Monday, 6 August 2018

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 5-8-2018 Mấy điều góp ý với Bà Tôn Nữ Hoàng Hoa qua bài « Tâm tư của một Phật tử Hải ngoại »


PARIS, ngày 5 tháng 8 năm 2018 (PTTPGQT) — Bà Tôn Nữ Hoàng Hoa đưa lên mạng Internet mấy ngày qua bài bà viết dưới đề mục “Tâm tư của Một Phật tử Hải ngoại”. Ngoài những ý kiến riêng tư nhân việc thấy vắng Phật tử tham dự biểu tình những ngày gần đây. Dù bản thân bà là Phật tử, nhưng bà chưa lấy làm đủ. Nên bà đem hiện tình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) làm cuộc giải phẫu để chẩn đoán con bệnh : Nó đang là “nỗi chết”.
Tác giả Võ Văn Ái góp ý 4 điểm với bà Tôn Nữ Hoàng Hoa trong bài viết “Mấy điều góp ý với Bà Tôn Nữ Hoàng Hoa qua bài viết “Tâm tư của một Phật tử Hải ngoại”. Chúng tôi xin đăng tải dưới đây để rộng đường dư luận.
Chúng tôi nghĩ đối thoại, trao đổi, tranh luận là sinh hoạt dân chủ cần thiết cho giai đoạn người Việt đòi hỏi tiến trình dân chủ hoá Việt Nam. Hơn là chọn lối đi vào ngõ kẹt thường thấy của sự tranh cãi, tố cáo, vu khống, mạ lỵ, chẳng xây dựng và thể hiện gì khác hơn là cúi đầu tôn thờ và phổ cập nền “Văn hoá Chửi”,mà mục tiêu không gì khác hơn sự Đấu tố nhằm hạ giá Nhân phẩm.
PTTPGQT

Mấy điều góp ý với Bà Tôn Nữ Hoàng Hoa
qua bài « Tâm tư của một Phật tử Hải ngoại »
Võ Văn Ái

Thưa Bà Hoàng Hoa. Bài bà viết là một lời than thở. Ngay lúc giáo đầu, bà đã tâm sự : « Chuyện Đất nước tôi là chuyện buồn muôn thủa. Chuyện đồng bào tôi là chuyện trời bắt bất hạnh. Sống trên một đất nước mà cứ bị các nước to lớn xâm lăng ». Nếu chỉ than thở như vậy, người đọc như tôi sẽ ngậm ngùi theo buồn thương tiếc nuối, hay giận hờn uất ức. Rồi thôi.
Nhưng bà vượt sự than thở để phanh phui các sự kiện cụ thể qua đó nêu tên họ tôi trong bài. Nên tôi góp ý. Có bốn điều tôi nhận thấy phải góp ý để sáng tỏ vấn đề cho những ai đọc bà. Sáng tỏ nói đây không có nghĩa biện bạch, là điều chưa bao giờ tôi thấy cần thiết, giữa Chợ trời hoạt cảnh của Lực lượng 47 với 10,000 (mười nghìn) Dư Luận viên của Quân đội Nhân dân cộng sản, làm hạt nhân tranh đấu trên không gian Mạng cùng với Cục An ninh Mạng, bí số A68, của Bộ Công an Hà Nội.
Sáng tỏ nói đây, ý tôi muốn tán thán công trình của tổ chức « Phóng viên Không Biên Giới – RSF» thu tập qua bản Báo cáo thường niên công bố tháng 7 vừa qua. Báo cáo này trả lời được sự kiện, vì sao gần đây trong Cộng đồng Người Việt có những bài đưa lên mạng Internet hoặc mạng xã hội đánh phá, vu cáo, kích động Phật giáo Việt Nam.
Tổ chức nói trên cảnh báo một mặt trận hiểm nguy áp đảo toàn cầu, do các chế độ độc tài dựng lên Đạo Quân Ma quấy rối Ảo trên Mạng (Cyberharcèlement) để bao vây, làm suy yếu những ai đi tìm sự thật, những ai phấn đấu cho sự thật. Đích chúng nhắm là các nhà báo, những nhà hoạt động nhân quyền và tôn giáo, để bắn hạ những người này trên trận địa ảo, y như chiến tranh bắn hạ kẻ thù trên trận địa chiến.
