân loại, đặc biệt tại Việt Nam, đang bị khổ ách, chia xé, hận thù trong cuộc khủng hoảng nhân sinh chưa từng có. Tất cả có thể nói do thành kiến mà ra. Đây là khái niệm dṛsti hay kiến. Thuật ngữ Phật giáo dịch là tà kiến. Đức Phật Thích Ca từng dạy, muốn hiểu biết chính xác thì phải tiêu trừ thành kiến, tà kiến, gốc của mọi tranh chấp, khổ đau. Khi quan sát thực tại, ta không nên tuyệt đối tin vào một cái gì. Vì tin như thế thì khó tiến thêm bước nào khác để nắm bắt thực tại chân thực hay tối hậu.
    Triều Thanh : Ông có thể giải thích rõ hơn chữ thành kiến. Chữ này chúng ta thường nghe và thừa biết nó gây ra bao nhiêu ngộ nhận, tranh chấp trong đời khiến đang là bạn bỗng trở thành kẻ thù ?
    Võ Văn Ái : Tôi xin kể Triều Thanh nghe một chuyện trong kinh Bách Dụ về thành kiến hay tà kiến.
    Một nhà triệu phú có đứa con trai mà ông cưng quý, nương chiều hơn cả vàng ngọc. Một hôm ông đi xa, bọn cướp vào nhà vơ vét hết tiền của rồi đốt ngôi nhà trù phú của ông. Chúng bắt đứa bé kháu khỉnh đi theo. Ông triệu phú trở về thấy cảnh tượng hoang tàn, lòng đau như cắt. Nhưng đau đớn nhất cho ông, là đứa con yêu quý mất tích. Ông khóc lóc thảm thương. Bỗng thấy trong đám tro tàn một bộ xương cháy trụi. Ông tin rằng đây là xác con mình chứ còn ai vào đây ? Nên ông gom thu rồi đốt cháy thành tro bỏ vào túi gấm, đem theo bên mình như hình bóng con còn sót lại.
    Rồi một đêm, đứa con kia thoát khỏi tay bọn cướp trở về nhà. Thấy ngôi nhà mới nguy nga vừa dựng lại, đứa con gõ cửa gọi cha. Cha ơi, cha ơi… con về đây cha ! Người cha thức giấc, lôi túi gấm đựng tro của con mình, và tự nghĩ : “Con ta đã chết rồi mà, tro cốt nó còn đây, kẻ nào lại dám nhận là con ta ? Chắc là bọn cướp đến vơ vét nhà ta lần nữa ?”. Đứa con gọi mãi không được, tưởng cha mình không còn, nó buồn bã ra đi trong đêm tối. Người cha cũng vĩnh viễn mất con.
    Trong việc tìm đạo và chân lý cũng thế, nếu mang thành kiến chấp chặt một điều gì xem như chân lý. Tất có ngày chân lý thực sự đến gõ cửa, ta sẽ từ khước chân lý mà ta trông tìm, để ôm chặt lấy cái không phải chân lý do ảo giác tạo ra. Cho nên đức Phật dạy phải tiêu trừ thành kiến, tà kiến. Phải biết buông xả như người leo thang, phải biết bỏ nấc thang vừa bước để bước lên mỗi lúc một cao cho đến khi đạt tới chỗ tận cùng.
    Đó là khái niệm thứ nhất về tà kiến hay thành kiến phải xả bỏ trên đường tìm chân lý, sự thật.
    Triều Thanh : Như vậy đây là khái niệm duy nhất trên đường tìm chân lý, phải không thưa ông ?
    Võ Văn Ái : Không có một, mà có nhiều khái niệm giúp ta vén mở chân tâm, thoát ly mê mờ vọng chấp của vô minh. Như đã nói, đạo Phật là một tri thức luận, tức vấn đề nhận thức thực tại.
    Còn một khái niệm khác, gọi là giả lập, tiếng Phạn là prajñati. Giả lập là một phương tiện giúp ta đạt tới chân lý, như kinh điển là một giả lập. Tuy nhiên chấp chặt vào kinh điển cho đó là chân lý thì chẳng bao giờ thấy được chân lý. Vì vậy đức Phật bảo rằng : “Chân lý là mặt trăng, giáo lý của ta là ngón tay chỉ mặt trăng”.
    Phải nhìn mặt trăng chân lý, chứ không là chấp chặt ngón tay mà tưởng ngón tay là chân lý.
    Kết thúc các thời thuyết giảng, đức Phật luôn chấm dứt bằng câu : Ta nói như thế nhưng các ông không được hiểu như thế. Nếu ông hiểu như thế tất ông mất lời ta nói. Đức Phật cũng thường dạy : Y kinh để hiểu nghĩa thì làm cho ba đời chư Phật mắc oan. Nhưng lìa kinh một chữ tất thành tà thuyết của ma vương (Y kinh liễu nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết).
