Wednesday 28 May 2014

Huệ Lộc: Trả Lởi Câu Hỏi- Lộ Trình Bát Chánh ( Phần 3 của 3)

 photo 7fda355a-7a50-49c9-a303-110ad2b5ec7d_zpscbff3357.jpg
 
Huệ Lộc: Trả Lởi Câu Hỏi- Lộ Trình Bát Chánh ( Phần 3 của 3)
 
 photo thth_zps25b42cca.jpg

Chú thích 33: Pháp chỉ là danh tướng mà không có thật tánh. Pháp Bình Đẳng là pháp Không Tánh dựa trên sự chấp tánh mà giả hữu danh. Khi hành giả chứng đắc pháp tánh Vô Sanh thì chẳng cần niệm nhớ tánh Không Tánh của mọi pháp. 2.6 Nơi tất cả niệm, không có niệm, không có chẳng niệm. Chú thích 34: Niệm hay Không Niệm luôn hướng về... Tánh Không. Tu thiện pháp tức Niệm Tánh Không, tức cũng là vô niệm. Nên nói không có niệm, không có chẳng niệm. 2.7 Không còn tư lự đúng hay không đúng. Chú thích 35: Tư lự đúng hay không đúng là lo sợ rơi vào tà niệm hay phi pháp. Nay có được ý chỉ những điều trên thì Chánh niệm được thành lập cứng chắc không còn nghi ngờ. Bây giờ có Nhất niệm tức một lòng tin chắc thật và không buông bỏ.Có được tất cả những điều trên, gọi là Chánh Niệm." (hay Vô niệm) Người hay tu tập Chánh Niệm khi tu các pháp môn khác thì được mau viên thành. Như tu Tịnh Độ Tông thì chánh niệm làm mau thành tựu được lý Nhất Tâm Bất Loạn; về Thiền Tông thì Chánh niệm giúp mau thành tựu chánh định vì loại trừ tất cả những phi pháp vọng tưởng...
3. Chánh Ngữ: (Đại Bửu Tích, Luận Đại Trí Độ, Kinh Kim Cang Bát Nhã) "3.1 Bồ Tát lúc nói, chẳng tự thấy thân mình, chẳng thấy người khác, chẳng thấy kia đây, chẳng phạm (hại) thân mình cũng chẳng hại nơi người, đây là Chánh Ngữ. Chú thích 36: Theo như kinh Kim Cang: - Chẳng tự thấy thân mình: Lời nói không chấp tướng Ta (Ngã tướng)- Chẵng thấy người khác: Lời nói không chấp tướng Người (Nhân tướng)- Chẳng phạm (hại) thân mình: Lời nói chân chánh đúng chánh pháp- Chẳng hại nơi người: Lời nói có lợi đạo đức cho người Lúc nói, bình đẳng hiểu các pháp, biết tất cả pháp đến nơi diệt tận, biết tất cả pháp về nơi pháp hiền thánh và giải thoát, đây là Chánh ngữ."Chú thích 37: -Bình đẳng hiểu các pháp: Do Chánh niệm và Chánh kiến mà phát ra Chánh ngữ. Các pháp bình đẳng có ba nghĩa. Nghĩa thứ nhất là các pháp vốn bổn lai tịch tĩnh nên bình đẳng. Nghĩa thứ hai các pháp đều riêng sai khác, chẳng thân cận nhau, không pháp nào làm chủ pháp nào, không pháp nào hoà hợp pháp nào như Kinh Lăng Nghiêm hay Kinh Pháp Hoa có nói, nên bình đẳng. Nghĩa thứ ba các pháp vốn không tự tánh, nên gọi là Không Tánh, nên bình đẳng. Chú thích 38: Biết tất cả pháp đến nơi diệt tận: Chổ biên tế của các pháp chính là vắng lặng tịch tĩnh, nhưng không có nghĩa là mất hẳn, cũng như tiếng chuông sau khi vang lên rồi mất, âm thanh đi về đâu? Về thế giới tịch tĩnh (tâm). Khi muốn có tiếng chuông thì chỉ cần gõ vào thành chuông thì âm thanh lại phát ra. Do đó tịch diệt mà không mất.
Chú thích 39: Biết tất cả các pháp về nơi pháp hiền thánh và giải thoát: Các pháp gồm có hữu vi và vô vi. Pháp hiền thánh là pháp lậu tận giải thoát, vô sở chấp trong đó không có bốn tướng : Tướng Ta, tướng Người, tướng Chúng sanh, tướng Thọ giả gọi là Bát Nhã Ba La Mật vượt ngoài hữu vi và vô vi, tịch tĩnh vi diệu, tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên thể hiện Niết Bàn tịch tĩnh, thu nhiếp hết thảy mọi thiện pháp vô vi và hữu vi. Nên gọi là các pháp về nơi pháp hiền thánh và giải thoát. 3.2 Chánh ngữ là phụng hành từ tâm bi mẫn đối với tất cả thân và oán thù không khác nhau. Chú thích 40: Theo Luận Đại Trí Độ, tập V, thứ 75, phẩm Ba Học Thứ Lớp Học, oán thân bình đẳng vì Bồ Tát dùng tâm Rốt Ráo Không (một trong 18 pháp Không) làm cho phiền não yếu mòn, người oán kẻ thân đều được đối xử bình đẳng, vì nghĩ rằng: oán, thân không nhất định, vì nhân duyên nên thân thành oán hoặc oán thành thân. Do nhân duyên thực hành Nhẫn Ba la Mật nên được làm Phật. Do gì mà được? Do nhẫn nhịn oán ghét mà thành tựu Nhẫn Nhục Ba La mật, như người đi trên đường nguy hiểm, nên phải kính trọng người dẫn đường, lại như thầy thuốc hay tuy nghèo hèn mà vì quý hiếm nên trọng vọng. Như vậy, suy nghĩ, trù lượng người oán thù tuy đối với ta vô dụng, nhưng vì nhân duyên Phật đạo, nên liền phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác chính là lúc thấy kẻ oán người thân không khác nhau. 3.3 Chánh ngữ cũng là Không, Vô tướng, Vô tác, Vô đắc đều vô sanh, đó là Chánh ngữ. Chú thích 41: -Không- Các pháp không có tự tánh. Tự tánh các pháp là Không, là duyên hợp- Vô tướng: Các pháp không có thật tướng.- Vô Tác: Không có tác nhơn (người) làm vì ngũ uẩn vốn không có tác giả.- Vô đắc hay vô nguyện: là không có pháp để chứng đắc. Theo Luận Đại Trí Độ, tập V, thứ 76, phẩm Một Niệm Đủ Muôn Hạnh, theo ngài Long Thọ thì Không, Vô Tướng, Vô Tác là ba sở chứng tam muội của các bậc A La Hán, nhưng thật ra cũng là ba sở trường tam muội của các bậc Bồ Tát đang tu tập Lục Độ Vạn Hạnh tiến về quả Phật. Trước nhất luận về Vô sở hữu. Pháp tánh không thuộc vào ai cả, giống như tứ đại nầy không thuộc vào một chúng sanh nào, cho đến quả Phật cũng không thuộc vào ai. a. Vô sở hữu: Ông Tu Bồ Đề mới hỏi Phật: - Bạch đức Thế Tôn, nếu tánh của hết thảy pháp không có sở hữu, vậy Bồ Tát thấy lợi ích gì mà vì chúng sanh cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác? Phật bảo Tu Bồ Đề:- Vì hết thảy pháp tính không có sở hữu nên Bồ tát vì chúng sanh mà cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì sao? Vì nếu có thủ đắc chấp trước (ngã, ngã sở) thì không giải thoát. Những người thủ đắc tướng là không có đạo, không có quả, không có Vô thượng chánh đẳng chánh giác. b. Vô sở đắc: Ông Tu Bồ Đề lại hỏi Phật:- Bạch đức Thế Tôn, có người không có thủ đắc tướng có đạo, có quả, có được Vô thượng chánh đẳng chánh giác không? Phật bảo ông Tu Bồ Đề:- Không có sở đắc tức là đạo, tức là quả, tức là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì pháp tánh không hư hoại. Nếu pháp không có sở đắc mà muốn đắc đạo, muốn đắc quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác tức là phá hoại pháp tính. c. Không, Vô tướng, Vô tác: Ông Tu Bồ Đề hỏi Phật:- Bạch Thế Tôn, vì sao nhờ các pháp Không, Vô tướng, Vô tác mà Bồ tát thành tựu đầy đủ Nhẫn Ba La Mật? Phật bảo ông Tu Bồ Đề:- Nếu có chúng sanh đi đến dùng ngói, đá, dao, gậy gia hại Bồ Tát, khi ấy Bồ Tát không khởi tâm sân hận cho đến không sinh một niệm. Bấy giờ Bồ Tát tu hai thứ nhẫn: Một là nếu chúng sanh ác khẩu mắng nhiếc hay dùng dao gậy ngói đá gia hại, không khởi tâm sân hận; hai là hết thảy pháp không sinh. Bồ Tát nhẫn được hai pháp ấy. Đối với lời nói ác khẩu mắng nhiếc, hay dùng ngói đá dao gậy gia hại. Bồ tát suy nghĩ như vầy: Mắng ta là ai? Chê trách ta là ai? Đánh đập ta là ai? Ai là người chịu? Khi ấy Bồ Tát nên suy nghĩ thực tính của tất cả các pháp là rốt ráo không, không có pháp tướng, không có chúng sanh. Pháp còn không thể có được, huống chi là chúng sanh! Khi quán pháp tướng như vậy, không thấy người mắng, không thấy người cắt xẻ. Khi Bồ Tát quán pháp tướng như vậy liền được Vô Sinh Pháp Nhẫn. ( Đại Trí Độ V) Chú thích 42: Vô sinh pháp nhẫn hay Nhẫn Nhục Ba la mật không phải có pháp để được, nhưng vì do chánh quán tức chánh kiến và chánh niệm mà chứng biết các pháp không tự sanh hay do pháp khác sanh ra, và đồng thời nhẫn nhục hoà nhập vào pháp không sanh đó mà không khởi tâm sân hận hay hoan hỷ khi sống với nghịch cảnh hoặc thuận cảnh. 3.4 Bồ Tát bình đẳng diễn nói các pháp theo ý duyên khởi, như trồng giống nào thì được quả ấy, đó là Chánh ngữ.3.5 Bồ Tát bình đẳng chỉ dạy chúng sanh tuyên giảng kinh pháp khiến họ hành Phật đạo, đó là Chánh ngữ.3.6 Khi được Chánh ngữ thanh tịnh thì được tất cả chư Phật mười phương ủng hộ.