Đạo Quân Ma này chính là những tên Dư Luận viên ăn lương các nhà nước độc tài như Việt Nam là một. Chúng nằm trong Lực lượng 47 và Cục An ninh Mạng của Bộ Công an. Vu cáo, dựng chuyện, bôi nhọ, mạo tin / fake news… làm hoang mang, ly gián cộng đồng nhân quyền, cộng đồng tôn giáo, cộng đồng đấu tranh của người Việt hải ngoại. Mời bà vào xem toàn văn bản báo cáo tại Trang chủ của RSF :https://rsf.org/fr/actualites/rsf-publie-son-rapport-harcelement-en-ligne-des-journalistes-quand-les-trolls-lancent-lassaut
Điều góp ý thứ nhất :

Bà kể chuyện đi biểu tình gặp một người kể chuyện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), được bà thuật lại nguyên văn như sau : « Một người biểu tình cho tôi biết : cách đây mấy năm ông ta có về Houston, Texas tham gia đại hội PGVNTNHN. Ông ta nhìn trong hội trường có rất đông Phật tử tham dự. Ông nghĩ đến những tổ chức Công Giáo tổ chức những buổi biểu tình yễm trơ người quốc Nội qua thảm hoạ Farmosa. Ông ta mới gặp Cô Ỷ Lan yêu cầu tất cả người trong Chánh Điện ra trước mặt chùa và trương biểu ngữ phản đối Farmosa cùng yễm trợ cho người trong nước thì hay biết chừng nào.
« Cô Ỷ Lan OKay cho là ý kiến hay lắm . Sau đó, ông gặp HT Huyền Việt thi HT HV cho hay là phải nói với ông Võ Văn Ái. Ông ta bèn gặp mặt ông Võ Văn Ái và đưa ý kiến trên thi ông Ái nói Phải hỏi Giáo hội. Theo ông ta nghĩa là ông Võ Văn Ái từ chối. Ông bảo GIÁO HỘI LÀ AI? CÓ PHẢI LÀ ÔNG VÕ VĂN ÁI KHÔNG? Từ đó ông ta không đến tham gia sinh hoạt với GHPGVNTN nữa ».
Bà nghe và bà tin như thật để viết thành văn, cấu trúc thành vấn đề, qua bài viết « Tâm tư… ». Nhưng bà không điều tra hay lý luận phải trái.
Tôi không nhớ việc này. Nhưng hãy ví dụ là thật đi, thì câu trả lời của tôi hợp lý lắm chứ. Một Đại hội tôn giáo, hội đoàn, hay chính trị, đều có sự sắp xếp chương trình nghị sự từ nhiều tháng trước về nội tình và sự phát triển tổ chức đem ra đại hội thảo luận và quyết định. Nếu có những việc đột xuất, như mang cả đại hội ra chụp hình ủng hộ Formosa không hề có trong nghị trình, như cái « ông » nói với bà, thì cũng phải giơ tay phát biểu xin Đại hội ra chụp hình Formosa chứ. Phải không ? Thế mới dân chủ. Thế mới không độc đoán, áp đặt ý kiến cá nhân lên tập thể. Đằng này ông ấy vừa hỏi, vừa làm phán quan để tự thị phán xét  : « Ông ta bèn gặp mặt ông Võ Văn Ái và đưa ý kiến trên thi ông Ái nói Phải hỏi Giáo hội. Theo ông ta nghĩa là ông Võ Văn Ái từ chối. Ông bảo GIÁO HỘI LÀ AI? CÓ PHẢI LÀ ÔNG VÕ VĂN ÁI KHÔNG? ».
Tôi trả lời phải hỏi Giáo hội là đúng, là tôn trọng dân chủ, là xác nhận vai trò của tôi : « Tôi không là Giáo hội, tôi chỉ là một thành viên của Giáo hội, nên phải thỉnh ý Giáo hội ». Dù xác định hai năm rõ mười như thế, nhưng bọn Dư Luận viên vẫn vu cáo năm mặt một lời « tôi thao túng Giáo hội » ! Đến như cái « ông » học chuyện với bà, nghe tôi trả lời chẳng cần biết phải trái, chẳng cần biết nề nếp hội họp dân chủ, xán ngay một câu chữ hoa : « Ông Võ Văn Ái từ chối. Ông bảo GIÁO HỘI LÀ AI? CÓ PHẢI LÀ ÔNG VÕ VĂN ÁI KHÔNG? ».
