Sunday, 18 May 2014

Ai sẽ thay Bắc Kinh đàn áp biểu tình yêu nước?

 
 photo e4e5c13f-a134-4358-b434-b8a0b597ef88_zps9c883346.jpg
 

Tâm Anh (Danlambao) - Sau cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc xâm lược chủ nhật 11 tháng 5, những người dân chủ yêu nước đã phải tốn rất nhiều sức trên mặt trận truyền thông để đề phòng chính quyền lấy cớ công nhân bạo động để đàn áp biểu tình và kích động bản năng bài Hoa. Một điều rất căn bản có phần bị xao lãng. Đó là chỉ ra và lên án việc chính quyền Việt Nam đã để cho giàn khoan khổng lồ của Trung Quốc lọt sâu mới có phản ứng, và không chuẩn bị sẵn các phương án mạnh để đối phó với tình thế xâm lăng mới.
Mấy ngày gần đây, một số nhà nghiên cứu tương đối có uy tín đã bênh vực cho phản ứng của chính quyền Việt Nam, được đánh giá là đúng mực, trước hành động vô cùng nghiêm trọng của Trung Quốc. Những người này có hiểu gì về 'đại cục' hay không? Hay họ muốn biện minh cho phản ứng chậm trễ và giả tạo của chính quyền Việt Nam, hậu quả của những quan hệ đi đêm, thỏa thuận ngầm từ hơn hai chục năm qua giữa ban lãnh đạo đảng Cộng sản và các ông trùm Trung Nam Hải.
 
Trạng thái hết sức bị động, nếu không muốn nói là có một bộ phận tiếp tay cho giặc, của chính quyền Việt Nam thật ra dễ giải thích. Để xảy ra tình trạng này, điều dễ hiểu là tâm thế quy phục sẵn có của ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, không để cơ hội cho một giải pháp Thoát Trung chủ động, nhập hẳn với đại khối các quốc gia dân chủ, văn minh.
 
Đừng quên rằng để Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển, ban lãnh đạo Việt Nam đã phải nhu nhược đến thế nào!
 
Các mặc cả vẫn đang ngầm diễn ra giữa lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam và nhà cầm quyền Trung Nam Hải, nhất là qua chuyến đi chầu Bắc Kinh của thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn, sau khi chính quyền Trung Quốc không nhượng bộ trong tranh chấp giàn khoan. Với lời lẽ mỹ miều là đàm phán, chuyến đi khấu đầu trước Thiên triều nhục nhã này có lẽ không ngoài mục đích để Hà Nội bằng mọi giá giữ trạng thái đi dây hiện nay. Cuộc điện đàm được thuật lại hôm qua 17 tháng 5 giữa hai Bộ trưởng Công an cho thấy mặc cả ngầm đang tiếp tục diễn ra trên đầu nhân dân, cho dù có vẻ như về mặt công khai, hai bên vẫn để cho hải cảnh, kiểm ngư diễn màn súng phun nước và tàu đâm tàu tại khu vực gần giàn khoan Trung Quốc.
 
Trong không khí căng thẳng hiện nay, khi dư luận nghiêng ngả theo nhiều hướng, một số lãnh đạo Việt Nam được cho là theo xu thế cải cách, vẫn đang chơi tiếp trò bắt cá hai tay, một bên là với các tập đoàn quyền lợi nhân danh Đảng lãnh đạo và một bên là bộ phận lớn nhân dân dần dần thức tỉnh, hết niềm tin vào Đảng, khi bị đẩy đến đường cùng.
 
Điển hình cho một thái độ như thế là ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chính phủ. Sau khi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ra công văn cấm tuần hành, ông Dũng cũng đã ra chỉ thị mới ngăn chặn 'biểu tình trái pháp luật'. Mặc dù văn bản này không cấm tuần hành như công văn bị những người yêu nước lên án là hành động của Việt gian của chủ tịch Hà Nội.
 
Việc ra chỉ thị ngăn chặn biểu tình trái pháp luật của ông Nguyễn Tấn Dũng, có thể coi là bật đèn xanh cho chính quyền địa phương đàn áp biểu tình. Mặt khác, với một lối hành văn mập mờ như thế, ông Dũng cũng để cho mình một cửa thoát, để trong trường hợp cần thiết thì biện minh rằng mình vô can, vì chỉ thị này chỉ là để chống biểu tình trái luật, chứ không chống biểu tình đúng luật (một bộ luật mà trên thực tế chính phủ của ông đang còn nợ với toàn dân, sau lời tuyên bố mỵ dân của ông năm 2011). Làm như vậy, hẳn ông Dũng tin rằng vẫn giữ được một gương mặt ít nhiều không dính máu người yêu nước, để một vài trí thức nhân sĩ còn đặt niềm hy vọng vào ông như một lãnh đạo cải cách.
 
Liệu hành động bắt cá hai tay của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay trước ngày biểu tình cho thấy đảng Cộng Sản vẫn cố duy trì đến cùng độc quyền yêu nước, sẵn sàng đàn áp những tiếng nói bất đồng?
 
Ít giờ trước cuộc biểu tình 18 tháng 5 năm 2014
 

No comments:

Post a Comment