Sunday, 25 February 2018

(QUÊ MẸ) Hạ viện Hoa Ký quan tâm tới Người Tù vì Lương thức, Tăng Thống Thích Quảng Độ, bị giam giữ lâu năm nhất tại Việt Nam


PARIS, ngày 22.2.2018 (VCHR) – Ngày 30 Tết âm lịch, vào lúc năm cũ giao ban năm mới, Uỷ hội Nhân quyền Tom Lantos đã làm một việc mang đầy ý nghĩa nhân văn là tổ chức cuộc điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ dưới chủ đề « Bảo vệ những Người Tù vì Lương thức – Defending Prisoniers of Conscience », với sự tham gia điều trần của 4 Dân biểu Randy Hultgren (Cộng hoà), James McGovern (Dân chủ), Sheila Jackson Lee (Dân chủ), Alan Lowenthal (Dân chủ), và nhiều tổ chức quốc tế như Ân Xá Quốc tế, Freedom House, Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới, v.v…
 Bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới đưa bức hình Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và nói về trường hợp Ngài bị giam cầm
Bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới đưa bức hình Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và nói về trường hợp Ngài bị giam cầm
Bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới đưa bức hình Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và nói về trường hợp Ngài bị giam cầm

« Bảo vệ những Người Tù vì Lương thức – DPC » là sáng kiến của Uỷ  hội Nhân quyền Tom Lantos tung ra từ năm 2012 nhằm cung cấp hồ sơ những tù nhân vì lương thức bị lãng quên trong thế giới cho các vị dân cử Hoa Kỳ lên tiếng bênh vực trả tự do cho họ. Soi sáng vào các góc tối mà chế độ độc tài che giấu người tù vì lương thức. Thông qua chiến dịch DPC các vị Dân biểu có thể bảo trợ cho một tù nhân trong tiến trình giải phóng họ thông qua công luận.
Chiến dich « Bảo vệ những Người Tù vì Lương thức – DPC » đã mang lại nhiều thành quả, như giúp cho điều kiện giam giữ bớt khắc khe, giảm thiểu án tù, hoặc được trả tự do trước thời hạn.
Tại cuộc Điều trần ở Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ năm 15 tháng 2, Bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịchỦy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo trên Thế giới cầm bức hình Đức Tăng Thống đưa lên cao và nhấn mạnh : « Thật đáng tiếc cho sự kiện vị lãnh đạo Phật giáo, nhà bất dồng chính kiến Thích Quảng Độ vẫn tiếp tục bị quản chế ở Việt Nam, nhà cầm quyền Việt Nam khước từ trả tự do cho ngài ».
Dân biểu liên bang thuộc địa hạt 47 tại tiểu bang California, ông Alan Lowenthal đã đọc tại cuộc Điều trần bức thư Đức Tăng Thống viết cho Dân biểu từ Saigon hôm mồng 2 tháng 2 vừa qua :
 Dân biểu Đảng Dân chủ Alan Lowenthal đọc bức thư bằng Anh ngữ viết từ Saigon của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ
Dân biểu Đảng Dân chủ Alan Lowenthal đọc bức thư bằng Anh ngữ viết từ Saigon của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ
Dân biểu Đảng Dân chủ Alan Lowenthal đọc bức thư bằng Anh ngữ viết từ Saigon của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ

« Kính gửi Ngài Alan Lowenthal
Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ
Washington D.C.
« Saigon, ngày 2 tháng 2 năm 2018
« Dân biểu Lowenthal kính mến,
« Ông Võ Văn Ái, Phát ngôn nhân của Giáo hội chúng tôi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (UBCV), vừa cho tôi biết Dân biểu sẽ điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ về nhân quyền Việt Nam.
« Tôi mừng được tin Hạ viện Hoa Kỳ quan tâm đến nhân quyền tại nước tôi. Gần đây, Việt Nam gia tăng đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự, các tín đồ tôn giáo và các nhà hoạt động nhân quyền trong cuộc leo thang chưa từng thấy. Người Việt chúng tôi không sợ hãi khi phải nói lên sự thật, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng lực lượng công an đông đảo, hệ thống tư pháp bất công, và một mạng lưới nhà tù rộng lớn để bóp miệng những lời kêu cứu chính đáng. Đây là lý do vì sao cuộc Điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ trở nên quan trọng, vì qua đó, tiếng nói của những ai đang đặt hết an ninh của đời sống họ sẽ được vọng âm để biểu đạt chính tư tưởng và tín ngưỡng họ.
« Tôi nói tiếng nói của nạn nhận qua sự trải nghiệm bản thân hơn ba mươi năm bị đàn áp. Hồi tôi 19 tuổi, tôi từng chứng kiến cuộc hành quyết Sư phụ tôi ở miền Bắc. Sau năm 1975, khi Việt Nam thống nhất dưới sự thống trị của Đảng Cộng sản, tôi bị bắt, bị hăm doạ, bị lưu đày về quê quán 10 năm trời, rồi lại bị bắt, bị giam tù, cuối cùng bị quản chế tại Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon vì «tội» cất lời kêu gọi Dân chủ hoá Việt Nam. Từ đó tôi sống mãi trong cảnh quản chế không hề thông qua một sự xét xử nào. Công an theo dõi tôi thường trực, điện thoại tôi bị nghe lén và tôi không được phép tự do đi lại. Thư viết hôm nay gửi đến Dân biểu phải đi qua đường riêng.
« Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (UBCV), mà tôi là Tăng Thống lãnh đạo, không được nhà cầm quyền công nhận, thành viên Giáo hội chúng tôi hằng ngày bị sách nhiễu, bị hăm doạ, đàn áp và bắt bớ. Việt Nam vừa thông qua Luật mới về Tín ngưỡng Tôn giáo và có hiệu lực từ tháng giêng năm nay, nhưng nhà cầm quyền tiếp tục truy bức các cộng đồng tôn giáo độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (UBCV).
« Thế giới ngày nay tập trung vào những dịch vụ, doanh thương và phát triển. Nhưng phát triển kinh tế chỉ bền vững khi xây dựng trên nền tảng dân chủ, tự do và nhân quyền. Tôi trông cậy Dân biểu sẽ làm được điều tối-trọng dưới mái nhà Hạ viện cũng như bên ngoài Quốc hội, là nói lớn và nói rõ sự bảo vệ dân chủ, và giữ vững cuộc đấu tranh giành tự do cho những ai đang bị tước đoạt vì dám ôn hoà nói lên niềm tin và tôn giáo họ.
Trân trọng.
Sa Môn Thích Quảng Độ
Đệ Ngũ Tăng Thống
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất »


Đài Phật giáo Việt Nam đã làm cuộc phỏng vấn Dân biểu Alan Lowenthal về sự kiện điều trần nói trên, xin mời quý thính giả theo dõi.
Ỷ Lan : Thưa Dân biểu Lowenthal, Dân biểu là một trong những tiếng nói ở Hạ viện có trọng lực bênh vưc cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Dân biểu cũng từng viếng thăm Việt Nam. Xin Dân biểu cho biết tình hình nhân quyền hiện tại, và Dân biểu có dự tính gì thay đổi sự trạng ấy ?
Alan Lowenthal : Đúng là tình hình nhân quyền tại Việt Nam không có gì khả quan. Trong vài khía cạnh xem ra tồi tệ, nhưng nhìn trong cách khác, thì nó vẫn xấu như đã lâu. Tôi nhớ lại câu chuyện trước kia, khi Việt Nam tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ chấp nhận cho Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), họ bắt đầu thả một vài tù nhân vì lương thức. Nhưng rồi công chuyện cũng thất bại, hiện nay chúng ta không thấy dấu hiệu nào như vậy. Tại Hạ viện chúng tôi vẫn theo dõi hoàn cảnh giới tù  nhân vì lương thức tại Việt Nam. Vài tù nhân đã được thả — như Mục sư Nguyễn Công Chính được thả trong năm nay sau khi chúng tôi cật lực vận động. Nhưng nhiều tù nhân khác KHÔNG được trả tự do, và chúng tôi đã thêm nhiều tên mới vào danh sách đề nghị Hạ Viện bảo trợ. Tôi đã đề nghị tên Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ vào danh sách này, tôi sẽ nỗ lực hết mình cho sự kiện này xẩy ra.
Ỷ Lan : Dân biểu đã từng gặp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và nhiều nhà bất đồng chính kiến khi đến thăm Việt Nam. Cảm tưởng Dân biểu đối với Hoà thượng như thế nào ? Dân biểu có nghĩ Hoa Kỳ sẽ thành công giải thoát cho Hoà thượng ?
Alain Lowenthal : Chị biết không, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, một vinh dự lớn lao cho tôi được gặp ngài, Đức Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (UBCV) Thật kỳ vĩ, thật đại hạnh. Hiển nhiên việc quản chế kéo dài mấy chục năm trường cho đến nay, khi ngài đã cao tuổi. Chuyện gì mà chính quyền Việt Nam phải sợ ngài đến thế ? Ngài là nhà lãnh đạo tâm linh. Thật xấu hổ cho chính quyền khi đối xử với một nhà lãnh đạo tâm linh như thế. Bây giờ việc của chúng ta là chú tâm vào hoàn cảnh Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ để Hạ viện bảo trợ Hoà thượng như một Tù nhân vì Lương thức. Chúng tôi đã vận động từ thời chính quyền trước qua tới chính quyền hôm nay, tất cả đều biết rõ trường hợp ngài. Nhưng chúng ta phải làm mạnh hơn nữa, và chúng ta sẽ làm mạnh hơn nữa. Bởi vì như tôi đã nói, thật là một vinh dự lớn lao nếu ta thực hiện khi Hoà thượng còn sống. Không còn gì phải nghi ngờ việc Hoà thượng phải được trả tự do. Nếu nhà lãnh đạo tâm linh tối cao này, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (UBCV) được trả tự do, đây sẽ là điều lớn lao kỳ vĩ cho nhân dân Việt Nam. Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ phải đóng vai trò lãnh đạo chuyện này, làm cho nhà cầm quyền Việt Nam hiểu rằng họ phải xem nhân quyền như một vấn nạn. Trả tự do cho Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ là một cam kết đánh lên dấu hiệu công cộng. Họ phải xăn tay làm ngay. Chúng tôi muốn thấy Đại Lão Hoà Hoà thượng Thích Quảng Độ hưởng tự do khi Ngài còn sống, và chúng tôi muốn cho nhân dân Việt Nam thấy được sự đó.
Ỷ Lan : Xin Dân biểu câu hỏi chót, có số người nói rằng không nên “nêu ra rồi chỉ trích” nhân quyền trong những quốc gia như Việt Nam, nếu còn muốn làm ăn với họ. Dân biểu nghĩ sao về kiểu cách suy nghĩ như vậy ?
Alan Lowenthal : Tôi thì nghĩ ngược lại. Lúc này là lúc phải nói lên những điều ấy. Khi muốn làm ăn với một quốc gia, người ta cần nói rõ mình là ai. Một trong những điều cốt lõi của Hoa Kỳ là, Hoa Kỳ hậu thuẫn dân chủ và tự do. Khi có dịp thương thảo với các quốc gia không có những thứ ấy, điều tối quan trọng là Hoa Kỳ phải nói thẳng với các quốc gia này, một cách thẳng thắn và công khai về dân chủ và tự do. Chúng ta không làm như thế thì ai đây dám làm ? Dân chủ rất khó phát triển trong thế giới ngày nay. Tự do tôn giáo là rất khó, tự do biểu đạt và hội họp, tự do phê phán — những quyền này đang bị cướp đi trong thế giới. Hoa Kỳ là xứ sở độc nhất dám đứng thẳng để bảo vệ các tự do ấy. Bởi vì chúng ta thừa hưởng dân chủ. Người dân có mặt ở Hoa kỳ trước chúng ta đã chiến đấu cho những giá trị như thế, và trao lại cho chúng ta. Thật là điều quý báu, quý báu cho điều chúng ta thừa hưởng. Vì thế chúng ta cần chia sẻ với mọi người và yêu cầu người khác cũng chia sẻ như thế. Nếu chúng ta không thẳng lưng đứng lên như thế, chẳng ai khác muốn đứng lên đâu.
Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Alan Lowenthal
Ỷ Lan, Đài Phật giáo Việt Nam tại Paris

No comments:

Post a Comment