Lạ thật. Lạ hơn nữa là được bà đưa vào bài viết của bà với câu kết : « Từ đó ông ta không đến tham gia sinh hoạt với GHPGVNTN nữa.
Ơ hay ! Những thành viên gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) trong cũng như ngoài nước, là những Phật tử có ưu tiên chủ yếu đến học Phật, tu Phật theo kinh dạy « Trên cầu trí giác dưới cứu chúng sinh ». Chẳng khác chi người Thiên Chúa giáo đến Nhà Thờ xem lễ, cầu nguyện.
Một Phật tử đâu phải vì Đại hội không chịu chụp hình cho Formosa mà rời bỏ Giáo hội, rời bỏ Phật ? Còn ý kiến của những người khác, của tập thể thì sao ? Không được tôn trọng ư ? Nhất là ông cũng chẳng hề đưa ý kiến chụp hình Formosa trước các khoáng đại Đại hội yêu cầu chấp hành. Suốt Đại hội mà tôi có mặt, tôi không nghe bất cứ ai nêu lên đề xuất cùng nhau ra chụp ảnh ủng hộ Formosa. Ông chỉ hỏi MỘT người, theo lời bà kể, rồi quy kết sự việc cho cả GIÁO HỘI khi kể lại cho MỘT ngươi khác nghe. Hành xử như thế có đáng là người lương thiện ? Tôi ngờ cái mác Phật giáo của ông này.
Điều góp ý thứ hai :
Bà trích một đoạn trong bài viết « Phật giáo và Dân tộc » của ông Mặc Lâm đăng trên trang mạng RFA ngày 25-8-2016 để xa gần làm cho người đọc bà hiểu « nổi chết » của Phật giáo, nói rõ là GHPGVNTN.
Ai là tác giả, ai là tên đao phủ chặt đầu GHPGVNTN, tiêu diệt Phật giáo ? Qua bài viết, bà chưa hề một lần nêu đích kẻ phạm tội, kẻ tàn phá, tiêu diệt Phật giáo Việt Nam là Chính Quyền Cộng sản. Bà chỉ hướng tới những đối tượng khác, những đối tượng không hề dinh líu tới Cộng sản, lại còn chống nữa. Tôi biết bà không có ý bênh vực, chạy tội cho Cộng sản. Nhưng khách quan người đọc có thể suy ra như thế khi họ chưa biết bà là ai.
Ông Mặc Lâm chỉ là một nhà báo của Đài Á Châu Tự do. Ông viết theo hiểu biết phiến diện về tôn giáo, kiểu các nhà báo quốc tế và thiên tả viết về Chiến tranh Việt Nam. Ông không là Thánh kinh, hay người viết Thánh kinh. Huống chi ông tự xác định qua trích đoạn của bà, rằng ông chỉ biết tới GHPGVNTN từ khi dự án bauxite Tây nguyên được xét duyệt thì Giáo hội đã có văn bản chính thức phản đối và kêu gọi nhà nước phải ngưng ngay dự án này. Xin bà hãy nghe một tiếng trống khác viết về 40 năm GHPGVNTN dưới chế độ đàn áp Cộng sản của bà Ỷ Lan, gồm 4 bài, cũng phát sóng trên Đài RFA nhân Đài này kỳ niệm 40 năm ngày 30 Tháng Tư.
Một tôn giáo có Hai nghìn năm lịch sử Việt Nam, thế mà ông Mặc Lâm chỉ biết nó qua một biến cố thời sự có màu sắc chính trị. Một sự hiểu biết hạn chế như thế, làm sao ông có thể ôm đồm viết một bài dao to búa lớn để đánh giá « Phật giáo và Dân tộc » ?
Bà chớ nên dùng những trích đoạn cơ hội như thế để cột chân một tôn giáo, một giáo hội như Phật giáo.
