Sunday 14 October 2018

(Huệ Lộc) Nhìn Chuyến Hành Trình của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ qua Dịch Số.


Sáu ngày trước đây tôi bất ngờ nhận được tin Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ đã rời khỏi Thanh Minh Thiền Viện và Ngài cũng đã bãi chức ông Lê Công Cầu cũng như rút lại bản di chúc về  việc giao quyền xử lý Viện Tăng Thống cho HT Thích Tâm Liên  nếu sau này Ngài có vắng mặt.   Cũng như những lần trước đây,Ngài đã từng bãi chức một số tăng sĩ đã phạm tội Ba La Di và Tăng Tàn vì những vị này chưa bao giờ tỏ vẻ ăn năn hay sám hối mà vẫn tiếp tục phạm giới sai lầm một cách trầm trọng.  Sau đó tôi lại nghe thì có một số áp lực ép buộc Ngài phải rời khỏi Thanh Minh Thiền Viện về quê cũ huyện Vũ Đoài nơi đất Bắc.  
       Vì việc ra đi của Đức Tăng Thống có ngày, giờ, năm, tháng, và phương hướng, nên tôi mở Dịch Số ra xem thì thấy có một số điều rất lạ trong chuyến đi về Bắc của Ngài trong giai đoạn này.  Tại sao?  Vì chuyến hành trình của Ngài chưa chấm dứt nơi đây! 
       Vì Dịch là một môn học về sự biến dịch của toán số, lý số, và mệnh số, có cơ sở đặt trên âm dương, bát quái, và ngũ hành, do đó trong phạm vi bài viết ngắn, tôi không thể giải thích hết tất cả những chi tiết của Dịch, nhưng qua những tượng số hiện bày thì lại có những hình ảnh của Ngài Quảng Độ và GHPGVNTN trải dài đến tương lai.  Những dự đoán này có thể được giải thích như sau, và tôi cũng không ngừng học hỏi những ý kiến chỉ điểm và bổ túc.
       Chiêm bốc một hiện tượng về Dịch, thông thuờng gồm có ba phần:  Chánh Quái, Hổ Quái, và Biến Quái.  Mỗi Quái lại có hai phần là Thượng Quái và Hạ Quái. 
       Căn cứ vào hình ảnh và ngày giờ Ngài ngồi trên chuyến xe lửa ở nhà ga mà tôi đọc từ bản tin của PTTPGQT
1. Chánh Quái: Ngài rời khỏi Thanh Minh Thiền Viện sáng ngày 5 tháng 10, 2018 tức ngày 26 tháng 8, 2018 âm lịch:
Mậu tuất là 11:       11
tháng 8:                  08
ngày 5:                    05
Cộng chung:            24
Thượng Quái:         24-(2x8) = 24-16= 8.  8 là Quẻ Khôn.  Lấy quẻ Khôn là thượng quái.
Hạ Quái:                 Hướng bắc là Khảm là số 2.  Lấy quẻ Khảm làm hạ quái.
Thượng hạ nhập chung thành quẻ Địa Thủy Sư. Chánh quái là quẻ Địa Thủy Sư.
2. Hào động: 24+2- (4x6)= 2 (nhị hào động)
3. Hổ Quái:
Quẻ thượng của Hổ Quái thì dùng các hào 5, 4, 3 của Chánh quái tức là quẻ Khôn.
Quẻ hạ của Hổ Quái thì dùng các hào 4, 3, 2 của Chánh quái tức là quẻ Chấn.
Hai quẻ thượng hạ nhập lại thành quẻ Địa Lôi Phục.  Hổ Quái là quẻ Địa Lôi Phục.
4. Biến Quái:  Dùng nguyên lại Chánh Quái nhưng đổi hào động ngược lại.  Ở đây hào thứ hai là hào động, là dương (một gạch) nên đổi lai là âm (hai gạch).  Sau khi đổi nhị hào động, Chánh quái biến thành Bát Thuần Khôn. Vậy Biến Quái là quẻ Bát Thuần Khôn.