4. Chánh Nghiệp: (Đại Bửu Tích quyển VII, tập 47, phẩm Pháp Hội Bửu Kế Bồ Tát, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cang Bát Nhã) Thế nào là Chánh Nghiệp? 4.1 Mọi việc làm không gây tạo ác nghiệp, là Chánh nghiệp. Chú thích 43: Ác nghiệp là ngũ ác, thập ác cho đến vô lượng ác nghiệp. Trái lại không gây tạo ác nghiệp là giữ gìn ngũ giới, thập thiện cho đến lục độ vạn hạnh thiện nghiệp. Bồ Tát tu lục độ vạn hạnh trong đời sống độ nhân tiếp vật chính là Chánh nghiệp. 4.2. Diệt trừ khổ não Chú thích 44: Phiền não kiết sử làm nghiệp tác động chiêu cảm quả báo sinh tử luân hồi. Chấm dứt phiền não tức diệt trừ khổ não. 4.3. Việc làm hằng ngày đều thấy là hư giảChú thích 45: Hư giả là không bền chắc. Có, nhưng không thường tồn. Trong cái không thường tồn còn có cái chơn thường. Trong Kinh Lăng Nghiêm có kể lại lời giảng của Phật về cái chơn thường nơi thân chúng ta như sau: Vua Ba Tư Nặc bạch với Phật:- Bạch đức Thế Tôn ! Trước khi chưa được Phật khai thị, tôi có được nghe hai nhà sư ngoại đạo là Ca Chiên Diên và Tỳ La Đề nói thân của người sau khi chết rồi đoạn diệt, chớ không có hồn thức chi hết, vậy gọi là Niết Bàn. Nay tuy gặp Phật khai thị, nhưng lòng tôi còn hồ nghi chưa quyết chắc. Tôi muốn làm sao cho hiện tiền có được những chứng cớ thì tôi mới tin cái Tâm nầy chẳng sanh chẳng diệt. Vậy xin Phật phát huy chổ chứng cớ bất sanh bất diệt đó cho tôi và hàng hữu lậu trong hội nầy đều đặng rõ biết. Phật hỏi vua Ba Tư Nặc rằng:- Nay xác thân của Đại Vương hiện tại đó, bền chắc như kim cang còn hoài hay sẽ biến diệt? - Bạch Thế Tôn ! Xác thân của tôi chắc phải có ngày biến diệt. Phật hỏi:- Nay Đại vương chưa từng diệt mà sao đã biết nó diệt?- Bạch Thế Tôn! Cái thân vô thường biến hoại của tôi nay tuy chưa diệt nhưng tôi quan sát hiện tiền nó rất chóng đổi dời, như lửa thành tro, lần lần tiêu mất. Vậy nên tôi biết cái thân của tôi, cuối cùng rồi cũng bị tiêu diệt.- Đại vương nói vậy thì phải lắm. Đại vương nay đã lớn tuổi, vậy nay nhan sắc hiện tại có giống như lúc còn trẻ hay không? - Bạch Thế Tôn! Lúc tôi còn bé thì da thịt non nớt tươi nhuận, đến khi trưởng thành thì khí huyết sung mãn, còn đến ngày nay thì tuổi cao tác lớn, hình sắc khô khan, tinh thần hôn muội, tóc bạc da nhăn, chắc không còn sống đặng bao nhiêu ngày, nhan sắc hôm nay không thể bì đặng như lúc còn nhỏ. - Đại vương! Vậy hình dung của Đại vương suy biến chậm hay mau?- Bạch Thế Tôn! Cái lý biến hoá trong thế gian dời đổi âm thầm tôi thiệt không biết nỗi. Tôi chỉ thấy ngày qua tháng lại, lạnh nóng đổi thay, tới hôm nay hình sắc của tôi suy lão như thế nầy, thì tôi biết cái cảnh thay đổi của người đời, biến đổi qua nhiều thứ lớp. Nay giả lấy mười lăm năm làm hạn định, thì khi tôi được hai mươi tuổi, tuy gọi là trẻ, nhưng diện mạo đã già hơn lúc mười tuổi. Đến khi ba mươi tuổi, thì lại già hơn lúc hai mươi. Đến nay tôi đã sáu mươi hai tuổi, tôi ngó lại lúc tôi năm mươi tuổi, in hình lúc đó còn mạnh hơn nhiều. Vậy không phải mười lăm năm một hạn biến đổi hay sao? Bạch Thế Tôn, tôi thấy âm thầm biến đổi, tuy hạn mười năm suy biến, nhưng cái hạn đó chẳng qua là cử đại lược mà nói đó thôi. Nếu ngẫm nghĩ quán sát cho cùng cực cái lý biến hoá, thì đâu thể nói một kỳ là mười năm hay hai mươi năm, kỳ thiệt mỗi năm là mỗi biến đổi. Chẳng những mỗi năm mỗi biến, mà mỗi tháng mỗi biến, chẳng những mỗi tháng mỗi biến mà mỗi ngày mỗi biến. Còn nếu như ngẫm nghĩ đến lúc vi tế nữa thì trong một niệm có đủ chín mươi sát na. Một sát na là chút thời gian rất ngắn ngủi, mà trong mổi sát na nào ở trong một niệm, thì cơ thể đều biến hoá dời đổi luôn, chớ không khi nào đình trụ. Sự vô thường hối hả gấp rút như vậy, nên tôi biết cái thân của tôi chắc phải biến diệt. Phật hỏi:- Nay Đại vương thấy sự biến hoá chẳng dừng, mà biết cái thân xác chắc diệt. Vậy đến khi cái thân xác của Đại vương diệt rồi thì Đại vương có biết trong thân ấy có cái gì chẳng diệt không? Vua Ba Tư Nặc chấp tay bạch rằng:- Tôi thiệt không biết _ Vậy để ta chỉ cái tánh chẳng sanh chẳng diệt cho. Đại vương khi thấy nước sông Hằng là lúc được mấy tuổi? - Bạch, khi tôi được ba tuổi. Mẹ tôi mang tôi đến lễ yết thần Trường Mạng Thiên ở dòng sông Hằng. Khi đi ngang qua dòng sông ấy, tôi mới biết đó là nước sông Hằng. - Đại vương! Như lời ông nói, khi hai mươi tuổi thì nhan sắc đã suy hơn lúc mười tuổi , cứ như thế suy lần đến lúc sáu mươi tuổi, năm tháng ngày giờ dời đổi luôn luôn. Vậy khi Đại vương ba tuổi thấy nước sông Hằng đó, cho đến khi Đại vương được mười ba tuổi , Đại vương thấy nước sông Hằng ấy như thế nào?- Bạch! Cái thấy của tôi trong lúc ba tuổi cũng in như lúc mười ba tuổi cũng không khác gì, cho đến năm nay tôi đã sáu mươi hai tuổi, mà cái thấy cũng không có khác chút nào.- Đại vương! Ông tự thương cái thân của ông tóc bạc da nhăn. Mặt của ông ngày nay chắc nhăn hơn lúc tuổi còn trẻ. Vậy chớ ngày nay, Đại vương thấy sông Hằng ấy, nếu so với cái thấy lúc mười ba tuổi đó, có già trẻ khác nhau hay không? - Bạch! Cũng vậy- Đại vương! Mặt Đại vương tuy nhăn mà tánh thấy không nhăn. Vậy thì cái bị nhăn đó có suy biến thọ diệt, chớ còn cái không bị nhăn nguyên do nó không sanh diệt chi cả.Nếu nó không sanh diệt thì có lẽ nào nó lại theo cái thân hiện tại của Đại vương mà đồng thọ sanh tử. Sao Đại vương chẳng hiểu như thế mà còn dẫn lời tà vọng của bọn Mặc Già Lê ngoại đạo nói thân người sau khi chết rồi tiêu diệt mất chớ không còn có chi hết, vậy tức là Đại vương lầm rồi! Vua nghe lời Phật dạy liền tin biết cái tánh chẳng sanh diệt sau khi chết rồi thì nó bỏ thân đó mà sanh ra chổ khác, đổi xác thay hình luân hồi hoài không khi nào mất. Khi ấy vua và Đại chúng đều mừng vì đặng nghe những việc chưa từng nghe. ( Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển hai , Đại Đức Thích Chơn Giám) 4.4 Hiểu rõ Chánh