Điều góp ý thứ ba :
Bà viết rằng : « Tôi nghĩ đến mọi cảm giác, mọi ưu tư về GHPGVNTNHN bây giờ không còn là nỗi niềm nữa mà là nỗi chết vì một tổ chức người đến thì không mà người bỏ ra đi càng ngày càng nhiều ». Hơn là lời than thở, vì đã là « nỗi chết » chữ của bà khi nhắc tới Giáo hội này ở Hải ngoại. Thế là bà còn công tâm để chỉ huơ lưỡi hái tử thần lên GHPGVNTN ở hải ngoại, chứ chưa chụp luôn « nỗi chết » cho cả Giáo hội trong nước. Nhưng nói cho đúng theo thời thế, thì GHPGVNTN trong nước đã bị bức tử từ năm 1981 – 37 năm trước – đấy thưa bà. Chứ không kéo dài để “chết” dưới ngòi bút bà năm 2018. Nhấn mạnh lại lần nữa : Cộng sản bức tử Giáo hội chứ không là các đối tượng phi Cộng sản như luận điểm tay sai của bọn Dư Luận Viên ở hải ngoại ngày ngày trường kỳ « ghi công » phá hoại và làm tan nát GHPGVNTN cho những người chẳng dính gì đến đảng Cộng sản !
Cộng sản bức tử GHPGVNTN từ năm 1981 khi Đảng và Nhà nước Cộng sản cho dựng lên tổ chức Phật giáo Nhà nước làm công cụ chính trị cho Đảng, với tên « Hội Phật giáo Việt Nam » đứng hàng thứ 17 trên danh sách 44 hội nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc. Những danh xưng thường được viết ở cả 2 phe Quốc Cộng gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoặc Giáo hội Nhà nước, Giáo hội Quốc doanh, chỉ là sự đánh lừa quần chúng Phật tử. Thực tế, Nhà cầm quyền Cộng sản đưa Phật giáo trở về Dụ số 10 của thực dân Pháp dưới thời nước ta bị trị. Dụ số 10 chỉ chấp nhận Thiên chúa giáo được quyền có Giáo hội. Ngoại trừ ra, Phật giáo, Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo… chỉ là những hiệp hội, không có tư cách Giáo hội. Dụ này vẫn tồn tại và hiệu lực dưới thời Đệ nhất VNCH, khiến cho cuộc đấu tranh đòi hỏi Bình đẳng tôn giáo của Phật giáo nổ ra năm 1963. Dụ này được huỷ bỏ cho Phật giáo sau cuộc tranh đấu 63.
Bức tử như thế, rồi khủng bố, đàn áp, bắt giam, thảm sát hàng giáo phẩm và Phật tử sau năm 1975. Thế nhưng Phật giáo đồ trong nước có cái nhìn thực tế — thoát ly bi quan hay tích cực của đời thường — để sáng suốt nhận định :
Một Giáo hội đã chôn nhưng chưa chết – GHPGVNTN
Một Giáo hội đã chết nhưng chưa chôn – Hội Phật giáo Việt Nam của Đảng và Nhà nước.
Nhưng bà thì lấy số lượng « kẻ đến người đi » để bức tử (chữ bà dùng là « nỗi chết ») GHPGVNTN Hải ngoại. Kẻ đến là ai ? Người đi là ai ?
Không ai đem thành bại luận anh hùng. Không ai đem số lượng luận hơn thua. Con số chồng lên con số vẫn là con số. Con số không làm nên chính nghĩa, nhất là ở phạm vi tôn giáo. Bốn triệu đảng viên Cộng sản có là « chính nghĩa » không ? Có làm nên cơm ăn áo mặc và tự do cho 90 triệu dân ?
Trong khi một cá nhân đơn độc, tay không tất sắc, như Đức Cố Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu, Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, Đức Đương kim Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, vẫn can cường, bất khuất, dù tù tội, lưu đày, quản chế, đã thành công giữ vững pháp lý lịch sử của GHPGVNTN, mà Cộng sản không làm sao tiêu diệt.
Bà còn viết rằng : « Chúng tôi phải nói lên cái tâm tư của mình mà từ lâu tôi đã giả lơ, đâm đui mắt để không thấy cũng như không nghe » (tôi nhấn mạnh). Thiển kiến tôi, cái sự « từ lâu tôi đã giả lơ, đâm đui mắt để không thấy cũng như không nghe » đã phụ tay cho « nỗi chết », nếu có, của GHPGVNTN Hải ngoại, phụ tay nếu không là đồng loã cho cái mà bà gọi « Người đến thì không mà người bỏ ra đi càng ngày càng nhiều ».
