Sunday, 24 March 2013

Ba Tổ chức Nhân quyền Quốc tế viết thư gửi Nhà cầm quyền Hà Nội về vụ sách nhiễu pháp lý Ông Lê Công Cầu - Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ lên tiếng phản đối hành động phi pháp của Công an Thừa thiên – Huế đối với Huynh trưởng Lê Công Cầu


THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 22.3.2013


FIDH - OMCT - VCHR

THƯ CHUNG

Kính gửi Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch CHXHCNVN, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng, và ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng CSVN


Paris – Genève, ngày 22.3.2013

V/v Quan ngại về nguy cơ xử án Lãnh đạo Gia Đình Phật tử Việt Nam và Nhà đấu tranh Bảo vệ Nhân quyền Lê Công Cầu

Thưa qúy Ngài,

Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR, Vietnam Committee on Human Rights), Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH, International Federation for Human Rights) và Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn (OMCT, World Organisation Against Torture), kêu gọi chấm dứt việc sách nhiễu pháp lý đối với nhà Lãnh đạo Gia Đình Phật tử Việt Nam mà cũng là nhà đấu tranh Bảo vệ Nhân quyền Lê Công Cầu, Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), là người điều hợp năng nổ các sinh hoạt của GHPGVNTN, kể cả vấn đề nhân quyền tại Thừa Thiên – Huế.


Ông Lê Công Cầu bị công an hăm dọa xử án vì một loạt bài viết đưa lên Internet phê bình các chính sách của nhà cầm quyền vi phạm quyền tự do tôn giáo, cùng những xử lý nhu nhược trong cuộc tranh cãi lãnh thổ với Trung quốc. Ông Cầu bị kết án theo điều 87 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam về “phá hoại chính sách đoàn kết”, và điều 88 “tuyên truyền chống Nhà nước”. Những điều có thể đưa tới án tù từ 15 đến 20 năm.

Hôm 12.3.2013, ông Lê Công Cầu nhận được Giấy Mời của công an đến “làm việc” tại Phường Trường An lúc 8 giờ sáng ngày hôm sau. Trong hai ngày rưởi (từ 13 đến 15.3.2013) ông bị thẩm vấn liên tục. Trước khi thả ông về hôm 15.3, công an tuyên bố họ có “đủ tư liệu để qui kết ông phạm vào hai tội theo điều 87 và 88 của Bộ Luật Hình Sự Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.

Việc bất thường là cuộc thẩm vấn không do công an địa phương mà lại do ông Nguyễn Hữu Chung, nhân viên Công an Tỉnh và hai công an thành phố Huế. Họ bắt đầu cho ông Cầu xem các bài rút từ Internet mà họ nói là “có tính chất nói xấu chế độ, tuyên truyền cho tổ chức bất hợp pháp là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất”.

Đặc biệt, công an tố cáo Lê Công Cầu phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam và kêu gọi cải tổ chính trị; bênh vực cho GHPGVNTN; và chỉ trích Giáo hội Phật giáo Việt Nam là công cụ chính trị của chế độ. Sau khi ông Cầu khẳng định các bài viết đưa ra là do ông viết, ông tuyên bố rằng ông chỉ chính đáng nói lên quyền phát biểu ý kiến được quy định trong Hiến pháp và trong các luật nhân quyền quốc tế. Vì vậy ông chẳng phạm bất cứ tội gì.

Hôm 15.3, ngày thẩm vấn cuối cùng, ông Chung ra lệnh cho ông Cầu viết bản tường trình ghi lại những lời khai công nhận đã viết những bài tố cáo Đảng Cộng sản Việt Nam bán đất bán biển; khuất phục Trung quốc nhưng lại đàn áp nhân dân Việt Nam; đàn áp tôn giáo và đàn áp các nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền; kêu gọi cho dân chủ đa nguyên; dự báo sự sụp đổ sắp sửa của chế độ Cộng sản; và tố cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam là công cụ chính trị của Đảng Cộng sản.