nghiệp và các pháp. Chú thích 46: Chánh nghiệp có hai nghĩa. Thứ nhất là thập thiện nghiệp cho đến lục độ vạn hạnh, nghĩa là Tâm tự tại giải thoát luôn luôn tạo mọi công đức không chán hướng về chúng sanh. Thứ hai nghiêm trì giới luật không để cho thất thoát. Việc làm, xem các pháp như huyễn không thật, nương vào pháp đi về chánh giác như thuyền bè dùng tạm qua sông biển, mà không thấy có sở đắc. 4.5 Việc làm nương nơi các cội công đức không có tạo tác gọi là vô tác. Chú thích 47: Vô tác tức không có người tác và không có một pháp dùng để tác. Tức là việc làm của trí Bát Nhã. Trong kinh Kim Cang, Phật có hỏi ông Tu Bồ Đề rằng: - Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Có thể do nơi thân tướng mà thấy Như Lai không? Ông Tu Bồ Đề bạch:- Bạch đức Thế Tôn! Không. Không thể do nơi thân tướng mà thấy được Như Lai, vì sao? Như Lai nói thân tướng tức chẳng phải là thân tướng (thân tướng đây là 32 hai tướng tốt, là ngũ uẩn, là thiện hành nghiệp, là tướng mạo tứ đại tốt, nhưng không phải là chổ Như Lai thường trụ trong đó.) Phật bảo ông Tu Bồ Đề:- Phàm cái gì có tướng đều là hư dối. Nếu thấy rõ các tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai. (Như Lai không phải là không có hay trống rỗng như hư không, mà Như Lai là " cái có" được xác định rõ ràng: Các tướng không phải tướng. Khi hiểu và tin nhận chân thật tánh vô tướng, thì tánh vô tướng gọi là Như Lai). Do đó nói Như lai là không thì không đúng, nói Như lai là có thì cũng không đúng vì Như Lai rời mọi tướng. Người tu hành Bát Chánh Đạo cần sáng tỏ và nắm chắc nơi điểm nầy.)Ở đoạn khác, Phật hỏi ông Tu Bồ Đề:- Tu Bồ Đề ! Ý ông thế nào? Như Lai có được pháp vô Thượng chánh đẵng chánh giác không? Như Lai có nói pháp chăng? Ông Tu Bồ Đế bạch Phật:- Như con hiểu, nghĩa của Phật nói, thì không có pháp gì nhứt định gọi là pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng không có pháp gì nhất định mà Như Lai nói. Bởi vì sao? Vì pháp của Như Lai nói đều không thể chấp lấy, không thể nói được, không thể là pháp, cũng không phải là phi pháp. Bởi vì sao? Vì tất cả hiền thánh đều tu pháp vô vi (Pháp Không) mà có từng bậc khác nhau (Pháp tuy bình đẳng nơi Không tánh, Niết Bàn không đổi dời, Phật tánh chẳng lay động, nhưng chỗ ngộ của mỗi người có sai khác nhau, không đồng cho nên mới có bốn quả, mười địa thứ lớp từng bậc khác nhau.)Đây gọi là Bồ Tát hành đạo vô thượng làm Chánh nghiệp.
5. Chánh Mạng (Đại Bửu Tích) 5.1 Bồ Tát chẳng thấy có ngã, chẳng thấy có người. Chú thích 48: Chẳng thấy ngã tức là ngũ uẩn vô ngã, không thể tìm thấy được một cái gì gọi là thường hằng trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức uẩn như ngoại đạo lầm tưởng. Pháp ngũ uẩn khi hoại diệt thu về danh và sắc. Danh là thần thức còn sắc là nghiệp lực. Cả hai danh sắc tìm ngũ uẩn mới để tái sanh. Cái ngũ uẩn mới nầy tiếp tục gây tạo nghiệp nhân rồi lại tái sanh ra ngũ uẩn mới khác, cứ đi theo vòng kiếp luân hồi không khi nào dừng lại. Cho nên có quá nhiều ngũ uẩn, mà không ngũ uẩn nào là cái ngũ uẩn lập lại. Vì thế mà gọi là nhân vô ngã. Nhân đã vô ngã thì mọi chúng sanh đều vô ngã. Vì chúng sanh vô ngã nên Bồ Tát không thấy có người nào chân thật hiện hữu. 5.2 Chẳng tích tụ các phiền não Chú thích 49: Phiền não hay gây ra nghiệp chướng, vì nghiệp chướng do phiền não mà phát động sanh khởi tạo ra nghiệp luân hồi sanh tử. Phiền não do mê lầm sanh khởi, Tông Duy Thức gọi phiền não là Y tha khởi tướng và Biến kế chấp tánh. Y tha khởi tướng có trong chúng sanh là dạng do duyên chấp tướng mê lầm như kẻ đi trong đêm tối thấy sợi dây tưởng lầm là con rắn. Biến kế chấp tánh là sự định nghĩa sai lầm về đối tượng nhận thức do sự nhận biết khởi tướng sai lầm từ lúc ban đầu. Thí dụ như tham, sân, si là những tâm lý duyên khởi gây ra giữa nhân và vật, hay căn và trần. Khi những kiến chấp về pháp giới bị che lấp thì tham, sân, si là những pháp ô nhiễm và được gọi là phiền não; khi có chánh kiến về pháp giới, thì ba loại phiền não tham, sân, si nầy trở nên thanh tịnh gọi là tam muội. Bồ Tát không tích tụ phiền não có nghĩa là các phiền não được nhìn qua bản thể thanh tịnh trong sáng. Cảnh giới tâm thức trong trạng thái phiền não thanh tịnh đó gọi là Chánh mạng là một đặc tánh của Niết Bàn Hữu Dư. 5.3 Hay thanh tịnh tu tập chí nguyện chúng sanh Chú thích 50: Chúng sanh vốn không thì làm sao có chí nguyện? Tuy nhiên chúng sanh luôn luôn bị sanh lão bệnh tử, tam khổ, bát khổ cho đến vô lượng khổ áp bức. Do đó mà biết chí nguyện của chúng sanh là thoát khổ. Lại nữa, mặc dù chúng sanh Không, nhưng cái không đó do pháp ngũ uẩn mà nói, ngoài pháp ngũ uẩn kia, chúng sanh có có một cái thường hằng không tên tuổi, hình tướng, không màu sắc, mùi vị, siêu quá thế gian trí, tạm gọi là chơn Tâm. Theo kinh Lăng Già thì bốn loại Tâm, Phật tánh, Phật, Bồ Đề, Niết Bàn chính là một, chỉ khác danh xưng. Nói rộng ra trong cảnh giới giải thoát viên chứng thì sáu loại Tâm. Phật tánh, Phật, Bồ Đề, Niết Bàn, Chúng sanh, và phiền não đồng là một loại vì đồng thanh tịnh, tịch diệt , và không tánh trong thể tánh bất biến tuỳ duyên, tuỳ duyên bất biến không khi nào tách ra được hai thể khác nhau. Tất cả cảnh giới giác ngộ của các thánh nhân như Vô sinh pháp nhẫn, bổn lai diện mục, chủ nhân ông, kiến tánh thành Phật... như trong các kinh điển thường diễn dịch cũng nhắm vào tánh Tuỳ duyên bất biến, Bất biến tuỳ duyên nầy. Vì tên gọi và nghĩa như vậy, nên pháp Tuỳ Duyên bất biến, Bất biến tuỳ duyên cũng không chơn thật thường hữu. Đó là hai mặt không và có của mọi pháp, không riêng gì pháp Tuỳ duyên bất biến, Bất biến tuỳ duyên. Ấy gọi là "pháp vốn không pháp". Nếu thấy mọi pháp tự tánh như nhau, "có" đối với các pháp khác, "không" đối với tự tánh, tuỳ duyên biến hiện không ngừng, cảnh giới đổi thay mãi mãi, nhưng "bản tánh pháp" không