Saturday, 7 June 2014

Thượng Tọa Thích Giác Đẳng - Hành Duyên Thức

 photo 6e617368-6248-4b1c-affa-5c7eda3dcae0.jpg

Hỏi: Hành Duyên Thức
Bài giảng tại khoá tu học bên Thụy Sĩ, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Thí dụ ở bên này cầu có rất nhiều người phải đi qua cầu phía bên kia và cái cầu đó mỗi lần chỉ đi được một người mà thôi, mặc dầu có rất nhiều người muốn qua cầu, họ đứng lộn xộn nhưng khi qua cầu họ phải xắp hàng một để đi. Tại sao có hàng một? với cây cầu phải xếp hàng một để dụ cho ngã chấp của chúng ta, mặc dầu chúng ta có khi làm thiện có khi làm ác nhưng vì ngã tánh của chúng ta nên đời sống của chúng ta giống như đi qua cầu đi một lần chỉ được một người thôi. Do ngã chấp như vậy nên kiếp tới của chúng ta thì một lần chỉ được một việc sanh ra mà thôi, việc khởi đầu đó gọi là kiếp sanh thức hay là nghiệp đi tục sinh.
Có nghĩa là như vầy, nói theo một cách khác thì ngày hôm nay qúi vị đến chùa để dự một khoá tu học và việc quí vị tu học ở đây có thể sanh ra quả về sau là một người có trí tuệ bởi vì là một người học Phật Pháp. Nnhưng rồi chiều nay hay tối nay chúng ta có chuyện gì gây gỗ với người khác, chúng ta nói người khác nặng nề hay chúng ta về chửi cha mắng mẹ thì những nghiệp đó có tiềm lực, nó có đủ hạt giống để về sau chúng ta sanh làm người gặp quả khổ vì việc làm lúc trước của mình.
Rồi qúi vị nhớ năm, bảy năm trước đây chúng ta cũng đã từng dâng y, chúng ta cũng đã từng làm việc này việc khác, như vậy có nhiều nghiệp có khả năng để dẫn chúng ta đời sau đi tái sanh.
Tuy nhiên không phải tất cả các nghiệp đó đều trổ quả trong kiếp kế tiếp của chúng ta (chúng ta gọi là sanh báo nghiệp).
Có ba trường hợp và ba trường hợp đó được biết tới qua cái cầu bắt qua sông, cầu đó gọi là những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Giây phút cuối cùng đó là giây phút quyết định kiếp sống chúng ta phải làm như thế nào. Đức Phật Ngài có ví dụ như là một đàn bò nhốt trong chuồng, khi mở cửa ra thì con bò nào gần cửa nhất thì con bò đó sẽ đi ra, không phải là con bò mạnh hay con bò yếu mà là con bò nằm ở phía cửa thì sẽ đi ra.
Thì trọn cả đời sống của chúng ta, tất cả những nghiệp nào chúng ta làm đều quyết định bởi giây phút cuối cùng, tức là giây phút chúng ta sắp chết. Giây phút cuối cùng đó nếu là ý niệm thiện thì chúng ta sẽ sanh vào cảnh giới an lạc và nếu là tâm niệm bất thiện thì chúng ta sẽ sanh vào cảnh giới khổ đau.
Bây giờ qúi vị hỏi rằng: “Nếu như vậy thì quá dễ, cứ suốt cuộc đời chúng ta làm ác rồi giờ phút cuối cùng thì chúng ta hãy giữ một ý niệm thiện thì như vậy chúng ta sẽ siêu sanh.” Nói thì dễ thưa qúi vị, nhưng có hai điều không dễ.
1- Điều thứ nhất là người càng gần cái chết thì người đó càng thành thực với chính bản thân của mình.
2- Điều thứ hai là khó có người nào suốt cuộc đời họ làm ác mà lúc chết họ không nhớ đến chuyện ác. Nói như vậy chẳng khác gì nói là chúng ta cứ đi chơi cho đã rồi giờ phút cuối cùng đi thi chắc cũng đậu. Thật ra cứ chơi hoài thì cũng khó học giỏi, khó có điểm cao, mặc dầu có những người rất xuất sắc, có những trường hợp rất ngoại lệ nhưng không phải lúc nào cũng học tài thi mệnh.
Như vậy giờ phút cuối cùng bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố:
1) Yếu tố thứ nhất là ảnh hưởng tới những gì chúng ta gọi là thói quen, thói quen gọi là thường nghiệp, quán nghiệp.
2) Yếu tố thứ hai là tác ý.
3) Yếu tố thứ ba là những hành nghiệp do thân, khẩu, ý đều có ảnh hưởng đến giòng tâm thức và chính giòng tâm thức đó ảnh hưởng đến kiếp sau của mình
1) Yếu tố thứ nhất là ảnh hưởng tới những gì chúng ta gọi là thói quen, thói quen gọi là thường nghiệp, quán nghiệp.
Thí dụ qúi vị đi dạy học hay quí vị làm nghề kế toán hay qúi vị làm việc computer, hay hằng ngày qúi vị đi chùa lạy Phật v.v… tất cả đó đều tạo cho chúng ta một thói quen, thói quen đó trong những giờ phút lâm chung là cái gì mà chúng ta nhớ đến. Hoặc giả một yếu tố khác chi phối trong đời sống khi chúng ta làm việc gì rất nặng mà đạo Phật gọi là trọng nghiệp.
 Nói về việc thiện như tu thiền, hay có một lần nào đó qúi vị bố thí làm lễ dâng y hay bố thí cho người nghèo mà rất cảm động chẳng hạn, thì đó là thiện nghiệp. Và bỗng dưng do duyên nghiệp nào đó trong giờ phút cuối cùng cận tử, tự nhiên họ gặp một vị Sư hay họ gặp Đức Phật hay một người bạn tụng một thời kinh chẳng hạn, thì dầu rằng cả đời của người đó không bao giờ biết Phật Pháp, hay cả đời người đó làm ác, nhưng vì cái duyên ở quá khứ, duyên may nào đó, và giờ phút cuối cùng người đó lại gặp được hoàn cảnh như vầy thì họ cũng có thể giờ chót họ ra đi với một tâm niệm rất an nhàn.