                 
                   Chánh Quái                             Hổ Quái                       Biến Quái
                   Điạ Thủy Sư (7)                       Địa Lôi Phục (24)         Bát Thuần Khôn (2)
                6    __   __                                                __  __                            __  __
Khôn        5    __   __                                    Khôn    __  __              Khôn     __  __
(thổ)        4     __   __                                   (thổ)     __  __              (thổ)        __  __

      
Khảm       3    __   __                                   Chấn    __  __              Khôn       __  __
(thuỷ)      2    _____ (nhị hào động)           (mộc)     __  __              (thổ)        __  __
                1    __   __                                               _____                              __  __
      
1. Chánh quái là Địa Thủy Sư.  Chánh quái là nói về chánh nhân (Thể) và việc làm của vị chánh nhân đó (Dụng).   Quẻ Địa Thủy Sư có ý nghĩa là quần chúng nhóm họp chung quanh một vị tướng, và vị tướng đó thống lãnh toàn quân, nhưng không có sức mạnh.  Bên ngoài hay phía trên là quẻ Khôn.   Ngoại Khôn là thuận, là tốt. Nhưng phía dưới là quẻ Khảm hay Nội Khảm.  Quẻ Khảm là quẻ xấu, nguy hiểm.  Điều này có nghĩa Đại Lão HT Thích Quảng Độ bên ngoài được mọi người kính trọng, tâm ý quần chúng Phật tử hướng về Ngài một cách cung kính vâng lời; nhưng bên trong Giáo Hội (Nội Khảm) thì có rất nhiều những phần tử bất lương, núp bóng từ bi, mà ngầm hãm hại Ngài và đưa Ngài đến chổ nguy hiểm.  Đây là một quẻ xấu hay một hiện tượng xấu.
       Địa Thủy Sư cũng gọi là quẻ Thượng Lục (quẻ Khôn có 6 gạch đứt đọan) có nghĩa là có đứa tiểu nhân che mắt làm tâm loạn, nên đừng bao giờ dùng kẻ tiểu nhân này.  Tuy nhiên xét về Thể và Dụng thì quẻ Khôn trên là Thể, thuộc Thổ; còn quẻ Khảm dưới là Dụng, thuộc Thủy.  Vì Thổ khắc Thủy nên được Thể khắc Dụng; Thể là chánh còn Dụng là phụ.  Vì Thể khắc Dụng nên hợp đạo lý ngũ hành sinh khắc, do đó quẻ xấu trở thành không quá xấu.  Dụng bị khắc bởi Thể nghĩa là kẻ tiểu nhân không hại được chủ nhân. Người chủ nhân hay kịp thời nên ra tay chận trước.  Điều đó được biểu tượng cho hành động của Đức Tăng Thống trước khi rời Sài Gòn, Ngài báo cho Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tể về hai quyết định bãi nhiệm và phủ định chức vụ của một số Tăng Ni Phật tử thân cận như trong ngày 3 tháng 10, 2018.  (nguồn từ PTTPGQT)
       2. Hổ Quái:  Hổ quái là trung gian của Sự (Dụng) và Thể.  Ở đây Hổ Quái là quẻ Địa Lôi Phục còn gọi là quẻ Phục.  Phục có nghĩa là trở lại hay hoàn phản.  Quẻ Phục nói lên đạo lý tiểu nhân cực thịnh đến lúc phải tiêu mất; đạo lý quân tử đang bị giãm cực nhỏ thì bắt đầu tăng trưởng lên, cho nên gọi là Phục.  Hiện tượng Đức Tăng Thống rời khỏi Thanh Minh Thiền Viện chính là một hiện tượng cuối cùng chấm dứt thời kỳ tiêu cực của Giáo Hội và của chính bản thân Ngài, để bắt đầu cho một giai đoạn tăng trưởng mới của Giáo Hội.  Điều này được thấy rõ ràng trong phần Hổ quái, thượng quái là quẻ Khôn thuộc thổ, hạ quái là quẻ Chấn thuộc mộc. Thổ sanh mộc là chỉ cho thời quân tử hành động rất có thuận lợi.