vì vậy mà thay đổi nên gọi là pháp tánh bản lai vắng lặng, hay "Không pháp" (pháp có, pháp không) là pháp. 5.4 Chí nguyện đã thanh tịnh thì chẳng tự chấp tướng nhân và tướng thọ mạng. Chú thích 51: Chí nguyện thanh tịnh chính là do muốn độ chúng sanh mà chịu cực khổ ra sức tận diệt phiền não. Tánh phiền não không thật nên mới có thể diệt được. Tướng nhân và tướng sống lâu vốn không thật nên không chấp lấy. 5.5 Mình và người đều bình đẳng, tất cả các pháp cũng bình đẳng, thực hành pháp nghĩa thanh tịnh. Chú thích 52: Chúng sanh vốn bình đẳng nơi gốc nghĩa thanh tịnh tự tánh, nhưng sai khác nhau do nghiệp lực gây tạo và phiền não tác động tam thời. Kinh Pháp Hoa Phật nói mọi chúng sanh đều có Phật tánh và Ngài còn nói Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Có vô số chúng sanh nhân và phi nhân đều được thọ ký thành Phật. Trong Thiền tông: Cao Phong Diệu Tổ nói:- Nhược hữu nhân cử nhất thoại đầu, bất khởi nhị niệm, thất nhật chi trung, nhược bất ngộ đạo, ngã vĩnh đọa bạt thiệp địa ngục. Dịch:- Nếu có một người cử một thoại đầu, mà không khởi niệm thứ hai, trong bảy ngày mà không ngộ đạo, tôi chịu đọa địa ngục cắt lưỡi mãi mãi. Tổ Quy Sơn :- Sinh sinh nhược năng bất thối Phật giai quyết định khả kỳDịch:- Đời đời nếu không thối chuyển, Quả Phật nhất định có kỳ.Ngài Triệu Châu nói:- Ông cứ đặt tâm trí vào lý, ngồi quán hai, ba mươi năm, nhược bằng vẫn không hiễu đến mà lấy đầu lão tăng. (Quyển Thiền Đạo Tu Tập) Mình và người bình đẳng, nên ai cũng có cơ hội giác ngộ và tu thành Phật vậy. Đây gọi là Chánh mạng. 6. Chánh Phương Tiện: (Đại Bảo Tích, Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Luận Đại Trí Độ)Thế nào là Chánh Phương Tiện? 6.1 Chẳng làm sự phi pháp Chú thích 53: Phi pháp là điều chẳng cho phép thực hành vì có hại cho mình và cho người, Trong mười kiết sử lớn của bậc tu Thanh Văn thì ác kiến gồm năm điều thân kiến, tà kiến, biên kiến, giới thủ kiến, giới thủ cấm là những phi pháp, ngoài ra phi pháp bao gồm tất cả những cấm giới Phật giáo và những luật pháp mà quốc gia qui định không được vi phạm. Người tu hành phi pháp thì thân tâm không an ổn và có những kết quả bất thiện trong đời sống. Về phần tâm linh thì phi pháp là những tư duy và học hỏi những kinh sách ngoại đạo mà Phật nghiêm cấm như bói toán, phong thuỷ, binh pháp thế gian trừ những trường hợp phương tiện tạm thời cứu khổ cho chúng sanh. 6.2 Lòng chẳng bỏ công đức Chú thích 54: Mặc dù bổn tánh của các pháp là Không, là duyên sinh, là tịch tịnh nhưng luôn luôn không bỏ sót bất cứ công đức vì đó làm phương tiện độ sinh. Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục: " -Học Phật phải chuyên lấy việc tự liễu ngộ làm chánh, nhưng cũng phải tuỳ phần , tuỳ sức làm các công đức. Vì phải là người có sức lớn lao (bậc Thượng căn) mới hòng triệt để buông xuống, triệt để đề khởi được. Người căn cơ Trung, Hạ nếu không làm gì hết sẽ liền thành biếng nhác, trễ lười, chẳng hiểu đúng tự lợi mà đối đến việc lợi cho người cũng gát bỏ hết, trở thành cái tệ của Dương Tử "dù nhổ một sợi lông làm lợi cho người khác (mà không lợi cho mình) cũng chẳng chịu làm"! Vì thế phải hành hai pháp (tự lợi và lợi tha) , nhưng chú trọng vào tự lợi." Công đức không chỉ giới hạn trong việc làm tốt lành giúp ích chúng sanh bằng phương tiện vật chất hay tinh thần, nhưng công đức còn là công hạnh ích lợi vô lượng sanh ra từ sự chuyển hoá phiền não qua sự thực hành chánh định như thiền Ba La Mật. Trong kinh Đại Bảo Tích quyển ba, Pháp Hội Bồ Tát Tạng, đức Phật nói với ngài Xá Lợi Phất: "- Lại nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát (từ Bát Địa trở lên) do y thiền định Ba La Mật được vô biên tĩnh định thâm diệu. Tại vì sao? Vì Đại Bồ Tát xả bỏ bao nhiêu vô số phiền não tích tập nơi tâm, thì cũng có bấy nhiêu vô số tĩnh lự tư lương công đức an trụ nơi tâm mình (vô số tam muội). Bao nhiêu vô số chúng sanh do tâm phiền não mà sanh ra các tán loạn, Đại Bồ Tát cũng phải tích tập bấy nhiêu vô số tĩnh lự công đức."
6.3 Phương tiện được làm thì vững an chẳng khiếp nhược. 6.4 Tu các chánh hạnh thuần thục thân cận. Chú thích 55: Làm Chánh hạnh tức là không làm tà hạnh. Trong Thanh Văn Thừa, tà hạnh tức là ác kiến gồm 5 loại: thân kiến, tà kiến, biên kiến, giới thủ kiến, và giới thủ cấm. Không theo ác kiến tức là không làm tà hạnh. Trong Bồ Tát đạo, Chánh hạnh là Pháp tu Lục độ vạn hạnh. Lục độ là Bố thí Ba La mật, Trì giới Ba la mật, Nhẫn nhục Ba la mật, Tinh tiến Ba La mật, Thiền Định Ba La mật, và Trí Huệ Ba La mật. Sáu Ba la mật nầy thu nhiếp vạn hạnh. Tuy pháp tu phân ra làm sáu để thu nhiếp mọi phiền não, nhưng Bát Nhã Ba la mật là chủ động vì Bát Nhã Ba mật là Tánh Không viên mãn. Ngài Khuê Phong Đại sư, trong quyển Thiền Nguyên Chư Tập Đô Tự nói: "- Bởi cái mê từ vô thỉ vọng chấp thân tâm làm ngã (cái Ta), khởi niệm tham sân si mạn...nếu được thiện tri thức vạch bày liền đốn ngộ cái "biết" không lặng. Cái "biết" không có niệm (tà), không hình, thì cái gì là tướng ngã tướng nhơn? Giác ngộ các tướng Không, tâm tự không niệm (tà) "Niệm vừa khởi liền biết, biết nó liền Không", diệu môn tu hành là chính ở nơi đây. Cho nên, tuy đủ muôn hạnh chỉ lấy cái Không Niệm làm tâm. Chỉ được cái " thấy biết" không niệm, thì yêu mến, ác độc tự nhiên, nhẹ nhàng, bi trí tự nhiên tăng trưởng, tội nghiệp tự nhiên đoạn trừ, công hạnh tự nhiên tăng tiến. Đã rõ tướng phi tướng (có tướng mà không phải thật tướng), tự nhiên không tu mà tu, khi phiền não hết thì sanh tử dứt "sanh diệt diệt rồi thì tịch diệt hiện tiền" ứng dụng vô cùng gọi đó là Phật." (Khuê Phong Đại Sư)6.5 Không làm tà phương tiện Chú thích 56: Tà phương tiện chính là thập ác trong pháp tu Thập Thiện Nhân Thiên Thừa, và thập kiết sử trong Nhị Thừa. Ngoài ra tà Phương Tiện cũng là tánh chấp ngã tướng. 