Ông Lê Công Cầu viết bản tường trình, nhưng từ chối các hành xử của ông có tính chất phạm tội. Ông viết vào cuối bản tường trình : “Lý tưởng của tôi, tôi vẫn giữ, việc làm của tôi, tôi vẫn làm, vì những điều tôi làm đã được Hiến Pháp qui định. Những ai ngăn cấm tôi mới là vi phạm Hiến Pháp, tôi không đồng lõa với những ai chà đạp lên Hiến Pháp”. Tuy nhiên công an đã bắt ông Cầu gạch bỏ hai câu này.

Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam lên tiếng đòi lại quyền tự do phát biểu các ý kiến ôn hòa cho ông Lê Công Cầu, là quyền được bảo đảm tại điều 69 trong Hiến pháp Việt Nam, cũng như tại điều 19 trong Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết năm 1982, vốn quy định cho mọi người quyền được “bảo đảm hoàn toàn cho việc tìm kiếm, thu nhận và phổ biến những thông tin và những ý nghĩ bằng bất cứ phương tiện diễn đạt nào, vượt trên mọi biên giới”.

Do đó, chúng tôi yêu cầu chấm dứt tức khắc và vô điều kiện cuộc xét xử và mọi hành động sách nhiễu khác đối với ông Lê Công Cầu, cũng như bảo đảm sự toàn vẹn thân thể và tâm lý ông trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Hy vọng được qúy Ngài lưu tâm.
Trân trọng.

Souhayr Belhassen
Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH)
Gerard Staberock
Tổng Thư ký Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn (OMCT)
Võ Văn Ái
Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR)

Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ
lên tiếng phản đối hành động phi pháp của Công an Thừa thiên – Huế


Thừa Uỷ nhiệm Hòa thượng Quyền Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung ương Gia Đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, Huynh trưởng Trí Hải Ngô Thị Quỳnh Lâm vừa gửi đến Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế bản Kháng Thư về vụ Công an Thừa thiên Huế thẩm vấn phi pháp Huynh trưởng Lê Công Cầu, Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ, Gia Đình Phật tử Việt Nam, thuộc Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).

Bản Kháng thư ký tại thành phố Seatle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, ngày 20.3.2013, để gửi đến các ông : Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Trương Tấn Sang, Chủ tịch CHXHCN Việt Nam, Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Quốc hội CHXHCN Việt Nam, và Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CHXHCN Việt Nam.

Đồng thời cũng gửi tới các ông Nguyễn Hữu Chung, Công an Tỉnh Thừa Thiên, Phúc, Vinh, và Quốc, Công an thành phố Huế, cũng như Công an Phường Trường An.
Sau đây là toàn văn bản Kháng thư :


BI-TRÍ-DŨNG

VĂN PHÒNG II VIỆN HÓA ĐẠOGIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HẢI NGOẠI TẠI HOA KỲTỔNG VỤ THANH NIÊN - GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VỤBAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG

Số: 2013/01/HDTƯ/QTB                             EMAIL:  ttkbhdtuhk@yahoo.com This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it


KHÁNG THƯ

V/v: -Phản đối hành động phi pháp của Công An Tỉnh Thừa Thiên và Thành Phố Huế qua việc bắt người trái phép, tùy tiện triệu tập thường dân để thẩm vấn hỏi cung.
- Cực lực lên án hành động quy chụp buộc tội thường dân một cách phi lý, bất hợp hiến.