Ngược lại như vua A Dục suốt cuộc đời làm phước bố thí nhưng cuối cùng theo di chúc nhà vua muốn làm phước nhiều hơn nữa thì các quan thấy nhà vua bịnh rồi nên không làm theo ý nhà vua, và nhà vua chết đi trong sự uất ức rồi tái sanh thành con rắn, nhưng cái nghiệp đó chỉ ngắn trong bảy ngày thôi. Tuy nhiên, nó có một ảnh hưởng rất lớn đó là ở trong giây phút cuối cùng. Có thể suốt cuộc đời chúng ta làm thiện mà giây phút cuối cùng chúng ta gặp chướng duyên nào đó thì tâm niệm bất thiện vẫn dẫn chúng ta đi tái sanh. Tâm niệm về một người suốt cuộc đời họ làm ác nhưng cuối cùng họ được duyên may nào đó, họ được tâm niệm thanh thản trong lòng hay được ai nói lời khai thị thì họ cũng có thể có được ý niệm rất tốt đẹp. Nói có đi thì cũng phải nói có lại là tất cả những điều đó giây phút cuối cùng quyết định, nhưng đời sống hàng ngày của chúng ta cũng ảnh hưởng đến giờ phút sau cùng, chứ không có nghĩa là như người ta nói nếu như vậy thì mình có quyền sống sao đó rồi tới giờ phút cuối cùng mình chỉ cần có ý niệm tốt là đủ.
Chúng tôi đã đi tụng kinh và đã tiếp xúc với rất nhiều người. Trong đời đi tu có những rất may mắn đó là được tiếp xúc với rất nhiều Phật tử trong những giờ phút sau cùng của họ, có những người khi sắp chết tay họ còn nắm tay chúng tôi, có nhiều khi chúng tôi vào đang tụng kinh như vậy thì họ ngất đi rồi chết, có những lúc họ đang hấp hối, nước mắt họ dàn dụa ra rồi họ nghẻo đầu chết. Có lẽ qúi vị rất ít khi gặp trường hợp đó tại vì trừ những người thân ra thôi còn ở trong đời ít có khi nào qúi vị được gần người bịnh lúc họ sắp lâm chung. Nhưng chúng tôi vì đi xuất gia ở trong chùa đôi lúc Phật tử họ bịnh rồi họ nằm ở nhà thương hấp hối người nhà gọi điện thoại để chúng tôi đến tụng kinh, ở trong đời chúng tôi nhớ không lầm thì chúng tôi đã có tiếp xúc nhiều trường hợp như vậy, nghĩa là đến gặp họ trong những giờ phút sau cùng trước khi họ chết.
 Ông bà ngày xưa nói : “Con chim khi sắp chết tiếng hót của nó bi thống vô cùng.” nó hót với tất cả đáy lòng của nó, thì con người vào lúc chết thì sống rất thật, rất thật với cái nghiệp của chính họ.
Bình thường thì chúng ta muốn che dấu, thí dụ như chúng ta ở nhà sống thoải mái, khi đến đám đông thì chúng ta giữ kẽ, chúng ta giữ quy củ nề nếp hơn, khi chúng ta nói chuyện với người thân thì chúng ta nói đùa nói giỡn nói sao cũng được, khi chúng ta nói với người lớn thì chúng ta giữ lời nói, nhưng những sự gìn giữ đó chỉ là gìn giữ lúc ta khỏe mạnh mà thôi, lúc chúng ta sắp lâm chung, đầu óc của chúng ta rất là muội lượt. Bởi vậy thường tiếng nói của người sắp chết là tiếng nói tận đáy lòng, khi họ tha thứ hay khi họ giận hờn hay oán thù, tất cả đều trút ra trong giờ phút cuối cùng, giờ phút sanh tử đó, giờ phút quyết định đó là giờ phút mà chúng ta phải chịu tất cả ảnh hưởng những gì mà chúng ta đã làm trong đời sống hàng ngày.
Như chúng tôi tin tưởng một điều rất là mạnh, đó là chúng ta cứ lâu lâu cứ đi chùa, lâu lâu học kinh, lâu lâu học Phật pháp, không có cách gì mà trong trường hợp nào đó chúng ta có thể quên được rằng chúng ta là người biết đạo, dầu chúng ta biết với thái độ bình tỉnh hay chúng ta biết với thái độ bối rối, nhưng chúng ta nên nhớ rằng chúng ta có duyên rất lớn với Phật Pháp.
Thì chính những điều đó chúng tôi muốn hỏi qúi vị ở đây có khi nào qúi vị thấy người nào uống lộn thuốc hay là họ nóng quá họ lên cơn sốt không? khi họ lên cơn sốt tới mức độ nóng quá thì họ nói sảng, và lúc họ nói sảng thì họ có thể nói bất cứ điều gì. Có một lần ở Việt Nam có Sư Ngộ Đạo và bây giờ Sư đã hoàn tục rồi, ở gần Sư chúng tôi biết rằng trong đời sống hàng ngày Sư là người tha thiết với Phật Pháp, lúc nào cũng học chuyên Phật Pháp ít khi nào nghĩ tới thế sự hay chuyện này chuyện khác, tuy nhiên một lần sư bị bịnh, lần đó sư uống lộn thuốc, rồi cả người Sư sốt nóng, và khi Sư sốt nóng lên lúc đó con người không tự chủ được nữa, và Sư Thiện Pháp nhờ các vị nấu đậu xanh để Sư này uống giã thuốc ra, thì khi Sư Ngộ Đạo sảng như vậy thì những gì Sư nói toàn là từ trong Vi Diệu Pháp, Sư nói rời rạc không mạch lạc, không thứ tự và Sư cũng không biết Sư nói cái gì, nhưng nó phát xuất từ tâm ý đáy lòng của Sư, và Sư nói toàn về Vi Diệu Pháp về pháp học này.
