Sunday, 29 June 2014

Thượng Toạ Thích Giác Đẳng - Nên xét lại chính mình hơn là tìm kiếm lỗi người

 photo 78a1d52b-c24c-4a4b-9381-286f5ce40a9b.jpg

Hỏi: Nên xét lại chính mình hơn là tìm kiếm lỗi người.
(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng giảng : Đức Phật Ngài đề cập đến một tánh hạnh con người của chúng ta làm thành thói quen, hay chỉ là tật xấu đơn giản mà thôi. Trong thế gian đó có thể nói rằng bản thân của chúng ta đều có hoặc ít hoặc nhiều. Nhưng Đức Phật cho biết rằng một số thói tật xấu có thể làm nguy hại sự tu tập của chúng ta. Đó là, một người ưa tìm lỗi của người khác sẽ tạo điều kiện cho sự phiền não trong lòng mình tăng trưởng, người đó không thể đắt đạo chứng quả được.
Hầu như chúng ta ít có nghĩ rằng những tật xấu nhỏ như vậy ảnh hưởng đến trong đời sống chúng ta, nhưng qua cái nhìn của Đức Phật thì tật xấu chỉ nhỏ, nhưng nó thường xuyên xảy ra trong đời sống và nó trở thành một phần quan trọng trong đời sống, lập đi lập lại hầu như ngày nào cũng có, nó sẽ hướng tâm tư của chúng ta đi về một cảnh giới khác hoàn toàn.
Chúng tôi được nghe Ngài Achaan Maha Boowa đã đề cập đến một sự việc: nếu chúng ta nói lời những lời nhảm nhí vô ích, tuy rằng lời nhảm nhí vô ích không hại ai, chỉ là lời nói tào lao mà thôi, lời nói nhảm nhí vô ích cho chúng ta thấy rằng một người không quí trọng thì giờ, và không có quí trọng điều gì có được ở trong cuộc sống, người đó không nhận định được điều gì nên làm và đáng làm. Điều đó cũng chứng tỏ, một người thường nói lời nhảm nhí vô ích tức là người không có mục đích gì quan trọng hơn để làm, do vậy người này tiếp tục nói nhảm nhí vô ích .
Đối với chúng ta, việc nói chuyện tào lao không có lỗi gì nặng như giết người, cướp của, nhưng đối với vị Thiền sinh hành thiền thì điều đó là điều ngăn ngại rất lớn. Ngày xưa cũng vậy, Đức Phật Ngài dạy một người sống mà chỉ nhắm vào lỗi người khác, khi người đó chỉ trích người mà không tự xét lại chính mình và không thấy rõ việc nào là việc nên làm, thì tất nhiên người đó đang làm việc hết sức tai hại, tạo điều kiện cho phiền não sanh khởi.
Về điểm này phải nói rằng đó là một trong những nguyên nhân tại sao chúng ta sống trong thế giới ngày hôm nay, thế giới đó khiến cho chúng ta gần ác pháp và xa thiện pháp, chúng ta cảm thấy trong một thời đại con người có nhiều quyền tự do, nhất là tự do ngôn luận người ta dễ dàng phê phán, chúng ta thường phê phán rất thoải mái về cách làm việc của các cơ chế chính quyền, phê phán Thầy dạy học của mình, phê phán ông Thị Trưởng trong thành phố chúng ta đang sống, hoặc giả chúng ta phê phán bạn bè. Nhưng sự phê phán chúng ta nghĩ vô tội vạ, tỷ dụ như chúng ta phê phán về cách ăn mặc của người nào đó hợp thời trang hay không hợp thời trang, hoặc giả chúng ta phê phán người này đẹp, người kia xấu, nhưng thật ra phê phán hay chỉ trích như vậy, nó chỉ chứng tỏ cho chúng ta thấy một sự việc, chúng ta rất là nghèo nàn về mặt đời sống nội tại.
Chúng ta hãy nhắm mắt lại để hình dung một hình ảnh, một người đang có một cơ sở thương mại, làm ăn rất tốt, làm ra tiền, chúng tôi lấy vị dụ cụ thể như vậy, do việc làm ra tiền, đời sống rất sung túc, và người đó tập trung hết tinh thần vào công ăn việc làm, người đó không muốn bỏ thì giờ ra để ngồi tán ngẫu, hoặc giả nói ông A bà B, vị này tốt, vị kia xấu, hoặc giả lấy cái gì người khác làm để nói điều thị phi, làm điều để nói hơn thiệt, trong lúc điều đó thật sự không liên quan đến chúng ta.
Ở đây Đức Phật Ngài đề cập đến hai sự việc : Sự việc thứ nhất là một người thường tìm cách chỉ lỗi, chỉ trích người khác, người đó đang tạo điều kiện cho các lậu hoặc phiền não sanh khởi, bên cạnh đó thì mất khả năng tu chứng của mình.