Kính gởi :
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch CHXHCN Việt Nam
Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội CHXHCN Việt Nam
Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CHXHCN Việt Nam

Đồng kính gởi:
Ông Nguyễn Hữu Chung, Công an Tỉnh Thừa Thiên
Ông Phúc, Ông Vinh và Ông Quốc, Công an thành phố Huế.
Cấp lãnh đạo Công an Phường Trường An

Thưa quý Ông,

Sau khi đọc qua bản “Cẩn Trình về việc công an mời thẩm vấn” của Anh Lê Công Cầu, Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam gởi Hoà Thượng Thích Thanh Quang, Tổng Vụ Trưởng Tổng vụ Thanh Niên kiêm Tổng Thư ký Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN, đã được Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế phổ biến rộng rãi qua thông cáo báo chí đề ngày 18.3.2013 cũng như nghe bài phỏng vấn anh Lê công Cầu trên Đài Á Châu Tự Do (RFA) của phóng viên Ỷ Lan ngày 19.3.2013, chúng tôi nhận thấy quý vị công an liên can tới vụ việc đã có những sai phạm nghiêm trọng, dẫm đạp lên Hiến pháp CHXHCNVN, bất chấp luật lệ quốc tế mà chính nhà nước CHXHCNVN đã ký và cam kết tôn trọng. Chúng tôi cực lực lên án hành động phi pháp của Công an Tỉnh Thừa Thiên và Thành Phố Huế qua việc công an bắt người tùy tiện, đe dọa đến an nguy của thường dân, vu khống, đặt định và áp chế các tội hình bằng cường quyền nguỵ luận, đặc biệt đối với Anh Lê Công Cầu.

Sau 3 ngày 13, 14 và 15-3-2013 gọi là “làm việc” với công an, nhưng trên thực tế ai cũng biết rằng, “làm việc” là hình thức trấn áp tinh thần, đe dọa đến an nguy của cả tính mạng người bị hỏi cung, như trường hợp Anh Lê Công Cầu. “Làm việc” chính là thẩm vấn, tra gạn, vặn vẹo của bộ công an tỉnh và thành phố Huế, cốt yếu để quy kết tội trạng cho Anh Lê Công Cầu, mà nếu chiếu theo điều 87 và điều 88 của Bộ Luật Hình Sự, có thể sẽ dẫn đến 15, 20 năm tù giam.
Công an không phải là Toà án mà dám ngang nhiên tự thị cưỡng buộc Anh Lê Công Cầu vào hai tội danh mơ hồ là:

1/. Gây chia rẽ sự đoàn kết dân tộc đưa đến mất ổn định xã hội,
2/. Chống phá Đảng Cọng Sản Việt Nam và Nhà Nước CHXHCNVN,

Thưa quý Ông,

Chỉ có ở Việt Nam mới có 2 tội trạng vừa nêu, chứ ở ngoại quốc hoặc bất cứ quốc gia tự do không cộng sản nào, cũng đều không hề nghe qua những điều phi lý trên chứ đừng nói là tội trạng mà được nước CHXHCNVN trang trọng ghi vào cái gọi là “Bộ Luật Hình Sự”.

Nhắc để các ông nhớ rằng Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp Quốc, tham gia ký kết vào Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, thì lẽ tất nhiên, Việt Nam cam đoan bảo vệ và tôn trọng những điều ghi trong ấy. Vì lẽ này, chúng tôi xin trích dẫn vài điều trong đó, có liên quan đến các quyền cơ bản mà công dân một nước ai ai cũng có quyền được hưởng. Đó là quyền được tự do suy tư, tự do phát biểu ý kiến, tự do loan tải, truyền đạt hoặc phát tán thông tin, tư tưởng của mình, dù qua hình thức nói năng hay viết lách, miễn là các quyền cơ bản ấy không mang tính chất bạo động, hoặc làm xâm hại đến quyền cơ bản của người khác hoặc gây rối xã hội.

Các điều ghi trong Bản Tuyên Ngôn toàn thế giới về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, được thông qua và công bố vào ngày 10.12.1948:

Điều 18: Mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ, ý thức và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, và tự do thể hiện tôn giáo hoặc tín ngưỡng dưới hình thức truyền bá, thực hành, thờ phụng hoặc lễ tiết, với tư cách cá nhân hay tập thể, công khai hay riêng tư.