Thì như vậy chúng ta thấy một điều rất rõ ràng là nhiều lúc mình không phân biệt được đó là bản năng hay đó là chủ tâm của mình, tuy nhiên bởi vì nó ăn sâu vào đời sống của mình rồi và trong giờ phút đó đã khiến nhớ lại. Như trong kinh nói rằng một người đồ tể thì lúc chết có nhiều khi họ không thấy họ giết nhau nhưng họ thấy con dao hay tự nhiên họ nghe tiếng heo bị thọc tiết. Hay một người thầy giáo thì thấy phấn thấy bảng thấy học sinh thấy bục giảng, hay người thợ may thấy vải hay kim chỉ v.v… Những điều đó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mình, thì như vậy nó là những tiềm thức dẫn chúng ta đi tái sinh.
Khi trong kinh điển nói “hành duyên thức” có nghĩa là một hành động thiện hay bất thiện nào đó sẽ gieo hạt giống vào trong chủng tử, chủng tử đó tất nhiên nó không chứa chỗ nào thường xuyên. Như thí dụ quí vị Phật tử ở đây qúi vị nói tiếng Pháp, không phải lúc nào trong đầu cũng chứa cả tự điển nhưng khi nói thì tự nhiên nó bật ra, hay là giống như trong cục đá không có lửa trong đó nhưng nếu qúi vị ghiền cục đá này đập vào cục đá kia khi nó đủ điều kiện thì nó phát sanh ra lửa, vì bản chất của cục đá khi cọ sát với nhau thì có thể sanh lửa được.
Thì ở đây khi Đức Phật Ngài nói về “hành duyên thức” Ngài nói rằng: “hành động của chúng ta có tác động rất lớn vào trong ý và tâm ý đó sẽ dẫn chúng ta đi tái sanh về sau này tạo ra kiếp tới.
2) Yếu tố thứ hai là tác ý:
Hôm nay chúng tôi nói chuyện với một vị đạo hữu về trường hợp theo trong kinh Phật những tác ý của người phàm phu chúng ta không có tác ý nào là một chiều hết, nghĩa là không có ý niệm nào khởi lên mà không có phản ứng lại của nó. Qúi vị cầm một vật cho một người nào đó, hành động đó không phải chỉ là hành động người đó họ nhận cuốn sách là hết, mà hành động đó có ít nhiều thay đổi trong đầu óc của qúi vị mà chúng ta không biết được, đó gọi là phản ứng ngược lại.
Như một người bố thí và bố thí hàng ngày hay một người trì giới hàng ngày hay người nghe pháp hàng ngày, hay người làm việc thiện hàng ngày, thì việc làm đó lâu ngày tâm tánh họ có thay đổi đi.
Chúng tôi kể qúi vị nghe câu chuyện về một vị cao tăng đến thăm một làng bên Nepal ,và làng này chuyên môn về thủ công làm những mặt nạ. Qúi vị nào đã được xem người Tây Tạng hay người Nepal vũ, thì biết rằng khi họ múa điệu vũ rất là tự nhiên, và những nhà Sư cũng khiêu vũ, làng xóm cha mẹ con cái cũng khiêu vũ, họ cho rằng khi khiêu vũ như vậy mà thấy mặt nhau thì mất tôn nghiêm do đó mỗi người đều có mặt nạ. Giống như ở Hoa Kỳ họ có lễ hội Hallowen là một dạng lễ hội hoá trang, mọi người đều hoá trang đến đó và họ có những trò đùa quái ác nhưng họ không ngại vì họ có mang mặt nạ. Thì dân chúng ở trong làng này là xứ chuyên môn sản xuất những mặt nạ và thường thường thì họ sản xuất mặt nạ như qủi dạ xoa hay là đầu trâu mặt ngựa, những mặt nạ rất ghê rợn, vì những người sống ở miền núi họ rất thích cảm giác ghê rợn đó. Và vị cao tăng này để ý đến một điều là những người làm mặt nạ loài qủi ma lâu ngày thì khuôn mặt của họ cũng có phảng phất một âm khí và sát khí trong đó, vì họ cứ ngồi vẽ những đường nét tương tựa như vậy mặt dầu nét vẽ đi vào giấy, mặt dầu đi vào mặt nạ chứ không đi vào mặt của họ, nhưng trong hành động đó vô tình họ đã tạo ra cái gì đó phản ngược trở lại và trong gương mặt của họ có lẽ rất là hung ác. Thì vị cao tăng này mới nghĩ ra một cách và vốn là một người vẽ rất giỏi, Ngài mới ngồi xuống và vẽ 12 cái mặt nạ và Ngài nói rằng đây là những mặt nạ Chư Thiên, đây là mặt nạ của vị Càn Thát Bà là những vị Chư Thiên hộ pháp, Ngài nói với dân chúng trong làng thử vẽ những mặt nạ này và bán sẽ có người mua vì những mặt nạ Chư Thiên nên rất đẹp. Thì quả thật như vị cao tăng nói là về sau này dân chúng họ làm những mặt nạ Chư Thiên rất đẹp đẽ, những vị Càn Thát Bà v.v… thì những người khác họ mua rất nhiều do đó dần dần họ đổi nghề không vẽ mặt nạ của qủi dữ nữa mà họ vẽ mặt nạ của Chư Thiên. Vài ba năm sau vị cao tăng đó trở lại quan sát thì thấy dân chúng trong làng có thay đổi khuôn mặt của họ có vẻ tương sáng hơn, có vẻ thanh thản hơn, nhẹ nhàng hơn, đẹp đẽ hơn.
Việc vẽ mặt nạ qủi với mặt nạ Chư Thiên mà có ảnh hưởng đến khuôn mặt của những người đó như thế nào thì đó là chuyện mà Đức Phật Ngài nói rằng trong đời sống hàng ngày những hành của chúng ta ảnh hưởng đến tâm tánh của mình để hiểu “hành duyên thức”.
Chúng ta có thể nói một cách rất đơn giản, đó là việc làm của mình có ảnh hưởng đến tánh tình, mặt dầu ai cũng nghĩ rằng tánh tình sẽ ảnh hưởng tới việc làm nhưng việc làm có ảnh hưởng đến tánh tình.