       Quẻ Điạ Lôi Phục liên hệ đến sự bình an của Ngài Quảng Độ.  Theo tượng số suy diễn thì đây là lúc mà công đức tu hành tích luỹ của Ngài bắt đầu tăng hiện.  GHPGVNTN bắt đầu chuyển biến dần dần đến một giai đoạn đặc biệt thu hút và lôi kéo được nhiều nhóm Phật Giáo, Tăng Đoàn hải ngoại để lập ra một đường lối Phật Giáo thuần tuý nguyên sơ.      Nếu xét về Phật Giáo Việt Nam từ năm 1960 (lúc Phật Giáo có dấu hiệu giao động trầm trọng) cọng thêm 60 năm tức năm 2020.  Tức là một đại vận cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nói chung.  2020 mới đúng là năm thật sự thay đổi cho số phận tôn giáo Phật Giáo ở Việt Nam. 
       3. Biến Quái: 
Biến quái là sự chung cuộc của sự việc.  Biến quái của Đức Tăng Thống  là quẻ Bát Thuần Khôn.   Bát Thuần Khôn là quẻ chí âm.  Khôn tượng về đất như Bồ Tát Địa Tạng là lòng đất.  Lòng mẹ như đất vì tình yêu bao la rộng lớn không bờ bến, như nước đại dương không tăng không giảm, không bao giờ cạn.   Bát Thuần Khôn có đặc tính hoàn toàn nhu thuận nghĩa là chí nhu.  Ba nét trên là Khôn thuộc thổ là khôn thượng hay ngoại khôn.  Ba nét dưới là Khôn hạ hay nội khôn.  Hai quẻ trên dưới đều là thổ.  Trên dưới nơi đâu cũng là đất, vì thế quẻ Khôn có bốn đức: Nguyên, Hạnh, Lợi, Trinh.
Nguyên:  có nghĩa đầu tiên và lớn.  Nguyên ứng nơi Ngài Quảng Độ là sự giác ngộ về Tâm Từ.   Từ bi có trí tuệ, không phải là loại từ bi một chiều.
Hạnh: Có nghĩa là thông thái và tiện lợi.  Hạnh ứng nơi Ngài Quảng Độ là Trí giác ngộ về Vô Thường.
Lợi:  Có nghĩa là thoả thích và tiện lợi:  Lợi ứng nơi Ngài Quảng Độ là sự giác ngộ về tánh Vô Sở Hữu.
Trinh: Chính và bền chặc cho đến cùng.  Trinh ứng nơi Ngài Quảng Độ là giác ngộ Tín và Nguyện. Tín và Nguyện tự nó bền chắc mà không cần cố gắng dụng sức, gọi là Vô Công Dụng Đạo.