Điều 19: Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới.

Điều 20: Mọi người đều có quyền tự do họp hành và tham gia hiệp hội một cách hòa bình. Không ai bị bắt buộc phải tham gia một hiệp hội nào.

Điều 21: Mọi người đều có quyền tham gia vào chính quyền của nước mình, một cách trực tiếp hay thông qua những đại diện được tự do lựa chọn. Mọi người đều có quyền được hưởng các dịch vụ công cộng của đất nước mình một cách bình đẳng. Ý chí của nhân dân là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền; ý chí này được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và thực sự, theo nguyên tắc bỏ phiếu phổ thông và bình đẳng và được thực hiện qua bỏ phiếu kín hoặc qua các thủ tục bỏ phiếu tự do tương tự.

Do những quyền hạn được đảm bảo bởi Công Ước Quốc Tế về Các quyền dân sự và chính trị, và được ghi lại rành mạch trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế mà Việt Nam là thành viên và tham gia ký kết,

Chúng tôi xét thấy rằng:

* Những bài viết của Anh Lê Công Cầu chỉ là hành động biểu tỏ quyền tự do phát biểu tư tưởng, tham gia vào việc ích quốc lợi dân. Chứng cớ hùng hồn nhất là những lời đối đáp của đương sự khi bị thẩm vấn không hề mang tính chất bạo động, nói ẩu, hay có ý đồ lật đổ chế độ CSVN, mà chỉ là thực thi quyền tự do tư tưởng, quyền bày tỏ của một công dân Việt Nam yêu nước, thẳng thắn nói lên cái thực trạng của quốc gia mình đang sống, hy vọng đem lại sự đổi thay cho lãnh thổ được vẹn toàn, đời sống người dân được bớt khổ.

* Qua sự đối đáp giữa Công an và Anh Lê Công Cầu, lời lẽ và tư cách của Anh Cầu đầy đủ tình lý, sao lại vu chụp là bạo động, đưa đến gây xáo trộn xã hội và chia rẽ dân tộc? Trong các bài viết của Anh Lê Công Cầu cũng thế, có chi để gọi là “tuyên truyền chống phá nhà nước”? Công dân phân tích, chỉ tỏ cái sai trái, yêu cầu đề nghị sửa chữa là chống phá Đảng và Nhà nước ư?

* Những câu trả lời của Anh Lê Công Cầu, hoàn toàn hợp lý lẽ, nằm trong khuôn khổ được quy định bởi Hiến pháp, và hợp với quyền tự do ngôn luận chiếu theo Công ước quốc tế.

Chính những tư tưởng trái nghịch, luôn luôn bào chữa, che giấu, lấp liếm cái sai, cái nhu nhược của chế độ mới đáng liệt vào tội “phản quốc”, hãm hại quê hương, làm khổ lụy đồng bào.
Nhân danh tập thể Đoàn Viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, chúng tôi:

* CỰC LỰC LÊN ÁN hành vi lợi dụng cường quyền để làm những việc vi Hiến, chống trái luật pháp của các cán bộ công an : Công an Phường Trường An, Công an thành phố Huế, và Công an Tỉnh Thừa Thiên qua việc bắt người “làm việc” một cách tùy tiện, tra vấn thẩm cung thường dân và đối xử với thường dân như tội phạm, khiến người dân luôn sống trong phập phồng lo sợ, hoàn toàn vi phạm với những điều luật được ghi trong Hiến pháp quốc gia cũng như Công ước quốc tế.

*YÊU CẦU quý vị lãnh đạo trung ương và Thừa Thiên, Huế nghiêm trị Công an thuộc cấp, giáo dục luật pháp và đạo đức cơ bản cho họ để dân bớt hổ, Nhà nước XHCN bớt xấu.
*YÊU CẦU chấm dứt ngay mọi uy hiếp, đàn áp công dân dưới bất cứ hình thức nào.