 Lần trước chúng ta nói về chánh mạng là cái nghề thì sanh ra cái nghiệp, cái nghiệp thì sanh ra cái tánh vì vậy tất cả những cái gì xảy ra trong đời sống đều làm cho con người thay đổi.
Bởi vậy Đức Phật Ngài giảng trong Trung Bộ Kinh và trong Trường Bộ kinh, Ngài nói một điểm rằng không phải tên gọi, không phải giai cấp mà thay đổi con người, chính là hành động thay đổi con người, muốn biết người đó sẽ ra sao thì coi hành động người đó thì chúng ta sẽ biết liền, người đó sống thân cận bạn lành bố thí trì giới ưa chuộng chánh pháp thì từ từ sau đó thay đổi. Bây giờ hệ thống trường ốc và hệ thống giáo dục người ta không còn có nhiều thì giờ để cho con người thay đổi từ từ, họ muốn chúng ta là cục bột đổ vào khuôn ép lại để trong lò bao nhiêu độ rồi lấy ra trở thành cái bánh, thì bây giờ họ tạo khoá nào đó và nói rằng bạn muốn trở thành một người có tánh tình rất cương quyết thì ghi tên bỏ 30$ chúng tôi sẽ dạy khoá 7 ngày và qúi vị sẽ thay đổi, hay là qúi vị muốn học cái gì đó từng khoá từng khoá như vậy, thì điều đó chỉ có cái lợi một điều là nó cho chúng ta một cái kinh nghiệm tuy nhiên chúng ta không thể thay đổi, mà thay đổi chính và thay đổi lớn nhất đó là những việc làm ở trong đời sống và nhất là đi làm phước. Mặc dầu ngày hôm nay có ít người Phật tử được giống như qúi vị, nghĩa là những người còn tin rằng bố thí trì giới tham thiền có thay đổi đời sống của mình mặc dầu sự thay đổi đó rất là chậm nhưng nó có kết quả, một người mà ngày này cũng bố thí ngày kia cũng bố thí, bố thí từ năm này qua tháng kia trong tâm tánh của họ có khác đi, dĩ nhiên bảo rằng họ là toàn hảo thì cũng chưa chắc là họ đã toàn hảo nhưng bản thân họ có thay đổi và một người trì giới cũng vậy, trì giới từ đời này qua đời khác nó có thay đổi.
Mùa Vu Lan năm rồi chúng tôi về Califonia có một Phật tử Phật giáo Nguyên Thủy, anh hỏi chúng tôi một câu hỏi trong lúc chúng tôi đang nói đạo với quí Phật tử, anh nói rằng tại sao mỗi lần xin giới Chư Tăng hay nói rằng: “Chúng sanh được giàu sang cũng nhờ giữ giới. Chúng sanh giàu sang là nhờ bố thí chứ sao lại nói giàu sang là nhờ giữ giới.” Thưa qúi vị lúc đó thì chúng tôi không kịp trả lời nhưng có Ngài Hoà Thựơng Hộ Giác và HT mới hỏi anh vài câu, rồi HT nói rằng:
“Với một người bố thí ngày sau họ giàu nhưng họ chết yểu, giống như con gái của một nhà tỷ phú Hy Lạp có bạc tỷ trong tay nhưng mới mấy chục tuổi rồi chết, như vậy thì anh nghĩ sao?
Cái bố thí có thể làm anh hưởng sự giàu sang. Nếu một người có bố thí thì kiếp sau họ sanh lên giàu có thành tỷ phú được, nhưng sống thì kiếp sống ngắn họ không hưởng được sự giàu sang đó, như vậy có phải là giữ giới là con người được giàu sang không? Cái đó có. Bây giờ một người biết bố thí và mà đi trộm cắp thì đời sau khi sanh lên có của thì bị người ta lấy hoài thì qúi vị thấy có được hưởng sự giàu sang không? hay lại khổ thêm nữa, thà rằng mình nghèo mà không ai lấy của của mình được thì đỡ tức, còn đằng này mình giàu bữa nay mất đầu này mai bị người kia gạt, mốt gặp chuyện cháy nhà cháy cửa lụt lội thì mất tài sản, như vậy sự giàu sang đó còn khổ hơn là không có của, thì như vậy giữ giới trộm cắp họ sẽ giữ được tài sản của họ. Hay một người làm ăn rất giàu có nhưng rồi do cái nghiệp kiếp trước họ tà dâm tà hạnh làm những việc làm bất chánh đời này sanh lên họ giàu có thật nhưng gia đình bị đổ vỡ, thì họ có hạnh phúc hay không? Thật sự không hạnh phúc, chúng tôi biết rất nhiều người họ rất giàu có nhưng vì đời sống gia đình không hạnh phúc nên họ hoàn toàn thấy sự giàu có không có ý nghĩa nữa.
Ngài Hộ Giác hỏi tiếp anh đó: “Như vậy thì sự giữ giới có làm giàu sang không?”.
Thì nếu một người đời trước họ nói dối rất nhiều đời này sanh lên họ giàu có nhưng lời nói không ai tin hết, đi đâu không làm được chuyện gì, ngay cả người ăn kẻ ở trong nhà lời nói cũng không đủ uy để sai khiến họ thì giàu có đáng không? Và bây giờ nếu một người giàu có mà tâm cuồng trí loạn thì điều đó có đáng không? thì quả thật cái giàu đó không hưởng được. Vậy thì nói rằng “Chúng sanh được giàu sang cũng nhờ giữ giới.” có lý hay không ? Một người chỉ có bố thí thì chỉ được giàu thôi, nhưng nếu không trì giới thì có được hưởng sự giàu sang không? Do vậy những việc mà như bố thí trì giới tham thiền v.v… nó luôn luôn là việc ở bên ngoài và còn có ảnh hưởng tương quan qua lại là do cái hành đó nó tạo ra cái thức, bằng cách là nó sẽ thay đổi được những lãnh vực mà chúng ta không bao giờ ngờ tới, ai cũng nghĩ là bố thí mới là giàu, trì giới thì không giàu, trì giới là tu giải thoát thôi, nhưng thật ra cái này nó liền qua cái kia, cái kia liền qua cái này.