       Biến quái Bát Thuần Khôn ứng nơi Ngài Quảng Độ nói lên một trí tuệ giác ngộ nghiệm chứng được thế thái nhân tình và cuộc đời vô thường huyễn giả, xưa nay bao nhiêu các bậc tài trí anh hùng, công hầu khanh tướng từ nghèo như gã ăn mày tận đáy cho đến bậc đế vương sang giàu tột bậc cũng vì chưa hiểu đặngnghĩa vô thường mà chịu nhiều khổ đau tang thương biến đổi.  Vì lòng tham danh lợi mà họ đã xem thường đạo nghĩa huynh đệ thầy trò, nham hiểm, phản trắc mang tội bất nhân bất nghĩa cho đến vô luợng kiếp trong ba nẻo thấp luân hồi.   Theo thông thường, sự giác ngộ của các bậc La Hán hay Bồ Tát có hai lối.   Lối giác ngộ thứ nhất do thực hành sâu xa pháp tu Chỉ Quán mà giác ngộ, như các pháp tu Ngũ Đình Tâm Quán...   Lối giác ngộ thứ hai do khổ đau mà chứng nghiệm tánh Không như trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, hai mươi lăm thánh quả từ hai mươi lăm căn, trần, thức mà viên chứng Bồ Đề.  Ngài Quảng Độ chứng ngộ trong lối thứ hai.   Chính vì nhìn thấy hình ảnh oái oăm thế thái nhân tình này, mà Đức Tăng Thống không còn trông chờ hy vọng vào ai được nữa.  Ngài chính thức quyết định con đường tự độ nghĩa là chuyển sang một pháp tu khác để mau thành Phật.  Chỉ có thành Phật mới có đủ phương tiện nhiệm mầu cứu thoát chúng sanh. Cho nên Ngài mới nói :”Chết thì thôi , chứ Giáo Hội Làm sao bỏ được.”  là đồng với câu nói: “Sanh tử vô thường, tận độ chúng sanh.”  Ngài đã tuỳ duyên ra đi mà không còn chút vui hay buồn như hình ảnh Ngài ngồi trên chuyến xe lửa ra Bắc.  Đó là ý nghĩa Bát Thuần Khôn - Cực thuận, thuần âm.   Thuần âm cũng có nghĩa là trở lại (vật cùng tất biến; vật biến tắc thông).  Theo tượng số thì Ngài Quảng Độ sẽ trở lại.  Và có thể khi Ngài trở lại, GHPGVNTN sẽ kết hợp với Phật Giáo Thế Giới Hải Ngoại nào đó để chấn chỉnh giới luật và thanh lọc tu sĩ như thời vị sơ tổ dòng phái mũ vàng Galupa đã làm trong thế kỷ thứ 14 ở Tây Tạng.  Vì Biến quái là quẻ chung kết cũng là quẻ Bát Thuần Khôn, mọi sự vận hành xưa không còn tiếp tục như trước mà chuyển qua thời kỳ Thái Dương.  Điều đó nói lên Giáo Hội sẽ không tìm ra và bầu ra một vị Tăng Thống Thứ Sáu sau Ngài Quảng Độ, mà có thể Giáo Hội có sự hình thành một cơ cấu mới (re-form) để thích hợp với Phật Tử Hải Ngoại và toàn cầu.  Hiện tại vì hoàn cảnh đất nước bị Tàu xâm chiếm, có rất nhiều người ở Việt Nam đút lót tiền bạc, giả làm sư quốc doanh chạy trốn sang ngoại quốc tạo ra cảnh tu hành giả dối, người tu thật và người tu giả đều có chùa và mặc áo vàng như nhau, gây cảnh vàng thau lẫn lộn.  Còn ở hải ngoại hầu như các tu sĩ đều chạy theo danh lợi.  Họ ham muốn chùa lớn, tiền nhiều, xem việc cầu an, cầu siêu cho chúng sanh là phương tiện sinh sống và làm giàu; sự tu hành của người xuất gia không còn mang truyền thống giải thoát khổ đau và giải thoát tri kiến, đắc quả Niết Bàn, cứu độ chúng sanh như lời Phật dạy nữa. Tuy nhiên Phật tử thời nay rất sáng suốt, họ sẽ phân biệt được tu sĩ nào đáng cúng dường; tu sĩ nào không đáng được cúng dường, vì thế chắc chắn sẽ có những vị thế ngoại cao tăng, thường là các Bồ Tát hoá thân, vì sự trả ơn Phật và sự trả ơn Chúng sanh, họ sẽ đứng lên bảo vệ giới luật và kêu gọi sự thanh lọc trong hàng ngũ tăng ni. Họ sẽ là những chân tu, không gia cư, không chùa chiền, không tài sản, không banking, đắc Vô sở hữu và Vô úy thí, có đầy đủ Tứ Vô Lượng Tâm, và có sự trong sạch đối với Dâm, Sát, Đạo, Vọng, họ chính là những bậc Bát Địa trở lên.  Những vị đó xứng đáng lãnh đạo Tăng Già thế giới.  Khi các tu sĩ tu giả bị khám phá và không ai đến cúng dường nữa thì tự nhiên họ sẽ hoàn tục để đi làm việc lao động kiếm tiền như bao nhiêu người khác.  Sự di dân qua lãnh vực tôn giáo không phải là chuyện nhỏ, do đó trước sau gì chánh quyền các nước cũng nhận ra điều đó.  Lúc bấy giờ những danh sách các sư giả nhập cảnh qua diện tôn giáo sẽ bị bắt buộc hồi hương như danh sách 330,000 sinh viên Tàu ở Mỹ bị hồi hương trong năm 2018 là điều tất yếu sẽ xảy ra.  Đó cũng là một sự ảnh hưởng của quẻ Bát Thuần Khôn cho tình trạng Phật Giáo Việt Nam trong tương lai.