Thưa Bà. Người bỏ ra đi càng ngày càng nhiều là ai vậy ? Nên chăng tiếc nuối lớp người ra đi ấy ? Tôi giải thích :
Hai lần GHPGVNTN Hải ngoại có số người bỏ ra đi vào năm 2007 và năm  2013. Sau này có thêm vụ ông Giác Đẳng (1) bán chùa của Giáo hội lấy tiền bỏ túi, và chẳng hề phúc trình cho Viện Hoá Đạo và Phật tử hải ngoại chi thu tài chánh do đàn na tín thí đóng góp cho GHPGVNTN-HN/HK như Quy chế quy định. Xong việc chiếm đoạt, ông Giác Đẳng viết đơn trình Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ xin từ chức, ra lập nhóm làm ăn riêng của ông ấy. Việc này toà án Hoa Kỳ đang xét xử.
Năm 2007, một Thượng toạ có chức vụ trong Viện Hoá Đạo yêu sách GHPGVNTN phải « đăng ký » xin phép Nhà nước Cộng sản cho GHPGVNTN hoạt động tôn giáo. Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ triệu tập buổi họp Hội đồng Lưỡng Viện (Viện Tăng Thống và Viện Hoá Đạo) để họp bàn lấy ý kiến. Kết quả toàn thể chư vị không đồng ý. Lý luận của Giáo hội là GHPGVNTN truyền thừa 2000 năm Phật giáo Việt Nam, đã có pháp lý lịch sử. Nói về pháp lý thế gian, thì GHPGVNTN đã có pháp lý quốc gia từ trước 1975, pháp lý ấy bất hồi tố. Không việc gì phải xin « đăng ký » trở lại với một nhà cầm quyền khủng bố mình. Vị Thượng toạ bất mãn xin từ chức. Liền đó, những tay chân của Thượng toạ ở Hải ngoại ly khai Giáo hội lập ra Nhóm Về Nguồn.
Từ đó tới năm sau, 2008, một vị sư trong nhóm Về Nguồn ở Úc Đại Lợi cùng với một vị sư khác ở Châu Âu mở chuyến vận động các châu nhắm chỉ tiêu lập phái đoàn 500 Tăng Ni và Phật tử về Hà Nội dự lễ Phật Đản LHQ do Nhà cầm quyền Cộng sản tổ chức. Từ Đức, hai vị sư này điện thoại về Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ thỉnh xin Ngài ra Hà nội cùng họ dự Lễ Phật Đản Nhà nước. Ngài từ chối và rầy tính cách nông nổi của 2 vị sư.
Tìm không ra 500 người dự tính để hoàn thành công tác giao phó. Chỉ thấy một số vị ít ỏi trong họ tự động về Hà Nội tham dự. Thử hỏi, một buổi sáng nào đó nghe báo đài loan tin phái đoàn 500 Tăng Ni, Phật tử người Việt hải ngoại về Hà Nội dự Lễ Phật Đản. Cộng đồng Người Việt tranh đấu Chống Cộng sẽ ngơ ngẩn đến mức nào về sự đi đêm này ?
Trước câu hỏi của Phóng viên Thanh Toàn Đài SBTN tại Hà Nội : « GHPGVNTN dưới sự lãnh đạo của hai Ngài Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ có tham dự lễ Phật Đản LHQ này hay không ? » Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Trưởng ban Tổ chức Lễ Vesak LHQ, đáp : « Chỉ có một số thành phần ở nước ngoài về. Trong nước chúng tôi có đạt thư mời đến Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang. Nhưng có lẽ do tuổi già sức yếu Ngài không đến được. Lễ Vesak này là công tác đối ngoại của chính phủ Việt Nam là chính. Phật giáo chỉ hỗ trợ, những người làm ở đây chính phủ giao phó. Hoạt động là Chính quyền, hoàn toàn không phải Phật giáo ». Một lần nữa chúng ta chứng kiến vai trò bù nhìn của Giáo hội Phật giáo Nhà nước, nói đúng danh xưng là Hội Phật giáo Việt Nam. Đến như ngày đại lễ Đấng Thế tôn Thích Ca Mâu Ni Phật cũng không được tổ chức Phật Đản. Vì Ông Chủ đã soán quyền. Nói chi những việc khác, như hoằng pháp hay « Cứu chúng sinh ».