Bởi vậy trong kinh Đức Phật Ngài nói một người có giới, bố thí một vật đến người có giới là phước báu cao thượng nhất.
Một người có giới mà bố thí đến người không có giới thì cũng có phước nhưng phước nhiều là về người có giới.
Người không có giới mà bố thí cho người có giới thì cũng có phước, nhưng Ngài nói ở trường hợp nào mà có giới thì nó vẫn có phước nhiều hơn là không có giới.
Ví dụ như người cho và người nhận và cả hai đều có giới hạnh thì quả thật phước báu rất là thù thắng. Tại vì khi họ cầm một vật cho mà họ là một người không có giới tâm không trong sạch thì tác ý của họ không mạnh bằng một người cho với tâm trong sạch. Cũng như trường hợp qúi vị có trình độ văn hoá, trình độ văn hoá cũng thời họ làm một công việc, họ dọn một bữa ăn nhưng người có trình độ văn hoá bữa ăn đó sẽ đẹp và ít miễn cưỡng hơn là người không có trình độ văn hoá, người ta sẽ hỏi rằng chuyện văn hoá liên quan đến ăn uống mình phải giải thích rất là dài giòng nhưng quả thật nó ảnh hưởng, thì trình độ văn hoá đó giống như chúng ta giữ giới nó thay đổi được tâm hồn và nó làm tâm hồn chúng ta khác đi.
Một bà thiền sư người Mỹ bà là người đã học thiền với Ngài Mahasi Sayadaw sau nhiều năm tu thiền bà có nói một câu rất có ý nghĩa trong Anh ngữ mặc dầu chúng tôi cố gắng dịch sang tiếng Việt nhưng cũng không thể nói hết cái hay của câu đó :
“you never get away with nothing.”
Có nghĩa là “Không có bất cứ việc nào khi chúng ta rời nó mà chúng ta không mang theo cái gì”
Nghĩa là việc làm đó dầu có người ta biết,
Hay việc làm đó kín đáo một mình mình biết,
Việc làm đó là việc làm đã làm rồi.
Hay chỉ có ý tưởng nuôi trong đầu hai ba ngày.
Nhưng không bao giờ những thứ đó tan biến đi và nó không để lại cái gì hết. Không phải như vậy. Luôn luôn nó để lại một cái gì đó. Do đó nói rằng không bao giờ mình có thể trốn thoát mà trốn thoát với không có vết tích.
Như qúi vị đi vào rừng gai lau sậy, và khi đi ra mà không để lại những vết trầy. Không thể nào được.
Thì đời sống này dầu việc lớn hay việc nhỏ, việc làm nào đi nữa nó cũng để lại một vết nào đó trong tâm hồn của mình.
Vì vậy Đức Phật Ngài nói” Tâm chủ trương việc làm, nhưng việc làm thì lại ảnh hưởng tới tâm.”
Phra Viriyang Sirintharo
Điều này là người tu tập thì sẽ hiểu được điều đó rất là thâm thúy, sẽ hiểu rất tường tận là tại sao hành lại duyên cho thức.
 Qúi vị thấy điểm này rõ hơn, khi sau một ngày tụng kinh, sau một ngày học Phật pháp và qúi vị ra về rồi qúi vị ngồi tỉnh dưỡng trở lại, thì khi chúng ta rời chùa ra bên ngoài sau thời gian nghe pháp rồi thì cách cư xử của qúi vị có khác, nếu qúi vị để ý rất là tỉ mỉ, qúi vị thấy rằng nhìn cuộc đời có khác hơn một chút là tại vì chúng ta muốn sống ở trong không khí này. Như chúng tôi thưa qúi vị là ở trong chùa làm việc gặp rất nhiều Phật tử nhiều hạng người, có những người họ đến chùa là vì mục đích văn hoá thôi, họ đến nói với Chư Tăng: “Quí Thầy hoan hỷ giới thiệu quyển sách này, giới thiệu tập thơ kia”, nhưng rồi chúng tôi nói chuyện nửa ngày hay một ngày với vị đó, rồi quí vị đó ra về thì chúng tôi thấy rằng có hơi khác một chút trong cách suy nghĩ của mình. Nhưng trong một ngày sinh hoạt tu học với qúi Phật tử , thì sau một ngày đó không phải đến nói chuyện như vậy rồi đi về mà chỉ có qúi vị lợi ích mà chúng tôi không có lợi ích, chúng tôi có lợi ích rất nhiều, một ngày sinh hoạt tu học với qúi vị cũng là một ngày tu học cho bản thân của chúng tôi, chúng tôi sinh hoạt Phật tử trong việc tu tập thì qúi vị Phật tử tu tập thì cũng là chúng tôi tu tập, và sau một ngày tu mình trở về tâm hồn được lợi lạc hai ba ngày và nhiều ngày sau đó mặc dầu từ từ thì ảnh hưởng nó sẽ mất đi.
Cũng thời một cái hoa rơi nhưng một thi sĩ họ nhìn cái hoa rơi khác, một người quét đường họ nhìn cái hoa rơi khác và một người làm kinh tế họ nhìn cái hoa rơi khác, có người họ nhìn hoa rơi họ biết cái hoa đó có đem luột hay nấu ăn được không, có người nhìn hoa rơi đó họ cảm thấy xúc động làm một câu thơ, có người nhìn hoa rơi họ chụp lấy câu chổi quét nó đi. Thì như vậy một sự vật mà chúng ta cảm nhận nó khác nhau là vì sao? là bởi vì cái hạnh nghiệp, hành động có ảnh hưởng đến tâm thức, chúng ta là người tu không thể nào không tin vào điều này.