Chúng tôi KHẨN THIẾT KÊU GỌI hết thảy các Tổ Chức Nhân Quyền trên thế giới quan tâm và làm việc nhiều hơn nữa với Nhà nước CHXHCNVN để bênh vực, bảo vệ quyền làm người cho tuyệt đại đa số công dân khốn khổ đang sống trên đất Việt, mà quyền cơ bản nhất của họ luôn bị chà đạp và tước đoạt bởi chính chế độ.

Trân trọng chào quý Ông,
Làm tại Seattle, ngày 20.3.2013
Thừa Uỷ nhiệm HT Quyền Trưởng Ban HDTƯ-GĐPTVN tại Hoa Kỳ.
Phó Trưởng Ban Quản Trị & Điều Hành GĐPTVN tại Hoa Kỳ
(ấn ký)
Trí Hải Ngô Thị Quỳnh Lâm
PDF: http://kiwi6.com/file/66avp973fd


Các tổ chức nhân quyền yêu cầu VN

chấm dứt đàn áp ông Lê Công Cầu

Ông Lê Công Cầu (giữa) bị Công an sắc phục và thường phục bao vây không cho vào ChùaGiác Minh ở Đà Nẵng. (Ảnh chụp năm 2012)

Trà Mi-VOA


Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH, Tổ chức Thế giới chống Tra tấn OMCT, và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam ngày 22/3 gửi thư cho giới lãnh đạo cấp cao của chính phủ Hà Nội, yêu cầu chấm dứt sách nhiễu và đàn áp nhà hoạt động tôn giáo Lê Công Cầu ở Thừa Thiên-Huế, Vụ Trưởng Gia Đình Phật Tử thuộc Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức tôn giáo không được nhà nước Việt Nam thừa nhận.


Sau các buổi làm việc liên tục với công an thành phố Huế trong những ngày gần đây, ông Cầu đang bị đe dọa truy tố về tội danh “Gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc” và “Tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 87 và 88 Bộ Luật Hình Sự vì các bài viết kêu gọi đa nguyên đa đảng, chỉ trích Hà Nội vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, và nhu nhược trước sự xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thư ngỏ của 3 tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở tại Châu Âu nhắc nhở chính phủ Việt Nam rằng những hoạt động ôn hòa của ông Cầu là thực thi quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân được quy định trong điều 69 Hiến pháp Việt Nam và được bảo đảm bởi điều 19 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam tự nguyện ký kết từ năm 1982.

Ba tổ chức nhân quyền đồng lên tiếng trong thư yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam ngay lập tức chấm dứt các hành vi đàn áp về thể xác lẫn tinh thần đối với nhà hoạt động Lê Công Cầu để thể hiện thái độ tôn trọng các cam kết nhân quyền với quốc tế.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam, tổ chức đồng ký tên trong thỉnh nguyện thư, nói:

“Yêu cầu chính của chúng tôi là nhà nước Việt Nam phải chấm dứt các hành xử phi pháp đối với huynh trưởng Lê Công Cầu. Anh Cầu hoạt động trong vấn đề giáo dục của Phật giáo, chứ không có tính chất chính trị gì cả. Ba tổ chức quốc tế chúng tôi thấy cần phải lên tiếng bảo vệ anh để Việt Nam không tiến tới việc bắt bớ và đưa ra tòa. Ngoài gửi thư ngỏ cho các vị lãnh đạo cao cấp của nhà nước Việt Nam, chúng tôi cũng đã lập những hồ sơ đưa cho Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vừa bế mạc cuộc họp hôm nay 22/3. Những vị Báo cáo viên Liên hiệp quốc đặc nhiệm vấn đề tự do ngôn luận, tự do tôn giáo đã nhận được hồ sơ của chúng tôi gửi tới và yêu cầu họ can thiệp.”