    Phải nương vào ảnh tượng để tìm bản chất, nhưng không được nắm lấy ảnh tượng mà cho rằng đó là bản chất. Đại sư Thái Hư gọi là giáo lý ảnh tượng và giáo lý bản chất.
    Triều Thanh : Còn khái niệm nào khác trong việc truy tìm chân lý nữa không, thưa ông ?
    Võ Văn Ái : Còn một khái niệm thứ ba gọi là Tam Pháp Ấn. Ấn là khuôn dấu, cái mốc giúp ta biết điều này điều nọ có phù hợp với lời Phật dạy hay không. Ba khuôn dấu hay ba yếu tố truy tìm chân lý này gọi là Vô thường, Vô Ngã, Niết bàn.
    Quan sát sự vật, vũ trụ, con người trên bình diện thời gian, ta thấy sự sự vật vật luôn đổi thay, biến chuyển, như thế gọi là Vô thường. Trên bình diện không gian cũng vậy, không có gì có thể độc lập đứng yên một mình mà tồn tại, trái lại phải tương sinh với những hợp tố khác để hợp thành sự tồn tại trong dòng biến chuyển, thì gọi là Vô ngã.
    Lấy ví dụ ông Nguyễn Văn X, ta cứ nghĩ có một ông Nguyễn Văn X tồn tại mãi mãi y nguyên từ trẻ tới già. Ta quên rằng ông Nguyễn Văn X thời thiếu nhi khác với ông X thời trung niên, khác với ông X thời lão niên. Chỉ nói trên mặt sinh học, thì đã có hàng triệu triệu tế bào chết đi để khai sinh hàng triệu tế bào mới trong thân xác ông Nguyễn Văn X làm cho sự sống tiếp diễn nhưng không ngừng đổi thay. Nói tóm, là không có một ông Nguyễn Văn X biệt lập và độc lập tồn tại từ trẻ tới già, mà có hàng nghìn ông Nguyễn Văn X biến dịch theo dòng thời gian trên phương diện thể xác, tâm lý, ảnh hưởng thời cuộc, và điều kiện nơi ông ta sống.
    Ảo tưởng làm cho ta thấy chỉ có một ông Nguyễn Văn X, không hề thay đổi, cái thấy không thật ấy gọi là Vọng tưởng phân biệt hay Biến kế sở chấp, tiếng Phạn là Vikalpa, cái làm méo mó sự thật. Nên phải diệt trừ ngay từ căn rễ mọi biến kế sở chấp. Diệt trừ biến kế sở chấp / vikalpa thì mới nhìn thấy được chân lý. Mọi hệ thống triết học đều do vọng tưởng phân biệt, đều là hý luận (Paprañca), là phân biệt danh ngôn, là cấu trúc của tư tưởng. Vọng tưởng là sự gán ghép những thuộc tính bất thực hữu cho một thực thể. Bài nói chuyện kỳ trước ta đề cập tới Trung quán tông. Và biết rằng biện chứng pháp của Trung quán mang tính chất phân tích thuần túy, phủ nhận toàn triệt mọi hoạt động của tư tưởng để phát lộ cái Thực Hữu.
    Khi ta nhìn thấy tự thân của sự sự vật vật trong Vô thường, Vô ngã, thì đó là Niết bàn. Niết bàn là bản thể chân thật của sự vật không bị vọng tưởng phân biệt hay biến kế sở chấp làm cho sai lạc, méo mó.
    Tam Pháp Ấn gốm có Vô thường, Vô ngã, Niết bàn, là một giả lập, một prajñati giúp ta nương theo trong cuộc truy lùng chân lý. Thấu triệt vô thường, vô ngã, niết bàn để diệt biến kế sở chấp / vikalpa về những tà kiến thường và ngã. Tức xem mọi sự thường còn, bất biến, không thay đổi, hay chấp ngã, là xem cái ta ngạo nghễ, muôn thu trường cửu, chứ không theo quy luật tương sinh, tương tác của lý Duyên khởi. Bởi vạn vật trong thế giới hiện tượng đều hỗ tương tồn tại.
    Sự vật không hiện hữu như vọng tưởng phân biệt hay biến kế sở chấp thấy, mà nương vào nhau, duyên với nhau để hợp thành gọi là Y tha khởi, tiếng Phạn là Paratantra, như hai đơn vị Hydro hợp với một đơn vị Oxy sinh ra nước.