6.6 Phương tiện thì làm đúng như lời đã nói Chú thích 57: Đây thuộc về khẩu hạnh hay khẩu nghiệp thông suốt ba Thừa. Trong Đại thừa thì gọi là Trực Tâm. Trực tâm là tri hành hợp nhất, như Phật có tướng lưỡi rộng dài như trong Kinh Đại Trí Độ, Tập 1, Chương 1, Phẩm Phóng Quang, trang 305, Ngài Long Thọ Bồ Tát có kể lại một câu chuyện: " Có một lần Phật ở nước Xa Bà Đế, thọ tuế xong, ông A Nan theo Phật du hành các nước, khi sắp đến thành của Bà La môn, vua của thành Bà la môn vốn biết Phật có thần đức hay chuyển hoá chúng sanh, cảm động tâm mọi người, nay đi đến đây thì ai còn thích ta nữa! Vua liền ra lệnh cấm: " Nếu ai cúng cho Phật ăn, nghe Phật nói thời bị phạt năm trăm tiền vàng." Sau khi vua ra lệnh thì Phật đến nước đó cùng ông A Nan ôm bát vào thành khất thực, mọi người trong thành đều đóng cửa không tiếp, Phật ôm bát không mà ra khỏi thành. Lúc ấy có một gia đình khá giả, trong đó có một người đầy tớ già, cầm chậu bể đựng đồ thiu ra khỏi cửa để liệng bỏ, thấy Phật ôm bát không đi tới, người tớ già thấy tướng hảo của Phật sắc vàng, lông trắng, nhục kế, ánh sáng một trượng, mà bình bát trống không chẳng có đồ ăn. Thấy rồi vị ấy suy nghĩ: " Thần nhân như thế đáng ăn đồ ăn của trời, nay tự hạ mình cầm bình bát đi xin, chắc vì lòng đại từ thương xót hết thảy." liền sanh lòng tin thanh tịnh , muốn cúng dường đồ ngon, mà không sao làm như nguyện. Hổ thẹn, vị ấy thưa với Phật :" Tôi chỉ muốn dọn bửa cúng dường mà không thể được, nay đồ ăn xấu tệ nầy Phật cần thì nhận lấy" Phật biết tâm người kia kính tín thanh tịnh, nên đưa bình bát ra nhận đồ cúng thí đó. Phật liền cười, phát ra ánh sáng năm sắc, chiếu khắp trời đất rồi trở về nhập giữa hai chân mày. Ông A Nan thấy thế quỳ thẳng chấp tay bạch Phật: " Kính thưa Thế Tôn, nay nhân duyên nào mà Ngài cười, xin cho con được nghe ý nghĩa ấy?" Phật bảo ông A Nan :" Ông có thấy bà già đem lòng tin vừa cúng thức ăn cho Phật chăng?" Ông A Nan thưa :" Bạch Thế Tôn con có thấy" Phật nói :" Bà già đó cúng Phật ăn, mà trong mười lăm kiếp, ở trên cõi trời và trong cõi người, thọ phước báu khoái lạc, không bị đoạ ác đạo, sau sẽ làm thân nam xuất gia học đạo thành Bích Chi Phật, và nhập Vô Dư Niết Bàn. Bấy giờ bên cạnh đức Phật có một người Bà La Môn ngoại đạo đứng đó, nghe vậy liền nói kệ khinh chê: Ông là dòng Nhật chủng sát lợi (dòng vua chúa) Thái tử của Tịnh Phạn Vương Chỉ vì ăn mà đại vọng ngữ Đồ thúi ấy, (quả) báo nặng là sao? Bấy giờ Phật đưa lưỡi rộng dài phủ cả mặt đến chân tóc, rồi nói với tu sĩ Bà La Môn rằng :" Ông thấy trong kinh sách nói người có lưỡi như thế nầy mà nói dối chăng?" Bà la môn kia kinh hoảng thưa:" Nếu có người lưỡi phủ đến mũi, đã không hư dối, huống gì phủ đến chân tóc. Tâm tôi tin Phật chắc chắn không vọng ngữ, nhưng chỉ không hiểu vì sao bố thí một ít mà được quả báo nhiều như vậy?" Phật nói với Bà La Môn: " Ông có bao giờ thấy những việc hy hữu khó thấy ở đời chăng? " Bà La môn thưa: " Đã thấy. Tôi có một lần cùng đi với người Bà La Môn khác, giữa đường thấy bóng của một cây Ni-Câu-Lô che phủ cả năm trăm cổ xe ngựa của khách buôn, mà bóng cây vẫn không hết. Ấy là việc hy hữu khó thấy. " Phật nói: "Hạt giống của cây ấy lớn hay nhỏ?" Bà La Môn đáp: "Lớn bằng một phần ba hạt cải." Phật nói: " Ai sẽ tin lời ông, cây to thế mà hạt giống rất nhỏ." Bà La Môn thưa: " Thật vậy, thưa Thế Tôn, chính mắt tôi thấy chứ không phải hư dối." Phật nói: " Ta cũng như vậy, thấy bà già ấy có tín tâm thanh tịnh, cúng thí cho Phật, cho nên được quả báo lớn. Cũng như cây ấy, nhân ít mà quả báo nhiều. Lại do phước điền tốt của Như Lai mà được như vậy." Bà La Môn tâm khai ý tỏ, năm vóc sát đất xin sám hối với Phật: "Tâm tôi mù mờ, ngu si không tin Phật." Phật thuyết mọi pháp cho ông nghe, nghe rồi chứng được đạo quả ban đầu, tức thời ông đưa tay mà cất to tiếng nói: " Hết thảy mọi người, cửa cam lồ đã mở, vì sao không ra!" Tất cả các Bà La Môn ở trong thành đều nộp năm trăm tiền vàng cho vua để rước Phật mà cúng dường, và đều nói: "Được mùi vị cam lồ, thì ai còn tiếc gì năm trăm tiền vàng ấy?" Mọi người đều đến Phật, lệnh cấm bị phá. Vua Bà La Môn cũng theo thần dân quy mạng Phật Pháp. Hết thảy người trong thành đều được tịnh tín. " 6.7 Chẳng thấy các pháp đồng, dị: Chú thích 58: Các pháp vốn không định tánh, bình đẳng, không tánh. Nên các pháp không đồng nhau mà cũng không khác nhau như trong kinh Pháp Hoa nói: Các pháp đứng yên nơi bản vị của chúng." Như tánh nước mềm, thấp còn tánh lửa thì nóng và bốc cao nên không giống nhau. Lửa không có tánh nước trợ duyên như oxygen thì không thể có lửa; nước không có độ ấm thì không thể tạo nước. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói: Tứ đại chu biến khắp pháp giới nghĩa là chổ nào cũng có đầy đủ mọi tánh chất tứ đại, do đó pháp tứ đại không thể biệt phân ra riêng mà có, nên không khác nhau. Các pháp tứ đại vốn lưu xuất từ chơn tâm, các pháp khác cũng lưu xuất từ thể chơn tâm, bổn lai tịch tịnh. Thấy các pháp không đồng không dị là Chánh nghiệp 6.8 Không có tác không có chẳng tác Chú thích 59: Tác là tác động, tức nói người tác pháp. Thí dụ như nói có người làm, có người nhận, có người cho.... Các pháp hữu vi đều thu trong ngũ uẩn. Trong ngủ uẩn không có ngã nghĩa là không có người. Như vậy chỉ có pháp tự tác như hai miếng gỗ cọ xát nhau sanh ra lửa, sấm xét chạm cây khô cháy rừng, mà không có ngườì tác, vì thế mà gọi là không có tác (không có tác giả) không có chẳng tác (pháp tự tác). Tuy nhiên mặc dù không có tác giả là người tác nhưng lại có người nhận chịu kết quả chính là ngũ uẩn thân sau. 6.9 Đúng như pháp tánh mà thực hành, pháp của chư Phật cũng vậy đều tịch tĩnh, nhơn đó làm phương tiện. 6.10 Các pháp đều bình đẵng không có sai biệt, chổ làm cũng bình đẳng. 6.11 Vì các chúng sanh mà trừ tà phương tiện, khuyến trợ họ đến nơi trí huệ.Đây là Chánh Phương Tiện.