Ông Ái nói qua cuộc tiếp xúc gần đây với Báo cáo viên Liên hiệp quốc đặc nhiệm về tôn giáo, ông được biết dường như Hà Nội đã đồng ý lời đề nghị của vị Báo cáo viên này muốn sang Việt Nam quan sát tình hình tự do tôn giáo. Tuy nhiên, thời điểm chuyến đi chưa được xác định cụ thể.

Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam cho hay ông đã trao hồ sơ vụ việc của ông Lê Công Cầu và các trường hợp bị sách nhiễu tôn giáo khác tại Việt Nam cho vị đại diện của Liên hiệp quốc vừa kể.

Theo lời ông Lê Công Cầu, trong bản tường trình sau các buổi thẩm vấn của an ninh, ông ghi rõ:

“Lý tưởng của tôi, tôi vẫn giữ, việc làm của tôi, tôi vẫn làm, vì những điều tôi làm đã được Hiến Pháp qui định. Những ai ngăn cấm tôi mới là vi phạm Hiến Pháp, tôi không đồng lõa với những ai chà đạp lên Hiến Pháp”.

Tuy nhiên, vẫn theo lời ông Cầu, lời tường trình của ông đã bị công an yêu cầu gạch bỏ.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới tố cáo Việt Nam ngày càng lạm dụng các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia như điều 79, 87, 88 trong Bộ Luật Hình Sự để hình sự hóa các hoạt động cổ xúy dân chủ ôn hòa và trấn áp những tiếng nói trái với quan điểm của nhà nước hay những ai chỉ trích các chính sách của đảng cộng sản.

Với 31 blogger và các nhà báo công dân hiện bị cầm tù, Việt Nam là nhà tù lớn thứ ba trên thế giới cho cư dân mạng sau Trung Quốc và Oman, theo thống kê của Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF có trụ sở tại Pháp.

Trong 5 năm liên tiếp vừa qua, Việt Nam bị giữ tên trong danh sách “Kẻ thù của Internet” trên thế giới và tiếp tục giữ hạng 172/179 trong bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của RSF.


Xin qúy thính giả vui lòng chú ý Đài Phật giáo Việt Nam thay đổi giờlàn sóng phát về Việt Nam. Xin quý vị tìm nghe tại làn sóng ngắn 31 thước, 9930 Ki lô Hertz từ 19 giờ đến 19 giờ 30 mỗi tối thứ Sáu. Kính mong quý thính giả hoan hỉ viết thư về Đài cho biết tình hình bắt đài có trở ngại, hay khó khăn gì không, để Đài kíp hoàn thiện.

ĐÀI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Chương trình thứ Sáu 22.3.2013 tuần này xin mời Nghe Tiếng nói bất khuất của người Phật tử Việt Nam qua cuộc phỏng vấn Huynh trưởng Lê Công Cầu, dài 21 phút, sau 3 ngày bị Công an Thừa thiên – Huế thẩm vấn & Nghe Bản tin về Thông bạch của Hòa thượng Thích Viên Định khâm tuân Lời kêu gọi hậu thuẫn Dân chủ của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, xin bấm vào dưới đây để nghe, trường hợp không có cơ hội nghe trực tiếp trên Đài Phật giáo Việt Nam phát thanh về trong nước vào lúc 19 giờ (giờ Việt Nam) trên làn sóng sóng ngắn 31 mét 9930 kilô Hertz :
Bấm vào dưới đây để tìm nghe Chương trình thứ sáu này :
Bấm vào đây để thu thanh chương trình này :

Nếu có vấn đề, kính xin thông báo Đài Phật giáo Việt Nam để chúng tôi chỉ dẫn bổ túc. Đài Phật giáo Việt Nam mong được chư Tôn đức, đồng bào Phật tử và đồng bào các giới đón nghe và góp ý để công cuộc truyền thông ngày một thăng.

PTTPGQT

No comments:

Post a Comment