Sunday, 29 June 2014

PTTPGQT – Đạo từ của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và Huấn từ của Hòa thương Viện trưởng Viện Hóa Đạo Thích Như Đạt gửi đến Lễ Húy nhật Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang và Lễ Cầu nguyện cho Vẹn toàn lãnh thổ lãnh hải Việt Nam

 photo HT_TQD_THQ-1-1.jpg


LOS ANGELES, ngày 22.6.2014 (PTTPGQT) — Tại Hội trường Union Hall ở thành phố Santa An chiều chủ nhật 22.6.2014, gần 800 đồng bào các giới, quan khách Hoa Kỳ và đại diện các đoàn thể hội đoàn đã đến tham dự Lễ Húy nhật Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, đồng thời cũng là Lễ Cầu nguyện cho Vẹn toàn Lãnh thổ Lãnh hải Việt Nam và Cầu siêu Tưởng niệm Phật tử Lê Thị Tuyết Mai vị Quốc vị Pháp thiêu thân tại Saigon ngày 23.5.2014. Hội trường chỉ sắp đặt 500 ghế. Nhưng số lượng người đến đông, nên phải sắp thêm ghế và còn nhiều người phải đứng.
Chương trình gồm có ba phần, phần một là nghi lễ theo hai truyền thống Nam tôn và Bắc tông, phần hai chiếu phim và thuyết trình, và phần ba hội luận. Xen kẽ giữa các phần là phụ diễn văn nghệ do Đoàn Hương Thiền trình bày. Đặc biệt có bài thơ của Hòa thượng Quảng Độ viết từ nơi lưu đày Thái Bình gửi Hòa thượng Huyền Quang bị lưu đày ở Quảng Ngãi, và bài Ngọn Lửa Tuyết Mai do Chi Huệ ngâm một cách điêu luyện và thiết tha làm xúc động hội trường .

Mở đầu chương trình, sau phần chào cờ và Mặc niệm là phát thanh Đạo từ của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ qua băng thu âm tiếng nói của Ngài tại Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon.

Sau nghi lễ là trình chiếu cuốn phim 40 phút về Cuộc Đời Vì Đạo Vì Dân của Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang. Hội trường cực kỳ xúc động khi nghe trực tiếp tiếng Ngài phát biểu từ năm 1992 cho đến 2003, rồi tiếng nói của Ngài tại Đại hội Nguyên Thiều tỉnh Bình Định hay những năm tháng gần gũi trước khi Ngài viên tịch, qua bao nhiêu thăng trầm, thống khổ, tù đày. Thượng tọa Thích Giác Đẳng và Cư sĩ Võ Văn Ái thuyết trình về sự đóng góp lớn lao của hai Ngài Huyền Quang và Quảng Độ tay không tấc sắc vẫn Vô Úy, Đại Bi, Đại Hùng, Đại Lực trước cường quyền để bảo vệ đạo lý và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Ở phần ba, mở đầu cuộc Hội luận, Hòa thượng Thích Huyền Việt tuyên đọc Huấn từ của Đại lão Hòa thượng Thích Như Đạt, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, nói lên công hạnh của Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang.

Dù Ban tổ chức không hề ngỏ lời quyên góp bất cứ điều gì, nhưng sự kiện xúc động nhất là ở phần Hội luận, một số đạo hữu tự động mang tặng người 100, 200, người 4000, một vị ẩn danh tặng 10 nghìn Mỹ kim. Người thì bảo vì không biết trước, nên trong túi có bao nhiêu xin đóng góp bấy nhiêu gây cơ sở Giáo hội ở nơi Thủ đô của người Việt Tị nạn. Ấy là vì chư vị nghe Đức Tăng Thống kêu gọi qua Đạo từ giúp đỡ Giáo hội tạo dựng cơ sở mới tại miền Nam California.

Trên đây chỉ là tường thuật sơ bộ, vì để đáp ứng đòi hỏi của quý vị truyền thông báo chí về Đạo Từ và Huấn từ, chúng tôi phải gửi ngay qua Thông cáo báo chí này hai văn kiện nói trên. Chúng tôi sẽ có tường đầy đủ hơn về buổi lễ đầy tình nghĩa, ân cần và thông cảm vào một buổi chiều chủ nhật có rất nhiều cuộc tổ chức trùng hợp trong Cộng đồng tại đây.