7. Chánh Tư Duy (Chánh Ý) ( Đại Bảo Tích) 7.1 Bồ Tát nhớ Phật đạo, nhớ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí huệ, từ bi, hỉ, xả. Ân cần gìn ý chẳng cho có uế ác trần lao, chẳng theo ma nghiệp, là chánh Tư duy. 7.2 Bồ Tát ý niệm đến chổ nào đều chẳng sa vào tà kiến. Chế ngự ý niệm của mình như người gác cửa biết rành lúc nên mở nên đóng, trừ bỏ tất cả ý niệm xấu ác, không hề có tư tưởng tà niệm, là chánh Tư duy. 7.3 Bồ Tát đã ở nơi chánh Tư duy (chánh ý) nầy thì chẳng ở trong đạo tánh tịch diệt mà lấy quả chứng. Đây là Bồ Tát Chánh Ý thanh tịnh. Chú thích 60: (Đại Bảo Tích VII trang 290)Đây là pháp tu sở trường của Bồ Tát. Vì các Bố Tát thường hay thực hành Tứ Vô Lượng tâm và tu Lục Độ Ba la mật nên có phước đức và thần thông rộng lớn trí tuệ giải thoát vô ngại. Bồ Tát đã diệt trừ được hoạ hoạn do phiền não các lậu sanh khởi, nên dầu thông hiểu mọi pháp sanh tử như huyễn mộng, nhưng các ngài cũng không chịu thọ lãnh cảnh giới Niết Bàn Tịch Tĩnh, mà trở lại ở trong lục đạo để khai hoá chúng sanh. Pháp tu như vậy Phật gọi là Hạnh Đại Bi Thiện Quyền Phương Tiện của Bồ Tát. Đây là pháp tu Ba La Mật thứ bảy sau Bát Nhã Ba La Mật. Khác với Chánh niệm dùng để tu dưỡng Niệm cùng Vô niệm, còn Chánh Ý là pháp tu hướng dẫn tâm ý luôn luôn ngay thẳng, xa cách phiền não, tà kiến. Tâm thức hành giả nghiêm trang chánh trực như một đạo tràng nghiêm tịnh, nên gọi là Trực Tâm. Kinh Duy Ma có nói Trực tâm là Đạo tràng, vì nơi đây không có tà kiến phiền não tới được. Như trong Kink Đại Bảo Tích, Tập III, Pháp Hội Bồ Tát Tạng, đức Phật có nói: " Đại Bồ Tát nhờ đôi mắt không dua tà nên thành thiên nhản thanh tịnh vượt hơn người, có thể xem thấy tất cả chúng sanh trong cõi Đại thiên."
8. Chánh Định: (Đại Bảo Tích, Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự, Bản Đồ Học Phật, Niệm Phật Tam Muội, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cang Bát Nhã) Thế nào là Chánh Định? 8.1 Bồ Tát tuỳ thuận hiền thánh hạnh, biết khổ đế, đoạn dứt tập đế chủng, chứng tận đế chủng, phụng đạo đế chủng. Chú thích 61: Đây là ý thứ nhất trong ba ý mà Phật nói về Chánh Định. Trong cả ba ý nầy, không có ý nào đề cập đến các pháp thiền định. Vì sao? Vì mọi pháp thiền định không phải là Chánh Định, thiền định chỉ là phương pháp hay cách thức làm cho tâm được Chánh định, hay nói đúng hơn mọi pháp thiền định có tác dụng lọc phá phiền não, làm cho chơn tâm được tự sáng tỏ cũng như một bóng đèn bị che đậy bởi nhiều lớp giấy che, nay tháo bỏ các lớp giấy ấy xuống thì ánh sáng bóng đèn tự chiếu ra bên ngoài. Ánh sáng của bóng đèn tự đã sáng , không cần phải làm tăng ánh sáng của nó nữa. Chánh định, đầu tiên là sự tư duy và hiểu biết chính xác về khổ đế. Trong nhiều kinh điển Tiểu Thừa, Phật thường nói: Có tư duy hiểu biết chính xác về khổ, thì sẽ có sự chính xác về sự chán khổ, có chính xác chán khổ thì sẽ dứt khoát diệt khổ. Biết khổ đúng như Khổ đế. Tìm hiểu gốc khổ giống như Tập đế. Tin chắc diệt được khổ giống như Diệt đế, và cuối cùng thực sự dấn thân vào tu đạo như trong Đạo đế. 8.2 Bồ Tát chánh định, tự thân bình đẳng các pháp cũng đều bình đẳng, tự thân thanh tịnh, các pháp cũng đều thanh tịnh, tự thân không các pháp cũng đều không, chánh ý chánh thọ được như vậy thì nhập vào bình đẳng chẳng sa diệt tận. Chú thích 62: Đây nói về tự tánh của Định. Định nầy không phải là do những pháp tu thiền định hay tam muội, mà đây là tự tánh bình đẳng thanh tịnh. Tánh của chánh định có trước cả những pháp tu thiền. Mỗi một chúng sanh đã có nó rồi, tên khác gọi là Phật tánh. Vì tự thân bình đẳng nên các pháp cũng đều bình đẳng. Ngài Khuê Phong có nói: "Người đốn ngộ tự tâm xưa nay thanh tịnh, vốn không có phiền não, trí tánh vô lậu , sẵn tự đầy đủ, tâm nầy tức là Phật, cứu cánh không khác, y đây mà tu là thiền Tối Thượng Thừa, cũng gọi là Như Lai Thanh Tịnh Thiền (Như Lai Thiền) hay gọi là Nhứt Hạnh Tam Muội. Đây là căn bản của tất cả tam muội. Nếu người hay niệm niệm pháp thiền nầy tu tập tự nhiên dần được trăm ngàn tam muội. Các dòng đệ tử của tổ Bồ Đề Đạt Ma lần lượt truyền trao thiền nầy". Theo khuynh hướng Thiền tông, thì có rất nhiều pháp thiền định trong thế gian pháp và Phật pháp, tuy nhiên có thể thu nhiếp phân loại làm năm loại khác nhau. Trong phạm vi bài viết, sẽ không bàn vào chi tiết mỗi loại thiền định mà chỉ muốn bày ra cái ý nghĩa chánh yếu dễ nắm, dễ nhớ cho ai muốn khởi công tìm về Chánh Định. Chánh định là cội gốc của sự tu hành, người muốn hoàn tất con đường Phật đạo chính là hoàn tất Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo, nếu không có Chánh Định làm tâm điểm thì không thể nào thành tựu được. Không phải chỉ riêng thiền định mới có chánh định mà tám mươi bốn ngàn pháp môn Phật dạy đều mở mang Chánh Định. Như trong Kinh Lăng Nghiêm, hai mươi lăm cách tu nhập chánh định qua hai mươi lăm căn, trần, thức, đại đều ứng dụng được cả, trong đó lại có môn do tư duy về cái đau mà ngộ Tánh, có môn chỉ niệm danh hiệu Phật mà đạt tới Chánh định... Trong Kinh Niệm Phật Tam muội, đức Phật nói: Niệm Phật là Tối Thượng Thiền tức là Chánh Định. Sau đây là năm loại thiền định: 1. Thiền Ngoại Đạo: (Không phải là Phật đạo) Thiền ngoại đạo là do nơi chấp ngoài tâm mình có một pháp khác để giúp mình đắc đạo. Như khi ngồi thiền mong thần thánh, thiêng liêng tới tựa vào hay điểm đạo... Hoặc ngồi thiền mong cầu tu luyện luân xa, thần thông, thuốc trường sinh, cầu kẻ khác mang trí huệ đến trao tặng trong khi ngồi thiền... Khác với tinh thần tu thiền của Phật Giáo là chủ trương gạn lọc tâm mình từ thô đến tế; gạn lọc cho đến khi nào tâm được hoàn toàn thanh tịnh, tức ngộ được tánh bản lai. Chư Tổ thường nói: " Phật tại tâm" hay "Ngoài tâm không Phật". 2. Thiền Phàm Phu: (Tu pháp nhân thiên) Thiền có được là do một số người chê chán cảnh khổ, vững tin nhân quả, yêu thiện ghét ác, nhưng lại muốn có một tương lai nhiều phước lợi hữu vi như sống lâu, giàu có...bằng cách thực hành Phàm Phu thiền, như kinh nói: Có một ngoại đạo đến hỏi Phật rằng chúng tôi tu vô tưởng, vậy có thế giới vô tưởng không? Đức Phật nói :"Có, ông tu vô tưởng thì về thế giới vô tưởng". Trong kinh thường nói: Tu chứng Sơ thiền sẽ được sanh về Sơ thiền thiên. Tu chứng Nhị thiền sẽ sanh về Nhị thiền thiên. Tu chứng Tam thiền sẽ sanh về Tam thiền thiên. Tu chứng Tứ thiền sẽ sanh về Tứ thiền thiên. Bốn hạng thánh nhân trong Tiểu Thừa cũng sanh về bốn cảnh thiền thiên hưởng phước đức khoái lạc, tuy nhiên các vị A La Hán khi đến tứ thiền thiên thì không vào cảnh Vô Sắc Giới là tứ Không Định, mà tiến qua Diệt Thọ Tưởng Định và giải thoát. Hoặc nếu các vị A La hán đi vào cảnh Tứ Không Định, thì các ngài do Phật dạy Vô Ngã, nên không dừng ở Phi Tưởng phi phi tưởng định, mà vượt qua đến Diệt Tận Định xong trở ra và giải thoát. Có những người kẹt trong tứ thiền bát định thì vẫn là phàm phu vì khi hết phước đức và thọ mạng thì phải luân hồi sinh tử. Ngài Khuê Phong nói :"Phàm phu thiền hay Nhân thiên giáo nầy đây mới vừa biết tin được cái "nghiệp báo" mà thôi, chớ chưa biết thấu được cái gốc của thân tâm". Thiền trong Nho Lão cũng trong giới hạn đó.