      
       Riêng tôi, tôi cũng cầu mong Ngài đuợc Phật Lực gia trì.  Mọi sự bình an.  Những ai có dịp sống chung hay sống gần Ngài Quảng Độ lúc này, nếu có thể giúp đỡ Ngài được phần nào hay phần nấy, chắc chắn người đó có công đức lớn sau này.  Sau đây là một câu chuyện trong Đại Tạng Kinh, do Ngài A Nan kể lại về một người do cứu một vị chân tu mà kiếp nào cũng không bị chết yểu, và cuối cùng gặp Phật, chứng quả A La Hán.
Ngài A Nan tường thuật:
       Chính tôi được nghe một lần Đức Phật ở nước La Duyên, tịnh xá Trúc lâm.  Có một gia đình giàu có, người chồng làm đến chức Phụ tướng cao sang.  Người vợ sanh ra một đứa con trai kháu khỉnh, trong nhà xuất hiện những điềm may mắn lạ thuờng.  Hai vợ chồng mới cho mời các thầy tướng số đến xem tướng cho con mình.  Có một tướng sư rất giỏi đến xem tướng xong rồi đặt tên cho đứa bé trai này tên là Hằng Như Đạt (tức là một người muốn gì thì được nấy).  Đứa trẻ lớn lên học hành thông sáng, nhưng có một điều là Hằng Như Đạt thường thích học đạo và ham nghe các vị Sa Môn giảng thuyết kinh Phật.  Hằng Như Đạt nghe được thấm nhuần, thấy mọi việc trên đời không có gì vững chắc, như bọt nổi, như mây trôi, tan tụ vô thường.  Như Đạt quyết tâm xuất gia tu cầu giải thoát, nghĩ xong Như Đạt mới về nhà trình bày với cha mẹ mình như sau:
       - Thưa cha mẹ, được làm người là khó, được gặp Phật tại thế lại càng khó hơn.  Hiện nay có một Đức Phật ra đời, mục đích cứu người ta ra khỏi vòng trầm luân khổ ải.  Vậy xin cha mẹ cho phép con xuất gia tu đạo, được phúc vô lượng vô biên.
       Cả hai cha mẹ của Hằng Như Đạt mới nói:
       - Con ơi!  Việc tu đạo cũng tốt, nhưng cực khổ lắm, đoạ đày thân thể nơi chốn chùa chiền, muối dưa hiu quạnh.  Cha làm quan Phụ tướng, có quyền cao chức trọng, của cải đầy kho, không ai sánh kịp.  Cha mẹ chỉ sinh ra có một mình con để nối nghiệp nhà.  Nay con muốn đi xuất gia thì của cải tài sản này để lại cho ai đây? Rồi mai kia cha mẹ già nua bịnh hoạn, còn biết nương nhờ vào ai sớm hôm chăm sóc?
