Monday 2 April 2018

(VCHR) Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Paris : một chuyến đi trao đổi hàng hoá với Siêu thị Tây — Đài Á châu Tự do phỏng vấn FIDH về nội dung Thư Ngỏ gửi Tổng Thống Pháp yêu sách áp lực cho Nhân quyền và xuất xứ 3 tổ chức Nhân quyến ký tên


PARIS, ngày 29.3.2018 (VCHR) – Nói về một chuyến đi : Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam, công du Pháp từ ngày 25 đến 27 tháng 3 vừa qua, gọi là để kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Pháp Việt và 5 năm đối tác chiến lược giữa hai quốc gia. Ông kéo theo một phái đoàn nặng ký cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng, v.v… với số lượng 40 người.
Tuy nhiên, có thể kết luận chuyến đi này như một gã lái buôn đến một Siêu thị Tây mua hàng hoá. Mọi lễ nghi tiếp đón người đứng đầu cai trị Việt Nam không được thực hiện như thường lệ dành cho Quốc khách. Báo chí Pháp im lặng nói đến “nhân vật” chính trị đầu não Hà Nội, ngoài sự đăng tin các ký kết mua máy bay hay thiết lập tàu hầm tại Hà Nội trị giá lên bạc tỉ. Truyền thanh truyền hình trên các hệ thống Pháp chẳng một lời nhắc nhở chuyến công du của Người Số 1 Hà Nội.
Tổng Thống Pháp, Emmanuel Macron, thì lên lời tuyên bố báo động tình hình làm ăn chưa mấy triến triển giữa hai nước, đại ý ông nói : “Chúng ta phải có mặt tại Việt Nam nhiều hơn nữa, so với giao thương thế giới, Việt Nam chỉ dành cho Pháp 1% thôi, tình trạng Pháp thoại cũng đang thối lùi tại Việt Nam”.
Biết rõ sự lơ là của báo chí Pháp, ông Trọng tự mình thao tác quảng cáo cá nhân mình, bằng cách thuê đăng quảng cáo trọn một trang trên nhật báo Le Monde, tờ báo chính trị của giới trí thức Pháp, in hình mình cười nụ với bài viết “Viễn tượng tốt đẹp trong quan hệ Việt Pháp”. Giá thuê đăng gần 200.000 nghìn Euros tính cả tiền thuế giá trị gia tăng (VAT / TVA 20%).
Mình có thế nào thì Tây mới chối từ viết bài ca tụng mình, nhại kiểu nói thích khoái của Tổng Bí thư. Thế thì ta cứ đề cao ta cho Tây nó biết ! Thỉnh thoảng nhật báo Le Monde vẫn từng nhận tiền thuê đăng cho các ông Hoàng Dầu lửa tại các nước Ả Rập đàn áp nhân quyền, hay các nước Phi châu mang thói mèo khen mèo dài đuôi thuê đăng quảng cáo như thế.
Trong không khí làm ăn mua bán, bánh sáp đi bánh chì lại,  bỗng nổi cộm vấn đề Nhân quyền và đàn áp tôn giáo thông qua bức Thư Ngỏ do 3 Tổ chức Nhân quyền ký tên chung (Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, và Hội Nhân quyền Pháp quốc), gửi Tổng Thống Pháp yêu sách áp lực Việt Nam trả tự do cho các tù nhân vì lương thức, chấm dứt mọi sách nhiễu, công an bạo hành đối với các xã hội dân sự, chấm dứt các cuộc đàn áp tôn giáo, và huỷ bỏ những điều luật chống nhân quyền trong nền Độc tài Pháp trị của Hà Nội. Hai hãng thông tấn Reuter và AFP, các Đài RFA, VOA, RFI cùng các báo lớn tại Paris, như Le Point, Libération, Challenges, v.v… đều loan tải Thư Ngỏ yêu sách này.
Phóng viên Ỷ Lan của Đài Á châu Tự do đã làm cuộc phỏng vấn sau đây về nội dung Thư Ngỏ cũng như xuất xứ 3 Tổ chức Nhân quyền quốc tế ký tên chung :


Nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công du Pháp, ba vị Chủ tịch của ba Tổ chức Nhân quyền gồm có Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, và Hội Nhân quyền Pháp quốc, ký tên chung bức Thư Ngỏ gửi Tổng Thống Cộng hoà Pháp quốc Emmanuel Macron yêu cầu Tổng Thống áp lực Việt Nam giải toả đàn áp nhân quyền và tôn giáo, huỷ bỏ các điều luật phản chống nhân quyền, và trả tự do cho các tù nhân vì lương thức. Chúng tôi phỏng vấn ông Andrea Giorgetta, Trưởng Phòng Á Châu của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền để hiểu rõ thêm về bức Thư Ngỏ. Xin mời quý thính giả theo dõi.
Ỷ Lan : Xin ông vui lòng cho biết về 3 tổ chức Nhân quyền ký tên Thư Ngỏ gửi Tổng Thống Emmanuel Macron ?
Andrea Giorgetta : FIDH là chữ viết tắt của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền là mạng lưới nhân quyền Phi chính phủ lớn rộng của Pháp, với số lượng 180 thành viên thuộc 120 quốc gia trên năm châu. Hội Nhân quyền Pháp quốc là thành viên của Liên Đoàn FIDH, tổ chức nhân quyền lâu đời nhất của nước Pháp, thành lập từ năm 1898. Còn Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam là tổ chức Châu Á đầu tiên gia nhập Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền từ trên 20 năm trước.
Ỷ Lan : Theo ông vì sao Thư Ngỏ gửi Tổng Thống Pháp là một việc làm quan trọng ?
Andrea Giorgetta : Việc này rất ý nghĩa vì nhiều lý do. Trước hết vì quan hệ lâu đời giữa Pháp và Việt Nam. Hiển nhiên Việt Nam là cựu thuộc địa Pháp, nhưng ngày nay ảnh hưởng Pháp vẫn còn trên các lĩnh vực văn hoá, chính trị và kinh tế. Thật là điều quan trọng khi Tổng Thống Macron gửi một thông điệp thẳng thắn tới Tổng Bí thư Trọng làm sáng tỏ tình trạng nhân quyền sa sút tại Việt Nam, đặc biệt về hoàn cảnh các xã hội dân sự bị o ép trong một không gian khép kín, việc sử dụng các điều luật hạn chế nhân quyền, và không ngừng tiếp diễn đàn áp tự do ngôn luận, biểu tình và tự do tôn giáo.
Ỷ Lan : Ông chờ đợi gì ở Tổng Thống Macron qua bức Thư Ngỏ này ?
Andrea Giorgetta : Đây là cuộc thử nghiệm quan trọng vì lần đầu tiên có cuộc tiếp xúc giữa Tổng Thống Macron và nhân vật cấp cao Việt Nam. tôi nghĩ rằng điều quan trọng đầu tiên phải yêu sách thông qua các tiêu chuẩn cao. Tổng Thống Macron sẽ phải minh bạch về điểm chuẩn nhân quyền cần nêu, và cũng là điều quan trọng nhắc tới những trường hợp các tù nhân chính trị đang bị giam giữ tại Việt Nam.
Ỷ Lan : Chúng tôi cũng hỏi thăm ông Võ Văn Ái, một trong 3 vị Chủ tịch ký tên Thư Ngỏ, lý do nào hai Tổ chức Nhân quyền Quốc tế hậu thuẫn ký chung, và được ông Ái giải thích như sau.
Võ Văn Ái : Chúng tôi nghĩ rằng cần biết thêm ý kiến của người dân nước Pháp trước sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng đến Pháp, thông qua 2 tổ chức nhân quyền kỳ cựu ra đời từ cuối thế kỷ XIX. Lẽ thứ hai, mà tôi nghĩ ít người biết, là Hội Nhân quyền Pháp quốc, thành viên của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, có liên hệ chặt chẽ với nhân dân Việt Nam vì đã từng lên tiếng bênh vực trả tự do cho cụ Phan Chu Trinh khi cụ bị Pháp đày ra Côn Đảo. Đồng thời Hội cũng bênh vực phá án tử hình cho cụ Phan Bội Châu năm 1925.
Chắc ít ai còn nhớ năm 1903, nhà báo Pháp Ernest Babut và Đại uý Jules Roux thành lập chi bộ Việt Nam Hội Nhân quyền Pháp quốc ở Hà Nội. Hai năm sau, nhà báo Babut, người nói rành tiếng Việt, xuất bản tờ báo Việt ngữ đầu tiên tại Hà Nội, lấy tên Đại Việt Tân Báo nhắm mục tiêu phổ thông hoá chữ Quốc ngữ và vận động Giải thực, chống chế độ thuộc địa. Cụ Phan Chu Trinh từng viết cho báo này.
Đó là lý do ba tổ chức chúng tôi ký tên chung cho cùng mục tiêu nhân quyền đã hiện hữu từ lâu giữa hai dân tộc.
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á Châu Tự do tại Paris

No comments:

Post a Comment