Nên bà con Phật tử có nhiều lúc họ hay đặt câu hỏi như vầy: là những người đi chùa bố thí trì giới tham thiền có thấy giàu có hơn không, thấy cũng giống như mọi người cũng sanh lão bịnh tử thì như vậy có cái gì và chừng nào mới được hưởng quả đó.
Nói rằng bố thí thì được giàu có mà chờ đời sau mới giàu thôi mệt quá rồi không bố thí nữa.
Nhưng một người khác họ sẽ trả lời như vầy: là khi nào mình làm thiện ngay chính cái tâm làm thiện đó nó cũng có giá trị của nó, nó đã có quả của nó rồi, chúng ta không cần phải chờ cái quả ở kiếp sau. Khi chúng ta làm thiện thì nó đã có giá trị của nó, cái giây phút chúng ta làm thiện đó là giây phút chúng ta sống mở rộng lòng ra sống với tất cả thanh thản, sống với tất cả nhẹ nhàng, cũng như chúng ta sống với một người bạn rất tốt thì chúng ta sẽ thay đổi. Đức Phật Ngài nói rằng người có nhiều phóng dật, nghĩa là tâm hay phóng thì bước đầu tiên phải làm là ráng gần những người có chánh niệm, nếu chúng ta là người lười biếng mà chúng ta muốn bớt đi cái lười biếng thì chúng ta phải gần với những người tinh cần, tại vì điều đó có ảnh hưởng qua lại và chính nhân duyên này Đức Phật Ngài gọi là “Hành duyên cho thức”. Hành động tạo ra tâm, mà tâm này ở trong giờ phút cuối cùng của cuộc sống nó sẽ tạo ra cuộc sống kế tiếp Ngài gọi là “Thức duyên cho danh sắc.” “Thức duyên cho danh sắc” là điều mà chúng tôi sẽ nói sau, hôm nay chúng tôi chỉ nói về “Hành duyên cho thức.”.
Qúi vị Phật tử có cảm nhận được điều khó hiểu là tại sao có những việc làm để lại trong lòng chúng ta nhiều chuỗi ngày, nhiều điều đáng nhớ và có những việc làm của chúng ta rất hay quên, chúng ta không nhớ được hay không để lại trong lòng chúng ta điều gì cả, thì điều này lại liên quan đến một sự việc khác đó là liên quan đến tình trạng sức khoẻ, liên quan đến nghiệp,liên quan đến hạnh báo nghiệp và liên quan đến sự tu tập của chúng ta. Khi qúi vị Phật tử tu tập nhiều thì sẽ biết rằng những gì chúng ta nên nhớ, và những gì chúng ta không nên nhớ. Khi nào chúng ta ít tu tập thì thường nhớ đến những điều chúng ta không nên nhớ, và chúng ta thường quên những gì chúng ta nên nhớ. Lấy ví dụ là đời sống con người khi nào ít tu thì hay nhớ đến chuyện người khác đã làm những gì cho mình buồn, nhớ mình đã mất con như thế nào, mình mất của như thế nào, nhớ được thì khổ sở như thế nào, còn những chuyện gì chúng ta làm ở trong đời sống thì rất ít khi nhớ tới. Những người làm tốt chúng ta hãy nhớ đến, chúng ta không cảm thấy tự nhiên trong chuyện đó, đó là bản năng chung của chúng ta.
Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật Ngài có nói như vầy “Đối với một người thiện thì người đó khó làm ác, mà đối với người ác thì khó làm thiện.” Như vậy thì Ngài nói rằng cái thiện cái ác không có cái nào khó và không có cái nào dễ hết, mà hễ chúng ta là người thiện thì chúng ta dễ làm thiện, chúng ta là người ác chúng ta khó làm thiện đó là vấn đề tự nhiên. Một người Phật tử hay đi chùa lễ Phật đảnh lễ Chư Tăng hay làm phước, đối với qúi vị đó chuyện bố thí trì giới rất là dễ dàng, như vậy rồi lâu ngày qúi vị nghĩ rằng “À! chuyện đó rất là tầm thường ai làm cũng được cả”, nhưng không phải như vậy, qúi vị muốn qúi vị cứ thử đi, một người nào đó mà họ tính bỏn xẻn ít cho ai, qúi vị chỉ xin họ 10cents để bố thí cho người khác họ cũng không cho.
Cũng như qúi vị hỏi thế nào là bạn thân và thế nào là bạn không thân. Bạn thân là đến nhà thì tự nhiên ăn, tự nhiên ở, nói tự nhiên, nhưng bạn không thân thì khách sáo, phải dè dặt, phải  giữ kẽ trước sau bởi vì mình chưa có thân quen. Thí dụ muốn biết đời sống chúng ta tiến bộ đến mức nào thì cứ để ý là khi chúng ta làm thiện chúng ta có tự nhiên hay không mà khi chúng ta làm điều bất thiện chúng ta có tự nhiên hay không. Nếu một người nói dối quen miệng rồi họ nói dối một cách tự nhiên không dè dặt thì chứng tỏ căn tu họ mỏng thì nghiệp họ dày, hay một người được rủ đi câu cá là xách cần câu đi câu liền mà không nghĩ tới bất thiện thì rõ ràng là nghiệp dày mà đức mỏng. Nhưng có người nào đó mà rủ qúi vị đi uống rượu chẳng hạn, đi nhậu nhẹt ở đâu đó, nhưng qúi vị còn nghĩ lại đi thì đi nhưng trong lòng còn khó chịu không thoải mái và không cảm thấy không tự nhiên thì chứng tỏ nghiệp mỏng và đức dày, tuy không biết là qúi vị có phạm giới hay không, nhưng căn tu của qúi vị có. Cái tự nhiên đó là do cái nghiệp tạo ra tánh, cái tánh thì dẫn đi tái sanh và Đức Phật gọi là “Hành duyên cho thức” và “Thức duyên danh sắc.”