Chúng ta có thể nói ngắn gọn : nếu một người có tánh hay phê phán hay chỉ trích, thì người đó chỉ có thể tìm thấy cái đúng cái sai của người khác, cho dù lời chỉ trích đó là lời chỉ trích rất tinh tế, cái lỗi người khác thật sự có lỗi như vậy,người khác thật sự dở như vậy, nhưng nếu chúng ta nhìn vào đó để phê phán, chúng ta đang làm một công việc hết sức oan uổng, đó là phí phạm thì giờ của mình, thay vì thì giờ đó mình có thể làm nhiều việc khác.
Không may cho chúng ta là chúng ta sống trong một nền văn hoá như nền văn hoá Việt Nam, cái gì cũng có thể chê được, và trong nền văn hoá hay chê đó, mình nghĩ rằng khi mình nêu nên một điều lầm lỗi của người khác, có nghĩa mình là người trí thức, mình là người biết chuyện hay chuyện đúng, mình là một người có thể hiểu cái gì đúng, cái gì sai. Nếu trên thực tế chúng ta đóng vai trò kẻ phê phán, phê phán ở đây tức là chúng ta phê phán người khác, nó rất đơn giản cho biết rằng tự thân của chúng ta có rất nhiều điều cần phải thay đỗi, thường mình không thấy được rõ ràng, người ta thường nói “Chân mình thì lấm lê mê. Đi cầm bó đuốc mà rê chân người”, tức là chúng ta không có xem xét chính mình, chúng ta chỉ lấy bó đuốt để xoi qua người khác coi có lấm bùn hay không, đó là thói tật chúng ta thường có trong đời sống hàng ngày của mình.
Đức Phật Ngài dạy đó là điểm rất nghiêm trọng, chứ không đơn giản, bởi vì chúng ta là người tu đạo, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta tạo điều kiện cho phiền não tăng trưởng, và nếu điều đó lại là một sự ngăn ngại cho sự tu tập của mình, nó không phải một việc tầm thường. Như vậy trong quan điểm của người tu tập chúng ta bớt đi chỉ trích, bớt đi phê bình, nếu phải nói thì nói ở mức độ nào đó rất là tình tiết, ngoài ra chúng ta không lấy điều đó là một điều thích thú, lấy điều đó phê phán người khác, để trở thành một chiếc gối ôm ở trong đời sống của mình, nghĩa là nó tha thiết với chúng ta.
Bởi vì sao? Bởi vì Đức Phật Ngài đã dạy ở đây rất rõ ràng, đó không phải là cách tốt cho cuộc sống của chúng ta.
Mỗi  người chúng ta dù giầu hay nghèo, dù có quyền thế hay kẻ cô thân, chúng ta chỉ có hai mươi bốn giờ một ngày không nhiều hơn và không ít hơn, và trong suốt hai mươi bốn giờ đó chúng ta sống như thế nào nó xứng đáng, sống như thế nào có ý nghĩa đó là chuyện của mỗi cá nhân, không phải chúng ta là người có bằng cấp thì chúng ta làm cho có nhiều tiện lợi hơn, hay điều đó làm chúng ta thấy có ý nghĩ hơn, Đức Phật dạy rằng nếu chúng ta vận dụng thì giờ đó làm điều gì có lợi, thì điều đó chứng tỏ rằng chúng ta biết được mục đích, biết được cái gì nên làm trong đời sống.
Đức Phật Ngài nêu nên hình ảnh một người hay chỉ trích người khác, hay phê bình người khác, người này có hai điều không có được lợi lạc:
1. Điều không lợi lạc đầu tiên, chính người này đang dọn cái ổ cho phiền não lậu hoặc tăng trưởng.
2. Điều thứ hai, người này đang ngăn trở trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát của mình.
Có thể khi quí Phật tử nghe ở đây trường hợp này, thật sự không phải trường hợp lớn để mà nói, mà giả sử như chúng ta có gặp một người không tu tập mà như thế đó, chúng ta chỉ cười ít khi chúng ta để ý đến, nhưng với một người tu tập thì việc đó rất là nghiêm trọng .
Có một lần chúng tôi nghe một vị danh sĩ nào đó đã viết trong một quyển sách rằng, nếu một người làm việc, hay một người có trách nhiệm với đời sống, mà họ cảm thấy cuộc sống trống trải, cái đó là một sự thất bại. Bởi vì sao? Bởi vì trong cuộc sống mình không có đủ hết thì giờ để làm những việc cần thiết, lấy đâu có dư thì giờ để hoang phí. Một người có trí tuệ là người biết tận dụng cuộc sống mình cho những việc lợi ích, không phải ai ai cũng có. Nên chi trong hàm ý tuy rằng rất gián tiếp nhưng cho chúng ta thấy sự việc rằng một người chỉ biết chỉ trích hay phê phán người khác, người đó không biết rằng chính bản thân mình có rất nhiều điều mình phải tự tỉnh và mình phải tự nhìn lại, chứ không bỏ thì giờ ra để nghĩ về người khác./.

No comments:

Post a Comment