Sau đây là Đạo Từ của Đức Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, và Huấn từ của Đại lão Hòa thượng Thích Như Đạt, Viện trưởng Viện Hóa Đạo :


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN TĂNG THỐNG
90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP Saigon
Phật lịch 2558
Số 05/ĐT/TT/VTT

ĐẠO TỪ

nhân kỳ Lễ Huý nhật lần thứ 6 Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống
Thích Huyền Quang và Lễ Cầu nguyện Vẹn toàn
Lãnh thổ Lãnh hải Việt Nam

 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính bạch Chư Tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni,
Thưa toàn thể Đồng bào Phật tử trong và ngoài nước,

Thời gian qua, Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) và bản thân tôi, nhận được nhiều thư của quý nhân sĩ và đồng bào các giới thúc đẩy Giáo hội lên tiếng, và đề xuất những biện pháp cứu nguy đất nước, trước nạn độc tài đảng trị làm điêu linh dân tộc. Vô hình trung, nạn độc tài này lại nuôi dưỡng bước chân xâm lược biển đảo và lãnh thổ mà tổ tiên nước Việt đã đổ xương máu gầy dựng suốt bao nhiêu đời.

Chúng tôi tri ân sự tin cậy và trông chờ của chư liệt vị đối với Giáo hội chúng tôi. Tuy nhiên điều cần nói là GHPGVNTN là một tôn giáo, hoà quyện cùng dân tộc trên hai nghìn năm qua, để dựng xây nền văn hiến và bảo vệ chủ quyền nước Việt. Sự đóng góp này là ý chí hoằng hoá chúng sinh của đạo Phật, mà tiêu đích thấy rõ, là bao lâu con người chưa giải thoát giác ngộ, thì xã hội không sao thay đổi, tiến bộ. GHPGVNTN không là một đảng chính trị để có biện pháp thích nghi trong vấn đề điều hành quốc gia.

Theo giáo luật Phật chế, Giáo hội không làm chính trị, không tham gia chính trị. Thế nhưng chư Tăng Ni vẫn là công dân của một nước, tức có trách vụ đóng góp ý kiến khi công động xã hội luân hiểm đưa tới sự mất nước hay suy vong.

Thái độ này đã là truyền thống dấn thân xã hội, mà người Phật tử Việt Nam, chư lịch đại tổ sư, các đạo sư, thiền sư không ngừng quan tâm suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, ở thời bình cũng như thời chiến. Sự đóng góp của đạo Phật Việt trên căn bản của đại thừa giáo đã là nền tảng dựng nước và giữ nước không thể phủ nhận. Cho nên mọi âm mưu biến tướng đạo Phật nói chung, và GHPGVNTN nói riêng, đi ngược quyền lợi đất nước.

Cuộc vận động cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ của GHPGVNTN suốt 39 năm qua, đã là hành hoạt kiên trì mang tính đồng hành cùng dân tộc như giải pháp cứu nguy tình thế và phát triển quốc gia.

Không tôn trọng nhân quyền cơ bản, thì người dân chưa được làm người để xây dựng một xã hội hoà ái. Không thực thi dân chủ đa nguyên, thì quốc gia biến thành trại lính, khó chen chân vào thế giới văn minh tiến bộ và phát triển ngày nay.

Vì vậy, mười ba năm trước, ngày 21.2.2001, tôi đã gióng Lời Kêu Gọi Cho Dân Chủ với một chương trình chính trị 8 điểm. Ba năm sau đó, ngày 3.2.2005, tôi lại gửi Lời Chúc Xuân nhân Tết Ất Dậu đến quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Ðồng bào trong và ngoài nước, tái khẳng định ý nghĩa của Vô thường rằng : “Hạnh phúc có thể tái tạo, tự do có thể thiết lập, nô lệ có thể chấm dứt. Cho nên kẻ sĩ phu theo thời mà thông biến. Lịch sử nước ta trải dài nhiều nghìn năm cho thấy sĩ phu là giới hiểu thời vụ, nhờ hiểu thời vụ mà ra tay chuyển hóa thời đại làm cho quê hương thoát cơn luân hiểm, sinh dân được an lạc”. Và rằng : “Không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước. Lẽ giản dị là nhiều ý kiến vẫn hơn một ý niệm độc tôn, nhiều thành phần chính kiến, tôn giáo, xã hội, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương, vẫn hơn một đảng phái độc quyền bao cấp quản lý”.