       Hằng Như Đạt biết ý cha mẹ ngăn cấm nên từ tạ lui ra.  Từ đó ngày đêm buồn rầu, rồi tự nghĩ:
       - Thôi thì thà mình tự sát để thác sanh vào gia đình thường dân thì mới mong có cơ hội xuất gia.
       Nghĩ xong Hằng Như Đạt một mình ra đi lên đỉnh núi cao rồi buông mình rơi xuống.  Tưởng làm như thế là chết, nhưng thân thể không bị thương tích gì cả.  Hằng Như Đạt sau đó lại nhảy xuống giòng sông lớn nhưng lại không chìm.  Cuối cùng cậu ta uống độc dược, nhưng thuốc độc cũng không hại được.  Quá chán nản, Hằng Như Đạt mới tìm cách trộm lấy y phục của hoàng hậu và cung nữ của vua A Xà Thế trong khi họ đang bơi lội trong hồ tắm ở hoàng cung.  Quan Môn Giám bắt được mới mang Hằng Như Đạt giao cho vua A Xà Thế.  Bấy giờ vua A Xà Thế rất giận sai người mang Hằng Như Đạt ra pháp trường xử chết. 
       Thoạt đầu vua sai người giương cung bắn, nhưng mỗi khi bắn thì mũi tên quay đầu trở lại nhà vua, làm vua A Xà Thế phải né tránh.  Cứ bắn như thế ba lần, thì ba mũi tên đều quay lại nhà vua hết.   Vua A Xà Thế ớn lạnh, mới hỏi Hằng Như Đạt:
       - Nhà ngươi là ai?  Là Thiên, Long, Quỉ, Thần mà có phép lạ như vậy?
       Hằng Như Đạt mới nói:
       - Tâu Bệ hạ, tôi có việc riêng.  Nếu Bệ hạ giúp tôi được thì tôi xin nói.
       Vua A Xà Thế đáp:
       - Ngươi cứ nói.  Nếu giúp được thì ta sẽ giúp cho.
       Hằng Như Đạt nói:
       - Tâu Bệ hạ!  Tôi chẳng phải là Thiên, Long, Quỉ, hay Thần chi hết.  Chính tôi là con Phụ tướng bản triều, vì muốn xuất gia tu học, nhưng cha mẹ tôi không cho, nên tôi muốn chết để sinh nơi khác cho toại nguyện vọng ấy.  Nhưng khi tôi lên núi gieo mình xuống lại không chết.  Tôi nhảy vào sông lớn, lại không chìm.  Tôi uống thuốc độc như uống nước lạnh.  Chỉ còn cách là tôi phạm pháp nước thì mới bị tử hình mà thôi, vì thế mà đã làm việc trộm cắp y phục của Hoàng Hậu và các cung nữ như vừa rồi, để hy vọng nhà vua xử tử tôi thì tôi mới đạt được ý nguyện. 
       Vua A Xà Thế lúc ấy đã sám hối tội giết cha và đã qui y với Phật, nghe nói lấy làm thương hại mà bảo:
       - Thôi ngươi cứ an tâm về nhà đi.  Ta sẽ bảo Phụ tướng cho ngươi mãn nguyện.
       Một hôm nhân buổi đi thính pháp, vua A Xà Thế dẫn Hằng Như Đạt đến chốn Phật.  Tới nơi, nhà vua làm lễ với Phật xong mới trình bày ý nguyện của Hằng Như Đạt cho Phật nghe.  Nghe xong, đức Thế Tôn mới nhìn Hằng Như Đạt, Ngài mỉn cười và nói:
       -Thiện Lai Tỳ Khưu
       Hằng Như Đạt nghe vừa dứt, thì tóc trên đầu tự rụng hết, và chiếc áo đang mặc trở thành áo ca-sa, cả thân thành tướng Tỳ Khưu.  Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, tâm ý khai ngộ, tức chứng được Tam Minh và Lục Thông, thành quả A La Hán trước mặt mọi người.