Các sự kiện trình bày đoạn trên, là nguyên do Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang ban hành Giáo chỉ số IX năm 2007 để trang nghiêm Giáo hội và thanh tịnh hàng ngũ giáo phẩm.
Đó là một nhóm người thứ nhất ra đi, chữ và ý của bà.
Năm 2013, năm vị tỳ kheo trong Viện Hoá Đạo viết đơn xin từ chức, sau khi bất thành mưu đồ đưa một đảng viên một đảng vào Viện Hoá Đạo trong nước giữ vai trò truyền thông báo chí. Nhóm 5 người này cùng với một vị tỳ kheo ở Westminster, California, ly khai GHPGVNTN ra thành lập Tăng Đoàn GHPGVNTN, một danh xưng không hề có trong Hiến chương GHPGVNTN. Nguyên do khiến Đức Đương kim Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ ban hành Giáo chỉ số X tháng 12 năm 2013. Ly khai lập Tăng Đoàn, nhưng cứ phải bám vào danh xưng GHPGVNTN, y như ông Gíac Đẳng sau này. Lý do là quần chúng nói chung và Phật tử nói riêng chỉ tin cậy vào GHPGVNTN dưới sự lãnh đạo của các Ngài Huyền Quang – Quảng Độ. Bỏ danh xưng GHPGVNTN là tự đập bể nồi gạo. Đơn giản chỉ vì miếng ăn !
Đó là một nhóm người thứ hai ra đi, chữ và ý của bà.
Chẳng nói làm chi việc ra đi với tiêu đích không khế hợp lập trường, đường hướng, mục đích của GHPGVNTN.
Vấn đề căn bản, là những người mà bà xưng danh trong 8 chữ « người bỏ ra đi càng ngày càng nhiều »đã làm gì ? cho đất nước ? cho Phật giáo ? từ khi họ ly khai GHPGVNTN ? Hay chỉ làm được hữu hiệu những điều thường tình kiểu bà phê bình qua bài « Xin chấm dứt trò đấu giá Đức Phật » trước đây, mà tôi hoan nghênh ? Cơ sự đến nỗi những cuộc biểu tình bà tham dự gần đây, họ cũng chẳng thèm để mắt hay tháp tùng bà.
Đó mới là vấn đề tang thương, tuyệt vọng nằm trong nội hàm 8 chữ bà viết « người bỏ ra đi càng ngày càng nhiều ». Những người bỏ ra đi là họ đấy. Chẳng ai khác. Cần cho đông thì thêm tên ông Giác Đẳng và Công ty của ông ta.
Nói vậy để bà rõ nội dung và bản chất chuyện người đến người đi, mà tôi nghĩ tôn giáo nào, hội đoàn nào, cộng đồng nào, đảng phái nào cũng thường gặp phải thường xuyên. Vợ chồng khắn khít còn ly dị cơ mà. Chẳng ai làm thượng đế ngăn cản được sự thay lòng đổi dạ của con người thâm như hải — dù theo hướng tốt hay xấu.
Bà thiết tha làm chi đến hạng « người bỏ ra đi càng ngày càng nhiều » theo kiểu cách đó. Bà kêu van đến chảy máu mắt, họ chẳng thèm để ý đến bà. Nói cho cùng, hiện trạng bà gán vào Phật giáo cũng là thực trạng của các Đảng phái quốc gia hay toàn thể Cộng đồng hải ngoại ngày nay đó, thưa bà.
Cuộc tổ chức Hội luận về Tôn giáo và Nhân quyền chúng tôi vừa tổ chức hôm 11-7-2018 tại trụ sở US Commission on International Religious Freedom ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, tôi được nghe nhiều lời phát biểu hay và lý thú của Dân biểu Hạ viện Alan Lowenthal, Nữ Dân biểu Zoe Lofgren, Chủ tịch USCIRF Tenzin Dorjee, Cố vấn chính trị Freedom House Robert Herman, Kristina Arriaga, Phó chủ tịch USCIRF, v.v…
Bà Kristina Arriaga nói một câu khiến tôi suy nghĩ. Khi trình bày cung cách làm việc của USCIRF và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà cho biết : « Chín Uỷ viên trong USCIRF thuộc hai chính đảng Hoa Kỳ và tôn giáo khác nhau. Chúng tôi làm việc tự nguyện, không ăn lương. 9 chúng tôi bất đồng 90% trên những vấn đề liên quan đến lĩnh vực chính trị, nhưng chúng tôi đồng tâm nhất trí cho tự do tôn giáo là điều cốt tuỷ cho nền tảng nhân quyền ».