Liền đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn Ðài nước ngoài, tôi ngỏ lời “Đề nghị Nhà nước Việt Nam không nên sợ hãi. Chỉ sợ mình không có chính nghĩa, không thật sự có tâm huyết với dân tộc thôi. Chứ sợ gì mất quyền. Ðừng sợ có tự do, dân chủ là mình mất quyền. Không đâu. Người dân bây giờ tinh tường lắm. Ai có công, ai thật sự vì dân, vì nước, người ta biết. Miễn là mọi đảng phái khác cũng được quyền tham dự để cho dân có cơ sở so sánh, lựa chọn, các đảng phái có cơ sở tranh đua phục vụ tổ quốc. Ðừng sợ nhiều đảng loạn quyền. Chỉ sợ dân trí bị kìm hãm trong chủ nghĩa ngu dân thôi. Mà đã ngu dân, thì một đảng cũng sinh loạn”.

“Bối cảnh nước ta ngày nay, theo tôi suy nghĩ vào năm 2005, không cần có vài chục đảng mới thiết lập được dân chủ. Chỉ cần một đảng tả khuynh, một đảng hữu khuynh, một đảng trung hòa đại diện cho các dòng suy nghĩ chính lưu. Nhưng trái lại, phải có nhiều xã hội dân sự tự do xuất hiện với mọi quyền con người cơ bản, ắt việc nước sẽ khai thông, quốc gia sẽ thịnh trị. Ðiều kiện tiên quyết muốn được như vậy là phải có tự do, dân chủ thật sự để mỗi người và mọi thành phần xã hội được bình đẳng tham gia việc nước. Không sung sướng gì bằng, không hạnh phúc gì bằng, khi những người làm chính trị được chính người dân tin tưởng giao quyền cho. Ðời sống nhân dân các nước dân chủ ở Bắc Âu là mô thức khá hoàn hảo về sự an lạc và tự do của người dân mà chúng ta có thể học hỏi, nghiên cứu, dung hóa, áp dụng vào bối cảnh Việt Nam”.

Phải có dân chủ đa nguyên thì mới giải quyết mọi vấn nạn bế tắc. Ba mươi chín năm qua, đất nước đã bế tắc trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, tôn giáo, văn hoá, chính trị. Nay thêm nạn ngoại xâm đến từ phương Bắc, mà sự kiện giàn khoan Hải dương 981 của Trung quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đầu tháng 5 vừa qua, là thách thức lớn, báo hiệu thời đại Bắc thuộc lần thứ hai khai diễn. Nếu Nhà nước Cộng sản Việt Nam không có tâm hướng Hộ Quốc, Hộ Dân, tất rơi vào tâm địa của một chính quyền bán nước hại dân.

Tâm hướng Hộ Quốc Hộ Dân trong lúc này chẳng có giải pháp nào khác ngoài tiến trình dân chủ hoá chế độ. Trong cuộc kháng chiến giành độc lập năm 1945, tuy đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo, nhưng nếu không có sự tham dự của toàn dân qua mọi khuynh hướng đảng phái và tôn giáo, thì cũng thất bại. Sự lãnh đạo độc tôn này lại là bài học đau thương gây chết chóc hằng triệu dân lành hai miền Nam Bắc, trở thành cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cuộc phiêu lưu chính trị, làm tiêu hoại túi khôn dân tộc so với các quốc gia khu vực như Ấn Độ, Singapore, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, Nam Dương, v.v…

Nước mất, thì đạo giáo, văn hiến, dân tộc cũng mất theo. Nô lệ chưa bao giờ là cách sống và thế đứng của người dân Việt. Diên Hồng không là một hội nghị hình thành từ sự kêu gọi hay tập họp. Diên Hồng là ý chí và xung lực của toàn thể nhân dân. Thời đại nhà Trần đã thành công nhờ ý chí và xung lực ấy. Vì đâu tám thế kỷ sau, ý chí ấy không trưởng thành ?

Kìm hãm sự trưởng thành là chế độ độc tài độc đảng dựa vào ý thức hệ Mác Lê Mao. Nay cần thanh toán mầm mống ngoại lai làm tiêu hoại thần trí và tinh não Việt Nam.

Nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi cất lời kêu gọi giới nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà lãnh đạo tôn giáo và đồng bào các giới hãy chung lòng kết hợp chung quanh Giải pháp Dân chủ đa nguyên như vũ khí chống ngoại xâm và phát triển đất nước, tái tạo ý chí Diên Hồng vào thế kỷ XXI.

Thanh Minh Thiền Viện, Saigon ngày 16-6.2014
TM. Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN
Đệ Ngũ Tăng Thống
(ấn ký)Sa môn Thích Quảng Độ

 
Dao Tu cua Thich Quang Do 1
Dao Tu cua Thich Quang Do 2
 

Huan Tu cua Thich Nhu Dat 1/3
Huan Tu cua Thich Nhu Dat 2/3
Huan Tu cua Thich Nhu Dat 3/3
 

No comments:

Post a Comment