Nên rất là khó nói một cách bình thường như trong đời sống chúng ta đang làm ở đây là nghiệp nào cũng có quả và Đức Phật Ngài nói là “Quả của nghiệp thì bất khả tư nghì.” nó ảnh hưởng nhiều lắm mà mình không biết được. Như bây giờ qúi vị hỏi chúng tôi là vị sống ở Mỹ  ảnh hưởng bản thân chúng tôi như thế nào, chúng tôi không thể nói được, hay một số qúi vị ở đây có bạn người Pháp ở ngoài hỏi “đi chùa nghe pháp rồi tu thì ảnh hưởng đời sống của anh như thế nào? mình cũng không biết nói sao ngắn gọn trong một hai câu cho xong được, nhưng nó có ảnh hưởng và điều này là một điều rất vi tế trong đời sống.
Khi một người tu tập, đặc biệt tu tập về Tứ Niệm Xứ, theo dõi hơi thở oai nghi lâu ngày thì chúng ta thấy mỗi mỗi hành động trong đời sống ảnh hưởng đến tâm tính của chúng ta. Ở các trường thiền, tu thiền ba ngày, năm ngày, tâm hồn rất yên lặng, chỉ ra tán dóc một giờ đồng hồ là kể như đạo hạnh tiêu hết, rồi phải tu lại vì tâm hồn phóng dật quá. Tại vì sao vậy? Một giờ chúng ta nói huyên thuyên chuyện này chuyện kia thì khi trở lại những chuyện đó đã ảnh hưởng chúng ta không còn chánh niệm được nhiều nữa. Hoặc giả là chúng ta tu tập chánh niệm rất lâu, các vị Thầy khuyên ráng bớt ngủ bớt ăn lại, thì thưa qúi vị thì mình cũng ráng nhưng tới khoản chừng một tuần lễ sau đó mệt quá nên nói thôi mình nghỉ xả hơi một hai bữa, ngủ được dài thêm một chút, ăn tự do một chút, ăn cái gì mình muốn, lợi dụng thời giờ để ngủ thêm một chút, thấy cũng không chết chóc ai hết, nhưng sau hai ba ngày trở lại thì thấy ngồi thiền khó hơn lúc trước, khó tập trung, thấy mệt hơn lúc trước, 7 ngày qua mình đã đi một đoạn xa bây giờ phải trở lại giống như chúng ta leo núi rồi tụt xuống rồi bây giờ phải leo lên tiếp tục. lúc đó mình mới thấy rằng đúng là “Hành duyên cho thức.”
Ở trong trường thiền cũng cho chúng ta thấy một vài điều là nếu chúng ta cố gắng tu tập chánh niệm thì trong lúc chúng ta ngồi thiền chỉ có một giờ hay một ngày nhưng khi đi ra bên ngoài thì cái giờ ngồi thiền rất ảnh hưởng đến đời sống bình thường của chúng ta, nên các vị Thiền Sư nói rằng: “Muốn biết vị trụ trì trong chùa ra sao thì coi nhà cầu của chùa có sạch hay không.” Muốn biết qúi vị ngồi thiền tu hành có tinh tấn hay không, không cần phải có tha tâm thông mà chỉ coi lúc qúi vị xả thiền ra qúi vị đi đứng có nhẹ nhàng, qúi vị nói năng có tự chủ, ăn uống có đàng hoàng hay không, và nếu ngồi thiền thì ngồi thẳng lưng yên lặng hàng giờ mà ra ngoài làm việc hấp tấp thì biết rằng giờ ngồi thiền chưa có kết quả, tại vì sao? tại vì chánh niệm đó không có thay đổi đời sống hàng ngày như vậy thì là chánh niệm chưa đủ mạnh.
3) Yếu tố thứ ba là những hành nghiệp do thân, khẩu, ý đều có ảnh hưởng đến giòng tâm thức và chính giòng tâm thức đó ảnh hưởng đến kiếp sau của mình
Nói về “Hành duyên thức”,  là một chuyện có vô số lãnh vực chúng ta phải bàn, chúng tôi biết rằng đó là đề tài tương đối là khó hiểu, tuy nhiên ở đây chúng tôi muốn nói “Hành duyên thức” trong phạm vi tu tập, đây là một khoá tu, vì vậy trong sự tu tập của mình, mình thấy được gì về “Hành duyên thức” mà có thể đem vào được thì chúng ta có thể suy niệm về nó. Dầu sao đi nữa thì qúi vị có thể hiểu ý niệm nôm na về điều mà Đức Phật gọi là “Hành duyên thức” là những hành nghiệp do thân ,do khẩu, và do ý đều có ảnh hưởng liên quan đến giòng tâm thức, và chính giòng tâm thức đó có ảnh hưởng đến kiếp sau của mình, thức này chúng ta gọi là thức tái sanh.
 Ở đây chúng tôi muốn đính chánh một chữ cho rõ hơn khi nói đến “hành” là “hành động” thì không có nghĩa là cái gì mà làm bằng tay chân mới là hành động, thân hành, khẩu hành và ý hành chúng ta nói là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.
Như trường hợp chúng ta đưa tay đánh một người đó là thân hành.
Chúng ta dùng miệng an ủi một người bằng lời nói ngọt ngào dịu dàng của mình thì là khẩu hành.
Và ý tưởng gì tốt đẹp trong đầu óc chúng ta được nuôi dưỡng hai ba ngày đó là ý hành còn gọi là ý nghiệp.
Thì ý nghiệp đó cũng sẽ để lại: ý ảnh hưởng ý, thân ảnh hưởng ý và lời nói cũng ảnh hưởng từ ý, tất cả đều có ảnh hưởng đến giòng tâm thức, thì như vậy khi chúng ta nói “Hành duyên thức” không có nghĩa là chúng ta chỉ nói đến thân, khẩu ảnh hưởng tới ý, không phải như vậy mà cả thân, khẩu, ý đều ảnh hưởng tới ý. Nghĩa là một ý tưởng gì đó. Như qúi vị Phật tử thấy rằng bây giờ người ta hay có trò chơi điện tử (chơi game), có những game rất hào hứng, đặc biệt là người Nhật họ chế được trò chơi mà hồi xưa bắt đầu chỉ đánh box thôi, về sau này có kongfu, đánh đá đủ kiểu, rồi họ chế những trò chơi bắn súng, thì khi bình thường chúng ta chơi những trò chơi đó chúng ta nói nó vô hại, tại vì chúng ta không bắn người thiệt mà chỉ là bắn người giả thôi vì nó là trò chơi điện tử, nhưng chơi cái đó lâu ngày có ảnh hưởng về thần kinh, tại vì sao vậy? con nít mà chơi nhiều quá thì sanh ra bạo động hơn và nó bắn người khác dễ hơn và con người có vẻ là hiếu chiến hiếu sát hơn
Có nhiều Phật tử băn khoăn một điều là ở trong đời sống thỉnh thoảng chúng ta có những tâm niệm rất bất thiện, nhưng chúng ta thường tìm tâm hồn bình an, tự chủ được, không nói không làm gì hết chỉ là giận để trong lòng như vậy có quả hay không?