    Nắm bắt được các lẽ trên, nghĩa là thấy sự vật hay con người do hỗ tương tồn tại mà thành, ta sẽ không còn chấp thường, tức cho rằng sự vật không biến chuyển, không còn chấp ngã, tức cho rằng sự vật đồng nhất, lúc đó ta mới nắm bắt được tự thân của sự vật, gọi là Viên thành thực,tiếng Phạn gọi là Pariniṣpana-svabhāva, tức đệ nhất nghĩa đế thể tính, là chân như mang đủ ba tính chất viên mãn, thành tựu, và chân thực.
    Triều Thanh : Các lời ông giải thích là những phương tiện, hay như ông nói những nấc thang đưa ta sát gần tự thân của sư vật, đưa tới chân lý. Vậy thì đức tin trong đạo Phật là gỉ ?
    Võ Văn Ái :  Đức tin trong đạo Phật là sự thao thức, dấn thân không ngừng trong việc chuyển mê thành ngộ. Không riêng việc giải thoát khỏi vô minh cho tự thân mà còn chăm lo cho người khác. Với tinh thần vô ngã, người Phật tử nhìn con người, xã hội, muôn loài trong cái toàn thể, trong sự tương sinh, tương tác, cho nên ta cũng là người, người cũng là ta. Tính chất dấn thân cứu độ muôn loài trong Đại thừa giáo Việt Nam làm nên tính đặc thù của Phật giáo Việt Nam suốt hơn hai nghìn năm qua.
    Đức tin ở đây không là sự trông chờ, mà là sự khai mở, vén màn vô minh. Điều này tạo ra thể người Phật tử khiêm cung, sẵn sàng đối thoại, học hỏi với bất cứ ai, không mê chấp mà buông xả, và diệt trừ tà kiến, thành kiến, định kiến đưa trí tuệ bát nhã trừ phá vô minh.
    Triều Thanh : Đối chọi lại với vô minh là gì ? Xin ông khai triển rõ hơn việc trừ phá vô minh ?
    Võ Văn Ái : Đây chính là điều khiến người Phật tử tự lực khai mở chân tâm, Phật tính, thay vì cầu lụy, xin xỏ ai khác. Phật tính có sẵn trong mọi người. Phật tính được hiển lộ thì vô minh biến mất. Vì Vô minh, tiếng Phạn là Avidyā, là không thể hội được chân như. Giải thích rõ trên lý thuyết cần nhiều thì giờ, tôi tạm lấy câu chuyện Hạt bảo châu trong áo rách trích từ kinh Pháp Hoa cho dễ hiểu.
    Đức Phật kể câu chuyện một phú gia có đứa con trai ham chơi, phung phí. Ông lo sau khi mình qua đời, đứa con sẽ nghèo đói do tiêu pha hết tài sản ông để lại. Ông lấy một hạt bảo châu trân quý may vào vạt áo và dặn con cất kỹ chiếc áo của cha làm kỷ niệm.
    Quả thật khi ông phú gia qua đời, đứa con hoang đàng phung phí, tiêu hết gia sản. Cuối cùng phải đi ăn xin mà sống. Một hôm nhớ cha, ôm chiếc áo vào lòng, bỗng anh khám phá ra hạt bảo châu cha để lại, nhờ đó anh trở nên giàu có.
    Chúng ta chẳng khác gì người con bất hạnh kia. Mang trong mình hạt bảo châu mà không biết. Hạt bảo châu chính là Phật tính, đưa ta từ con người thường tục, vô minh, trầm luân muôn kiếp, trở thành Người-Phật hiểu biết thực tại một cách toàn vẹn, hết mê mờ, chấp trước.
    Học Phật, dùng các phương thức gạt bỏ tà kiến, thành kiến, dùng giả lập Tam pháp ấn dẹp phá vọng tưởng phân biệt hay biến kế sở chấp để đạt tới viên thành thực, tức hiển lộ Phật tính. Chẳng khác chi ở nơi căn phòng tối om của vô minh ta chẳng thấy gì, cho đến khi tìm được nút bấm, điện sáng lên, tất thấy hết mọi sự như là mọi sự nơi căn phòng, chứ không chỉ là giả tưởng trong đầu tạo ra, vọng kiến ra mà tưởng như là sự thật của căn phòng. Đây chính là lúc Phật tính hiển hiện, vô minh hay bóng tối biến mất.
    Ngài Arya Deva tóm gọn điểm quan yếu trong việc tu tập giác ngộ rằng : “Đừng làm điều ác, xả ly vọng kiến về thực thể, và cuối cùng từ bỏ kiến giải, đó là những giai đoạn của tiến trình giải thoát giác ngộ”.
    Triều Thanh : Xin cám ơn Cư sĩ Võ Văn Ái và xin hẹn quý thính giả ở Câu Chuyện Cuối Tuần vào thứ Sáu tuần tới, cũng vào giờ phát thanh này .

No comments:

Post a Comment