3. Thiền Tiểu Thừa: Người ngộ lý nhân quả luân hồi sanh tử gọi là lý thiên chơn, thấy được Ngã không mà tu thiền định là Thiền Tiểu Thừa. Lý thiên chơn là ngũ uẩn giai không, thấy trong ngũ uẩn không có cái ta. Thân tâm giả hợp tựa hồ như thật có cái ta bên trong nhưng thật ra chỉ là đám phiền não lộng hành tác quái, cho nên khi nghiệp thành thì khó trốn khỏi thân ngũ uẩn, phải chịu khổ đau, luân hồi sanh tử chuyển đến kiếp sau. Với cái thân ở kiếp sau, lại chấp nhận ngũ uẩn mới làm ngã, tại đây lại dấy lên ba độc tham, sân, si lại tạo các nghiệp, và trở lại chịu quả báo nữa. Nghĩ như thế mà quyết lòng quy Phật thọ cụ túc giới, chăm giữ hạnh thiền định, mong tu thoát luân hồi. Trong Thiền Tiểu thừa, mọi pháp thiền chỉ và thiền quán đều nương theo Tứ Diệu Đế để phát huy diệu dụng chứng đắc. Các pháp thiền gồm có: 1. Ngũ đình tâm quán 2. Cửu tưởng quán 3. Tứ vô lượng tâm 4. Thập lục đặc thắng 5. Thông minh thiền 6. Thập nhứt thế xứ quán 7. Bát bội xả quán 8. Bát thắng xứ quán 9. Lục Diệu Pháp môn 10. Bát niệm quán 11. Thập quán tưởng 12. Cửu thứ đệ định 13. Sư tử phấn tấn tam muội 14. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo Trên đây là 14 nhóm thiền Tiểu Thừa vì hành giả chưa phát tâm Bồ Đề và sức hiểu biết chỉ chấp nhận đến ngũ uẩn không người, mà chưa thấu hiểu được Tánh Không của mọi pháp, nghĩa là chư pháp bổn lai tịch tịnh hay chư pháp vô sanh. Trong phạm vi bài viết nầy, soạn giả không trình bày chi tiết của từng nhóm thiền chỉ, quán nầy mà chỉ kê danh rồi dẫn đọc giả tiến về Chánh Định ở phần sau.
4. Thiền Đại Thừa: Người ngộ Ngã Pháp đều không. Về Ngã, nhận ra được cái ngã không thật. Về Pháp như sanh tử, Niết Bàn, Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ, Tứ Vô lượng tâm... là những pháp phương tiện trị bịnh phiền não như tham sân... Cũng như tuỳ bịnh dùng thuốc mà đặt tên đó thôi. Rõ hai lẽ đó nên cả hai Ngã, Pháp đều không chấp cho là có thật Pháp. Đó là trí tuệ Bát Nhã tự tánh sẳn có. Trong Kinh Kim Cang, Phật hỏi ông Tu Bồ Đề: - Ý ông nghĩ sao? Xưa kia ở nơi Phật Nhiên Đăng, Như Lai có đắc pháp gì không? Ông Tu Bồ Đề thưa:- Bạch Thế Tôn! Không. Ở nơi Phật Nhiên Đăng, Như lai thật không đắc pháp gì. Ở một đoạn khác đức Phật hỏi ông Tu Bồ Đề:- Ý ông thế nào? Như Lai có được pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác chăng? Như Lai có nói pháp chăng? Ông Tu Bồ Đề bạch Phật:- Như con hiểu nghĩa của Phật nói, thì không có một pháp gì nhứt định gọi là pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng không có pháp gì nhứt định mà Như Lai nói. Bởi vì sao? Vì pháp của Như Lai nói đều không thể chấp lấy, không thể nói được, không phải pháp, không phải phi pháp. Bởi vì sao? Vì tất cả hiền thánh đều tu pháp vô vi (không tánh) mà có từng bậc khác nhau. Trong Đại Thừa thiền lại chia làm ba loại tương ưng với ba Đại Thừa Giáo: 1. Đại Thừa Pháp Tướng Giáo tức Duy Thức Tông có thiền Duy Thức nghiên cứu về nghĩa "Giả có". 2. Đại Thừa Phá Tướng Giáo tức Bát Nhã Tông có thiền Bát Nhã Ba La mật nghiên về "Không tướng". 3. Nhất Thừa Hiển Tánh Giáo là nói rõ ngay cái Giác Tánh là gốc của thân là nghĩa Chơn Không Diệu Hữu hay tánh Bất Biến Tuỳ Duyên, Tuỳ Duyên Bất Biến là tánh biên tế (bờ mé tận cùng) của tất cả pháp. Có rất nhiều pháp thiền định Đại Thừa như Pháp Hoa Tam Muội, Ban Châu Tam muội, Giác Ý Tam muội, Thủ Lăng Nghiêm Tam Muôi, Tự Tánh Thiền, Nhứt Thế Thiền, Nhứt Thế Môn Thiền, Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền, Đạt Ma Tổ Sư Thiền... tất cả đều có công năng làm cho tâm thức hành giả dần yên trụ trong bổn tánh chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, và chơn tịnh gọi là Vô Trụ Xứ Niết Bàn của hàng Bồ Tát. Ngài Khuê Phong nói: "Người đốn ngộ tự tâm xưa nay thanh tịnh, vốn không có phiền não, trí tánh vô lậu sẳn tự đầy đủ, tâm nầy tức là Phật, y đây mà tu thì gọi là Như Lai Thanh Tịnh Thiền, cũng gọi là Nhất Hạnh Tam Muội." Tất cả các Thiền Đại Thừa đều mang tánh bình đẳng và Chánh định. Chánh định mà Phật đề cập trong Bát Chánh Đạo chính là Đại Thừa Thiền vậy. 8.3 Trong khoảng phát tâm chổ sở hành đều bình đẳng đầy đủ trí huệ và tất cả thánh phước.Đây gọi là Bồ Tát chánh định hạnh thanh tịnh. Lúc Phật nói pháp Chánh Định Giác Phẩm nầy, một ngàn sáu trăm chư thiên và nhơn từng ưa thích Tiểu Thừa đồng thấy Phật Đạo không xa, chẳng khó làm, nên ngộ nhập pháp nầy, và đều pháp tâm vô thượng chánh chơn (Phát tâm tu thành Phật mới thôi).