Thì chúng tôi có thưa rằng “có” và “cũng không”. Không là bởi vì chúng ta không dùng tay đánh người , chúng ta không dùng lời để nói người khác nặng thì như vậy chúng ta sẽ không hối hận về lời nói của mình. Nhưng tâm niệm oán thù mình nuôi trong tâm thì cũng dày vò chúng ta, nó cũng làm chúng ta đau khổ và nó cũng ảnh hưởng đến đời sống chúng ta rất nhiều, như vậy nó cũng có quả chứ không phải là không có quả. Nhiều người nghĩ rằng nếu chúng ta tự chế được và chỉ giữ ý niệm trong lòng thì sẽ vô hại không sao hết, nhưng thật sự nó có ảnh hưởng về sau nhiều.
Tất cả hành đều duyên cho thức nên trong kinh điển và trong nền văn hoá của Đạo Phật được gọi là nền văn hoá tâm linh, Đức Phật Ngài nhắc nhở chúng ta qua rất nhiều đoạn kinh trong rất nhiều kinh điển là chúng ta nên chăm sóc đời sống tinh thần của mình. Bởi vì, có nhiều việc ảnh hưởng đến từ chuyện giải trí cho đến việc học hành cho đến chuyện làm việc cho đến những chuyện liên hệ trong đời sống hàng ngày điều đó đều có ảnh hưởng đến giòng tâm thức của mình, không phải chỉ có chuyện sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, bố thí, trì giới, tham thiền mới ảnh hưởng tới tâm linh đời sống của mình. Như qúi vị thấy rằng chúng ta làm nghề nào lâu ngày quen có ảnh hưởng đến chúng ta, qúi vị làm nghề quen như chạy áp phe chẳng hạn thì qúi vị ngồi thiền chánh niệm hơi khó một chút vì qúi vị quen nghĩ đến chuyện này quen nghĩ đến chuyện kia, hay làm nghề nào quen những con số trước giờ, thì con số cũng ảnh hưởng đến trong đời sống hàng ngày nhìn thấy vấn đề con số, một nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm thì thấy gì cũng muốn tò mò cũng muốn tìm hiểu, chúng ta gọi là “Hành duyên thức”.
Chữ tâm hành là ý nghiệp, chữ tâm tương đương với ý, và hành là tạo tác là nghiệp. Nhưng theo trong kinh khi nói đến ngôn ngữ ở bên ngoài mà nói tâm hành thì là cái nghiệp tạo ra tác ý, nhưng đối với người tu thiền thì tâm hành, khẩu hành và ý hành lại khác, khi một hành giả tu thiền theo kinh Niệm Xứ mà nói về thân hành thì nói về hơi thở, mà nói về tâm hành là nói về sự tầm cầu mà chúng ta gọi là tầm tứ.
- Như trường hợp qúi vị bước đi kinh hành, qúi vị bước tới cuối con đường kinh hành mình có ý tưởng mình muốn quay lại, ý mình muốn quay lại thì quan sát ý muốn đó gọi là quan sát tâm.
- Và khi mình đang ngồi thiền thì đối với một hành giả hành thiền thì họ đang ngồi vẻ như bất động, cái mà còn năng động là hơi thở, khi mình ngồi hay mình nằm, ban đầu mình biết đang ngồi, biết đang nằm nhưng sau đó thì không còn nữa, tại vì không phải chúng ta ngồi rồi niệm ngồi ngồi hoài, thì cái gì mà còn lại của thân mà nó năng động thì cái đó gọi là thân hành.
Do vậy trong danh từ của thiền thì thân hành đồng nghĩa với hơi thở, tâm hành đồng nghĩa với tác ý, ý muốn tạo cái gì đó, và nói một cách khác thì theo dõi tâm hành nghĩa là biết về danh, và theo dõi về thân hành là biết về sắc.
Như trường hợp chúng ta biết được ý tưởng khi tác ý muốn xoay người đó là danh và khi chúng ta xoay người đó là sắc . Thì như vậy khi nói đến tâm hành ở trong ngôn ngữ của thiền định, của tập thiền thì nói đến chủ tâm hay tác ý mà trong kinh gọi là tầm và tứ là muốn suy nghĩ, và ý định để hành động cái đó gọi là tâm hành.
Như trong trường hợp “vô minh duyên hành” thì chúng ta nói thân hành, khẩu hành và ý hành và tất cả những gì thuộc về ý nghiệp là sự suy tư toan tính làm việc này việc kia thì chữ tâm hành ở đây tương đương với ý nghiệp.
Trong danh từ Phật Học có nhiều khi một số danh từ rất trùng lập nhưng rất rắc rối, ví dụ như chúng ta nói tâm, ý và thức, ở phương diện nào nó đồng nghĩa với nhau, nhưng mà rồi nhiều khi chúng ta nói nhãn thức, nhĩ thức, ý thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức rồi tới ý thức, nếu mà nói hai chữ đó trùng nghĩa thì chúng ta không cần phải nói hai chữ ý thức, mà chúng ta nói là ý hay là thức được rồi, nhưng chúng ta nói ý cũng là thức, nhãn thức cũng là thức, và nhĩ thức cũng là thức là như vậy ./.

No comments:

Post a Comment