       Thấy thế, vua A Xà Thế sửng sờvội vã quì xuống hỏi Phật:
       - Bạch đức Thế Tôn!  Hằng Như Đạt đã trồng căn lành gì mà khi gieo mình trên núi xuống mà thân không bị thương tích, xuống nước không chìm, uống thuốc độc không chết, tên bắn không trúng, hơn nữa khi gặp Thế Tôn chỉ có một lần mà đắc được đạo quả A La Hán nhanh chóng như thế?  Xin Ngài từ bi giảng dạy.
       Phật đáp:
       - Đại Vương!  Cách đây đời quá khứ, vô số kiếp về trước có một nước lớn tên là Ba-La- Nại.  Vua nước ấy tên là Phạm Ma Đạt.  Một hôm vị vua đưa các cung nữ vào rừng mở tiệc ăn uống đàn hát ca múa.  Trong khi tiếng đàn tiếng nhạc réo rắc hoà lẫn ca khúc ngân giọng cao giọng trầm của đoàn mỹ nữ, thì bên ngoài bìa rừng có người hát hoạ lại.  Nhà vua nghe được tiếng hoạ lại đó liền nổi giận cho quân bắt người kia về, rồi sai lính mang đi xử tử. 
       Vừa lúc đó có một ông quan đại thần đi chơi về bắt gặp.  Ông hỏi người lính rằng:
       - Người này có tội gì mà mang đi giết vậy?
       Người lính đáp:
       - Thưa Ngài!  Anh này bị tội hoạ lại giọng hát của các mỹ nữ.
       Vị quan đó thầm nghĩ: “Chỉ có thế mà giết người thì thật là vô lý quá.”
Nghĩ xong ông ta nói:
       - Hãy khoan hành quyết người này.  Để ta vào nói chuyện với vua.
Khi gặp vua, vị quan mới nói:
       - Tâu Bệ hạ!  Kẻ kia chưa đáng tội chết, vì tội chưa nặng lắm. Tuy có hoạ lại tiếng, nhưng không ra mặt, và cũng không có gì chứng tỏ có sự giao thông dâm dục.  Cuối xin Bệ hạ tha cho hắn ta khỏi chết.
       Nghe nói có lý, nhà vua bằng lòng tha cho người đó khỏi chết.
       Người được tha chết, lòng mừng rỡ, trả ơn lại cho vị Đại Thần bằng cách phục vụ trung thành với ông trong nhiều năm tháng.  Một ngày kia, người đó nghĩ rằng: “Sự dâm dục giết người hơn đao kiếm.  Trước đây ta suýt chết cũng do lòng dục vọng.  Sinh tử vô thường nhanh như chớp sáng, như sương động trên đầu ngọn cỏ, sáng có chiều không, thân này chẳng bao lâu sẽ vào cửa chết, vậy ta nên tầm đạo giải thoát.”
       Nghĩ xong người ấy mới trình bày với vị quan để lên đường tầm sư học đạo.  Vị quan Đại Thần đó mới căn dặn ông rằng:
       - Khi nào ông học đạo thành công thì hãy về đây cho tôi gặp lại một lần nữa.
       Ông ta từ giã vị quan Đại Thần rồi lên núi tu học với một đệ tử của Phật, chuyên tâm hành thiền suy xét đạo lý, không bao lâu tinh thần tự nhiên khai ngộ, hiểu thấu nguồn chân, thành ngôi Bích Chi Phật.  Vì giữ lời hứa với vị quan Đại Thần nên Ngài trở về nhà vị quan này, và hiện ra mười tám phép thần biến như bay trên hư không, nơi mình phun ra nước và lửa, phóng đại quang minh chói loà khắp trời đất.  Ông quan Đại Thần thấy phép thần biến cao siêu, trong lòng vui vẻ, kính trọng và khấn nguyện rằng:
       - Kính lạy Ngài!  Tôi có phúc duyên được cứu Ngài năm trước, vậy xin cho tôi đời đời được phú quí giàu sang, tuổi thọ cao đẹp hơn người đời.  Xin cho tôi có trí tuệ và đức tướng cũng được như Ngài.