IV. Ba câu hỏi quan trọng của Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Quang Vương Đại Bồ Tát (Đại Bảo Tích 2, trang 384) Người quyết tâm tu tập Phật pháp, muốn xa lìa phiền não nghiệp chướng thì phải chuẩn bị tư lương (hành trang) cho mình như thế nào? Sau đây là ba câu hỏi của Tịnh Vô Cấu Quang Vương Quang đại Bồ Tát đến với Phật trong Pháp Hội Đại Thừa Thập Pháp: 1. Câu hỏi thứ nhất: Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang đại Bồ Tát bạch rằng:- Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát quán sắc vô thường mà chẳng rời sắc nói nơi pháp giới, chứng nơi pháp giới, tập học pháp giới, dùng sức trí huệ như thiệt chứng biết tất cả pháp?Đức Phật trả lời:- Nầy thiện nam tử! Vì ông hỏi nên nay ta nói thí dụ.Nầy thiện nam tử! Ví như trong thế gian, có người trí lấy các chất độc, lấy chất độc rồi hoặc nấu cao hoặc hiệp với chất thuốc khác. Hiệp với các chất thuốc khác rồi, vì tài lợi mà đem bán các thuốc độc ấy, nhưng người trí nầy chẳng tự uống. Tại sao vậy? Vì người trí ấy suy nghĩ rằng chớ để cho thân tôi do thuốc độc nầy mà chết mất. Nầy thiện nam tử! Đại Bồ Tát tâm nhuần hướng đến Niết Bàn, tâm nhuần chảy về Niết Bàn, tâm chánh lấy Niết Bàn, mà Đại Bồ Tát chẳng chứng lấy Niết Bàn. Tại sao vậy? Bồ Tát suy nghĩ: chớ để cho thân tôi do nhơn duyên ấy (về Niết Bàn) mà thối chuyển Bồ Đề.Lại nầy thiện nam tử! Ví có người phụng thờ lửa. Họ tôn trọng cung kính gìn giữ ngọn lửa, mà họ chẳng có tâm niệm dùng hai tay nắm bốc lửa. Tại sao vậy? Vì họ tâm niệm rằng chớ để thân tôi vì nhơn duyên ấy mà thân đau tâm khổ.Nầy thiện nam tử! Đại Bồ Tát dầu tâm thuận hướng về Niết Bàn nhẫn đến thuận hướng đến bờ Niết Bàn, mà đại Bồ Tát chẳng (cho mình) chứng Niết Bàn. Tại sao vậy? Đại Bồ Tát suy nghĩ rằng: chớ để cho thân tôi do nhơn duyên ấy mà thối Bồ Đề trí. 2. Câu hỏi thứ hai: Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang đại Bồ Tát bạch rằng: - Bạch đức Thế Tôn! Như chổ tôi hiểu pháp nghĩa được đức Thế Tôn nói thì Bồ Tát phải thường ở thế gian?Đức Phật trả lời:- Đúng như vậy! Bồ Tát phải thường ở tại thế gian. 3. Câu hỏi thứ ba: Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Bồ Tát bạch rằng:- Bạch đức Thế Tôn! Bồ Tát ở tại thế gian phải làm thế nào để khỏi bị thế gian ô nhiễm?Đức Phật trả lời:- Nầy thiện nam tử! Ví như có người khéo hiểu phương tiện bắt các cầm thú. Người ấy dùng sức chú thuật cùng đùa với rắn độc, nắm rắn độc hoặc ngậm hoặc rờ vuốt. Đùa giỡn với rắn độc như vậy mà trọn chẳng bị nhơn duyên ấy làm mất mạng. Tại sao vậy? Vì có sức chú thuật thiện xảo vậy. Nầy thiện nam tử! Đại Bồ Tát ở tại thế gian, hành thế gian pháp, vì có sức đại trí phương tiện thiện xảo cùng các thuốc độc phiền não đùa giỡn, mà chẳng bị nhơn duyên kia làm thối Bồ Đề. Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát đã thành tựu sức trí huệ phương tiện thiện xảo vậy. Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang đại Bồ Tát bạch rằng:- Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát tâm hướng đến Niết Bàn mà chẳng chứng Niết Bàn, dầu ở tại thế gian mà chẳng bị thế gian ô nhiễm. Nay tôi quy y chư Bồ Tát. Bạch đức Thế Tôn! Nếu có thiện nam thiện nữ được nghe hạnh Bồ Tát như vậy mà sanh lòng vui mừng, người ấy đã từng trồng căn lành từ quá khứ. Tại sao vậy? Nếu người nào nghe pháp môn nầy nhẫn đến một thời gian khoảng chừng khảy ngón tay mà sanh lòng hi hữu, người ấy được chư Phật thọ ký rồi. Tại sao vậy? Vì người ấy nghe pháp môn nầy mà chí tâm lắng nghe kỹ vậy." Đức Phật nói:- Đúng như vậy. Như lời ông nói. Lúc nói Pháp môn đó, có năm trăm Tỳ Kheo chứng Lậu Tận thông.
V. Kết luận: Biển nghiệp rộng lớn mênh mông không bờ mé, có thuyền Bát Chánh mới qua được. Tâm Không như trường thi, có tài mới lọt qua. Người tu đạo muốn đi đến chốn thì cần có lý tưởng và hành trang. Lý tưởng là giới và định. Hành trang là tâm không thủ tướng. Cả hai là tư lương đến cảnh Niết Bàn Vô Sở Đắc. Một thiền sư có nói:
Thật tế lý địa, bất thọ nhứt trần, Phật sự muôn trung, bất xả nhất pháp. DịchĐúng với chân lý thì không nhận có một vật gì, Nhưng về sự tướng tu hành thì không thể bỏ qua một pháp tu nào.
Trong kinh Phật và chư Tổ thường dạy, sự tu học phải có thầy chỉ dẫn và phải theo từng thứ lớp như muốn bước lên nấc thang cao thì phải bước từ nấc thang thấp. Trong Đại Trí Độ Luận có nói: Quả Phật cao xa, Muốn lên thì có thềm bậc. Mây pháp chót vót, Muốn đến phải dần dần Pháp tu Bát Chánh Đạo phải bắt đầu bằng tư duy chứng ngộ về Khổ, Tập, và Diệt Đế, sau đó mới gia công tu tập Đạo Đế là Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo. Muốn tu Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo cũng phải bắt đầu từ Tứ Niệm Xứ mà thực tập theo thứ tự đến hết Bảy Giác Chi Phần, sau đó mới tu tập Bát Chánh Đạo. Sự thực hành có thứ tự thì mới thấy có nhẫn nhục lực và sự tiến bộ, do đó mới có cơ hội giác ngộ. Một vị Tổ sư nói: "Không sợ phiền não nhiều, mà chỉ e giác ngộ chậm." Nay nếu muốn ngộ nhanh, đốt bỏ giai đoạn tu học, chỉ nghiên về lý luận biện minh, thích đọc tụng, hay giảng thuyết, hoặc hay thực hành tà hạnh thì kết quả chẳng những không có mà càng thêm nghiệp chướng. Như trong Kinh Đại Bảo Tích, Tập IX, Pháp Hội Hư Không Mục, Tôn Giả Kiều Trần Như hỏi Phật: - Bạch đức Thế Tôn! Thế nào gọi là Pháp Hành Tỳ Kheo? Phật đáp:- Nầy Kiều Trần Như! Chí tâm lắng nghe. Phật sẽ vì ông mà giải nói. Nếu có Tỳ Kheo thích đọc tụng mười hai bộ kinh Như Lai, đó là kinh Tu đa la cho đến kinh Ưu bà đề xá, đây gọi là thích đọc (không tu) chớ chẳng gọi là pháp hành. Còn có Tỳ Kheo đọc tụng Như Lai mười hai bộ kinh, thích vì đại chúng tuyên dương rộng nói, đây gọi là thích nói (không tu) chớ chẳng gọi là pháp hành. Còn có Tỳ Kheo đọc tụng Như Lai mười hai bộ kinh hay rộng giảng nói suy nghĩ ý nghĩa, đây gọi là thích tư duy (không tu) mà chẳng gọi là pháp hành. Còn có Tỳ Kheo thọ trì đọc tụng Như Lai mười hai bộ kinh giải thuyết tư duy quán nghĩa lý, đây gọi là thích quán (không tu) chẳng gọi là pháp hành. Nầy Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo hay quán thân tâm, lòng chẳng tham trước tất cả tướng ngoài khiêm cung hạ ý, chẳng kiêu chẳng mạn, chẳng dùng nước ái rưới tưới ruộng nghiệp, cũng chẳng ở trong đó gieo giống thức, dứt diệt giác quán, cảnh giới đều dứt, xa lìa phiền não tâm tịch tĩnh. Tỳ kheo như vậy Phật gọi là pháp hành (có tu). Tỳ Kheo pháp hành ấy nếu muốn được Thanh Văn Bồ Đề (A la hán) hoặc Duyên Giác Bồ Đề (Bích Chi Phật) hoặc Như Lai Bồ Đề (Đại Niết Bàn) thì có thể được cả. Nầy Kiều Trần Như! Như thợ làm đồ gốm nhồi đất sét nhuyễn dẻo rồi để trên vòng quay tuỳ ý thành món dùng. Pháp hành Tỳ Kheo cũng như vậy. Nếu có Tỳ Kheo tu pháp hành thì nên (bắt đầu) quán thân, thọ, và tâm (Tứ niệm xứ). Quán ba sự ấy rồi được hai thứ trí là tận trí và vô sanh trí...." Kết luận, pháp tu Bát Chánh Đạo bao gồm kiến giải chính xác và sự thực hành đúng pháp (pháp học và pháp hành). Đó là, trước nhất tìm hiểu nghĩa lý sâu xa về Khổ, Tập, Diệt đế y như lời Phật dạy. Phát lòng tin thanh tịnh về ba thánh đế nầy. Sau đó tu Đạo là Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo, bắt đầu là Tứ niệm xứ sau rốt cuối là Bát Chánh Đạo. Cứ tuần tự nhi tiến không mỏi mệt nhàm chán ắt có ngày đốn ngộ, an trụ "Niết Bàn Vô Trụ Xứ".
 photo d32f96e4-5735-42ad-b39b-a6882e67f3a1_zpsaea4fc6a.jpg
Huệ Lộc Tôn Thắng Đạo Tràng 5/26/2014


No comments:

Post a Comment