Tôi tán thán tinh thần ấy. Chấp nhận bất đồng [theo tinh thần dân chủ], nhưng quyết tâm kề vai đấu cật để đạt mục tiêu chính yếu cho tha nhân, thay vì tranh cãi, trách móc, chụp mũ, vu hãm, kết tội người khác. Sách xưa từng nói chu trung giai địch, ngồi cùng thuyền vẫn xem nhau như cừu địch !
Điều góp ý thứ tư :
Phật tử thường bảo « trọng Phật kính Tăng », tôi thuộc lớp Phật tử này, khác chăng là tôi kính trọng qua sự cảnh báo của Kinh Kalama.
Ai cũng biết chư Tăng không nhúng chuyện thế sự theo luật Phật chế. Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ nhiều lần xác định « Tăng sĩ chúng tôi không làm chính trị, nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị ». Đó là sự dấn thân và đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo suốt hai nghìn năm qua trên dải đất Việt Nam. Chống xâm lăng Trung quốc là dân Việt và người Phật tử, chẳng ai khác. Kể từ cuộc kháng chiến vệ quốc của Hai Bà Trưng với sự tham gia của các Sư Bà và Nữ tướng Phật tử, rồi trải dài suốt hàng chục thế kỷ huy hoàng sau. Tôi đâu cần nhắc lịch sử với bà, vốn cũng là một Phật tử. Tuy phải nhắc đại khái, để mong bà đừng vì một cuộc biểu tình hôm nay mà xoá bỏ hơn hai chục thế kỷ Phật giáo đồ dấn thân bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền dân tộc.
Đừng vì đi biểu tình thấy thiếu Phật tử mới sực nhớ tới Giáo hội, tuy tức khắc  kết « tội chết » cho GHPGVNTN-HN/HK. Thảm và tội cho Giáo hội quá bà ơi !
Nếu có trách, nên trách những nhà lãnh đạo chính trị, những nhà chính trị chuyên nghiệp, những đảng phái… họ làm chi kéo đất nước khỏi gông cùm Cộng sản.
Các nhà chính trị cải tạo xã hội. Tôn giáo cải tạo con người. Bao lâu con người xã hội chưa hoàn thiện, thì có cải cách hay cánh mạng chi mấy cũng hoài công. Ta đã thấy sự điêu linh, tàn sát qua hơn 70 năm cách mạng của người Cộng sản trên bất cứ quốc gia Đông Tây nào.
Tôi tin vào con đường hoán chuyển nhân tâm của Phật giáo. Nhưng con đường cao cả của Phật giáo không thể lấy một hai cuộc biểu tình làm cứu cánh. Tôi thấy điều ấy trong thực tế và thực tại 43 năm qua. Nói vậy, chớ vội chụp mũ Phật giáo chống biểu tình. Cuộc biểu tình đầu tiên dưới chế độ này, vào lúc hầu như mọi người còn lặng câm, là cuộc Biểu tình của 40,000 (bốn mươi nghìn) Phật tử Huế ngày 24 tháng 5 năm 1993.
Trân trọng.
Võ Văn Ái
(1) Chúng tôi gọi bằng Ông là có lý do. Một Nhà báo ở Nam California từng viết một loạt mươi bài về con người ông Giác Đẳng dưới đề mục “Sư Bán Chùa”. Là Phật tử, chúng tôi không thể tiếp tục quỳ lạy, xưng Thầy hay Sư với một tu sĩ mà chúng tôi chứng kiến tu sĩ này phạm Bốn trọng giới. Kinh gọi là Ác tăng. Khi phạm Tứ trọng giới thì chính họ đã tự tẫn xuất họ khỏi Tăng đoàn. Nguyên thuỷ họ đã có dũng lược xuất gia đầu Phật, nên chúng ta tán thán, tụng ca, nhưng khi phạm giới Tứ trọng thì họ lại thiếu dũng lược để cỗi áo làm người lương thiện tại gia. Không ai tôn thờ Kẻ phạm giới.

No comments:

Post a Comment