       Nói đến đây, đức Phật mới nhắc vua A Xà Thế rằng:
       - Đại Vương!  Vị quan đại thần cứu sống người hoạ tiếng ca thuở đó chính là Tỳ Khưu Hằng Như Đạt.  Bởi do duyên lành cứu vị Bích Chi Phật mà Hằng Như Đạt sinh ra đời nào cũng không bị chết yểu, cũng do phúc duyên đó mà ngày nay gặp ta được chứng đạo giải thoát.  (Trích trong Kinh Hiền Ngu, Phẩm thứ sáu - Cầu Tự. Thích Trung Quán dịch)

       Thưa các vị thiện nam tử, Ngài Quảng Độ có hạnh Bồ Tát.  Nếu quí vị có cơ hội gần gũi hộ pháp cho Ngài thì quí vị đã tự vun trồng công đức to lớn vĩ đại vô cùng, vì không phải ai cũng có cơ hội gần gũi phục vụ cho Ngài được.  Công đức đó cuối cùng sẽ làm cho quí vị ở kiếp nào cũng có một thân thể thông minh đẹp khỏe và tuổi thọ viên mãn, cuối cùng tu hành đắc đạo như vị A La Hán Hằng Như Đạt.  Muốn nghiệm lại điều tôi nói có đúng hay không thì quí vị cứ đi tìm trên khắp thế giới này, muốn có một Ngài Quảng Độ thứ hai nữa thì sẽ không bao giờ tìm ra được.
       Để kết thúc bài viết này, tôi xin thành tâm kính nguyện Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ sự bình an trong vòng tay của Đức Phật. 

                   Nỗi buồn man mác từ khi,
           Nước trôi cầu gãy còn chi mong về.
                   Thương người ngàn dậm sơn khê,
           Mang theo lời nguyện độ về chúng sanh.
                   Thương chân Bồ Tát hạnh lành,
           Thế gian cọng nghiệp, cũng dành riêng mang.
                   Trong nhà đám lửa cháy lan,
           Chạy ra rồi lại chạy tràn vào trong.
                   Cứu ai chạy tây chạy đông?
           Hoàng Thiên nhìn thấy nghẹn lòng xót thương.
                   Hạnh tu Bồ Tát đâu thường,
           Chết rồi sống lại mới tường tử sanh.
                   Có ai mong tới Tây Thành,
           Mà tâm cứ mãi đắm sanh Ta Bà?
                   Nguyện Ngài, bát nạn thông qua,
           Dứt cơn bỉ cực đăng toà thái lai.
                   Nguyện Ngài đốt đuốc đêm dài,
           Cho người trông thấy nẻo ngay đường lành.
                   Nguyện Ngài giống trống pháp thanh,
           Cho người nghe được tâm lành mở toang.
                   Nguyện Ngài chèo chiếc đò ngang,
           Vớt người chìm nổi Tây Phang đặng về
                   Nguyện Ngài nán lại cõi mê
           Độ người hữu phúc đưa về Như Lai
                   Nguyện Ngài xông chốn trần ai,
           Vô Công Dụng Đạo dạy bài nhân duyên
                   Xin đừng làm độc mộc thuyền (La Hán Thừa)
           Xin Ngài nhớ lại lời nguyền kiếp xưa.
                   Hạnh tu Bồ Tát Đại Thừa,
          Xả thân Bồ Thí mới vừa nguyện Vương.
                   Phật đâu ngự ở Tây Phương,
           Trong Tâm có Phật, Phật Thường là Tâm
                   Dụng Tâm tìm Phật là lầm,
           Quang minh chính đại, Phật Tâm sáng ngời.
                   Nguyện Ngài đắc đạo cao ngôi,
           Công thành quả mãn, cứu đời khổ đau.
                                                                    (Huệ Lộc)

Kính bút
Huệ Lộc
10/12/2018

No comments:

Post a Comment